Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? Thông tin và cách điều trị

Xuất huyết tiêu hóa dưới là một trong những bệnh tiêu hóa xảy ra phổ biến. Bệnh thể hiện cho tình trạng chảy máu đường tiêu hóa ngay tại góc Treitz đến hậu môn. Theo kết quả thống kê có khoảng 95% bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa dưới là do đại trực tràng gặp vấn đề. 5% còn lại có nguồn gốc từ ruột non. Bệnh tương đối nguy hiểm do có khả năng gây tử vong nếu không kịp thời xử lý.

Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? Thông tin và cách điều trị
Xuất huyết tiêu hóa dưới thể hiện cho tình trạng chảy máu đường tiêu hóa ngay tại góc Treitz đến hậu môn

Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì?

Xuất huyết tiêu hóa dưới là tình trạng đường tiêu hóa ngay tại góc Treitz đến hậu môn bị chảy máu. Theo kết quả thống kê, bệnh chiếm khoảng 20% những trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa. Tồn tại khoảng 95% bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa dưới là do đại trực tràng gặp vấn đề, 5% còn lại có nguồn gốc từ ruột non.

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể là đi ngoài ra máu tươi hoặc phân đen. Diễn tiến của bệnh ở mỗi người không giống nhau. Bệnh có mức độ từ nhẹ không đáng kể cho đến nặng, sốc cần hồi sức.

Bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới thường tăng theo độ tuổi và xảy ra phổ biến hơn ở nam giới. Chảy máu đường tiêu hóa dưới có thể liên quan đến bệnh lý mạch máu và bệnh viêm túi thừa ở những người lớn tuổi.

Các triệu chứng của bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới

Khi bị xuất huyết tiêu hóa dưới, người bệnh sẽ nhận thấy cơ thể và vùng bụng xuất hiện những triệu chứng sau:

1. Triệu chứng lâm sàng

  • Đi đại tiện ra máu màu đỏ tươi sau phân hoặc lẫn vào phân.
  • Đi đại tiện ra phân đen lẫn máu đỏ nếu người bệnh có thời gian lưu thông ruột đủ. Ở một số trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân có thể bị chảy máu ồ ạt ở dạ dày, thực quản. Ngoài ra tá tràng cũng ra máu đỏ tươi nên cần phải phân biệt.
  • Máu chảy rỉ rả khiến lượng máu này tồn đọng trong ruột. Từ đó dẫn đến bệnh nhân đi ngoài phân đen sệt kèm theo mùi tanh.

2. Tổn thương thực thể

  • Thiếu máu: Niêm nhợt, da xanh.
  • Dấu hiệu sinh tồn: Huyết áp và mạch thay đổi tùy theo số lượng máu mất đi và tình trạng máu chảy.
  • Thở nông: Người bệnh có dấu hiệu thở nông nhanh khi bị mất nhiều máu.
  • Rối loạn tri giác: Trong trường hợp thiếu máu nặng, người bệnh sẽ có dấu hiệu hôn mê, lơ mơ và sốc nếu không kịp thời xử lý.

3. Mức độ chảy máu

  • Chảy máu nhẹ: Lượng máu mất 250ml. Lượng máu này không làm ảnh hưởng đến toàn trạng, các chỉ số về máu bình thường, dấu hiệu không đổi.
  • Chảy máu trung bình: Lượng máu mất từ 250 – 500ml, M-HA thay đổi, có ảnh hưởng toàn trạng.
  • Chảy máu nặng: Lượng máu mất trên 1000ml, bệnh nhân có toàn trạng thay đổi: Vật vã, da xanh, niêm nhợt, rối loạn tri giác.
Các triệu chứng của bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới
Các triệu chứng của bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới

Không giống với xuất huyết tiêu hóa trên, bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới có thể xuất hiện khi cơ thể mắc phải những bệnh lý, vấn đề sau:

  • Bệnh lý về ruột non, túi thừa đại tràng.
  • U đại tràng, ruột non ác tính hoặc lành tính.
  • Viêm ruột non, viêm đại tràng.
  • Bệnh lý vùng hậu môn trực tràng.
  • Một số nguyên nhân ít gặp khác: Vỡ phình động mạch chủ bụng, dò hẹp động mạch chủ ruột non, giảm tiểu cầu, Hemophilia, tác dụng phụ của thuốc kháng đông, suy thận mãn, giảm chức năng tiểu cầu, thiếu máu cục bộ, loét tĩnh mạch, ung thư đại trực tràng, bệnh lý hậu môn (táo bón, nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ).

Bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới được chẩn đoán như thế nào?

Để chuẩn đoán bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra tiền sử mắc sử mắc bệnh, triệu chứng lâm sàng và tổn thương thực thể. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để kết quả chẩn đoán trở nên chính xác hơn.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định gồm:

  • Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng là xét nghiệm được ưu tiên để chẩn đoán cho những bệnh nhân nhập viện vì xuất huyết dạ dày dưới. Bởi xét nghiệm này có khả năng cho ra kết quả chẩn đoán và hướng chữa bệnh. Kỹ thuật nội soi phù hợp với trường hợp xuất huyết từ nhẹ đến trung bình. Đối với những trường hợp chảy máu ồ ạt, bác sĩ rất khó để quan sát. Kết quả nội soi cho biết vị trí chảy máu và những tổn thương. Dễ dàng xác định chính xác tình trạng viêm ở đại tràng hoặc tổn thương túi thừa. Khó nhận định hơn ở những bệnh nhân bị tổn thương loạn sản mạch máu, nhất là khi có sự co thắt mạch mạc treo.
  • Chụp mạch máu chọn lọc: Chụp mạch máu chọn lọc chỉ được sử dụng khi máu còn đang chảy, chụp động mạch mạc treo tràng dưới hoặc trên. Kỹ thuật này có thể phát hiện tốc độ chảy máu từ 0,5 – 1ml/p. Ngoài ra kỹ thuật chụp mạch máu chọn lọc có thể dễ dàng nhận định những túi thừa đang chảy máu, tổn thương loạn sản mạch, làm thuyên tắc mạch máu hoặc bơm thuốc gây co mạch giúp can thiệp cầm máu. Tuy nhiên việc áp dụng kỹ thuật này có thể gây ra một số nguy cơ như huyết khối động mạch, máu tụ, suy thận cấp và phản ứng thuốc cản quang.
  • Chụp đồng vị phóng xạ: Chụp đồng vị phóng xạ được áp dụng bằng cách truyền phần hồng cầu đã gắn Technetium 99 vào cơ thể bệnh nhân. Thông qua sự di chuyển của các hồng cầu này, bác sĩ chuyên khoa có thể tìm ra vị trí chảy máu. Kết quả từ kỹ thuật chụp đồng vị phóng xạ có thể phát hiện độ nhạy > 90% và máu chảy tốc độ 0,1 ml/p. Tuy nhiên mức độ chính xác chỉ đạt từ 40 – 60%, không thể nhận được vị trí chảy máu là khu vực thuộc đại tràng bên phải hay bên trái.
  • Nội soi ruột non: Nội soi ruột non là kỹ thuật thường được áp dụng cho bệnh nhi. Kỹ thuật này có thể kiểm tra và xác định tổn thương trong 50 – 70cm ruột non dưới góc Treitz.
  • Nội soi bằng camera không dây: Bác sĩ chuyên khoa yêu cầu bệnh nhân nuốt một camera có kích thước nhỏ như viên thuốc.Từ đó bác sĩ có thể quan sát được hình ảnh trong lòng ruột khi camera di chuyển trong ống tiêu hóa nhờ hoạt động của nhu động ruột.
  • Nội soi ruột trong mổ: Tiến hành mở ruột non để soi, quan sát ruột non. Từ đó xác định vị trí chảy máu và nguyên nhân gây bệnh. Cuối cùng xử lý tình trạng chảy máu dạ dày dưới bằng phẫu thuật. Nội soi ruột trong mổ là một kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích đối với những trường hợp chẩn đoán khó.
Nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng là xét nghiệm được ưu tiên để chẩn đoán cho những bệnh nhân nhập viện vì xuất huyết dạ dày dưới

Phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới

Phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên cầm máu và hồi sức nội khoa là các mục đích được ưu tiên trong quá trình chữa trị.

Một số phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị chảy máu dạ dày dưới gồm:

1. Điều trị nội soi

Nội soi là phương pháp được chỉ định để chữa trị ở hầu hết các trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa dưới. Bởi phương pháp điều trị này thường mang lại hiệu quả cao khi áp dụng cho những bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do polyp đại tràng, có khối u lành tính cần được loại bỏ.

Đối với những trường hợp viêm túi thừa, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và chỉ định bệnh nhân tiêm Epinephrine, đông tĩnh mạch hoặc đông máu để điều trị.

Phương pháp nội soi trong điều trị xuất huyết đường tiêu hóa dưới tương đối an toàn, đạt hiệu quả điều trị cao và có tỉ lệ tái phát thấp. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị bệnh cần phụ thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí chảy máu, lượng máu tiết ra, nguyên nhân gây bệnh và nhu cầu của bệnh nhân.

2. Thuyên tắc mạch máu chọn lọc

Tương tự như nội soi, quá trình điều trị xuất huyết đường tiêu hóa dưới bằng phương pháp thuyên tắc mạch máu chọn lọc có tác dụng làm giảm lượng máu lưu thông và làm co mạch máu. Theo kết quả thống kê, tỉ lệ ngưng xuất huyết đạt từ 59- 90% các trường hợp.

Sau khi quan sát và xác định được mạch máu, bác sĩ chuyên khoa có thể tiêm Vasopressin làm tắc mạch máu. Từ đó giúp cầm máu và ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chứng.

Bác sĩ chuyên khoa tiêm Vasopressin làm tắc mạch máu sau khi xác định vị trí tổn thương, chảy máu

3. Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật thường được xem xét và chỉ định cho những trường hợp khẩn cấp, xuất huyết nghiêm trọng, bệnh nhân bị mất ổn định huyết động và cần tiến hành truyền một lượng máu lớn để làm giảm nguy cơ mất máu dẫn đến tử vong. Có 18 – 25% các trường hợp cần phẫu thuật.

Những trường hợp cụ thể cần tiến hành phẫu thuật gồm:

  • Bệnh viêm ruột
  • Xuất hiện khối u hoặc xuất hiện ung thư dẫn đến chảy máu
  • Xuất huyết nghiêm trọng và những phương pháp ngoại khoa không mang lại hiệu quả chữa trị như mong đợi
  • Bệnh nhân đã truyền hơn 6 đơn vị máu và có huyết áp không ổn định
  • Có dấu hiệu sốc do mất máu
  • Bệnh xuất huyết đường tiêu hóa dưới tái phát.

Thông thường phẫu thuật điều trị xuất huyết đường tiêu hóa được thực hiện thông quan ống nội soi. Điều này có thể làm tăng tỉ lệ hồi phục và làm giảm nguy cơ xuất hiện các rủi ro.

4. Điều trị các bệnh lý liên quan

Sau khi tiến hành kiểm tra và xác định chính xác nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa dưới, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân áp dụng các phương pháp điều trị bệnh lý liên quan. Từ đó phòng tránh được tình trạng xuất huyết tái phát.

  • Viêm túi thừa: Viêm túi thừa là nguyên nhân gây xuất huyết hệ thống tiêu hóa dưới nghiêm trọng. Ở trường hợp này quá trình chữa trị thường thông qua kỹ thuật đông mạch máu hoặc tiêm Epinephrine. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, có khả năng đe dọa đến tính mạng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt một nửa đại tràng.
  • Loạn sản mạch máu: Loạn sản mạch máu là bệnh lý xảy ra phổ biến ở những người trên 50 tuổi và chiếm khoảng 40% tổng số trường hợp chảy máu hệ thống tiêu hóa dưới. Để điều trị, bệnh nhân thường được yêu cầu chích xơ, sử dụng các loại thuốc làm co mạch máu hoặc đốt điện.
  • Polyp đại tràng hoặc khối u đại tràng: Những bệnh nhân bị xuất huyết do khối u đại tràng hoặc polyp đại tràng sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
  • Bệnh trĩ và nứt hậu môn: Đối với những trường hợp bị trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn dẫn đến xuất huyết hệ thống tiêu hóa dưới, bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật chuyên môn.
  • Bệnh viêm hậu môn, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng: Bệnh viêm hậu môn, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng thường gây xuất huyết nhẹ và được điều trị bằng phương pháp nội khoa (dùng thuốc).
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa cho những trường hợp xuất huyết do viêm hậu môn, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng

Xuất huyết đường tiêu hóa dưới là bệnh lý nguy hiểm. Bởi ở những trường hợp nặng, có tổn thương và chảy máu nghiêm trọng, nguyên nhân phức tạp, bệnh nhân có thể gặp nhiều rủi ro không mong muốn, thậm chí tử vong. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các biểu hiện lâm sàng xuất hiện, người bệnh nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và xử lý kịp thời.