Viêm đại tràng ở trẻ em – Nguyên nhân, cách trị cần biết

Viêm đại tràng ở trẻ em thường không phổ biến nhưng có thể phát triển thành mãn tính và kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Bé bị viêm đại tràng cần được điều trị phù hợp để tránh các biến chứng không mong muốn.

Biểu hiện bệnh đại tràng ở trẻ em
Viêm đại tràng ở trẻ em có thể phát triển thành mãn tính và gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Trẻ em có bị viêm đại tràng không?

Viêm đại tràng là tình trạng viêm ở đại tràng (hay còn gọi là ruột già), có thể gây sưng, chảy máu cũng như dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy thường xuyên. Các triệu chứng viêm đại tràng thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là ở trẻ em.

Tương tự như ở người trưởng thành, trẻ em cũng có thể bị viêm đại tràng. Các triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em thường khó nhận biết và có điều trị. Trong hầu hết các trường hợp bé bị viêm đại tràng thường phát triển thành mãn tính, trừ khi phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ ruột kết.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị nhưng bác sĩ có thể đề nghị nhiều biện pháp cải thiện tình trạng viêm đại tràng ở trẻ em. Các phương pháp điều trị thường khác biệt so với viêm đại tràng ở người lớn.

Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng ở trẻ em

Theo các thống kê, có khoảng 15 – 20% các trường hợp viêm đại tràng phát triển ở trẻ em và thường là trên 10 tuổi. Các triệu chứng có thể từ trung bình đến nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số trẻ cũng có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nhận biết nào cho đến khi các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng.

Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Thiếu máu do mất máu hoặc rò rỉ máu vào phần
  • Tiêu chảy, có thể kèm theo một lượng máu vừa phải
  • Suy dinh dưỡng, ốm yếu, nhẹ cân, bởi vì ruột không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng
  • Thường xuyên mệt mỏi, không muốn vận động
  • Chảy máu từ trực tràng
  • Đau dạ dày
  • Sụt cân mà không rõ lý do
Rối loạn viêm đại tràng ở trẻ em
Viêm đại tràng ở trẻ em có thể gây đau dạ dày hoặc tiêu chảy thường xuyên

Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm đại tràng ở trẻ em có thể dẫn đến các triệu chứng không liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Cụ thể, các dấu hiệu liên quan có thể bao gồm:

  • Viêm mắt
  • Đau khớp hoặc viêm khớp
  • Xương giòn, dễ gãy hoặc có dấu hiệu loãng xương
  • Rối loạn chức năng gan
  • Nổi mề đay
  • Tổn thương bề mặt da

Các triệu chứng này có thể khiến tình trạng viêm đại tràng ở trẻ em trở nên khó đoán. Bên cạnh đó, các triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý tiềm ẩn khác. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

Ngoài ra, bên cạnh các triệu chứng ảnh hưởng đến cơ thể, bé bị viêm đại tràng có thể gặp một số dấu hiệu tâm lý như:

  • Tâm trạng không ổn định, thường xuyên mơ hồ, không rõ ràng
  • Dễ nổi giận, la hét, phẫn nộ
  • Dễ bị tổn thương, thất vọng, buồn bã

Nguyên nhân gây viêm đại tràng ở trẻ em

Hiện tại, các bác sĩ không biết nguyên nhân khiến bé bị viêm đại tràng. Tuy nhiên, một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

trẻ em có bị viêm đại tràng không
Rối loạn cảm xúc có thể làm tăng nguy cơ viêm đại tràng ở trẻ em
  • Di truyền: Có khoảng 20% các trường hợp viêm đại tràng ở trẻ có thể liên quan đến di truyền và thường phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi.
  • Nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus: Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm trùng đường ruột và dẫn đến các triệu chứng viêm đại tràng như tiêu chảy, buồn nôn hoặc đau dạ dày.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, thức ăn nấu chín không kỹ hoặc thói quen bắt trẻ ăn quá nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm đại tràng ở trẻ.
  • Rối loạn cảm xúc: Trẻ em trầm cảm, rối loạn cảm xúc hoặc phát triển trong môi trường lệch lạc thường có nguy cơ rối loạn tiêu hóa cao. Điều này có thể là nguyên nhân gián tiếp gây viêm đại tràng ở trẻ.

Ngoài ra, một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc dị tật đường tiêu hóa có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị viêm đại tràng.

Biện pháp chẩn đoán viêm đại tràng ở trẻ em

Hiện tại không có biện pháp cụ thể được sử dụng để chẩn đoán viêm đại tràng. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để loại trừ các bệnh lý liên quan có triệu chứng tương tự như viêm loét đại tràng.

Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe và yêu cầu tiền sử bệnh lý của trẻ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm liên quan như:

thuốc đại tràng cho trẻ em
Đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp
  • Xét nghiệm mẫu phân: Sự hiện diện của vi khuẩn bất thường trong đường tiêu hóa có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy và một số vấn đề liên quan khác bao gồm viêm đại tràng.
  • Nội soi thực quản: Đây là một thủ thuật cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng của người bệnh để kiểm tra các triệu chứng liên quan. Ngoài ra, nội soi cũng có thể lấy một mẫu mô nhỏ ở đường tiêu hóa để tiến hành kiểm tra ở phòng thí nghiệm.
  • Nội soi đại tràng: Thủ thuật này có thể hỗ trợ kiểm tra các mô bất thường bên trong dạ dày, các mô bị viêm, loét và chảy máu. Ngoài ra, việc chèn ống nội soi vào đại tràng cũng có thể quan sát niêm mạc đại tràng, loại bỏ một số mẫu mô và điều trị các vấn đề phát sinh.
  • Sinh thiết: Thông qua nội soi bác sĩ có thể lấy một mẫu mô ở đại tràng và tiến hành kiểm tra các dấu hiệu bệnh ở kính hiển vi.
  • Chụp X – quang có chất cản quang: Thủ thuật này có thể kiểm tra các vùng bụng hẹp, có vật cản (tắc nghẽn ruột) hoặc các vấn đề liên quan khác.

Điều trị viêm loét đại tràng ở trẻ em

Việc điều trị viêm loét đại tràng ở trẻ em phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này nhưng cha mẹ có thể tiến hành nhiều biện pháp cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Một số biện pháp điều trị viêm đại tràng ở trẻ em bao gồm:

1. Thuốc đại tràng cho trẻ em

Biện pháp điều trị chính cho viêm đại tràng ở trẻ em là sử dụng thuốc. Thuốc có thể hỗ trợ chống viêm, làm lành các mô bị tổn thương và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra. Các loại thuốc điều trị viêm đại tràng cho trẻ em thường bao gồm:

bé bị viêm đại tràng
Sử dụng thuốc cho bé bị viêm đại tràng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
  • 5 – Aminosalicylic acid (5-ASA): Dùng thông qua đường uống hoặc đường trực tràng để giảm viêm trong các trường hợp nhẹ và trung bình.
  • Corticosteroid: Sử dụng qua đường uống, trực tràng hoặc tiêm tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng giảm viêm nhanh chóng trong các trường hợp viêm đại tràng trung bình đến nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng thông qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm lượng vi khuẩn đường ruột, ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và điều trị nhiễm trùng.
  • Thuốc điều hòa hệ thống miễn dịch: Sử dụng thông qua đường uống hoặc tiêm để làm suy yếu hoặc ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Tác dụng phổ biến là giảm viêm và ngăn ngừa các tổn thương đến hệ thống tiêu hóa.
  • Thuốc sinh học: Được sử dụng thông qua đường tiêm tĩnh mạch để ngăn chặn các phản ứng viêm trong các trường hợp trung bình đến nghiêm trọng.

2. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Không có chế độ ăn kiêng dành riêng cho bé bị viêm đại tràng. Tuy nhiên một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong khi một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Do đó, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp có thể góp phần cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em. Một chế độ ăn ít các chất xơ có thể hạn chế lượng chất thải mỗi ngày và giúp trẻ ít đi vệ sinh hơn. Điều này có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ.

Nếu trẻ không thể ăn một chế độ ăn uống cân bằng, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung các loại Canxi, Axit Folic và vitamin B12 để cải thiện các triệu chứng.

Một số loại thực phẩm cần tránh khi bé bị viêm đại tràng:

  • Đồ uống có gas
  • Các sản phẩm sữa, đặc biệt là khi trẻ không dung nạp sữa
  • Các loại đậu
  • Trái cây sấy khô
  • Thực phẩm có chứa lưu huỳnh
  • Thịt
  • Các loại thực phẩm giàu chất xơ
  • Các loại hạt
  • Bắp rang bơ
  • Sản phẩm có chứa Sorbitol
  • Trái cây và rau sống
  • Đường tinh luyện
  • Thức ăn cay
viêm đại tràng ở trẻ em
Thay đổi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ điều trị tình trạng bé bị viêm đại tràng

Các loại thực phẩm nên bổ sung khi bị viêm đại tràng:

  • Chất dinh dưỡng và chất béo lành mạnh có thể chống lại sự kích thích và viêm sưng trong đường ruột. Các loại thực phẩm nên bổ sung bao gồm: Quả óc chó, lòng đỏ trứng, dầu dừa, dầu ô liu. Tuy nhiên không nên lạm dụng các chất béo này, bởi vì có một số bằng chứng cho biết sử dụng quá mức một số chất có thể tăng nguy cơ bị viêm.
  • Axit béo Omega – 3 có chứa hoạt chất gọi là Eicosapentaenoic Acid. Hoạt chất này có thể chống viêm và cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em. Omega – 3 thường có trong các loại cá béo (cá thu, cá hồi, cá tuyết, các trích), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành và các loại thịt từ động vật ăn cỏ (hoặc được nuôi bằng cỏ).
  • Sữa chua có thể tăng cường vi khuẩn có lợi trong đường ruột, hỗ trợ giảm viêm và cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em.

3. Phẫu thuật điều trị viêm loét đại tràng

Trong một số trường hợp, thuốc và thay đổi chế độ dinh dưỡng không thể cải thiện các triệu chứng. Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị viêm đại tràng để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi các biện pháp nội khoa không mang lại hiệu quả điều trị.

Có nhiều lựa chọn phẫu thuật điều trị viêm đại tràng ở trẻ em, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng: Bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ toàn bộ trực tràng (bao gồm trực tràng và đại tràng). Sau đó tiến hành tạo một lỗ nhỏ ở thành bụng, ở đâu ruột non. Phân sẽ được thải qua túi này và chứa trong một túi nhỏ đeo bên hông.
  • Phẫu thuật cắt hồi tràng: Đôi khi bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đại tràng bị bệnh và bảo tồn các cơ quan khỏe mạnh. Hồi tràng sau đó sẽ được gắn vào bên trong trực tràng tạo thành một túi chứa chất thải. Điều này cho phép phân đi qua hậu môn bình thường, mặc dù nhu động ruột có thể xảy ra thường xuyên và nhiều hơn bình thường.

Viêm loét đại tràng ở trẻ em là một bệnh lý mãn tính và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ em có thể gặp nhiều vấn đề về cảm xúc, thể chất cũng như các mối quan hệ xã hội. Do đó, cha mẹ nên có biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng phù hợp.

Lưu ý khi điều trị viêm đại tràng ở trẻ em

Hiện tại không có biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa cụ thể cho bệnh viêm loét đại tràng ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tham khảo một số lưu ý phổ biến như:

  • Điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào độ tuổi, lịch sử y tế và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, tránh các loại thức ăn nhiều chất xơ và có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì các bữa ăn lớn. Một số trẻ có thể cảm thấy thoải mái khi ăn 5 – 6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn.
  • Uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc hoặc nước trái cây, đặc biệt là khi trẻ bị tiêu chảy.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giảm căng thẳng, trầm cảm và hỗ trợ bình thường hóa các chức năng ruột. Trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn xây dựng một chế độ luyện tập phù hợp.
  • Thư giãn và luyện tập hít thở cũng được cho là một cách hiệu quả để điều trị viêm đại tràng. Các bài tập yoga hoặc thiền định có thể giúp trẻ thư giãn và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng.

Viêm đại tràng ở trẻ em thường khó chẩn đoán và điều trị hơn ở người lớn. Tuy nhiên, việc điều trị là cần thiết để kiểm soát các triệu chứng và tránh các rủi ro không mong muốn. Nếu cảm thấy lo lắng về các triệu chứng, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc bé bị viêm đại tràng.