Nám da: Nguyên nhân, dấu hiệu các loại nám và điều trị

Nám da là tình trạng rối loạn các sắc tố da lành tính. Biểu hiện của bệnh thường gặp nhất ở nữ giới ngoài 30 tuổi, đặc biệt là những chị em sau sinh hay đang trong giai đoạn tiền mãn kinh. Được biết, có nhiều nguyên nhân gây nám da nhưng chủ yếu là do nội tiết tố, ánh nắng tác động hay những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. 

Nám da là gì?

Nám da (có tên khoa học là Melasma hay Chloasma) là một dạng của rối loạn sắc tố da rất hay gặp. Nguyên nhân bởi sự tăng sinh quá mức các tế bào Melanin của da và gây hình thành những mảng, đốm có màu nâu chuyển dần từ nhạt sang đến đậm.

Nám thường xuất hiện trên da mặt, hầu hết là ở cằm, môi trên, trán, chóp mũi, gò má. Ngoài ra, chúng có thể xuất hiện thêm ở vùng da cổ, cánh tay hoặc mu bàn tay.

Hình ảnh nám da ở chị em phụ nữ
Hình ảnh nám da ở chị em phụ nữ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những chị em trong độ tuổi sinh sản từ 25 – 50 tuổi sẽ là khoảng thời gian nám da xuất hiện nhiều nhất. Đặc biệt là ở chị em đang mang thai, sau sinh và giai đoạn tiền mãn kinh là những thời điểm nội tiết tố có sự thay đổi mạnh.

Nám da cũng có thể xuất hiện ở nam giới nhưng với tỉ lệ rất thấp. Nám da về cơ bản là một dạng tăng sinh sắc tố lành tính, chúng cũng gần tương đồng như hiện tượng tàn nhang.

Nám không gây bất kỳ biểu hiện gì khó chịu hay ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chúng đặc biệt gây mất thẩm mỹ rất nhiều, từ đó tác động đến ngoại hình và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây nám da thường gặp

Nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng nám da là do sắc tố Melanin (sắc tố quy định màu da) tăng sinh quá mức và hình thành nám. Quá trình hình thành nên sắc tố Melanin từ tế bào Melanocytes là sự tác động qua lại của Enzyme Tyrosinase và tia UVB.

Tuy nhiên ở những chị em bị nám da, do số lượng sắc tố Melanin tập trung ở một số vị trí nhất định và từ đó hình thành nên những mảng màu da đậm hơn thông thường. Hiện nay, việc xác định chính xác nguyên nhân gây nám da, tuy nhiên các nguy cơ dưới đây sẽ khiến nám có nguy cơ tăng cao:

Yếu tố nội sinh

Nam da phát triển mạnh ở chị em ngoài 30 tuổi, sau khi đã trải qua quá trình mang thai và sinh nở. Trong giai đoạn này, sự tăng lên bất thường của nám da thường do những yếu tố khác nhau tác động như sau:

  • Rối loạn hormone nội tiết tố nữ

Rối loạn nội tiết tố được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên nám da. Những chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, nồng độ Estrogen suy giảm sẽ gây ra mất kiểm soát đối với Melanocyte Stimulating Hormone.

Điều này sẽ khiến melanin không được giữ ở mức vừa phải, chúng tăng sinh vượt mức và hình thành những mảng nám trên bề mặt da. Vì thế, ở những khoảng thời gian nội tiết tố có sự thay đổi đáng kể như mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh sẽ thấy xuất hiện nhiều nám.

Sự thay đổi của nội tiết tố nữ là nguyên nhân gây bệnh
Sự thay đổi của nội tiết tố nữ là nguyên nhân gây bệnh
  • Quá trình lão hóa da

Nám da có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết là khoảng ngoài 30 trở đi. Lý do bởi lúc này, da đã bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa, quá trình sản xuất sắc tố Melanin không còn tốt như trước và dẫn đến đốm nâu.

  • Căng thẳng thần kinh kéo dài

Việc căng thẳng và stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thần kinh, não bộ mà còn gián tiếp gây tình trạng nám da. Khi bị stress tuyến thượng thận sẽ sản sinh nhiều Hormone Cortisone. Điều này gây ức chế nội tiết tố và hình thành nám.

Ngoài ra, chị em cũng có thể bị nám da do một số yếu tố nội sinh khác như cơ địa khác nhau, bệnh lý phụ khoa liên quan, tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc đến nội tiết,…

Nguyên nhân ngoại sinh

Ngoài những yếu tố nội sinh, nám da cũng có thể bị hình thành bởi những yếu tố bên ngoài tác động. Một số nguyên nhân chị em có thể lưu ý như:

  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Trong mặt trời có chứa nhiều tia độc hại cho làn da của chúng ta. Đặc biệt là tia UVB trong nắng có thể kết hợp cùng với Melanocytes sản sinh ra nhiều Melanin và gây sạm da, đen da, tàn nhang hay nám.

Tác động của tia UV gây hại cho da
Tác động của tia UV gây hại cho da
  • Sử dụng mỹ phẩm không an toàn, có tính lột tẩy mạnh

Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho dạ mặt của chị em trở nên mỏng và nhạy cảm hơn. Bên cạnh đó, da thường mất chức năng đề kháng, yếu và dễ bị tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Đặc biệt là khi tiếp xúc với tia UVB từ mặt trời có thể khiến kích thích sự sản sinh Melanin quá mức gây nám da.

Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm, tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hóa chất, nóng nực, khói bụi,… cũng sẽ khiến cho nám xuất hiện một cách dễ dàng hơn. Chị em cần đặc biệt chú ý về vấn đề này.

Phân loại và nhận biết tình trạng nám

Thông thường, khi bị nám da chị em phụ nữ khá hoang mang trong cách phân biệt các loại nám. Cách nhận biết những đốm nâu trên da là nám hay tàn nhang? Chị em có thể nhận định nám dựa vào một số thông tin dưới đây.

Phân biệt nám và tàn nhang

Chúng ta có thể phân biệt nám da và tàn nhang dựa vào các triệu chứng như sau:

  • Nám da: Đây là tình trạng da xuất hiện những đốm sẫm màu với mức độ đậm hay nhạt khác nhau. Chị em bị nám thường thấy tình trạng mọc đầu đối xứng 2 bên gò má, môi, cằm, trán,… Nám da có màu sắc sẫm, thâm đen, nâu hoặc hơi vàng, mọc thành từng mảng lớn hơn so với tàn nhang.
  • Tàn nhang: Tàn nhang cũng là một dạng của tăng sắc tố da. Tuy nhiên chúng có sự thay đổi đa dạng về màu sắc hơn so với nám như màu nâu sẫm, nâu nhạt, vàng nâu, xám, đen, đỏ,… Độ đậm nhạt hay màu sắc của tàn nhang cũng thay đổi theo thời tiết và mức độ tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Vùng bị tàn nhang thường nhỏ hơn so với nám, chỉ xuất hiện với các nốt như đầu tăm.

Phân loại nám da

Không giống với tàn nhan, nám có nhiều biểu hiện đa dạng khác nhau. Chúng ta có thể chia nám thành 3 loại khác nhau dễ nhận biết như sau:

  • Nám mảng

Nám mảng thường xuất hiện nhiều ở vùng gò má, đuôi mắt hay chóp mũi. Chúng đặc trưng với những mảng lớn màu sậm hơn so với da mặt thông thường. Hình dạng của nám mảng ở mỗi cơ địa là khác nhau và không đồng nhất. Mặc dù nám mảng lan rộng ở trên da nhưng chúng có chân không sâu và dễ điều trị.

Nám mọc thành từng mảng tối màu trên da mặt
Nám mọc thành từng mảng tối màu trên da mặt

Chị em bị nám mảng thường do phải tiếp xúc nhiều với môi trường không lành mạnh như quá nhiều ánh sáng mặt trời, bụi bẩn,… Ngoài ra còn có tác dụng phụ của thuốc dùng lâu dài hay hậu quả của mỹ phẩm kém chất lượng.

  • Nám chân sâu

Nám chân sâu hay còn gọi là nám đốm, đây là tình trạng nám có phần chân nằm sâu ở tầng hạ bì (lớp sâu nhất của da). Nám đốm có thể dễ nhận biết như các đốm tròn nhỏ có kích thước khác nhau, màu sắc không đồng nhất như nâu, nâu đậm, xanh, xanh xám, đen,… Nám chân sâu mọc nhiều nhất là ở cằm, trán, gò má.

Nám đốm thường do rối loạn nội tiết tố và căng thẳng dài ngày gây nên. Chân nám thường nằm rất sâu trong da gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm. Nám chân sâu đậm dần lên theo thời gian và gây mất thẩm mỹ rất nhiều.

  • Nám hỗn hợp 

Đây là tình trạng da mặt của chị em xuất hiện đồng thời cả nám mảng và nám chân sâu. Trường hợp này gặp phải ở hầu hết chị em và rất khó để điều trị hoàn hảo. Bởi việc chữa trị nám hỗn hợp cần kết hợp nhiều phương pháp và đòi hỏi tính kiên trì cao.

Nám hỗn hợp gây khó khăn trong quá trình điều trị
Nám hỗn hợp gây khó khăn trong quá trình điều trị

Nám da là một bệnh lý phổ biến, chúng thường khá lành tính và không có khả năng phát triển thành ung thư da. Tuy nhiên nám hình thành những đốm mảng tối màu trên da và khiến ảnh hưởng nhiều đến yếu tố thẩm mỹ. Khiến cho chị em trở nên tự ti, e ngại trong việc gặp gỡ giao lưu với mọi người.

Các biện pháp điều trị nám da hiệu quả hiện nay

Nám hình thành do rất nhiều nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng. Vì vậy việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân tác động và lên phương án điều trị nám da vô cùng khó khăn.

Việc điều trị nám thường kéo dài đến vài tháng, thậm chí là vài năm tùy thuộc vào cơ địa của chị em, tình trạng da, mức độ nghiêm trọng của nám cũng như biện pháp chăm sóc trong khi chữa trị. Mặc dù hiện nay y học phát triển nhiều, tuy nhiên việc điều trị dứt điểm nám da 100% là điều gần như không thể.

Chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp điều trị nám da giúp cải thiện màu nám, tiêu diệt các chân nám và thu hẹp vùng bị nám một cách tối ưu nhất. Chị em hoàn toàn có thể tham khảo một số phương án chữa trị dưới đây.

Dùng thuốc bôi điều trị nám

Thuốc bôi điều trị nám là một phương pháp phổ biến nhất được giới thiệu trong quá trình chữa bệnh. Bôi kem sẽ làm mờ nám, mờ những mảng đậm màu, dưỡng ẩm và cung cấp dưỡng chất cho da, ngăn ngừa tình trạng lão hóa.

Tuy nhiên, dùng kem bôi hay thuốc ngoài da sẽ có tác dụng chậm, chị em cần kiên trì chữa trong khoảng thời gian dài mới cho hiệu quả.

Bôi kem giúp làm mờ đốm thâm, cải thiện tình trạng da
Bôi kem giúp làm mờ đốm thâm, cải thiện tình trạng da

 Một số loại thuốc bôi thường được kê đơn điều trị như:

  • Thuốc bôi có chứa Hydroquinone: Hoạt chất có công dụng điều trị sẹo thâm, nám da giúp ức chế Enzyme nhằm giảm quá trình hình thành Melanin.
  • Thuốc bôi Tretinoin: Một dạng dẫn xuất của vitamin A dùng để cải thiện các tình trạng da liễu thường gặp nói chung. Thuốc có nhiều công dụng đối với da như tiêu diệt tế bào gây hại, tẩy tế bào chết, làm mờ đốm nám tàn nhang, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông,…
  • Kem bôi, serum thành phần vitamin C: Vitamin C rất tốt cho da theo cả đường thuốc bôi hay uống. Chúng giúp ức chế enzyme Tyrosine nhằm ngăn ngừa Melanocytes tăng sinh quá mức. Vitamin C cũng có khả năng chống oxy hóa, giúp da căng hơn, mềm mịn,…
  • Kem bôi chứa Acid Azelaic: Đây là thành phần được điều chế từ ngũ cốc, có công dụng giúp làm sáng da từ sâu bên trong, cải thiện tàn nhang, nám da. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng tẩy tế bào chết, ngăn ngừa vi khuẩn kỵ khí. Thuốc an toàn cho cả chị em đang mang bầu hay cho con bú.
  • Các loại kem bôi khác: Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được kê trong quá trình điều trị như thuốc chứa Lactic Acid, Mandelic Acid, Arbutin, Corticosteroid,…

Nếu chị em bị tình trạng nám da do nội tiết tố, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ sức khỏe mà kê thêm các thuốc điều hòa nội tiết. Những loại thuốc này sẽ có tác dụng giúp cân bằng lại các hormone, kiểm soát sản sinh melanin và giảm dần các mảng đốm.

