Mẹo chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không cực dễ

Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không là phương pháp có nguồn gốc từ dân gian và được áp dụng tương đối phổ biến. Mẹo chữa này tận dụng dược tính tự nhiên của thảo dược nhằm giảm viêm, làm mềm da, sát trùng, cải thiện ngứa ngáy và ngăn ngừa viêm nhiễm. 

chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không là phương pháp điều trị có nguồn gốc từ dân gian

Công dụng chữa viêm da cơ địa của lá trầu không

Lá trầu không (trầu cay) là vị thuốc nam quen thuộc đối với người Việt. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, thảo dược này có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng hành khí, tiêu viêm và chống ngứa. Với đặc tính dược lý đa dạng, từ lâu trầu không đã được tận dụng để chữa các bệnh lý thường gặp như rôm sảy, mề đay mẩn ngứa và viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có thể khiến da viêm đỏ, dày sừng, sần sùi và ngứa ngáy kéo dài. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, nhân dân còn tận dụng lá trầu không để giảm tổn thương da và cải thiện một số triệu chứng cơ năng như nóng rát, đau và ngứa ngáy.

Tác dụng của thảo dược này không chỉ được lưu truyền trong phạm vi nhân dân mà còn được chứng minh trên cơ sở khoa học. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại, các nhà khoa học nhận thấy thảo dược này chứa một số thành phần tốt cho da như Estragol, Menthol và Chavicol. Do đó, sử dùng lá trầu chữa viêm da cơ địa có thể giảm ngứa, tiêu viêm và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm.

Hướng dẫn 5 cách dùng lá trầu không chữa viêm da cơ địa

Dân gian lưu truyền nhiều cách sử dụng lá trầu không chữa viêm da cơ địa như ngâm rửa, nấu nước tắm hoặc phối hợp với các thảo dược khác như muối, lá khế, gừng,…

1. Ngâm rửa với lá trầu không giảm ngứa do viêm da cơ địa

Ngứa là triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa và các thể chàm – eczema khác. Ngứa ngáy kéo dài không chỉ gây khó chịu, bứt rứt, mất ngủ và mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa bội nhiễm, viêm da thần kinh và khiến tổn thương da lan tỏa rộng.

Để làm giảm triệu chứng này và hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng đỏ do viêm da cơ địa gây ra, bạn có thể ngâm rửa da với nước lá trầu không. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp làm mềm da, loại bỏ tế bào chết và khắc phục tình trạng dày sừng.

chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Ngâm rửa với lá trầu giúp làm mềm da, giảm dày sừng, thâm nhiễm và cải thiện mức độ ngứa ngáy

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 5 – 7 lá trầu không
  • Rửa sạch với nước muối pha loãng, sau đó để ráo và vò xát nhẹ
  • Đun sôi khoảng 1 – 1.5 lít nước và cho lá trầu vào
  • Đun thêm khoảng 10 phút, tắt bếp và đổ ra thau
  • Hòa thêm 1 ít nước lạnh vào
  • Sau đó ngâm rửa tay với nước trầu không, có thể dùng lá trầu chà xát nhẹ lên da để giảm ngứa và viêm đỏ

Nên áp dụng mẹo ngâm rửa với lá trầu không vào buổi tối để hạn chế tình trạng ngứa ngáy khởi phát mạnh vào ban đêm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện mẹo chữa này ngay khi cơn ngứa và các triệu chứng khác bùng phát.

2. Chữa viêm da cơ địa bằng cách tắm lá trầu không

Trong trường hợp viêm da cơ địa xảy ra trên diện rộng, bạn có thể giảm ngứa, tiêu viêm và cải thiện tổn thương da bằng cách tắm lá trầu không. Biện pháp này tận dụng đặc tính tự nhiên của thảo dược để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa.

Ngoài ra, tắm lá trầu không còn làm se vết thương, ngăn ngừa viêm nhiễm, làm sạch da và hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu khác như mề đay mẩn ngứa, rôm sảy, phát ban,…

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 1 nắm lá trầu không và để ráo nước
  • Đun sôi 2 – 3 lít nước, sau đó vò xát lá trầu và cho vào nồi
  • Đun thêm 5 – 10 phút và tắt bếp
  • Đổ nước ra thau và hòa thêm 1 ít nước lạnh
  • Dùng nước tắm để làm sạch cơ thể, giảm viêm đỏ và ngứa ngáy do viêm da cơ địa gây ra

Lưu ý: Tắm nước quá nóng có thể khiến da khô, kích ứng và ngứa ngáy dữ dội. Vì vậy, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp.

3. Dùng dịch ép từ lá trầu và muối biển

Thoa dịch ép từ lá trầu và muối biển có tác dụng giảm ngứa ngáy, tiêu viêm, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Mẹo chữa này thích hợp với những trường hợp bị viêm da cơ địa khu trú ở tay hoặc chân.

So với các vùng da khác, vùng da tay và chân có tần suất tiếp xúc thường xuyên nên triệu chứng ngứa có xu hướng kéo dài, dai dẳng,… Bên cạnh đó, tổn thương da mãn tính còn tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và gây ra các vấn đề da liễu như nấm móng, nấm da.

