Viêm đường tiết niệu: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Viêm đường tiết niệu là 1 trong 2 loại nhiễm trùng phổ biến nhất trong cơ thể. Nó có thể gây ra các triệu chứng cực kỳ khó chịu và thường tái đi tái lại, khó trị dứt điểm.

Viêm đường tiết niệu là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm đường tiết niệu (hay nhiễm trùng tiết niệu) là do các vi sinh vật, hầu hết là vi khuẩn, xâm nhập vào đường tiết niệu và gây viêm nhiễm. Một số trường hợp viêm đường tiết niệu là do nấm hoặc virus (hiếm gặp).

Viêm nhiễm có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu
Viêm nhiễm có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu

Đường tiết niệu là hệ thống thoát nước của cơ thể, giúp loại bỏ chất thải và nước thừa. Cấu tạo của đường tiết niệu bao gồm: 2 quả thận, 2 niệu quản, 1 bàng quang và 1 niệu đạo.

Hầu hết viêm nhiễm đều liên quan tới niệu đạo và bàng quang (đường dưới). Viêm nhiễm ở niệu quản và thận (đường trên) tuy ít gặp nhưng thường có mức độ nghiêm trọng hơn.

Vậy viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không? – Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm đường tiết niệu dưới hiếm khi dẫn đến các biến chứng.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các biến chứng của viêm đường tiết niệu có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là ở những phụ nữ trải qua hai lần viêm đường tiết niệu trở lên trong thời gian 6 tháng hoặc bị 4 lần trong vòng 1 năm.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn do viêm thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm bể thận)
  • Tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non (đối với phụ nữ mang thai)
  • Hẹp niệu đạo (đối với nam giới
  • Nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong

Nguyên nhân viêm đường tiết niệu

Vi khuẩn sống ở trong đường ruột (như E. coli) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm nhiễm đường tiết niệu.

Theo giải thích của Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia (NIDDK, Mỹ), khi xâm nhập vào đường tiết niệu, vi khuẩn sẽ được cơ thể loại bỏ nhanh chóng.

Nhưng đôi khi, chúng vượt qua được hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, bám vào niêm mạc đường tiết niệu và gây nhiễm trùng.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm:

Là nữ giới

So với nam giới, nữ giới dễ bị viêm nhiễm hơn hơn vì niệu đạo ngắn. Điều này cho phép vi khuẩn tiếp cận bàng quang nhanh hơn.

Vi khuẩn từ âm đạo và hậu môn cũng có nhiều cơ hội đi vào lỗ niệu đạo. Các bệnh lây qua đường tình dục, như Herpes, lậu, Chlamydia và Mycoplasm, cũng có thể thây viêm niệu đạo.

Theo nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Kansas (Mỹ), nguy cơ mắc bệnh này ở phụ nữ là hơn 50%. Tuy không phổ biến, nhưng nam giới vẫn có thể mắc bệnh với các triệu chứng khá nghiêm trọng.

Quan hệ tình dục

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Y Washington (Mỹ) đã chỉ ra rằng quan hệ tình dục và sử dụng thuốc diệt tinh trùng để tránh thai làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu ở nữ giới trẻ tuổi.

Quan hệ tình dục có thể vận chuyển vi khuẩn từ khoang âm đạo đến lỗ niệu đạo. Sau khi làm “chuyện ấy”, hầu hết nữ giới đều có một lượng vi khuẩn đáng kể trong nước tiểu.

Mặc dù cơ thể có khả năng loại bỏ vi khuẩn trong vòng 24 giờ, nhưng một số vi khuẩn cứng đầu vẫn có thể sống sót và gây nhiễm trùng.

Các nhà nghiên cũng tìm ra rằng tỷ lệ phát triển viêm bàng quang cấp tính tăng thêm 60 lần trong 48 giờ sau khi quan hệ tình dục.

Biện pháp tránh thai

Một số biện pháp tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng viêm đường tiết niệu

Thuốc diệt tinh trùng và bao cao su có thể gây kích ứng da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập các mô xung quanh.

