Viêm loét dạ dày ở trẻ em: Cách chăm sóc và điều trị cần biết

Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em thường có liên quan chặt chẽ với sự hiện diện của vi khuẩn Hp. Trong một số trường hợp, bệnh của bé có thể phát triển thứ phát sau khi gặp một vấn đề y tế khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản hoặc thậm chí là ung thư. Trường hợp không quá nghiêm trọng và chưa có biến chứng, bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ có thể được điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc uống khác.

Triệu chứng viêm loét dạ dày ở trẻ em

Không phải lúc nào bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em cũng gây ra triệu chứng. Mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với mỗi bé cũng không giống nhau. Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, hầu hết trẻ bị viêm loét dạ dày đều phải đối mặt với những cơn đau thượng vị – khu vực bụng nằm giữa xương ức với rốn.

Cơn đau thường xuất hiện rõ nét vào lúc sáng sớm hoặc giữa các bữa ăn. Trẻ có thể bị đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Cơn đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy theo mức độ tổn thương trong dạ dày.

Viêm loét dạ dày ở trẻ em
Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em thường khiến bé bị đau ở khu vực thượng vị

Các triệu chứng khác của bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em ít gặp hơn bao gồm:

  • Chướng bụng
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Ăn uống không ngon miệng, chán ăn hoặc thậm chí là bỏ ăn
  • Ăn lâu tiêu
  • Mệt mỏi, thiếu sức sống
  • Thường xuyên ợ hoặc nấc cụt
  • Giảm cân
  • Có máu trong chất nôn hoặc phân. Máu thường có màu đỏ sẫm hoặc màu đen
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Khó nuốt
  • Hay quấy khóc

Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em được coi là nghiêm trọng nếu cơn đau sắc nét, có tính chất dữ dội và kéo dài ngay cả vào ban đêm khiến bé mất ngủ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng chảy máu ở vết loét. Hiện tượng này thường đi kèm với triệu chứng phân có lẫn máu đen như hắc ín, mùi khẳm thối hoặc nôn ra máu.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em có thể giống với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét hành tá tràng, rối loạn tiêu hóa… Nếu cha mẹ không có kinh nghiệm chuyên môn thì rất dễ bị nhầm lẫn giữa các bệnh dẫn đến sai lầm trong điều trị. Do vậy, nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường tương tự như trên thì nên sớm đưa bé tới gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác định.

Trẻ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nếu có các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Đau bụng đột ngột, dữ dội
  • Nhu động ruột co bóp liên tục
  • Đi ngoài phân đen
  • Nôn ra máu tươi hoặc các cục máu đen giống như bã cà phê
  • Sốt cao, ớn lạnh trong người
  • Gặp khó khăn khi ăn uống, nuốt vướng, nuốt nghẹn

Đặc biệt, nếu con bạn đang được điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và có dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày, hãy đưa bé tới bệnh viện ngay lập tức. Việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể khiến bé phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em

Vi khuẩn Hp (H. pylori ) được xác định là thủ phạm chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em. Loại vi khuẩn này hình xoắn ốc và có khả năng tồn tại cũng như phát trong môi trường axit của dạ dày nhờ sở hữu hệ thống lông roi vô cùng linh hoạt.

Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm vi khuẩn Hp do sử dụng nguồn thực phẩm hay nước uống bị ô nhiễm có chứa mầm bệnh. Đặc biệt, nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh thì trẻ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn Hp rất cao nếu tiếp xúc với dịch tiết tiêu hóa, nước bọt, phân của người mắc bệnh.

Không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn Hp cũng bị viêm loét dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại trong cơ thể trẻ mà không gây ra bất kỳ dấu hiệu có hại nào. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như sức đề kháng của trẻ suy giảm, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh và tấn công mạnh mẽ vào trong niêm mạc dạ dày của bé gây nhiễm trùng, hình thành nên các ổ viêm loét.

Viêm loét dạ dày ở trẻ em do hp
Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em

Ngoài vi khuẩn Hp, một số yếu tố khác cũng có thể liên quan đến sự khởi phát của bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em như:

