VIÊM THANH QUẢN Viêm thanh quản do trào ngược dạ dày và hướng điều trị
3:02 - 15 December, 2020
Viêm thanh quản do trào ngược dạ dày và hướng điều trị
467 Thích | 111 Share
Với những triệu chứng mờ nhạt, viêm thanh quản do trào ngược thường bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan về bệnh, đồng thời nắm được cách điều trị, quản lý bệnh đúng đắn.
Viêm thanh quản do trào ngược là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản do trào ngược là do axit dạ dày đi ngược vào thực quản và kích thích thanh quản. Điều này có thể gây ra tình trạng sưng, viêm mãn tính ở các dây thanh âm.
Axit dạ dày chứa trong cổ họng và thanh quản có thể gây lên tình trạng kích ứng, tổn thương lâu dài. Nếu không điều trị, nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm thanh quản do trào ngược không điều trị có thể gây ra:
Thu hẹp khu vực bên dưới dây thanh âm
Loét dây thanh âm
Nhiễm trùng tai tái phát liên qua tới chức năng của ống eustachian
Chất lỏng tích tụ lâu dài trong tai giữa
Ở người lớn, tình trạng này không được điều trị có thể dẫn đến:
Đau họng
Ho mãn tính
Rối loạn phổi và hô hấp
Viêm phổi tái phát
Viêm thanh quản kéo dài hoặc tái phát liên tục
Rối loạn khoang miệng
Tăng nguy cơ ung thư thanh quản (hiếm khi)
Làm nặng hơn các bệnh hen suyễn, viêm phế quản và khí phế thũng
Nguyên nhân gây trào ngược thanh quản
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm thanh quản do trào ngược. Bởi lẽ, hệ thống tiêu hóa và dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày nằm gần lồng ngực hơn so với người lớn. Cơ thắt thực quản của trẻ chưa phát triển hết, dẫn tới hoạt động đóng mở không hiệu quả. Từ đó, thức ăn dễ dàng trào ngược lên thực quản.
Trong khi đó, nguyên nhân gây ra viêm thanh quản do trào ngược ở người lớn hiện vẫn chưa được khám phá. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học phát hiện ra rằng người lớn thường bị cảm lạnh hoặc cúm trước khi bị viêm thanh quản do trào ngược. Những bệnh này thường làm cho dây thanh âm nhạy cảm hơn với axit dạ dày.
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm thanh quản do trào ngược dạ dày, nhưng tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở người cao tuổi. Một số đặc điểm cơ thể và lối sống cũng có thể khiến nhiều người có nguy cơ bị mắc tình trạng này cao hơn, bao gồm:
Thường xuyên mặc quần áo bó sát hoặc quá chật
Bị thừa cân
Căng thẳng quá mức
Bị thoát vị khe (hiatal hernia – xảy ra khi một phần dạ dày phình vào trong lồng ngực qua một vùng cơ hoành bị yếu)
Ăn quá nhiều
Uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ ăn nóng, nhiều dầu mỡ và đường
Hút thuốc lá
Dấu hiệu viêm thanh quản do trào ngược
Triệu chứng viêm thanh quản do trào ngược thường không rõ ràng, nó cũng không hoàn toàn giống với các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Triệu chứng ở trẻ em
Các triệu chứng trào ngược im lặng do trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bao gồm:
Khàn tiếng
Tiếng ho ông ổng hoặc ho kéo dài
Lên cơn hen suyễn
Thở to hoặc ngừng thở
Chán ăn, biếng ăn, nhổ đồ ăn
Khó tăng cân
Viêm thanh quản do trào ngược ở trẻ nhỏ thường không đi kèm triệu chứng ợ nóng và khó tiêu. Trẻ bị viêm thanh quản do trào ngược cũng thường không nôn trớ. Nếu trẻ bị nôn trớ hoặc nôn ra máu, nó có thể cảnh báo nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác.
Khi trẻ bị trào ngược axit dẫn đến chứng ợ nóng kéo dài, xảy ra 2 lần/tuần, kéo dài trên 3 tuần, đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đã bị mắc GERD.
Triệu chứng ở người lớn
Khi bị viêm thanh quản do trào ngược dạ dày, người lớn có thể bị ợ nóng, cảm thấy vị đắng trong miệng hoặc cảm giác nóng rát ở phía sau cổ họng. Tuy nhiên, các triệu chứng GERD điển hình này rất ít khi xuất hiện ở viêm thanh quản do trào ngược.
Các triệu chứng viêm thanh quản do trào ngược dạ dày ở người lớn thường khá mờ nhạt và có thể dễ dàng nhầm lẫn với các vấn đề khác. Bởi vậy, nó còn được gọi là cơn trào ngược im lặng. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
Hắng giọng quá mức
Ho dai dẳng
Khàn tiếng
Cảm thấy có một cục dị vật vướng trong họng, không biến mất khi nuốt liên tục.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
Cảm giác chảy dịch mũi sau và có quá nhiều đờm trong họng
Khó nuốt
Khó thở
Đau họng
Chẩn đoán viêm thanh quản do trào ngược
Trào ngược im lặng khó chẩn đoán hơn GERD. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua điều tra tiền sử bệnh, dựa vào các triệu chứng (điển hình nhất là khản tiếng). Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm.
Ở người trưởng thành, nếu gặp các triệu chứng khó chịu kéo dài trong cổ họng (như cảm thấy có gì đó mắc kẹt trong cổ họng), nên đi khám ngay.
