Phồng đĩa đệm (phình, lồi) có nguy hiểm và chữa được không?

Phồng đĩa đệm là tổn thương cột sống phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Mặc dù không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng nhưng tình trạng này có thể gây đau, khó chịu ở vị trí bị ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.

phồng đĩa đệm cột sống thắt lưng
Phồng đĩa đệm có thể gây đau đớn và khó chịu ở khu vực bị ảnh hưởng

Phồng đĩa đệm là gì?

Giữa mỗi đốt sống là các đĩa đệm chứa các chất nhầy hỗ trợ chống sốc, giảm ma sát và giúp cột sống di chuyển linh hoạt. Khi bị tổn thương hoặc hao mòn theo tự nhiên, các đĩa đệm có thể phồng ra và gây áp lực lên ống sống. Đĩa đệm phình thường nghiêng hẳn về một bên (trái hoặc phải). Điều này khiến người bị phồng đĩa đệm thường bị đau hoặc ngứa ran ở một bên cơ thể.

Phồng đĩa đệm có thể liên quan đến các chấn thương cột sống hoặc liên quan đến một số bệnh lý tương tự. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cột sống thắt lưng (thường là lưng dưới), cột sống ngực (vùng ức và ở giữa xương sườn) hoặc cột sống cổ.

Thông thường phồng đĩa đệm có thể không đau hoặc đau âm ỉ và ngứa ran ở khu vực bị ảnh hưởng. Nếu không được điều trị hoặc chăm sóc phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, các đĩa đệm bị phồng cũng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh, dẫn đến khó chịu kéo dài, trong một số trường hợp có thể gây đau dữ dội và mãn tính.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phồng đĩa đệm

Đĩa đệm cột sống chịu trách nhiệm chịu lực và ma sát, do đó rất dễ hao mòn theo thời gian. Khi cơ thể lão hóa, đĩa đệm bắt đầu thoái hóa và suy yếu. Bệnh thoái hóa đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến nhất gây phồng đĩa đệm, ngoài ra cũng làm tăng nguy cơ viêm xương khớp ở cột sống.

nguyên nhân phồng đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm theo thời gian là nguyên nhân chính gây phình lồi đĩa đệm

Bên cạnh đó, một số hoạt động hàng ngày hoặc các tác động từ bên ngoài cơ thể có thể làm tăng nguy cơ phình đĩa đệm. Cụ thể, các yếu tố nguy cơ phổ biến thường bao gồm:

  • Tư thế xấu: Các tư thế thiếu khoa học có thể gây áp lực lên cột sống và khiến các đĩa đệm hao mòn nhanh hơn. Các tư thế không đúng khi ngồi máy tính, chơi thể thao hoặc nâng vật nặng không đúng cách trong thời gian dài có thể dẫn đến phình đĩa đệm.
  • Tính chất nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp và hoạt động liên quan đến việc nâng, uốn và xoắn cột sống lặp đi lặp lại có thể làm hao mòn đĩa đệm cột sống và tăng nguy cơ phồng đĩa đệm.
  • Thừa cân: Trọng lượng cơ thể có thể làm tăng áp lực lên cột sống và các cơ nâng đỡ. Điều này tăng nguy cơ thoái hóa khớp, mắc các bệnh về khớp và phồng lồi các đĩa đệm.
  • Hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng tốc quá trình thoái hóa, tăng nguy cơ phồng đĩa đệm phình và dẫn đến nhiều vấn đề về cột sống khác.
  • Thiếu vận động: Không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên hoặc thiếu vận động cổ sống có thể dẫn đến thoái hóa đĩa đệm và tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Chấn thương: Chấn thương hoặc tổn thương cột sống do tai nạn và các hoạt động thể thao có thể gây phồng đĩa đệm hoặc khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng phồng lồi đĩa đệm

Các triệu chứng phình đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí tổn thương. Đĩa đệm có thể bị phình dọc theo bất kỳ phần nào của cột sống. Phồng đĩa đệm cột sống thắt lưng, cột sống ngực và cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm vị trí liên kết với các dây thần kinh bị ảnh hưởng.

phồng đĩa đệm có nguy hiểm không
Phình đĩa đệm có thể gây đau đớn và khó chịu ở khu vực bị ảnh hưởng

Dấu hiệu và triệu chứng phồng đĩa đệm cổ (phồng đĩa đệm cột sống cổ) bao gồm:

  • Đau cổ
  • Đau vai
  • Đau nhói, tê và yếu ở cánh tay, bàn tay hoặc các ngón tay

Dấu hiệu và triệu chứng phình đĩa đệm cột sống ngực (lưng trên):

  •  Đau lưng trên(dưới bả vai)
  • Cơn đau có thể lan tỏa đến ngực, đôi khi có thể bị nhầm lẫn thành các vấn đề đau thượng vị hoặc bệnh lý về tim hoặc phổi
  • Đau lan tỏa đến dạ dày, có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như các vấn đề về đường tiêu hóa, đau dạ dày

Các triệu chứng phồng đĩa đệm cột sống thắt lưng (lưng dưới):

  • Đau lưng dưới
  • Đau lan tỏa đến hông, mông hoặc xuống chân
  • Đau nhói, tê và yếu ở chân hoặc các ngón chân
  • Co thắt cơ bắp

Phồng đĩa đệm có chữa khỏi được không?

Phồng đĩa đệm là một tình trạng tương đối phổ biến và có thể tự khỏi ngay cả khi không điều trị. Mặc dù các biện pháp điều trị có thể hỗ trợ phục hồi và tăng tốc độ hồi phục các đĩa đệm những, hầu hết các trường hợp phòng đĩa đệm nhẹ có thể lành tự nhiên và có thể không cần điều trị.