Áp dụng mẹo chữa từ dịch ép lá trầu không và muối biển thường xuyên có thể ngăn ngừa viêm nhiễm, sát trùng và hạn chế tình trạng nhiễm nấm.

chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Dùng dịch ép từ lá trầu và muối biển giúp giảm ngứa và ngăn ngừa sự xâm nhập của vi nấm

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 2 lá trầu không, cắt nhỏ và để ráo nước
  • Sau đó giã nát lá trầu và vắt lấy nước
  • Thêm 100ml nước lọc vào và cho vào 1 ít muối hạt
  • Khuấy đều để hỗn dịch hòa tan hoàn toàn
  • Làm sạch vùng da cần điều trị và thoa hỗn dịch lên da
  • Để trong khoảng 5 phút, sau đó thoa thêm 2 – 3 lớp
  • Lưu lại trên da 15 phút và rửa sạch với nước ấm

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng mẹo chữa này để trị các vấn đề da liễu do nấm như lang ben, hắc lào, nấm móng,…

4. Kết hợp lá trầu không và lá khế

Lá trầu không có vị cay nồng nên có thể gây nóng rát và xót da khi sử dụng. Vì vậy, nhân dân thường phối hợp với lá khế để làm giảm mức độ kích ứng và tăng tác dụng điều trị viêm da cơ địa.

Lá khế có vị se, chua, tính bình, tác dụng tiêu viêm, làm dịu da và giảm ngứa. Phối hợp lá khế với trầu không giúp dứt nhanh cơn ngứa, giảm tình trạng viêm đỏ, dày sừng và nứt nẻ ở vùng da tổn thương.

Cách dùng lá trầu không và lá khế chữa viêm da cơ địa:

  • Rửa sạch 1 ít lá trầu không và lá khế
  • Sau đó đem cắt nhỏ và để ráo nước
  • Đun sôi 1 lít nước và cho thảo dược vào
  • Đun thêm 5 – 10 phút và tắt bếp
  • Đổ nước ra thau và hòa thêm nước lạnh
  • Sau đó dùng nước ngâm rửa vùng da tổn thương và sử dụng thảo dược chà nhẹ lên da để giảm ngứa

5. Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không và gừng tươi

Mẹo trị viêm da cơ địa bằng lá trầu và gừng tươi thích hợp với những trường hợp có tổn thương da dày sừng, thâm nhiễm, khô ráp và nứt nẻ. Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên không chỉ giảm ngứa ngáy mà còn giúp làm mềm da, giảm dày sừng và ngăn ngừa viêm nhiễm.

Tuy nhiên, cả gừng và trầu không đều không có tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da. Vì vậy sau khi áp dụng mẹo chữa này, bạn nên sử dụng kem dưỡng để cung cấp độ ẩm, giảm kích ứng và nuôi dưỡng làn da.

chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Mẹo chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu với gừng tươi có tác dụng chống ngứa và sát trùng mạnh

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 3 – 4 lá trầu không và xắt nhỏ 1 củ gừng
  • Đun sôi 2 lít nước và cho tất cả nguyên liệu vào
  • Đun thêm 5 phút rồi tắt bếp và đổ nước vào thau
  • Hòa thêm 1 ít nước lạnh đến khi nước có nhiệt độ ấm vừa phải
  • Dùng nước từ lá trầu và gừng tươi để ngâm rửa vùng da dày sừng và ngứa ngáy

Sử dụng lá trầu chữa viêm da cơ địa hiệu quả không?

Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không là mẹo chữa dân gian nhưng được áp dụng tương đối phổ biến. Trên thực tế, lá trầu đã được chứng minh về tác dụng tiêu viêm, giảm ngứa và sát trùng. Vì vậy sử dụng thảo dược này có thể giảm nhẹ các triệu chứng như da viêm đỏ, phù nề, ngứa ngáy và khó chịu.

Tuy nhiên tác dụng dược lý của lá trầu thường yếu hơn so với thuốc Tây. Chính vì vậy, mẹo chữa này chỉ được áp dụng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn ổn định. Trong thời điểm tổn thương da bùng phát mạnh, bạn nên thăm khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hơn nữa, mẹo chữa từ lá trầu và các nguyên liệu tự nhiên đều phụ thuộc phần lớn vào cơ địa. Vì vậy một số trường hợp có thể không nhận thấy hiệu quả khi áp dụng.

Lưu ý khi chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu

Dùng lá trầu không chữa viêm da cơ địa là mẹo chữa tương đối an toàn, chi phí thấp và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên để đạt hiệu quả điều trị tối ưu và dự phòng rủi ro phát sinh, bạn nên lưu ý một số thông tin quan trọng sau đây:

chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Bên cạnh mẹo chữa từ dân gian, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Mẹo chữa từ lá trầu thường có tác dụng chậm. Vì vậy khi áp dụng, nên kiên trì thực hiện trong thời gian dài để đạt được kết quả như mong đợi.
  • Tuyệt đối không áp dụng cách chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu và các thảo dược tự nhiên khi tổn thương da đang trong giai đoạn cấp hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm. Các mẹo chữa này chỉ được khuyến khích thực hiện khi tổn thương da đã chuyển sang giai đoạn ổn định (mãn tính).
  • Để kiểm soát tổn thương da hoàn toàn, nên phối hợp với các biện pháp y tế được bác sĩ chỉ định.
  • Nên ngâm rửa lá trầu với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, xác động vật và vi khuẩn. Sử dụng nguyên liệu chưa được làm sạch có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính và chưa thể điều trị hoàn toàn. Vì vậy bên cạnh các biện pháp cải thiện, bạn nên kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và chăm sóc khoa học.
  • Với người có làn da nhạy cảm, không nên áp dụng mẹo chữa viêm da cơ địa từ lá trầu. Ở một số trường hợp, thảo dược này có thể gây dị ứng, nóng rát, phát ban và ngứa ngáy dữ dội.

Mẹo chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không có cách thực hiện đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và chi phí thấp. Tuy nhiên mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ và giảm nhẹ triệu chứng. Vì vậy để kiểm soát bệnh hoàn toàn, bạn nên phối hợp đồng thời với biện pháp y tế, lối sống và chế độ chăm sóc khoa học.