Các xét nghiệm có thể được áp dụng bao gồm:
Nội soi
Chụp X-quang thực quản cản quang với Barium
Nội soi thanh quản
Theo dõi pH thông qua đầu dò
Ở trẻ nhỏ có triệu chứng trào ngược im lặng kèm theo các vấn đề hô hấp và rắc rối khi ăn uống khác, cần phải đi khám càng sớm càng tốt. Để lâu, tình trạng này có thể diễn biến xấu và gây ra những biến chứng nghiêm trọng
Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi đường ruột nếu có các triệu chứng liên quan nhất định, chẳng hạn như:
Trẻ chậm lớn (mà không hề bị nôn trớ)
Nuốt khó
Lười ăn, chán ăn
Tâm trạng buồn bã không thể giải thích
Cách điều trị viêm thanh quản do trào ngược
Hầu hết các trường hợp trào ngược im lặng không cần điều trị y tế và có thể được kiểm soát bằng thay đổi lối sống.
Điều trị viêm thanh quản do trào ngược ở trẻ nhỏ
Kể từ 12 tháng tuổi, trẻ sẽ có nguy cơ mắc trào ngược im lặng thấp hơn. Phần lớn trẻ mắc chứng này không cần điều trị bằng thuốc. Cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà cho trẻ như sau:
Cho trẻ ăn ít hơn trong mỗi bữa (hoặc bú ít hơn), nhưng tăng bữa trong ngày
Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong ít nhất 30 phút sau khi bú
Giám sát chặt chẽ các triệu chứng khó khăn khi ăn hoặc thở
Chỉ dùng thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa
Bên cạnh đó, phẫu thuật tăng cường hoặc tái tạo van cơ (cơ co thắt thực quản dưới) có thể cần thiết trong một vài trường hợp đặc biệt.
Chữa viêm thanh quản do trào ngược ở người lớn
Người lớn có thể thực hiện một số điều chỉnh lối sống như sau để quản lý tình trạng trào ngược im lặng:
Duy trì cân nặng lành mạnh
Bỏ hút thuốc, tránh xa khói thuốc lá
Hạn chế đồ uống có cồn
Hạn chế ăn chocolate, bạc hà, chất béo, trái cây có múi (chanh, bưởi), đồ uống có gas, các sản phẩm có vị cay hoặc cà chua, rượu vang đỏ và cafein
Kết thúc bữa ăn ít nhất 2 – 3 tiếng trước khi đi ngủ
Gối cao đầu khi ngủ
Tránh mặc quần áo bó sát, đặt biệt là bó quanh eo
Hãy thử nhai kẹo cao su để tăng nước bọt và trung hòa axit
Hạn chế nói to, nói nhiều hoặc la hét
Nếu thấy khó chịu trong cổ họng, có một số cách khác để làm sạch cổ họng ít gây hại hơn, bao gồm:
Thay vì ho, hãy hít sâu, thở mạnh ra
Uống một ngụm nước
Trong nhiều trường hợp, người bệnh cũng có thể cần dùng một hoặc nhiều loại thuốc như:
Các chất ức chế bơm proton (PPI): Rabeprazole (Aciphex ), Dexlansoprazole (Dexilant ), Esomeprazole (Nexium ), Lansoprazole (Prevacid ), Omeprazole (Prilosec), hoặc Omeprazole và Natri bicarbonate (Zegerid) để giảm axit dạ dày.
Thuốc chẹn H2 như Nizatidine (Nizatidine), Famotidine (Pepcid ), Cimetidine (Tagamet) hoặc Ranitidine (Zantac) để giảm axit dạ dày.
Thuốc cường động (Prokinetic): Để tăng chuyển động về phía trước của đường GI và tăng áp lực của cơ thắt thực quản dưới. Thuốc này ít được sử dụng, bởi vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với nhịp tim và gây tiêu chảy.
Sucralfate: Giúp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương.
Thuốc kháng axit: Giúp trung hòa axit.
Một số người đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc tại nhà và dùng thuốc. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn cần được điều trị tích cực và lâu dài hơn. Nếu điều này không hiệu quả hoặc nếu các triệu chứng tái phát, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Các phẫu thuật thường gặp bao gồm:
Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (Fundoplication): Bác sĩ sẽ rạch một đường dài trong dạ dày rồi tiếp cận đến thực quản, giúp thắt chặt và củng cố cơ vòng thực quản dưới.
Phẫu thuật nội soi xuyên miệng (TIF): Được tiến hành nếu như phẫu thuật mở khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản không phù hợp với người bệnh. Không cần phải rạch bất kỳ vết mổ nào trên cơ thể.
Thủ thuật Stretta: Được thực hiện với một ống nội soi mỏng, linh hoạt có thể luồn vào bên trong thực quản.
Phương pháp khâu nội soi (Bard EndoCinch): Thực hiện các mũi khâu nội soi để tạo thành nếp gấp giúp củng cố cơ vòng dưới thực quản.
Phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới (Linx): Đặt vòng tròn có chứa các hạt titan nhỏ có từ tính, quấn quanh cơ vòng thực quản dưới để củng cố cơ này.
Cách phòng ngừa viêm thanh quản do trào ngược
Có thể ngăn ngừa trào ngược axit lên thanh quản bằng các thay đổi trong lối sống.
Bạn nên tránh những điều sau:
Thực phẩm có tính axit
Thực phẩm cay, nóng và nhiều chất béo
Rượu bia
Thuốc lá
Đồ uống có chứa cafein (trà, cà phê, soda, chocolate…)
Bạc hà hoặc thực phẩm có vị bạc hà
Những điều khác bạn có thể làm để giúp ngăn chặn trào ngược im lặng:
Mặc trang phục rộng rãi
Quản lý căng thẳng bằng thiền, yoga, tập thể dục thể thao
Giảm cân
Không nằm ngay sau khi ăn
Tóm lại, điều trị viêm thanh quản do trào ngược không quá khó. Điều bạn nên thực hiện là duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lối sống lành mạnh. Ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường về cổ họng và giọng nói, hãy đi khám ngay.