Bệnh tổ đỉa ở trẻ em có lan rộng? Chăm sóc & điều trị

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là một dạng tổn thương da mãn tính, phát triển dai dẳng và dễ tái phát. Tổn thương cơ bản của bệnh lý này là sự xuất hiện của các mụn nước có kích thước nhỏ, dày cứng, khó vỡ mọc khu trú ở bàn tay và bàn chân. Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng nhạy cảm nên điều trị ưu tiên là sử dụng các loại thuốc có hoạt tính nhẹ kết hợp với chăm sóc đúng cách.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là thể lâm sàng đặc biệt của bệnh chàm – eczema

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là gì? Có lan rộng?

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là một thể đặc biệt của bệnh chàm – eczema, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn nước sâu, dày cứng và khó vỡ ở bàn tay và bàn chân. Thông thường, mụn nước mọc nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, các ngón và kẽ ngón. Ở một số trường hợp hiếm gặp, mụn nước có thể xuất hiện ở mu bàn tay, mu bàn chân và hầu hết không bao giờ vượt quá cổ tay/ cổ chân. Mặc dù không có khả năng lây lan rộng như các thể lâm sàng của bệnh chàm. Tuy nhiên nếu không điều trị và chăm sóc, tổn thương do bệnh lý này có thể tiến triển dai dẳng, gây ngứa ngáy nhiều và có nguy cơ nhiễm trùng cao.”

Tương tự các thể chàm khác, bệnh tổ đỉa nói chung và tổ đỉa ở trẻ em không thể điều trị và phòng ngừa hoàn toàn. Bệnh có xu hướng phát triển dai dẳng, mãn tính và tái phát nhiều lần.

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Mặc dù chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu nhận thấy bệnh có liên quan đến các yếu tố sau:

  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng là yếu tố chính trong cơ chế khởi phát của chàm tổ đỉa và các thể lâm sàng khác của bệnh chàm. Cơ địa dị ứng khiến hệ miễn dịch nhạy cảm với các yếu tố kích thích và dễ bùng phát phản ứng quá mẫn khi có các yếu tố ngoại giới và nội giới tác động.
  • Di truyền: Hầu hết người bị tổ đỉa và chàm – eczema đều có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến cơ địa như viêm da cơ địa, tổ đỉa, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô,…
  • Rối loạn chức năng nội tạng: Một số giả thuyết cho rằng chức năng nội tạng bị rối loạn khiến cơ thể dễ bị dị ứng với các hóa chất, chất kích ứng có trong không khí, thuốc và thực phẩm,… Dị ứng làm tăng kháng nguyên IgE trong huyết tương, thúc đẩy phóng thích histamine vào mô da và gây nổi mụn nước.

Trên thực tế, triệu chứng của bệnh tổ đỉa chỉ khởi phát khi những yếu tố này bị kích thích bởi các tác nhân nội giới và ngoại giới như:

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Dị ứng thức ăn là một trong những yếu tố kích thích triệu chứng của chàm tổ đỉa bùng phát
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn Proteus, liên cầu khuẩn
  • Nhiễm trùng da do nấm (nấm móng, nấm kẽ)
  • Dị ứng thuốc
  • Tiếp xúc với hóa chất (xà phòng, dung môi công nghiệp, dầu nhớt)
  • Kim loại chứa niken
  • Tăng tiết mồ hôi quá mức
  • Thời tiết nóng ẩm
  • Dị ứng thức ăn

Nhận biết bệnh chàm tổ đỉa ở trẻ em

Chàm tổ đỉa là thể đặc biệt của bệnh chàm – eczema. Thể bệnh này chỉ gây thương tổn khu trú ở tay, chân và không có xu hướng lan rộng như các thể lâm sàng khác.

bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Chàm tổ đỉa đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ, dày cứng ở bàn tay và bàn chân
  • Lòng bàn tay, bàn chân, ngón và các kẽ ngón xuất hiện các mụn nước có bề mặt trơn, cứng chắc và chìm khảm dưới da
  • Chỉ có một số ít mụn nước lớn nổi cộm trên bề mặt da
  • Đường kính của mụn nước dao động khoảng 1 – 2mm, thường mọc tập trung thành từng cụm nhưng đôi khi mọc rải rác thành dải
  • Mụn nước khó vỡ và hầu hết đều tự tiêu sau khoảng 3 – 4 tuần
  • Mụn nước tiêu biến để lại nền da vảy tiết có màu vàng rơm, dễ bong và để lộ lớp da non căng bóng, có màu hồng và viền vằn vèo
  • Tổ đỉa thường gây ngứa nhiều, dai dẳng kèm sưng nóng và đau rát nhẹ
  • Ở trẻ chưa biết nói, trẻ thường phản ứng bằng cách quấy khóc và chán ăn khi bị tổ đỉa