  • Sử dụng thuốc thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trẻ được điều trị bằng các thuốc NSAID ( Aspirin, Ibuprofen…) kéo dài có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày cùng nhiều tác dụng phụ khác.
  • Di truyền: Sự phát triển của bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em cũng có liên quan đến yếu tố di truyền. Thống kê cho thấy có khoảng 20% trẻ mắc căn bệnh này cũng có người thân trong gia đình bị viêm loét dạ dày.
  • Căng thẳng: Áp lực trong học hành, thi cử hoặc một cú sống lớn về tâm lý có thể khiến trẻ bị stress, trầm cảm. Căng thẳng kéo dài có thể kích hoạt sự phát triển của vết loét, đồng thời tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công vào niêm mạc dạ dày.
  • Béo phì: Trẻ bị thừa cân sẽ làm gia tăng áp lực lên ổ bụng cũng như dạ dày, làm xáo trộn hệ vi sinh vật trong đường ruột và thúc đẩy phản ứng viêm phát triển ở niêm mạc dạ dày.
  • Hút thuốc lá thụ động: Mặc dù không phải là đối tượng trực tiếp hút thuốc lá nhưng nếu trong gia đình có người hút thuốc, khói thuốc có thể đi vào cơ thể bé thông qua đường thở. Các chất độc hại từ khói thuốc gây kích thích niêm mạc dạ dày của trẻ và làm tăng nguy cơ bị viêm loét. Việc hút thuốc lá thụ động cũng có thể kích hoạt bệnh viêm loét dạ dày tái phát nếu trẻ từng có tiền sử mắc căn bệnh này trước đây.
  • Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác: Bao gồm bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh bạch cầu basophilic, u tuyến nội tiết, bệnh Zollinger-Ellison. Trẻ mắc các bệnh lý này đều có hiện tăng tiết axit quá mức trong dịch vị khiến cho niêm mạc dạ dày bị kích ứng, ăn mòn và tạo thành vết loét. Hiếm gặp hơn, viêm loét dạ dày có thể là dấu hiệu cảnh báo con bạn đang bị ung thư máu ( còn gọi là ung thư hạch ).

Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em

Khi không được chẩn đoán sớm và chữa trị đúng cách, trẻ bị viêm loét dạ dày có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Xuất huyết dạ dày: Vết loét ăn sâu vào trong khiến niêm mạc dạ dày bị xói mòn và làm các mạch máu bị tổn thương, bị vỡ gây chảy máu. Biến chứng này được gọi là xuất huyết dạ dày.
  • Thủng dạ dày: Một lỗ thủng có thể hình thành ngay tại vị trí của vết loét. Lúc này, vi khuẩn, dịch vị và một phần thức ăn trong dạ dày sẽ tràn vào trong khoang bụng dẫn đến viêm phúc mạc.
  • Tắc nghẽn ruột: Nếu vết loét nằm ở cuối dạ dày ( nơi tiếp giáp với ruột non), nó có thể gây sưng và hình thành nên các mô sẹo khiến cửa ruột non bị thu hoặc hoặc thậm chí là bị tắc nghẽn. Thức ăn không thể tiếp tục di chuyển xuống dưới mà tồn đọng lại trong dạ dày khiến bé bị đau bụng dữ dội.
  • Ung thư dạ dày: Trẻ bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp nếu không được điều trị triệt để sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày sau này.

Những biến chứng bệnh viêm loét dạ dày gây ra cho trẻ em đều rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, con bạn có thể bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em

Ở trẻ em, việc chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày có thể khó khăn do các xét nghiệm được thực hiện ở người lớn có thể không an toàn cho trẻ hoặc cho kết quả ít chính xác hơn. Do vậy, con bạn có thể được chẩn đoán bệnh chỉ dựa trên các triệu chứng đang gặp phải và lịch sử bệnh.

Trừ khi trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng, bác sĩ bắt buộc phải thực hiện các xét nghiệm xâm lấn tối thiểu để chẩn đoán bệnh cho bé. Các kỹ thuật này bao gồm:

– Chụp X-quang cản quang ống tiêu hóa trên:

Trẻ được cho uống dung dịch chất lỏng chứa barium. Chất này khi vào bên trong sẽ bao phủ lên trên bề mặt dạ dày, thực quản và tá tràng để toàn bộ khu vực này được hiển thị trên phim chụp X-quang. Hình ảnh ghi nhận được cho phép bác sĩ phát hiện ra sự hiện diện của các vết loét và tổn thương bên trong đường ống tiêu hóa trên của bé.

– Nội soi dạ dày:

Bác sĩ sử dụng một ống nội soi mềm, nhỏ gắn camera luồn vào bên trong thông qua đường mũi hoặc miệng của bé để kiểm tra dạ dày. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô bên trong để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Hp hoặc tầm soát ung thư.

Khi làm nội soi dạ dày, trẻ có thể gặp một số tác dụng phụ như đau họng, buồn nôn, chảy máu dạ dày nhưng không phổ biến. Phương pháp nội soi dạ dày gây mê thường được chỉ định nhằm hạn chế những rủi ro cho bé.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp:

Ngoài kỹ thuật kiểm tra mẫu mô được lấy từ dạ dày của trẻ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để xác định xem liệu vi khuẩn Hp có phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ hay không.

xét nghiệm máu chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ em
Xét nghiệm máu được chỉ định nhằm mục đích chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp
  • Xét nghiệm máu: Sự xuất hiện của các kháng thể đặc hiệu với Hp trong máu của trẻ, chẳng hạn như HP – IgG hay HP – IgM có thể cho thấy bệnh viêm loét dạ dày của con bạn có liên quan đến loại vi khuẩn này.
  • Xét nghiệm phân: Nếu tồn tại trong dạ dày , vi khuẩn Hp cũng có thể được tìm thấy trong phân của bé.
  • Test hơi thở Urê đo lượng carbon dioxide: Xét nghiệm này cho kết quả nhanh chóng, có độ chính xác cao và an toàn cho trẻ.