Trong hầu hết các trường hợp, phình lồi đĩa đệm mất khoảng vài tuần để tự cải thiện. Người bệnh có thể cảm nhận cơn đau và khó chịu trong suốt 6 tuần, hoặc đôi khi lâu hơn. Sau thời gian này các đĩa đệm hầu như phục hồi chức năng, cải thiện các chấn thương và không dẫn đến các cơn đau.

Tuy nhiên, các cơn đau nghiêm trọng hoặc mãn tính nên được điều trị và chăm sóc phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạn chế nguy cơ phát triển thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, nếu tình trạng phồng đĩa đệm diễn ra kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng như cứng khớp, mất khả năng chuyển động, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Phồng đĩa đệm có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, lồi phình đĩa đệm không nguy hiểm và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm khi xảy ra, phồng đĩa đệm có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng, bao gồm:

phồng đĩa đệm có chữa khỏi được không
Nếu không được điều trị phù hợp phình đĩa đệm có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm
  • Đau cột sống: Tình trạng lồi phồng ở các đĩa đệm có thể gây đau cột sống, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm và thoái hóa khớp.
  • Mất chức năng bàng quang hoặc ruột: Đôi khi phồng đĩa đệm có thể gây mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang. Đây được xem là tình trạng nghiêm trọng, khẩn cấp và người bệnh cần nhập viện phẫu thuật ngay lập tức. Một số vị trí đĩa đệm bị phồng có thể ảnh hưởng đến thần kinh liên quan đến bàng quang hoặc ruột và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Yếu cơ bắp: Trong một số trường hợp, phồng đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến các cơ bắp ở chân và tay. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra nếu nhận thấy mất sức mạnh ở tay hoặc chân.
  • Giảm hoặc thay đổi xúc giác: Các vị trí phình đĩa đệm nhẹ có thể gây mất khả năng cảm nhận khi tiếp xúc hoặc chạm vào một vật nào đó. Điều này có thể dẫn đến có tình trạng nghiêm trọng, bao gồm không cảm nhận được cơn đau (khi bị tổn thương, trầy xước) hoặc cảm giác nóng lạnh và gây nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, đến bệnh viện nếu nhận thấy mất cảm giác ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
  • Đau đớn: Đau thường phổ biến ở chân (đau dây thần kinh tọa) hoặc đau cánh tay và gây ảnh hưởng đến một số hoạt động thông thường. Bên cạnh đó, các cơn đau có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng ngoài cột sống, do đó người bệnh nên đến bệnh viện để thực hiện chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Các biện pháp điều trị phình đĩa đệm

Hầu hết các trường hợp phồng lồi đĩa đệm không cần điều trị và có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để hỗ trợ giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp hỗ trợ hồi phục như:

1. Biện pháp điều trị bảo tồn

Điều trị lồi phình đĩa đệm thường bao gồm thuốc giảm đau và các biện pháp không xâm lấn. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp của các biện pháp điều trị để cải thiện các cơn đau. Các biện pháp điều trị phồng lồi đĩa đệm phổ biến bao gồm:

phồng đĩa đệm cổ
Điều trị phình đĩa đệm theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên môn
  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau và viêm từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, các loại kem và thuốc mỡ sử dụng tại chỗ có thể giảm đau và cứng cơ.
  • Thuốc giảm đau theo toa: Được chỉ định khi các loại thuốc giảm đau không theo toa không mang lại hiệu quả điều trị. Thuốc giảm đau theo toa có tác dụng mạnh và sử dụng tạm thời để hỗ trợ giảm đau. Các loại thuốc này có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó không tự ý thay đổi liều lượng để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Thuốc giãn cơ: Bác sĩ có thể kê toa thuốc giãn cơ nếu người bệnh gặp tình trạng co thắt cơ khi các đĩa đệm phình ra.
  • Tiêm Corticosteroid: Thuốc steroid, đôi khi được kết hợp với các chất gây tê, có thể được tiêm trực tiếp vào vị trí bị ảnh hưởng ở cột sống để giảm viêm và đau tạm thời.

Ngoài ra, một số liệu pháp không dùng thuốc có thể được chỉ định phối hợp điều trị như:

  • Chườm nóng hoặc lạnh: Có tác dụng giúp giảm đau và viêm tại khu vực bị ảnh hưởng.
  • Vật lý trị liệu: Trao đổi với một nhà trị liệu vật lý để được hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ bắp xung quanh cột sống. Các bài tập kéo giãn cũng có thể được sử dụng để giúp giảm áp lực lên cột sống, tăng tính linh hoạt và cải thiện khả năng vận động của người bệnh.

2. Phẫu thuật phồng đĩa đệm cột sống

Phẫu thuật đôi khi được chỉ định khi các cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn. Ngoài ra, trong các trường hợp khẩn cấp (như mất kiểm soát bàng quang và ruột) hoặc chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng cần được phẫu thuật ngay lập tức.

Bên cạnh đó, các triệu chứng kéo dài hơn sáu tháng có thể cần phẫu thuật để điều trị đau lưng và đau thần kinh tọa. Trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và lợi ích trước khi thực hiện phẫu thuật điều trị.

Phồng đĩa đệm là giai đoạn đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm. Nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống liên quan khác. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng phình lồi đĩa đệm, người bệnh nên đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra và điều trị phù hợp.