Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu và thông tin cần biết

Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác liên tục bị đau buốt, nóng rát khi đi tiểu, rất có thể bạn đã mắc viêm đường tiết niệu. Cập nhật phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu là điều vô cùng cần thiết để đối phó với căn bệnh nhiễm trùng này.

Cách chẩn đoán viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu/nhiễm trùng tiết niệu thường là do vi khuẩn gây ra. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ ai, đặc biệt là nữ giới.

Viêm đường tiết niệu rất thường gặp trong cuộc sống
Viêm đường tiết niệu rất thường gặp trong cuộc sống

Có nhiều loại viêm đường tiết niệu khác nhau, tùy thuộc vào nơi mà vi khuẩn gây nhiễm trùng. Viêm đường tiết niệu dưới xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang, gọi là viêm bàng quang.

Nếu nhiễm trùng đi lên thận, sẽ gây ra viêm bể thận.

Các triệu chứng điển hình là:

  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Luôn cảm thấy bị thôi thúc đi tiểu
  • Tiểu lắt nhắt
  • Có máu trong nước tiểu, hoặc nước tiểu màu hồng
  • Nước tiểu vẩn đục, mùi khai nồng nặc
  • Đau, co thắt ở xương chậu hoặc vùng xương mu, đặc biệt là ở phụ nữ

Các xét nghiệm và thủ tục được áp dụng để chẩn đoán viêm đường tiết niệu bao gồm:

  • Phân tích mẫu nước tiểu
  • Nuôi cấy vi khuẩn đường tiết niệu trong phòng thí nghiệm
  • Chụp CT hoặc MRI
  • Nội soi bàng quang

Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu

Thuốc kháng sinh là sự lựa chọn hàng dầu trong điều trị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn. Viêm đường tiết niệu uống thuốc gì, uống với liều lượng nào, uống trong bao lâu… sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân và viêm nhiễm ở mức độ nào.

Viêm đường tiết niệu không có biến chứng (ở người có cấu trúc cơ quan tiết niệu bình thường) sẽ dễ dàng điều trị trong vài ngày.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu có biến chứng (có cấu tạo cơ quan tiết niệu bất thường), bắt buộc phải dùng kháng sinh liều cao, dùng kéo dài tới 1 – 2 tuần.

Viêm đường tiết niệu trên (viêm bể thận) cần nhập viện ngay và điều trị bằng kháng sinh dạng tiêm kết hợp với uống.

Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu chung

Nhìn chung, phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phổ biến là dùng kháng sinh thích hợp trong vòng 1 tuần đến 10 ngày.

Do tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh Ampicillin và Amoxicillin của vi khuẩn ngày càng cao, nên nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo không sử dụng đơn độc những loại thuốc này.

Viêm đường tiết niệu cấp (đơn giản, không biến chứng)

Đối với những bệnh nhân có thể trạng tốt, phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu cấp có thể chỉ mất 3 – 7 ngày với thuốc kháng sinh thường dùng như:

  • Sulfamethoxazol-Trimethoprim 800/160m: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Ciprofloxacin 250 – 500mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Ofloxacin 200mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Pefloxacin Monodose 400mg: 2 viên/lần, 1 lần ngày, uống 1 liều.
  • Pefloxacin 400mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Norfloxacin 400mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Levofloxacin 250mg: 1 viên/ngày, uống 3 ngày.
  • Gatifloxacin 400mg: 1 viên/lần, 1 lần/ngày, uống 1 liều.
  • Cefixime 400mg: 1 viên/ngày, uống 3 ngày.
  • Cefuroxim 125 – 250mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 – 7 ngày.
  • Cefpodoxim 100mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 3 ngày.
  • Fosfomycin 3gr: 1 gói/lần, uống 1 liều.
  • Amoxicillin-Acid clavulanic 625mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 5 – 7 ngày.
  • Ampicillin-Sulbactam 375mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 5 – 7 ngày.
  • Nitrofurantoin 100mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày, uống 5 – 7 ngày.

Viêm đường tiết niệu mãn tính, có biến chứng

Các kháng sinh dùng trong trường hợp này bao gồm:

  • Ceftolozane 1gr và Tazobactam 0,5gr (Zerbaxa 1,5gr): Tiêm tĩnh mạch 1,5gr, mỗi 8 giờ, truyền trong vòng 1 tiếng, trong 7 ngày.
  • Ceftazidime 2gr và Avibactam 0,5gr (Avycaz 2,5gr): Tiêm tĩnh mạch 2,5gr, mỗi 8 giờ, truyền trong vòng 2 tiếng, trong 7 – 14 ngày.
  • Ciprofloxacin: 20 – 40mg/kg/ngày, chia thành 2 lần (tối đa 1500mg/ngày, dạng uống). Dùng 6 – 10mg/kg/ngày, mỗi 8 tiếng, trong 10 – 21 ngày (tối đa 400mg, dạng tiêm tĩnh mạch).
  • Fosfomycin: 3gr mỗi 2 – 3 ngày trong 3 liều (chủ yếu là nam).
  • Levofloxacin: 250mg/lần/ngày, trong 10 ngày hoặc 750mg/lần/ngày, trong 5 ngày.
  • Trimethoprim-Sulfamethoxazol: 1 viên, mỗi 12 giờ, trong 7 – 10 ngày.
  • Nitrofurantoin: 50 – 100mg/liều, mỗi 6 giờ, trong 7 ngày hoặc ít nhất 3 ngày sau khi kiểm tra nước tiểu có kết quả vô trùng.

Viêm đường tiết niệu ở nam giới

Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu nam cũng giống như cho nữ giới, đều có thể áp dụng phác đồ nêu trên.

Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân nam bị viêm đường tiết niệu có biến chứng hoặc bị viêm tuyến tiền liệt, cách điều trị sẽ có nhiều khác biệt.

Sau chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp cho từng đối tượng
Sau chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp cho từng đối tượng

Phác đồ điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn ở nam giới có thể bao gồm:

  • Khi thấy có triệu chứng viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ điều trị ngay dựa theo kinh nghiệm.
  • Khi chờ đợi kết quả nuôi cấy nước tiểu và kháng sinh đồ, loại kháng sinh thường dùng là Fluoroquinolones. Sau đó, bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh phù hợp dựa theo kháng sinh đồ.
  • Điều trì tối thiểu trong 2 tuần.
  • Nếu triệu chứng không được cải thiện sau 7 ngày điều trị, có thể đổi thuốc kháng sinh và cấy dịch tuyến tiền liệt.
  • Bệnh nhân nặng cần nhập viện để điều trị, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Có thể phối hợp thuốc kháng sinh nhóm Aminosid và Penicillin hoặc Fluoroquinolones.
  • Khi bệnh nhân bị bí tiểu hoặc áp xe tuyến tiền liệt, cần chuyển bệnh nhân ngay sang chuyên khoa tiết niệu.

Đối với viêm tuyến tiền liệt mãn tính, bệnh nhân sẽ được lựa chọn kháng sinh tùy theo tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Lựa chọn điều tiên là nhóm Fluoroquinolones. Chọn 1 trong những thuốc sau:

  • Ciprofloxacin 500mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Ofloxacin 200mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Norfloxacin 400mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Levofloxacin 500mg: 1 lần/ngày, trong 28 ngày

Nếu bệnh nhân bị dị ứng với Fluoroquinolones, có thể chọn 1 trong những thuốc kháng sinh sau:

  • Doxycyclin 100mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Minocyclin 100mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Trimetoprim 200mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày
  • Trimethoprim/Sulfamethoxazole 160/800mg: 2 lần/ngày, trong 28 ngày

Có thể dùng thêm thuốc chống viêm giảm đau và mát xa tuyến tiền liệt để điều trị các triệu chứng.

Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng sinh liều đủ, có thể cho bệnh nhân dùng liều thấp trong thời gian dài. Ví dụ như 1 viên Trimethoprim/Sulfamethoxazole 160/800mg mỗi ngày, trong 4 – 6 tuần.

Viêm bàng quang cấp ở phụ nữ lớn tuổi

Với phụ nữ cao tuổi có thể trạng tốt, có thể sử dụng phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp với kháng sinh trong 3 ngày. Phác đồ điều trị 7 ngày thường gây nhiều tác dụng phụ hơn so với phác đồ 3 ngày.

Cần thận trọng nếu sử dụng Fluoroquinolones cho người cao tuổi, vì thuốc làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim hoặc đột biến đường huyết.

Nếu các triệu chứng của bệnh nhân không cải thiện sau 3 ngày dùng thuốc, cần cấy nước tiểu và đổi kháng sinh.

Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu cho trẻ em

Rất khó có thể phát hiện các triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Bởi lẽ, trẻ còn quá nhỏ, chưa thể mô tả sự khó chịu trong người và các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với nhiều tình trạng sức khỏe khác.

Cha mẹ nên quan sát con kỹ lưỡng để phát hiện ra các triệu chứng viêm nhiễm từ sớm. Các triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Li bì hoặc bứt rứt
  • Bú ít hoặc bỏ bú
  • Nôn trớ
  • Tiêu chảy
  • Vàng da (trẻ sơ sinh)

Ở trẻ lớn hơn, các triệu chứng thường gặp là:

  • Sốt
  • Đau bụng
  • Đau ở thắt lưng
  • Đau khi đi tiểu
  • Tiểu ra máu
  • Tiểu lắt nhắt
Điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ cần sự kiên trì
Điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ cần sự kiên trì

Điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ nhằm 4 mục tiêu:

  • Cải thiện các triệu chứng, làm sạch vi khuẩn trong đường tiết niệu
  • Ngăn ngừa tạo sẹo ở nhu mô thận
  • Phòng ngừa viêm đường tiết niệu tái phát
  • Sửa chữa các tổn thương và bất thường đường tiết niệu

Đối với viêm đường tiết niệu nặng, trẻ cần được truyền dịch và kháng sinh thích hợp. Thường bắt đầu bằng thuốc Cephalosporin thế hệ III.

Nếu nghi ngời nhiễm khuẩn Gram (+), có thể phối hợp Aminoside với Ampicillin hoặc Amoxicillin/Clavulanate. Khi có kết quả nuôi cấy nước tiểu, bác sĩ sẽ điều chỉnh kháng sinh thích hợp với kháng sinh đồ.

Nếu trẻ dị ứng với Cephalosporin, có thể thay thế bằng Aztreonam hoặc Aminoside.

Trẻ nhỏ cần tránh dùng Chloramphenicol, Sulphamides, Tetracycline, Rifampicin, Amphotericin, Amphotericin B. Đồng thời, nên tránh dùng Ceftriaxone do làm tăng nguy cơ vàng da.

Trong bệnh viện, sau khi tiêm truyền và hết sốt, có thể chuyển sang kháng sinh dạng uống.

Nhìn chung, phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu cho trẻ có thể như sau:

Điều trị nhiễm trùng

Viêm đường tiết niệu uống thuốc gì phụ thuộc vào tình trạng kháng kháng sinh của từng bệnh nhân. Thuốc kháng sinh có thể điều trị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli và không biến chứng hiệu quả.

Ampicillin

  • Độ tuổi: 3 – 12 tháng
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 100 – 300mg/kg, 3 lần/ngày

Ampicillin

  • Độ tuổi: 1 – 12 tuổi
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 60 – 150mg/kg, 3 lần/ngày

Amoxycillin

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 50 – 100mg/kg, 2 – 3 lần/ngày

Amoxycillin + A. Clavulanic

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 60 – 100mg/kg, 3 lần/ngày

Amoxycillin + A. Clavulanic

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 37,5 – 75mg/kg, 2 – 3 lần/ngày

Cephalexin

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 50 – 100mg/kg, 3 lần/ngày

Cefixim

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 8 – 12mg/kg, 1 lần/ngày

Ceftriaxone

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 50 – 100mg/kg, 1 lần/ngày

Aztreonam

  • Độ tuổi: 3 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 50 – 100mg/kg, 3 lần/ngày

Gentamycin

  • Độ tuổi: 3 – 12 tháng
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 5 – 7,5mg/kg, 1 – 3 lần/ngày

Gentamycin

  • Độ tuổi: 1 tháng – 12 tuổi
  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 5mg/kg, 1 – 3 lần/ngày

Trimetoprim

  • Độ tuổi: 1 – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 6mg/kg, 2 lần/ngày

Nitrofurantoin

  • Độ tuổi: 1 – 12 tuổi
  • Đường dùng: Uống
  • Liều dùng: 3 – 5mg/kg, 2 lần/ngày

Thời gian điều trị viêm đường tiết niệu đơn giản ở trẻ thường kéo dài từ 5 – 7 ngày. Viêm nhiễm nặng thường cần 10  -14 ngày.

Điều trị dự phòng

Đối với những trẻ bị trào ngược bàng quang – niệu quản độ III trở lên, hoặc bị viêm đường tiết niệu mãn tính (mắc 3 đợt trong 6 tháng, kèm sốt hoặc bị 3 – 5 đợt trong năm) thường được chỉ định uống 1 liều kháng sinh trước khi đi ngủ, tối thiểu trong 2 năm hoặc tới đến hết 5 tuổi.

Có thể chọn 1 trong 3 loại:

  • Trimethoprim/Sulfamethoxazole 12mg/kg
  • Nitrofurantoin 2mg/kg
  • Cephalexin 10mg/kg

Những trẻ sau cần phải nhập viện điều trị:

  • Dưới 2 tháng tuổi
  • Các triệu chứng trở nặng
  • Nôn trớ nhiều, không uống được thuốc kháng sinh
  • Tụt huyết áp
  • Không đáp ứng thuốc kháng sinh

Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai nên đi khám càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ bản thân bị viêm đường tiết niệu. Tình trạng này nếu không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non.

Điều trị viêm tiết niệu dưới

Khi bị viêm đường tiết niệu dưới (bàng quang hoặc niệu đạo), phụ nữ mang thai thường được điều trị theo phác đồ:

  • Dùng kháng sinh trong 3 – 7 ngày hoặc dài hơn.
  • Các thuốc kháng sinh thường được dùng cho phụ nữ mang thai là Cephalexin, Penicillin, Nitrofuratoin.
  • Trimethoprim-Sulfamethoxazole chống chỉ định sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ, vì nó có thể gây khuyết tật ống thần kinh của thai nhi.
  • Sulfonamide không dùng trogg 3 tháng cuối thai kỳ, vì nó có thể làm tổn thương não của thai nhi.
  • Fluoroquinolone không dùng trong thai kỳ, vì nó làm tăng nguy cơ bị bệnh khớp ở thai nhi.

Nếu bị tái nhiễm, bà bầu vẫn cần điều trị đầy đủ như lần viêm nhiễm trước. Để tránh tái phát, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh liều thấp mỗi ngày liên tục đến khi sinh.

Trẻ nhỏ, đặc biệt là bé gái, có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu tái phát cao
Trẻ nhỏ, đặc biệt là bé gái, có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu tái phát cao

Có thể dùng 1 trong 2 loại thuốc kháng sinh:

  • Cephalexin 125 – 250mg
  • Nitrofurantoin 50 – 100mg

Lưu ý: Sử dụng Cephalosporin kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gây nhiễm nấm Candida mạn tính ở âm đạo.

Điều trị viêm bể thận

Phụ nữ mang thai bị viêm đường tiết niệu rất dễ tiến triển thành viêm bể thận, tình trạng này cần phải nhập viện.

Phác đồ điều trị viêm bể thận ở phụ nữ mang thai có thể bao gồm:

Ceftriaxone

  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 1 – 2gr, 1 lần/ngày

Ceftriaxone

  • Đường dùng: Tiêm bắp
  • Liều dùng: 1 – 2gr, 1 lần/ngày

Aztreonam

  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 1gr, mỗi 8 – 12 tiếng

Piperacillin-Tazobactam

  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 3,375 – 4,5gr, mỗi 6 tiếng

Cefepime

  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 1gr, mỗi 12 tiếng

Ampicillin

  • Đường dùng: Tiêm tĩnh mạch
  • Liều dùng: 2gr, mỗi 6 tiếng

Gentamicin

  • Đường dùng: Tiêm bắp
  • Liều dùng: 3 – 5mg/kg, chia 3 lần/ngày

Sau khi hết sốt khoảng 48 tiếng, có thể ngưng tiêm kháng sinh và duy trì kháng sinh đường uống trong 2 tuần. Bà bầu cũng có thể được yêu cầu dùng kháng sinh Nitrofurantoin 10mg/ngày liên tục đến 5 – 6 tuần sau khi sinh.

Cách phòng bệnh viêm đường tiết niệu tái phát

Chủ động phòng chống viêm đường tiết niệu là một chiến lược chăm sóc sức khỏe khoa học. Hãy chú ý hơn nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao, bao gồm:

  • Là phụ nữ
  • Quan hệ tình dục thường xuyên
  • Đang mang thai
  • Có bạn tình mới
  • Dùng một số biện pháp tránh thai
  • Độ tuổi mãn kinh
  • Sử dụng ống thông
  • Đã phẫu thuật tiết niệu
  • Có bất thường ở đường tiết niệu
  • Bị sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt

Tránh bị viêm đường tiết niệu là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên, bạn có thể thực hiện những điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:

Lau từ trước ra sau

Đường ruột là nơi trú ngụ của vi khuẩn E.coli – tác nhân gây viêm đường tiết niệu phổ biến. Bởi vậy, khi vệ sinh vùng kín, bạn nên lau từ trước ra sau. Thói quen này làm giảm nguy cơ đưa E.coli từ hậu môn đến niệu đạo.

Điều này vô cùng quan trong trong trường hợp bạn bị tiêu chảy. Bị tiêu chảy có thể khiến bạn khó kiểm soát nhu động ruột, điều này có thể làm tăng khả năng E.coli lan sang niệu đạo.

Uống nhiều nước

Nên giữ nước cho cơ thể trong suốt cả ngày. Điều này sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, giúp vi khuẩn được loại bỏ nhanh chóng ra khỏi đường tiết niệu.

Uống nhiều nước luôn là chiến lược tốt cho mọi vấn đề sức khỏe
Uống nhiều nước luôn là chiến lược tốt cho mọi vấn đề sức khỏe

Nước lọc là sự lựa chọn đầu tiên, an toàn và tốt nhất. Bạn nên đặt mục tiêu uống đủ 6 – 8 cốc mỗi ngày.

Nếu cảm thấy nước lọc quá nhạt nhẽo và khó uống, bạn có thể cho thêm vài lát trái cây vào nước, uống trà thảo dược khử cafein, sữa hoặc sinh tố làm từ rau củ quả.

Nên tránh uống rượu bia và đồ uống chứa cafein, vì chúng có thể gây kích thích bàng quang.

Không nhịn tiểu

Hãy đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy có nhu cầu. Nhịn tiểu có thể khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn. Cố gắng làm sạch bàng quang sau mỗi lần đi tiểu và không nên nhịn tiểu quá 3 – 4 tiếng.

Đây cũng là điều cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Bởi lẽ, mang thai khiến bạn có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn.

Đi tiểu trước và sau khi quan hệ

Hoạt động tình dục làm tăng cơ hội bị nhiễm trùng trong đường tiểu, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ. Đó là bởi vì vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo khi quan hệ tình dục.

Để giảm nguy cơ này, hãy đi tiểu ngay trước và sau khi quan hệ. Đó cũng là một ý tưởng tốt để nhẹ nhàng vệ sinh vùng sinh dục của bạn trước khi quan hệ.

Điều này có thể giúp giữ cho cô bé hoặc cậu bé sạch sẽ và giảm nguy cơ vi khuẩn lây lan đến niệu đạo.

Tránh các sản phẩm có mùi thơm

Âm đạo chứa hơn 50 loại vi khuẩn khác nhau, trong đó có nhiều loại lợi khuẩn gọi là Lactobacilli. Vi khuẩn này giúp giữ cho âm đạo khỏe mạnh và cân bằng độ pH.

Các sản phẩm nước hoa vùng kín hoặc dung dịch vệ sinh có mùi thơm có thể phá vỡ sự cân bằng này, cho phép hại khuẩn phát triển quá mức. Điều này có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn âm đạo và nhiễm trùng nấm men .

Tránh sử dụng các sản phẩm:

  • Thụt rửa âm đạo
  • Băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm
  • Nước hoa vùng kín
  • Xịt khử mùi

Lựa chọn biện pháp tránh thai

Một số biện pháp tránh thai có thể thúc đẩy sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.

Bao gồm:

  • Màng ngăn âm đạo
  • Bao cao su không phủ lớp bôi trơn
  • Chất diệt tinh trùng
  • Bao cao su có chất diệt tinh trùng

Nếu bạn nghĩ rằng biện pháp tránh thai là nguyên nhân gây viêm nhiễm vùng kín, hãy chuyển sang biện pháp khác.

Bổ sung probiotic

Probiotic là các vi sinh vật sống có thể làm tăng lợi khuẩn trong đường ruột. Chúng cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường tiết niệu. Điều này có thể giúp phòng tránh viêm đường tiết niệu.

Bên cạnh việc ăn các thực phẩm lên men, bạn có thể bổ sung probiotic qua thực phẩm chức năng hoặc viên đặt.

Nam việt quất

Loại quả mọng này có chứa các hợp chất proanthocyanidin giúp ngăn E.coli bám vào các mô trong đường tiết niệu.

Nhiều người cho rằng vitamin C trong quả nam việt quất có thể làm tăng độ axit của nước tiểu, ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn xấu.

Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học cho thấy các kết quả tương phản nhau. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất nam việt quất giúp làm giảm tần suất viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác không tìm thấy tác dụng tương tự.

Mặc dù không rõ liệu nam việt quất có thể ngăn ngừa viêm đường tiết niệu ở mức độ nào, nhưng đây là một biện pháp vô hại, hiếm khi có tác dụng phụ mà bạn nên thử.

Hãy chọn nước ép nam việt quất nguyên chất, không đường, hoặc ăn quả nam việt quất tươi.

Bổ sung estrogen

Điều này đúng với phụ nữ mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh làm giảm nồng độ estrogen, phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn của âm đạo, làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu.

Bổ sung estrogen từ thực phẩm chức năng hoặc áp dụng liệu phasop thay thế estrogen hay kem bôi âm đạo có thể giúp khôi phục sự cân bằng này.

Chăm sóc trẻ đúng cách

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là bé gái có nguy cơ vị viêm bàng quang và viêm bể thận. Cha mẹ có thể giúp con tránh xa nguy cơ này bằng cách:

  • Vệ sinh vùng kín của trẻ sạch sẽ
  • Thay bỉm thường xuyên (với trẻ sơ sinh)
  • Thúc giục trẻ đi tiểu sau mỗi 2 – 3 tiếng
  • Dạy bé gái luôn lau từ trước ra sau
  • Không mặc cho trẻ đồ lót hoặc quần áo chật
  • Cho trẻ uống nhiều nước
Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục
Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục

Uống kháng sinh liều thấp

Nếu bạn bị viêm đường tiết niệu không đáp ứng tốt với điều trị hoặc liên tục bị tái phát, bác sĩ có thể khuyến nghị uống 1 liều kháng sinh mỗi ngày. Điều này có thể giúp ngăn ngừa viêm đường tiết niệu bằng cách kiểm soát vi khuẩn có hại.

Bạn thường phải uống 1 liều thuốc kháng sinh sau khi quan hệ hoặc khi bạn nhận thấy các triệu chứng viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, nhược điểm là việc sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Vì thế, hãy tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.

Tuy những thông tin về phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu cho từng đối tượng cụ thể trên đây là vô cùng hữu ích, nhưng độc giả vẫn nên thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị thích hợp.

Viêm đường tiết niệu tuy lành tính khi được điều trị đúng cách, nhưng bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần. Bởi vậy, đừng quên áp dụng những biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm tái phát đơn giản, dễ thực hiện.