Nếu các xét nghiệm trên cho kết quả dương tính thì có thể kết luận trẻ bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp.

Cách điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em

Sau khi có kết quả chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố sau để xây dựng phác đồ điều trị bệnh cho trẻ. Củ thể:

  • Độ tuổi của bé
  • Sức khỏe tổng thể
  • Mức độ viêm loét tổn thương trong dạ dày
  • Sức chịu đựng của con bạn đối với các loại thuốc hay phương pháp điều trị cụ thể
  • Nguyên nhân gây bệnh

Sử dụng thuốc là sự lựa chọn chính trong điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được đề nghị nếu bé không đáp ứng được với điều trị nội khoa.

Dùng thuốc chữa viêm loét dạ dày ở trẻ em

Một số loại thuốc dưới đây có thể được kê đơn cho trẻ bị viêm loét dạ dày:

  • Thuốc kháng sinh: Dùng tiêu diệt vi khuẩn trong trường hợp con bạn bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn. Các thuốc kháng sinh có thể được chỉ định cho bé như Clarithromycin, Amoxicillin hay Metronidazole.
  • Thuốc chặn thụ thể H2: Thuốc có tác dụng giảm tiết axit dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của histamine – một chất có thể kích thích mạnh mẽ quá trình bài tiết axit trong dạ dày của bé.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Loại thuốc này cũng có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất axit dịch vị.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Khi sử dụng, thuốc kích thích bài tiết chất nhầy và tạo ra lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày của bé, giảm thiểu tác hại của axit đến dạ dày. Tuy nhiên loại thuốc này không có tác dụng làm giảm tiết axit.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Tylenol (acetaminophen) có thể được chỉ định để giảm đau thượng vị và hạ sốt cho trẻ. Tránh sử dụng các thuốc NSAID vì nó có thể khiến vết loét trong dạ dày bé thêm nghiêm trọng.

Điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp

Nếu vết loét trong dạ dày của trẻ có liên quan đến vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phác đồ chứa hai hay nhiều loại kháng sinh kết hợp với một số thuốc khác để loại bỏ nhiễm trùng và cân bằng nồng độ axit trong dịch vị để vết loét trong dạ dày có thể được chữa lành.

Thông thường, trong đợt điều trị đầu tiên, trẻ thường được điều trị bằng một trong các phác đồ phối hợp 3 thuốc như sau:

  • Phác đồ 1: PPI, Amoxicillin và Imidazole
  • Phác đồ 2: PPI, Amoxicillin và Clarithromycin
  • Phác đồ 3: Bismuth, Amoxicillin và Imidazole
  • Phác đồ 4: Dùng PPI và Amoxicillin trong đợt điều trị 5 ngày. Sau đó tiếp tục dùng PPI, Clarithromycin và Metronidazole trong 5 ngày tiếp theo sau đó.

Liều lượng sử dụng của các loại thuốc trên được tính theo trọng lượng cơ thể (TLCT) của bé:

  • Amoxicillin: 50mg x kg TLCT/ngày
  • Clarithromycin: 20mg x kg TLCT/ngày
  • Metronidazole: 20mg x kg TLCT/ngày
  • Bismuth: 8mg x kg TLCT/ngày
  • PPI: 1-2mg x kg TLCT/ngày
thuốc trị viêm loét dạ dày ở trẻ em Amoxicillin
Amoxicillin là thuốc kháng sinh thường có trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp

Với phác đồ 3 thuốc điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp, thời gian dùng thuốc có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần. Cần cân nhắc về khả năng dung nạp thuốc của bé cũng như những tác dụng phụ trẻ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc trước khi quyết định điều trị.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị kháng kháng sinh ngày càng cao khiến cho các phác đồ điều trị Hp truyền thống trở nên vô dụng. Nếu phác đồ 3 thuốc thất bại, trẻ có thể được nội soi dạ dày tá tràng để nuôi cấy vi khuẩn và tiến hành làm kháng sinh đồ để tìm ra loại thuốc nhạy cảm với Hp.

Phác đồ điều trị tiếp theo được chỉ định có thể bao gồm 4 thuốc là: PPI phối hợp với Metronidazole, Amoxicillin và Bismuth. Liệu trình dùng thuốc kéo dài trong 14 ngày.

Cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ dẫn về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để không xảy ra tình trạng kháng kháng sinh và giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ cho bé

Phẫu thuật trị viêm loét dạ dày ở trẻ em

Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định để điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu con bạn không đáp ứng được với thuốc hoặc bé gặp các biến chứng như thủng dạ dày, tắc nghẽn ruột, xuất huyết dạ dày thì phẫu thuật là cần thiết.

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật nội soi sẽ được chỉ định. Bác sĩ sẽ đưa một số dụng cụ y tế vào trong ống nội soi để tiếp cận với vết loét. Các mạch máu bị vỡ sẽ được bịt kín bằng cách sử dụng thiết bị đốt điện hoặc đốt laser.

Trường hợp nghiêm trọng cần được cấp cứu khẩn cấp, chẳng hạn như trẻ bị thủng dạ dày hoặc xuất huyết ồ ạt, phẫu thuật mổ hở sẽ được thực hiện.

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm loét dạ dày

Trẻ bị viêm loét dạ dày cần được chăm sóc đúng cách để bệnh tình mau lành. Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của con mình. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:

  • Nếu bệnh viêm loét dạ dày của bé có liên quan đến thuốc giảm đau kháng viêm không steroids, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc này cho trẻ. Tham khảo ý kiến bác sĩ để thay thế bằng một loại thuốc khác an toàn hơn.
  • Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong ngày theo lứa tuổi của bé. Tăng số lượng bữa ăn và giảm bớt lượng thực phẩm trẻ ăn trong mỗi bữa. Như vậy, thức ăn khi vào trong dạ dày sẽ được tiêu hóa nhanh hơn, dạ dày của bé cũng có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi để nhanh chóng phục hồi vết loét bên trong.
  • Không ép bé ăn quá nhiều
cách chăm sóc cho trẻ bị viêm loét dạ dày
Trẻ bị viêm loét dạ dày cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ép bé ăn quá nhiều
  • Không cho trẻ uống nhiều nước trước, trong và ngay sau khi ăn, đồng thời hạn chế chan canh vào cơm của bé. Tất cả đều có thể gây ảnh hưởng đến tiêu hóa và khiến bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ phát sinh các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
  • Khuyến khích con bạn ăn từ từ, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
  • Cho bé ăn các món mềm, có độ đặc vừa phải và dễ tiêu hóa để giảm áp lực cho dạ dày
  • Không để bé xem tivi, nô đùa hoặc chơi điện tử trong lúc ăn.
  • Tránh gây áp lực cho bé trong học hành hay trong cuộc sống hàng ngày.
  • Trò chuyện hoặc cùng con tham gia các hoạt động để tạo tâm lý thoải mái cho bé
  • Tránh cho trẻ sử dụng các thực phẩm không tốt cho dạ dày như: Gia vị cay, thức ăn nhanh, đồ hộp, các món chiên xào, đồ chua. Không cho bé uống cà phê, nước ngọt có ga hay trà sữa. Thay vào đó, mẹ nên cho bé ăn rau củ non, trứng, mật ong, khoai, bánh mỳ, súp, cháo hay cơm nhão, các loại cá béo giúp trung hòa axit và hỗ trợ giảm viêm loét dạ dày.
  • Đối với trẻ còn đang bú sữa mẹ, nên tăng lượng cữ bú. Tuy nhiên mỗi lần chỉ nên cho bé bú vừa phải, không để quá no sẽ gây nôn trớ.
  • Cho trẻ ăn đúng giờ. Tránh để quá bữa khiến bé bị đói bụng sẽ gây đau thượng vị và làm tăng nặng tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ.
  • Thức ăn của bé có nhiệt độ từ 40 – 50 độ C là tốt nhất. Đồ ăn lạnh hoặc quá nóng đều kích thích các cơ co bóp trong dạ dày hoạt động mạnh khiến bé lên cơn đau bụng.
  • Không để trẻ dùng thức ăn chưa được nấu chín
  • Giữ trẻ tránh xa nơi có khói thuốc lá.

Ngoài ra, để ngăn ngừa tái nhiễm vi khuẩn Hp cho trẻ, cha mẹ cần chú ý:

  • Thường xuyên rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn
  • Đảm bả vệ sinh khi chế biến thức ăn cho bé
  • Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội
  • Không để bé dùng chung ly nước uống nước, bàn chải đánh răng hay một số đồ dùng cá nhân với người khác
  • Nếu trong gia đình có người lớn bị nhiễm Hp thì không nên hôn hoặc mớm thức ăn cho bé.

Hầu hết các trường hợp, bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em có thể được điều trị khỏi sau một thời gian nếu lựa chọn đúng phương pháp. Nếu con bạn có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, hãy đưa bé đi khám và trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc, chữa trị phù hợp cho bé.