Màng ngăn âm đạo là dụng cụ tránh thai vừa khít với cổ tử cung
Màng ngăn âm đạo là dụng cụ tránh thai vừa khít với cổ tử cung

Màng ngăn âm đạo có thể thay đổi hệ vi khuẩn âm đạo và làm chậm dòng nước tiểu. Điều này khiến vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và phát triển mạnh.

Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người sử dụng màng ngăn âm đạo bị nhiễm trùng ở đường tiết niệu tái phát nhiều và có triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Ống thông tiểu

Một nghiên cứu được công bố trên Diễn đàn toàn cầu Antimicrobial Resistance & Infection Control đã chỉ ra rằng viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những bệnh nhân phải dùng ống thông tiểu.

Màng sinh học phát triển trên ống thông tiểu, cho phép vi khuẩn phát triển mạnh và gây nhiễm trùng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn và nhiễm trùng là hạn chế sử dụng ống thông tiểu. Nên ngừng sử dụng ống thông ngay khi có các triệu chứng viêm nhiễm.

Mang thai

Nhiễm trùng ở đường tiết niệu là một biến chứng phổ biến của thai kỳ, xảy ra ở 2 – 13% phụ nữ mang thai. Các nhà nghiên cứu tin rằng một số thay đổi hormone/nội tiết tố ở phụ nữ mang thai và thay đổi vị trí của đường tiết niệu góp phần làm tăng nguy cơ phát triển viêm nhiễm.

Theo đó, vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển lên niệu quản để đến thận và gây nhiễm trùng. Đây là lý do tại sao phụ nữ mang thai thường xuyên được bác sĩ yêu cầu kiểm tra vi khuẩn trong nước tiểu.

Hệ thống miễn dịch bị ức chế và bệnh đái tháo đường

Hệ thống miễn dịch bị ức chế khiến bệnh nhân khiến khả năng phòng chống vi khuẩn của cơ thể suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu.

Theo một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Diabetes, Metabolic Syndrome & Obesity, nhiễm trùng tiết niệu thường gặp, có mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều biến chứng hơn ở bệnh nhân đái tháo đường.

Điều này là do họ có hệ thống miễn dịch suy yếu và kiểm soát trao đổi chất kém.

Phụ nữ sau mãn kinh

Một nhóm khác có nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu cao hơn là phụ nữ mãn kinh. Thiếu hụt estrogen trong độ tuổi mãn kinh được cho là làm tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn.

Kem estrogen bôi âm đạo có thể mang lại tác dụng có lợi trong việc quản lý vi khuẩn tái phát ở phụ nữ cao tuổi, vì nó làm giảm pH âm đạo.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu phụ thuộc vào phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.

Các dấu hiệu viêm đường tiết niệu dưới bao gồm:

  • Cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu ít
  • Buồn tiểu
  • Nước tiểu có máu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu trông giống như cola hoặc trà
  • Nước tiểu có mùi khai nồng nặc
  • Đau vùng chậu (đối với nữ giới)
  • Đau trực tràng (đối với nam giới)

Nhiễm trùng tiết niệu trên ảnh hưởng đến 1 trong 2 quả thận. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì nó có khả năng đe dọa tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận vào máu.

Tình trạng này được gọi là Urosepsis, có thể gây tụt huyết áp nguy hiểm, sốc và tử vong.

Viêm đường tiết niệu thường gặp ở nữ giới

Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu trên bao gồm:

  • Đau, cảm giác châm chích ở thắt lưng và bên sườn
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn

Các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu ở nam giới cũng tương tự như ở phụ nữ. Khi bị nhiễm trùng tiết niệu dưới, nam giới đôi khi có thể cảm thấy đau trực tràng, còn nữ giới có thể cảm thấy đau vùng chậu.

Mê sảng và nhiễm trùng tiết niệu là hai tình trạng rất phổ biến ở người cao tuổi. Trong một báo cáo tổng quan năm 2014, ở những bệnh nhân cao tuổi mắc viêm nhiễm đường tiết niệu, tỷ lệ mê sảng dao động từ 30 – 35%.

Tỷ lệ này ở người không mắc nhiễm trùng tiết niệu là 7 – 8%. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nên xem mê sảng là một trong những triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu không điển hình ở người cao tuổi.

Ngoài các dấu hiệu, triệu chứng giống như ở người lớn, trẻ có thể gặp phải những triệu chứng sau:

  • Trẻ sơ sinh: Sốt cao, da tái hoặc vàng, mê mệt, ngủ li bì, rối loạn tiêu hóa…
  • Trẻ bú mẹ: Sốt cao, rét run, trướng bụng, nôn trớ, tiêu chảy, quấy khóc, nước tiểu đục…
  • Trẻ lớn: Sốt cao, môi khô bong tróc, lưỡi bẩn, miệng hôi, đau ở thắt lưng, nước tiểu đục…

Viêm đường tiết niệu có gây ngứa không? Bao lâu thì khỏi?

Ngứa rát ở vùng kín hay niệu đạo cũng là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm đường tiết niệu. Triệu chứng này dễ gặp ở nữ giới hơn.

Ngoài ra, ngứa rát niệu đạo có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe khác, bao gồm bệnh xã hội, như Trichomonas, Chlamydia hoặc lậu.

Khi bị ngứa rát, bệnh nhân tuyệt đối không nên gãi hoặc dùng vật cứng chà xát vào vùng kín. Điều này có thể gây xước, tổn thương vùng kín, khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây hại nhiều hơn.

Viêm đường tiết niệu bao lâu thì khỏi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc bạn có phát hiện bệnh sớm hay không, điều trị, chăm sóc như thế nào và viêm nhiễm có biến chứng hay không.

  • Viêm đường tiết niệu không biến chứng: Là dạng nhiễm trùng ở những người khỏe mạnh, có cơ quan tiết niệu bình thường về cấu trúc và chức năng.
  • Viêm đường tiết niệu có biến chứng: Là dạng nhiễm trùng thường gặp ở những người có bất bình thường ở cơ quan tiết niệu, như bị hẹp niệu đạo, sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt (ở nam giới).

Khi không có biến chứng, các triệu chứng viêm nhiễm có thể thuyên giảm trong vòng trên dưới 48 tiếng.

Tuy nhiên, đối với viêm đường tiết niệu có biến chứng, bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh liều cao, liệu trình có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần.

Viêm nhiễm nặng hoặc viêm bể thận, bệnh nhân cần phải nhập viện ngay để tiêm kháng sinh.

Đặc biệt, nếu bạn bị viêm đường tiết niệu mãn tính (viêm nhiễm tái phát 3 – 5 lần/năm), bạn có thể phải dùng kháng sinh liều thấp liên tục trong 6 tháng.

Viêm đường tiết niệu và cách chữa tốt nhất

Nếu bạn nghi ngờ bản thân gặp vấn đề ở đường tiết niệu, hãy đến chủ động đi khám bệnh. Kiểm tra nước tiểu có thể phát hiện ra vi khuẩn gây ra viêm đường tiết niệu.

Nếu bạn bị viêm nhiễm đường tiết niệu thường xuyên, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm, chụp CT hoặc MRI. Sau khi tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Điều trị viêm đường tiết niệu tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà khó có thể chữa khỏi viêm nhiễm. Tuy nhiên, chúng có thể giúp thuốc điều trị phát huy được hiệu quả hơn và hỗ trợ cơ thể loại bỏ nhiễm trùng nhanh chóng hơn.

Nước ép nam việt quất giàu chất chống oxy hóa và giúp kháng khuẩn tốt
Nước ép nam việt quất giàu chất chống oxy hóa và giúp kháng khuẩn tốt

Một số biện pháp bạn nên thử:

  • Uống nhiều nước: Uống nước hoặc chất lỏng trong suốt cả ngày giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn nên tích cực uống trà thảo dược, nước canh, nước hầm xương…
  • Không nhịn đi tiểu: Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu. Đi tiểu thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn không phát triển trong nước tiểu ở bàng quang. Bạn cũng nên đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào niệu đạo.
  • Lau đúng cách: Khi vệ sinh âm đạo, phụ nữ nên lau từ trước ra sau, đặc biệt là sau khi đại tiện. Điều này giúp đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập vào niệu đạo.
  • Mặc quần áo rộng: Quần áo và đồ lót rộng rãi cho phép không khí lưu thông tốt. Mặc quần jean bó sát hoặc chất liệu như nylon có thể làm tăng độ ẩm ở vùng kín và cho phép vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.
  • Tránh sử dụng chất diệt tinh trùng: Nên sử dụng bao cao su không chứa chất diệt tinh trùng.
  • Vệ sinh thân thể: Nên tắm bằng vòi hoa sen thay vì ngâm mình trong bồn tắm. Không sử dụng xà bông, sản phẩm thụt rửa, nước hoa vùng kín… khi bị viêm nhiễm. Nếu cần, có thể sử dụng sản phẩm vệ sinh vùng kín dịu nhẹ, không chứa các chất gây kích ứng.
  • Uống nước ép nam việt quất: Nước ép quả mọng này có thể giúp chống viêm và kháng khuẩn tốt.

Viêm đường tiết niệu uống thuốc gì?

Điều trị nhiễm trùng tiết niệu bằng thuốc còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Thông qua các xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định sinh vật nào gây viêm nhiễm.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây viêm nhiễm là do vi khuẩn. Nguyên nhân này sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, như Trimethoprim.

Dạng kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn thường phụ thuộc vào viêm nhiễm ở phần nào. Viêm nhiễm ở đường tiết niệu dưới có thể được điều trị bằng kháng sinh dạng uống.

Viêm nhiễm ở đường tiết niệu trên đòi hỏi phải dùng kháng sinh dạng tiêm tĩnh mạch.

Nếu vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh, bác sĩ sẽ dựa theo kết quả từ việc cấy nước tiểu để lựa chọn phương pháp điều trị bằng kháng sinh tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, virus hoặc nấm cũng là nguyên nhân gây viêm nhiễm. Nếu bệnh do siêu vi thì sẽ được điều trị bằng thuốc chống siêu vi.

Thông thường, Cidofovir là loại thuốc kháng virus phổ biến để điều trị nhiễm trùng tiết niệu do virus. Mặt khác, viêm nhiễm do nấm sẽ được điều trị bằng thuốc chống nấm.

Chữa viêm đường tiết niệu bằng Đông y

Theo Đông y, nhiễm trùng tiết niệu thuộc phạm vi chứng lâm. Bàng quang thấp nhiệt và thận hư gặp phải các tác nhân làm giảm chính khí, như tình dục không điều độ, căng thẳng, ăn uống không hợp lý, lao động mệt mỏi… sẽ phát thành bệnh.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Nước tiểu đậm màu, có màu đỏ, đi tiểu khó, đau buốt khi tiểu…

Dưới đây là một số bài thuốc giúp điều trị nhiễm trùng tiết niệu thông dụng:

  • Trị tiểu khó, tiểu buốt, đái dắt do nhiệt: Chuẩn bị 16gr biển súc, 10gr hải kim sa, 10gr bông mã đề, 6gr cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày.
  • Trị viêm bàng quang: Chuẩn bị 10gr long đởm thảo, 10gr hoàng cầm, 10gr chi tử, 10gr trạch tả, 10gr mộc thông, 10gr xa tiền tử, 10gr đương quy, 10gr sài hồ bắc, 12gr sinh địa, 4gr cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày.
  • Trị viêm niệu đạo, viêm bàng quang, đái buốt, tiểu nóng rát: Chuẩn bị 16gr biển súc, 10gr mã đề, 8gr hoạt thạch, 6gr mộc thông. Sắc uống 1 thang/ngày.
  • Trị viêm đường tiết niệu đái ra máu: Chuẩn bị 30gr bạch mao căn, 15gr rễ cây đại kế hoặc 30gr cỏ mực và 30gr bông mã đề. Sắc uống 1 thang/ngày.
  • Trị đái buốt, đái dắt do nhiễm trùng tiết niệu: Chuẩn bị 30gr hải kim sa, 30gr hoạt thạch, 10gr ngọn cành cam thảo. Tán nguyên liệu thành bột mịn, uống 6gr mỗi ngày cùng với nước sắc 10gr mạch môn.
  • Trị tiểu ra máu, đau buốt: 10gr địa phu tử, 10gr đông quỳ tử, 10gr phục linh, 10gr tri mẫu, 10gr cỏ lá tre, 6gr thông thảo, 6gr hoàng bá, 6gr cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày.

Viêm đường tiết niệu kiêng gì, ăn gì?

Cùng với một số loại thuốc cần thiết, những gì bạn ăn và uống khi bị nhiễm trùng tiết niệu cũng có thể giúp bạn nhanh hồi phục hơn.

Nên ăn gì khi bị viêm đường tiết niệu?

Nên ưu tiên ăn những thực phẩm lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa và chống viêm, bao gồm:

Nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày
Nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày
  • Thực phẩm giàu probiotic: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cân bằng của hệ vi khuẩn trong cơ thể là điều quan trọng để ngăn chặn sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây hại. Bởi vậy, nên bổ sung probiotic từ thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm thông thường, như sữa chua, kim chi, dưa muối…
  • Nước ép nam việt quất: Một số nghiên cứu cho thấy nước ép nam việt quất (không cho thêm đường) có thể làm giảm tần suất mắc viêm đường tiết niệu trong khoảng thời gian 12 tháng, đặc biệt đối với phụ nữ bị viêm đường tiết niệu tái phát.
  • Nước lọc: Uống nhiều nước hơn, nên uống ngay cả khi bạn không khát. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn tự nhiên.
  • Quả việt quất: Việt quất được cho là có tác dụng tương tự như nam việt quất.
  • Bông cải xanh, ớt chuông: Chứa nhiều vitamin C, giúp nước tiểu có tính axit hơn và cản trở sự phát triển của vi khuẩn gây viêm nhiễm.
  • Quế: Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất có trong quế giúp ngăn chặn E. coli, đồng thời làm giảm một số khó chịu do viêm nhiễm.
  • Tỏi: Cung cấp allicin và các hợp chất khác giúp kháng khuẩn, tăng cường chức năng miễn dịch.
  • Ăn chay: Một nghiên cứu từ Đài Loan đã tiết lộ rằng ăn chat có thể giúp quản lý viêm đường tiết niệu hiệu quả.

Không nên ăn gì khi bị viêm đường tiết niệu?

Lựa chọn sai thực phẩm có thể khiến quá trình điều trị viêm nhiễm của bạn trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy, hãy tránh những thực phẩm sau:

  • Đồ uống không làn mạnh: Không uống cà phê, rượu bia, nước ngọt, soda… trong quá trình điều trị viêm nhiễm. Đồ uống này có thể tăng viêm và làm chậm quá trình phục hồi.
  • Đồ cay nóng: Hạn chế ăn đồ ăn quá cay, có tính nóng vì nó có thể kích thích bằng quang.
  • Trái cây có tính axit: Hạn chế ăn cam hoặc chanh trong quá trình điều trị viêm nhiễm. Bởi chúng có thể kích thích bàng quang của bạn. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, bạn nên ăn trái cây có tính axit giàu vitamin C để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
  • Chất tạo ngọt nhân tạo: Bao gồm cả Saccharin, Sucralose, Aspartame và các loại đường ăn kiêng khác. Tuy là lựa chọn lành mạnh hơn đường thông thường, nhưng chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm nặng hơn các triệu chứng khó chịu ở bàng quang.

Thông thường, nhiễm trùng tiết niệu nặng xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu do hậu quả của một bệnh lý khác, chẳng hạn như đái tháo đường, sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt…

Bởi vậy, những người này nên chủ động phòng chống viêm nhiễm ở đường tiết niệu ngay từ sớm.

Tóm lại, hầu hết mọi người đều có thể mắc viêm đường tiết niệu tại một số thời điểm trong cuộc đời, đặc biệt là phụ nữ. Khi nhận thấy những dấu hiệu viêm nhiễm, hãy liên hệ với bác sĩ để được điều trị kịp thời, đúng cách.