Nổi mề đay do HIV là một trong những dấu hiệu sớm và thường khởi phát từ 2 – 6 tuần sau khi phơi nhiễm. Khác với các nguyên nhân thông thường, tổn thương da do nhiễm HIV có xu hướng kéo dài trong nhiều tuần, hiếm khi gây ngứa và có thể tự thuyên giảm.
Vì sao nhiễm HIV gây nổi mề đay?
HIV (Human immunodeficiency virus) là một loại virus có khả năng gây suy giảm miễn dịch ở người. Đây là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.
Ở giai đoạn mới nhiễm virus, HIV thường không có triệu chứng rõ rệt hoặc chỉ phát sinh một số triệu chứng có mức độ nhẹ như nổi mề đay (thường là sau 2 – 6 tuần phơi nhiễm). Khác với các dạng mề đay thông thường, mề đay do HIV thường không gây ngứa, tiến triển trong nhiều tuần và có xu hướng khởi phát trên diện rộng.
Nổi mề đay do HIV có thể khởi phát do các nguyên nhân sau:
VTV2 đưa tin địa chỉ điều trị mề đay bằng thảo dược Đông y uy tín nhất hiện nay
Phóng sự VTV2 đưa tin Trung tâm Thuốc dân tộc là đơn vị khám chữa bệnh mề đay bằng Đông y uy tín nhất hiện nay. [Tìm hiểu ngay để khỏi bệnh]
1. Phản ứng chuyển đổi huyết thanh
Các hạch bạch huyết có chức năng bảo vệ cơ thể và đối kháng với các tác nhân gây hại. Sau khi virus HIV xâm nhập, cơ quan này có xu hướng sản sinh kháng thể nhằm tấn công và kiểm soát hoạt động của virus.
Tuy nhiên sự gia tăng kháng thể bất thường có thể gây ra phản ứng chuyển đổi huyết thanh. Phản ứng này đặc trưng bởi triệu chứng nổi mề đay, phát ban, sưng hạch bạch huyết, cơ thể mệt mỏi, sốt, ho,…
2. Tác dụng phụ của thuốc chống phơi nhiễm HIV
Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV (tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu của nhiễm bệnh), bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống phơi nhiễm HIV. Loại thuốc này có tác dụng ức chế và vô hiệu hóa hoạt động của virus.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống phơi nhiễm HIV đều có thể gây tiêu chảy, chóng mặt, nổi mề đay, phát ban, châm chích và ngứa da.
3. Biểu hiện của các bệnh cơ hội
Virus HIV có xu hướng tấn công vào hệ miễn dịch khiến cơ quan này suy giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Do đó người nhiễm HIV dễ bị nhiễm trùng, ung thư, suy kiệt và tử vong.
Nổi mề đay do HIV có thể xảy ra do các bệnh lý cơ hội như zona thần kinh, sốt phát ban, viêm da tiếp xúc, sởi, thủy đậu,… Các bệnh lý này thường gây tổn thương da có biểu hiện và hình thái lâm sàng tương tự mề đay mẩn ngứa.
Nhận biết nổi mề đay do nhiễm HIV
Nổi mề đay do nhiễm HIV thường xảy sau khoảng 2 – 3 tuần phơi nhiễm. Để nhận biết tình trạng này, bạn có thể dựa vào tổn thương da và các triệu chứng đi kèm.
1. Quan sát tổn thương da
Mề đay mẩn ngứa do nhiễm HIV thường khởi phát ở mặt, ngực, vai, bàn tay và phần trên cơ thể. Ngoài ra, tổn thương da cũng có thể xuất hiện ở bên trong miệng, cơ quan sinh dục và môi.
Nhận biết nổi mề đay do nhiễm HIV:
Da xuất hiện các sẩn đỏ/ hồng hoặc mảng da phù nề
Tổn thương da bằng phẳng hoặc nổi cộm so với vùng da xung quanh
Nổi mề đay do phản ứng chuyển đổi huyết thanh thường không gây ngứa và có xu hướng tự biến mất mà không cần điều trị
Mề đay do các bệnh cơ hội có thể gây ngứa ngáy, nóng rát và châm chích
Trên thực tế, hình thái lâm sàng của mề đay do HIV khá đa dạng và không có tính đồng nhất như mề đay thông thường. Tổn thương lâm sàng phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát và cơ địa của từng trường hợp.
2. Dựa vào các triệu chứng đi kèm
Ngoài tổn thương da, nhiễm HIV còn gây ra một số triệu chứng kèm theo như:
Sốt nhẹ khoảng 37.5 – 38 độ C đi kèm với triệu chứng ớn lạnh
Người nhức mỏi, đau cơ
Mệt mỏi
Ăn uống kém
Đau cổ họng
Sưng hạch bạch huyết
Sụt cân bất thường
Tiêu chảy
Ngoài ra khi số lượng bạch cầu (cơ quan miễn dịch) suy giảm, cơ thể còn xuất hiện một số triệu chứng khác như nhiễm trùng da, viêm nhiễm đường hô hấp, đau nhức khớp, rối loạn kinh nguyệt,…
Nổi mề đay do nhiễm HIV kéo dài bao lâu?