Những loại thuốc bôi trị nám phần lớn theo xu hướng tái tạo làn da mới khỏe mạnh và bớt nám hơn, do đó chúng khiến da mỏng và nhạy cảm hơn trước. Vì vậy, trong suốt quá trình trị bệnh, chị em cần chú ý hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để bảo vệ da.

Điều trị nám da bằng phương pháp tại nhà

Nếu chị em lo lắng việc điều trị bằng thuốc có thể đem đến nhiều tác dụng phụ không tốt cho làn da của mình, không đạt độ an toàn như mong muốn hay bởi chi phí đắt đỏ. Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng nám da tại nhà bằng những nguyên liệu tự nhiên đơn giản và tiết kiệm.

Dưới đây là một số phương pháp chị em có thể tham khảo áp dụng cho bản thân mình:

Hỗn hợp mật ong nghệ

Việc kết hợp giữa mật ong và nghệ tươi được coi là hoàn hảo nhất trong số những phương pháp chữa trị tự nhiên hiện nay.

Trong nghệ có tinh chất Cucurmin với khả năng ức chế các Melanin, giúp sáng da và điều trị nám da cực tốt. Khi kết hợp cùng mật ong sẽ cho bạn hiệu quả điều trị được nâng cao, da khỏe mạnh và sạch sáng.

Sử dụng hỗn hợp bột nghệ mật ong
Sử dụng hỗn hợp bột nghệ mật ong

Thực hiện:

  • Chuẩn bị mật ong, nghệ tươi hoặc bột nghệ.
  • Trộn mật ong cùng với bột nghệ hoặc nghệ tươi nghiền nhuyễn cho đến khi thành hỗn hợp đồng nhất.
  • Bôi hỗn hợp lên vùng da bị nám khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch lại với nước.
  • Chị em thực hiện 3 lần/ tuần để có được hiệu quả cao.

Cải thiện nám da bằng chanh tươi

Chanh là một loại quả có chứa hàm lượng vitamin C cao, đồng thời chúng cũng có tính acid. Nước chanh giúp làm sáng da một cách tự nhiên, loại bỏ tế bào chết, cung cấp dưỡng chất và làm căng bóng da.

Thực hiện:

  • Sử dụng 1 – 2 quả chanh tươi vắt lấy nước cốt.
  • Đem bôi lên vùng da mặt bị nám một cách nhẹ nhàng.
  • Tuyệt đối không chà xát mạnh để tránh bị trầy xước da gây xót.
  • Để khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch mặt lại với nước ấm.
  • Thực hiện 2 lần/ ngày trong khoảng 1 tháng liên tục để cảm nhận hiệu quả.

Chữa nám bằng củ hành tây

Dùng nước ép hành tây để điều trị nám bạn đã từng nghe thấy bao giờ chưa? Điều này là hoàn toàn có thể vì trong nước ép hành tây có chứa hợp chất lưu huỳnh với khả năng làm mờ các đốm thâm trên bề mặt da.

Đồng thời, hành tây còn cung cấp dinh dưỡng cho các tế bào da phát triển và cân bằng lại màu sắc tự nhiên vốn có của da.

Hành tây có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, lành tính
Hành tây có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, lành tính

Thực hiện:

  • Chuẩn bị 2 củ hành tây, lột vỏ rồi thái lát.
  • Đem hành giã nát rồi lấy vải mỏng lọc lấy nước ép.
  • Pha thêm giấm táo vào thành một hỗn hợp đồng nhất rồi bôi lên vùng da nám.
  • Để khoảng 20 phút rồi rửa sạch mặt với nước ấm.
  • Làm cách này khoảng 2 lần/ ngày để cải thiện nám da.

Cà chua điều trị nám da

Cà chua cũng là một loại quả được liệt kê trong nhóm những thực phẩm tốt cho điều trị nám. Trong trái cà chua có chứa nhiều vitamin C, tốt cho da và hỗ trợ điều trị nám.

Thực hiện:

  • Xay nhuyễn 1 quả cà chua rồi lấy phần thịt cà chua đắp lên mặt, đặc biệt vùng là vùng da nám.
  • Thực hiện mỗi ngày và kiên trì khoảng 2 – 3 tháng, tình trạng nám da sẽ được cải thiện rõ rệt.

Trị nám bằng quả đu đủ

Chữa nám da bằng đu đủ cũng là một phương pháp tốt mà các chị em có thể tham khảo. Trong quả đu đủ có chứa Papain có công dụng giúp tẩy tế bào chết, khôi phục lại làn da tự nhiên.

Thực hiện:

  • Sử dụng 1 miếng đu đủ chín đem nghiền nát.
  • Cho thêm 2 thìa mật ong nguyên chất rồi trộn đều.
  • Dùng hỗn hợp để đắp lên vùng da bị nám khoảng 20 phút rồi rửa sạch.
  • Áp dụng 1 lần/ tuần để cải thiện nám da.

Đông y điều trị chứng nám da

Nám da là một biểu hiện tự nhiên của cơ thể, nguyên nhân thường do mệt mỏi, suy nhược cơ thể, thận âm hư kéo theo thận dương hư và từ đó gây nám sạm da.

Y học cổ truyền hoàn toàn có những biện pháp giúp cải thiện tình trạng này một cách tự nhiên, cải thiện sức khoẻ từ sâu bên trong và giảm màu nám, tàn nhang trên bề mặt da.

Các bài thuốc Đông y sử dụng thảo dược tự nhiên, mang công dụng riêng biệt nhưng dưới bàn tay của người thầy thuốc được kết hợp lại cho kết quả điều trị nám tốt. Chị em hoàn toàn có thể tham khảo một số bài thuốc sau để áp dụng:

Bài thuốc số 1: Nếu nám da do can khí uất, mệt mỏi căng thẳng kéo dài, kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới, tinh thần không ổn định thì có thể sử dụng những dược liệu sau:

  • Hà thủ ô, bông mã đề, cỏ mần trầu, ngải cứu, cúc tần, nhân trần, cam thảo, bạc hà, gừng tươi,…
  • Đem sắc với nước, chia 2 bát uống làm 2 lần/ ngày. Chị em uống kiên trì 10 ngày lên tục để sức khoẻ được cải thiện.

Bài thuốc số 2: Đối với tình trạng nám, tàn nhang, sạm da do chứng huyết hư, người gầy, da khô, thường xuyên bị hoa mắt, sắc mặt vàng vọt, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, lưỡi nhạt,…

  • Đương quy, hương phụ, lá dâu, ngải cứu, bông mã đề, cam thảo, đỗ đen, rau má, lạc tiên,…
  • Sử dụng 1 thang để sắc nước uống/ ngày, chị em sử dụng liên tục trong khoảng 10 ngày liên tục để cải thiện sức khoẻ.

Các vị thuốc và bài thuốc Đông y áp dụng điều trị đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau bởi chúng còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh, mức độ nám, khả năng tương thích với thuốc,…

Do đó để có được bài thuốc phù hợp nhất với mình, chị em nên thăm khám tại các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được tư vấn bệnh.

Đông y có thế mạnh sử dụng dược liệu tự nhiên, an toàn và lành tính đối với sức khoẻ nên ai cũng có thể sử dụng. Tuy nhiên thời gian để các thảo dược này phát huy công dụng thường lâu hơn so với phương pháp Tây y nên bệnh nhân cần kiên trì trong thời gian sử dụng thuốc, không bỏ dở liệu trình để sớm đem lại kết quả tốt.

Các phương án điều trị khác

Thực tế rằng, việc bôi thuốc hay điều trị tại nhà chỉ cho hiệu quả tốt nếu như tình trạng nám của bạn đang ở mức độ nhẹ. Đối với nám chân sâu, nám bẩm sinh, nám lâu năm thì việc điều trị này thường không đem lại nhiều chuyển biến.

Peel da trị bệnh hiệu quả
Peel da trị bệnh hiệu quả

Vì vậy, trong nhiều trường hợp bạn đọc có thể điều trị nám nhanh chóng và hiệu quả hơn với một số phương pháp như sau:

  • Lột da hóa chất (Peeling da)

Đây là một phương pháp sử dụng các loại dung dịch acid với nồng độ cao để tẩy trực tiếp các tế bào nám da, kích thích tế bào mới phát triển, từ đó loại bỏ dần nám da hay đốm nâu trên bề mặt.

Peel da có thể cải thiện màu da rõ rệt, giảm mụn và kiểm soát dầu thừa khá tốt. Tuy nhiên do tính acid, chúng sẽ khiến da của chúng ta bị khô hơn và có thể gây kích ứng. Peeling được áp dụng cho trường hợp nám mảng, nám hỗn hợp.

  • Laser

Laser là một phương pháp trị nám phổ biến được chị em ưa chuộng hiện nay. Cách này dùng tia laser nhằm phá hủy những sắc tố melanin nằm ở sâu trong da.

Tùy thuộc vào cơ địa của từng người, bác sĩ sẽ thay đổi mức độ tia laser sao cho phù hợp nhất. Phương pháp trị nám bằng tia laser được đánh giá là cho hiệu quả rõ rệt chỉ sau khoảng từ 10 – 15 tuần.

  • Đốt điện trị nám đốm

Những đốm nám chân sâu thường có màu nâu đậm hoặc đen và rất khó mờ khi thực hiện 2 phương pháp trên. Do đó để chữa trị trường hợp này người ta sẽ áp dụng phương pháp đốt điện. Áp dụng phương pháp này cho hiệu quả tiêu diệt chân nám tốt nhưng thường để lại sẹo lõm hoặc lồi nếu không được chăm sóc tốt.

Cách chăm sóc và phòng ngừa nám hiệu quả

Nám da là một bệnh lý khó có thể điều trị nhanh chóng và triệt để, việc điều trị cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Vì thế  bên cạnh việc điều trị, chúng ta cần thực hiện chế độ chăm sóc khoa học để giúp bệnh chóng lành.

Việc chăm sóc da không chỉ giúp quá trình phục hồi sau nám tốt hơn, chúng còn giúp cho da được khỏe mạnh, ngăn ngừa lão hóa và cải thiện mụn thâm.

Cách chăm sóc da để giúp tình trạng nám tái phát:

  • Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11:00 – 16:00. Bạn cũng nên tập thói quen sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF 35+, đeo khẩu trang kỹ lưỡng trước khi ra đường.
  • Không nên sử dụng những thiết bị điện tử nhiều vì chúng có khả năng gây sạm da, nhanh lão hóa da.
  • Nên vệ sinh da hàng ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ và chứa thành phần an toàn, lành tính cho da. Bôi kem dưỡng ẩm và nước hoa hồng hàng ngày để giúp da khỏe mạnh.
  • Không dùng thực phẩm chứa nhiều chất kích thích, rượu bia, cà phê, đồ ngọt vì chúng không tốt cho da.
  • Hạn chế việc dùng các loại mỹ phẩm có chứa nhiều hương liệu tổng hợp vì những mùi nhân tạo dễ khiến da bị nhạy cảm và dị ứng.
  • Bổ sung thực phẩm tốt cho da như các loại trái cây, rau củ quả, hạt đậu, đậu nành, nước lọc để giúp da thêm khỏe mạnh.
  • Không tự ý dùng những sản phẩm điều trị nám không rõ nguồn gốc, không tự ý mua thuốc về chữa trị khi chưa thăm khám chuyên khoa da liễu. Những sản phẩm trôi nổi đều có chứa thành phần lột tẩy da rất mạnh, khiến da bị teo, yếu và giãn mao mạch máu.
  • Nếu chị em bị nám da do tình trạng stress và căng thẳng kéo dài thì có thể thay đổi lại thói quen sinh hoạt. Ngủ đủ giấc, đúng giờ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tránh suy nghĩ quá nhiều sẽ giúp cho nám da trên khuôn mặt bạn giảm bớt đi rất nhiều.

Nám da là vấn đề về da liễu thường thấy, đặc biệt là ở các chị em ngoài 30 tuổi. Bởi nguyên nhân hình thành bệnh phức tạp vì thế điều trị nám da không phải một việc làm dễ dàng. Chị em cần hết sức kiên trì trong quá trình chữa trị và thăm khám định kỳ đều đặn nhằm kiểm soát tốt sức khỏe.