Bên cạnh đó, tổ đỉa có thể bị bội nhiễm nếu trẻ liên tục gãi, cào và chà xát mạnh lên các mụn nước. Dấu hiệu nhận biết tổ đỉa bội nhiễm, bao gồm:

  • Da xuất hiện các mụn mủ ở bàn tay, bàn chân, xung quanh có quầng viêm đỏ
  • Nền da đỏ, phù nề, sưng tấy và đau nhức
  • Cơ thể sốt, sưng hạch, mệt mỏi
  • Trẻ quấy khóc nhiều, ăn uống kém

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tương tự các thể chàm eczema khác, chàm tổ đỉa ở trẻ em và người lớn đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Bệnh lý này chỉ gây thương tổn ngoài da kèm nóng rát, đau nhức và ngứa ngáy.”

Mặc dù chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng bệnh tổ đỉa ở trẻ có thể được kiểm soát nếu tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và chăm sóc đúng cách. Đối với những trường hợp không can thiệp điều trị, vệ sinh kém và thường xuyên cào xát mạnh lên da, trẻ có thể đối mặt với các biến chứng như:

bệnh tổ đỉa ở trẻ nhỏ
Nếu không vệ sinh và chăm sóc đúng cách, mụn nước có thể bị vỡ, gây loét và nhiễm trùng da
  • Tổ đỉa bội nhiễm: Khác với những da thông thường, da tay và da chân là các vị trí dễ bài tiết mồ hôi và có tần suất tiếp xúc thường xuyên. Do đó nếu không chăm sóc và vệ sinh đúng cách, da có thể bị bội nhiễm, ứ mủ, đau nhức và sưng tấy nặng.
  • Lichen hóa: Lichen hóa là hệ quả do trẻ thường xuyên chà xát mạnh lên vùng da tổn thương khiến da dày sừng, thâm nhiễm, nổi cộm và ngứa ngáy dai dẳng. Biến chứng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây ngứa dữ dội, kéo dài và ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ – đặc biệt là với trẻ lớn.

Bên cạnh đó, bệnh tổ đỉa còn khiến trẻ ăn ngủ kém, mệt mỏi, dễ cáu gắt và quấy khóc.

Các phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Bệnh tổ đỉa có thể tự thuyên giảm sau khoảng 3 – 4 tuần. Vì vậy, mục tiêu chính của điều trị bệnh lý này là giảm ngứa ngáy, cải thiện yếu tố thẩm mỹ và ngăn ngừa viêm nhiễm.

Đối với trẻ nhỏ, thuốc Tây có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Do đó ở những trường hợp bệnh có mức độ nhẹ, phụ huynh nên tận dụng một số loại thảo dược lành tính để giảm ngứa ngáy, nóng rát và làm tiêu mụn nước.

1. Điều trị bằng thuốc Tây

Sử dụng thuốc Tây là phương pháp điều trị chính đối với bệnh tổ đỉa. Biện pháp này thường có phạm vi chỉ định hẹp và không được khuyến cáo dùng trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Thuốc trị tổ đỉa chỉ được sử dụng cho trẻ nhỏ khi thực sự cần thiết
Thuốc trị tổ đỉa chỉ được sử dụng cho trẻ nhỏ khi thực sự cần thiết

Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị tổ đỉa cho trẻ như:

  • Dung dịch khử khuẩn: Khi da mới nổi mụn nước, phụ huynh có thể dùng hồ nước và dung dịch bạc nitrat để giảm viêm đỏ, làm dịu da, khử khuẩn và sát trùng vùng da tổn thương. Các loại thuốc này tương đối an toàn và có thể sử dụng cho trẻ nhỏ.
  • Dung dịch Milian: Dung dịch Milian có tác dụng ức chế vi khuẩn, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Thuốc được sử dụng khi tổn thương da rỉ dịch nhiều và có nguy cơ bội nhiễm cao.
  • Thuốc bôi corticoid: Khi da khô lại, tiêu mụn nước và ngừng rỉ dịch, có thể dùng thuốc bôi corticoid để kháng dị ứng và giảm viêm. Mặc dù đem lại hiệu quả rõ rệt nhưng loại thuốc này có thể gây teo da, giãn mao mạch, nổi mụn trứng hoặc thậm chí là hoại tử da. Vì vậy, phụ huynh chỉ nên dùng corticoid dạng bôi cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine có tác dụng chống dị ứng và giảm ngứa ngáy. Loại thuốc này được sử dụng ở đường uống và tương đối an toàn với trẻ nhỏ.

Trên thực tế, bác sĩ có thể cân nhắc về mức độ bệnh lý và khả năng đáp ứng của từng trẻ để chỉ định kèm theo một số loại thuốc khác như thuốc kháng sinh dạng uống + dạng bôi, thuốc bôi kháng nấm,…

Lưu ý: Hầu hết các loại thuốc bôi và thuốc uống trị bệnh tổ đỉa đều có khả năng phát sinh tác dụng phụ và rủi ro ở trẻ nhỏ. Vì vậy, phụ huynh không nên tùy tiện dùng thuốc cho con trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Ở những trường hợp bệnh có mức độ nhẹ, phụ huynh nên tận dụng một số loại thảo dược lành tính để giảm ngứa ngáy, nóng rát và làm tiêu mụn nước.

2. Chữa tổ đỉa ở trẻ em bằng thảo dược

Đối với trường hợp bệnh có mức độ nhẹ, mẹ có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để giảm ngứa ngáy, tiêu mụn nước, cải thiện tình trạng da nóng rát và phù nề.

bé bị bệnh tổ đỉa
Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng sát trùng, giảm ngứa ngáy và cải thiện tình trạng viêm đỏ

Một số thảo dược được sử dụng để làm giảm triệu chứng của bệnh tổ đỉa ở trẻ em, bao gồm:

  • Sử dụng tinh dầu khuynh diệp: Tinh dầu khuynh diệp có độ an toàn cao và thích hợp với trẻ nhỏ. Nguyên liệu này có tác dụng khử trùng vết thương, giảm ngứa ngáy, chống viêm và thúc đẩy quá trình tái tạo mô da. Để cải thiện các triệu chứng của bệnh tổ đỉa, phụ huynh có thể cho vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào nước ấm và cho trẻ ngâm tay, chân trong khoảng 15 – 20 phút.
  • Tắm lá chè xanh: Lá chè xanh có đặc tính chống viêm, giảm ngứa và se vết loét. Ngoài ra, các hợp chất thực vật có trong thảo dược này còn giúp tái tạo và phục hồi các mô da hư tổn. Có thể dùng 1 nắm lá chè xanh tươi, rửa sạch, đun sôi và pha nước tắm cho trẻ để giảm ngứa ngáy và hỗ trợ làm tiêu mụn nước.
  • Đắp lá khế tươi: Lá khế có tác dụng làm se da, giảm ngứa và viêm đỏ nên thường được dân gian sử dụng để trị tổ đỉa, rôm sảy, mề đay mẩn ngứa,… Để làm giảm bệnh tổ đỉa ở trẻ em, nên rửa sạch 1 nắm lá khế tươi, sau đó giã nát, đắp lên tay/ chân cho trẻ và rửa lại sau 20 phút.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các cách chữa bệnh tổ đỉa theo dân gian khác như sử dụng lá trầu không, gừng tươi, lá lốt,… để giảm viêm đỏ, làm tiêu mụn nước và cải thiện phù nề da cho con trẻ. Tuy nhiên cần chú ý ngâm rửa thảo dược với nước muối pha loãng và rửa lại nhiều lần với nước sạch để hạn chế tình trạng kích ứng và viêm nhiễm.

Chăm sóc bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em không thể điều trị hoàn toàn và có khả năng tái phát cao. Vì vậy bên cạnh các biện pháp y tế, mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.

bé bị bệnh tổ đỉa
Nên giữ vệ sinh cơ thể nói chung và vùng da tay, da chân nói riêng

Các biện pháp chăm sóc trẻ bị bệnh tổ đỉa, bao gồm:

  • Nên cắt móng tay và mang bao tay để hạn chế tình trạng trẻ chà xát mạnh lên các mụn nước. Với trẻ lớn, bạn nên dặn dò trẻ không được gãi cào lên da.
  • Cách ly trẻ với các yếu tố kích thích như hóa chất, xà phòng, dung môi công nghiệp, côn trùng, mủ thực vật, nguồn nước bị ô nhiễm, đất cát,…
  • Cho trẻ mặc quần áo và mang giày dép vừa kích cỡ, có chất liệu thấm hút và mềm mại. Ma sát quá mức có thể khiến da bị kích ứng, tăng nguy cơ viêm nhiễm và lichen hóa.
  • Chủ động phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng ở trẻ.
  • Giữ vệ sinh cơ thể nói chung và vùng da tay, da chân nói riêng. Thói quen vệ sinh kém có thể khiến da đổ nhiều mồ hôi, tích tụ bụi bẩn và tạo điều kiện cho nấm men phát triển. Nấm da không gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn kích thích bệnh tổ đỉa bùng phát.
  • Xây dựng chế độ ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ, khuyến khích trẻ chơi thể thao, học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em tương đối lành tính và có thể thuyên giảm nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Ở những trường hợp chủ quan và vệ sinh da kém, mụn nước có thể bị vỡ, rỉ dịch, gây ngứa ngáy, phù nề, tăng nguy cơ viêm nhiễm và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của trẻ.