Thông thường, nổi mề đay mẩn ngứa có thể thuyên giảm chỉ sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên nếu khởi phát do nhiễm HIV, triệu chứng có xu hướng kéo dài trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Đối với những trường hợp nổi mề đay do phản ứng chuyển đối huyết thanh, tổn thương da có thể tự thuyên giảm sau 1 – 2 tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở những trường hợp khởi phát do các bệnh cơ hội, triệu chứng có thể tiến triển dai dẳng, mãn tính nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời.
Khác với người khỏe mạnh, người nhiễm HIV thường có hệ miễn dịch và thể trạng suy yếu. Do đó mề đay có thể lan tỏa rộng, phát triển mãn tính và đáp ứng kém với điều trị. Ở một số ít trường hợp, nổi mề đay do nhiễm HIV có thể tiến triển hơn 12 tuần.
Cần làm gì khi nghi ngờ nổi mề đay do nhiễm HIV?
Nếu nghi ngờ nổi mề đay do nhiễm HIV, bạn nên cân nhắc các khả năng phơi nhiễm virus như quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với máu hoặc sử dụng kim tiêm với người nhiễm bệnh,… và nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
HIV là bệnh xã hội có mức độ nguy hiểm và chưa thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng, duy trì sức đề kháng, thể trạng và kéo dài thời gian sống.
Ngược lại với những trường hợp chủ quan, virus HIV có thể tấn công mạnh vào hệ miễn dịch, gây suy giảm bạch cầu và chuyển sang giai đoạn AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch). Ở giai đoạn này, hầu hết đều có tiên lượng xấu, cơ thể suy kiệt và có nguy cơ tử vong cao.
Các biện pháp khắc phục nổi mề đay do HIV
Để làm giảm triệu chứng nổi mề đay do HIV, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện sau:
1. Dùng thuốc điều trị HIV
Mặc dù HIV không thể chữa trị hoàn toàn nhưng bạn có thể kiểm soát số lượng virus, duy trì thể trạng và hệ miễn dịch bằng cách sử dụng thuốc điều trị. Các loại thuốc này hỗ trợ ức chế quá trình nhân đôi của virus, từ đó ngăn chặn hoạt động tấn công vào hệ miễn dịch và phòng ngừa các bệnh cơ hội.
Ngoài ra, sử dụng thuốc điều trị HIV còn giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giảm nhẹ chứng mề đay mẩn ngứa. Các loại thuốc kháng virus thường được để điều trị HIV, bao gồm:
Nhóm thuốc NNRTI: Nhóm thuốc này là thuốc ức chế enzyme sao chép ngược không nucleoside và hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn chức năng phiên mã ngược của virus. Các loại thuốc nhóm NNRTI bao gồm Nevirapine, Efavirenz, Etravirine,…
Nhóm thuốc PI: PI là thuốc ức chế protease và thường được dùng phối hợp với nhóm thuốc khác nhằm làm chậm khả năng kháng thuốc. Các loại thuốc thuộc nhóm PI, bao gồm Indinavir, Ritonavir, Lopinavir, Nelfinavir, Saquinavir,…
Nhóm NRTI: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế men sao chép ngược nucleotide. Thuốc thường được sử dụng phối hợp với nhóm thuốc PI. Các loại thuốc thuộc nhóm NRTI, bao gồm Tenofovir, Stavudine, Lamivudine, Emtricitabine,…
Các nhóm thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc kháng như thuốc ức chế hòa màng (Enfuvirtide), thuốc đối kháng thụ thể CCR5 (Maraviroc), thuốc ức chế men tích hợp integrase (Raltegravir),…
2. Biện pháp hỗ trợ làm giảm mề đay do HIV
Nổi mề đay do HIV thường không được khuyến khích sử dụng thuốc vì có thể tương tác với các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên nếu mề đay xảy ra do bệnh cơ hội, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng.
Bên cạnh đó, bạn có thể làm giảm mề đay do nhiễm HIV với một số biện pháp hỗ trợ như:
Sử dụng kem dưỡng ẩm chứa Glycerin, Kẽm, Niacinamide, Vitamin E,… để làm dịu da, hỗ trợ giảm mề đay mẩn ngứa và phát ban da do nhiễm HIV.
Khi bị nổi mề đay, bạn nên hạn chế để da tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Các yếu tố này có thể khiến mề đay lan tỏa rộng, phù nề và viêm đỏ nghiêm trọng.
Ngoài ra, có thể tắm nước mát hoặc chườm lạnh để giảm tình trạng da đỏ, nổi sẩn và phát ban.
Khi bị nhiễm HIV, cơ thể có xu hướng nhạy cảm hơn với các tác nhân bên ngoài. Vì vậy, bạn cần hạn chế tiếp xúc với dị nguyên và thận trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da.
Tránh chà xát và gãi cào lên da. Nếu mề đay gây ngứa nhiều, bạn nên tham vấn y khoa để được chỉ định các loại thuốc giảm ngứa như thuốc kháng histamine, thuốc bôi corticoid,…
Cố gắng ăn uống điều độ, nghỉ ngơi và sinh hoạt lành mạnh nhằm tăng cường thể trạng, cải thiện hệ miễn dịch và hỗ trợ ức chế hoạt động của virus.
Hình thái lâm sàng của mề đay mẩn ngứa do HIV không quá khác biệt so với các dạng mề đay thông thường. Vì vậy, bạn nên xem xét các triệu chứng đi kèm và cân nhắc khả năng nhiễm virus để kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị.