Hay bị đau dạ dày sau khi ăn: Nguyên nhân và cách trị

Hay bị khó tiêu hoặc đau dạ dày sau khi ăn có thể liên quan đến chế độ ăn uống không phù hợp hoặc do một số tình trạng y tế tiềm ẩn gây ra. Tìm hiểu các nguyên nhân là cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa các biến chứng có liên quan.

Hay bị đau dạ dày sau khi ăn
Hay bị đau dạ dày sau khi ăn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý trong cơ thể

Nguyên nhân thực phẩm gây đau dạ dày sau khi ăn

Hầu hết các nguyên nhân gây đau dạ dày sau khi ăn có liên quan đến tình trạng khó tiêu do sử dụng các loại thực phẩm không phù hợp. Tình trạng này thường không nguy hiểm và không cần điều trị y tế, người bệnh có thể tự cải thiện các triệu chứng tại nhà. Các nguyên nhân liên quan đến thực phẩm phổ biến có thể bao gồm:

1. Ngộ độc thực phẩm

Tình trạng đau âm ỉ ở bụng sau khi ăn có dấu hiệu nhận biết phổ biến ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Sốt hoặc cảm thấy nóng trong người

Các triệu chứng có thể xuất hiện trong một vài giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể mất vài giờ để nhận thấy các triệu chứng đầu tiên.

Ngộ độc thực phẩm thường kéo dài trong vài ngày và có thể được điều trị tại nhà. Người bệnh có thể uống nhiều nước và dành thời gian nghỉ ngơi để cải thiện các triệu chứng.

2. Thực phẩm có tính axit

Các loại thực phẩm có tính axit có thể gây kích ứng dạ dày, tăng nồng độ axit dạ dày, gây đau dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược sau dạ dày thực quản. Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu sử dụng quá nhiều thực phẩm có tính axit cũng tăng nguy cơ sỏi thận hoặc tăng nguy cơ suy thoái xương và cơ.

đau dạ dày sau khi ăn
Tiêu thụ các loại thực phẩm chứa axit có thể gây kích ứng dạ dày và gây đau dạ dày

Các loại thực phẩm chứa nhiều axit bao gồm:

  • Chanh
  • Nho
  • Bưởi
  • Dứa
  • Quả việt quất
  • Táo
  • Đào
  • Cam
  • Cà chưa

Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm có xu hướng tạo ra nhiều axit trong cơ thể bao gồm:

  • Đường
  • Các sản phẩm sữa
  • Một số loại cá
  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thịt như thịt bò và thịt gà tây
  • Soda và các loại đồ uống có gas khác

Thay đổi chế độ ăn uống nếu cảm thấy đau dạ dày sau khi tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định. Ngoài ra, thay nước trái cây bằng nước lọc hoặc trà có thể cải thiện các cơn đau dạ dày.

3. Thực phẩm chứa khí

Một số loại thực phẩm có thể gây khí gas và đầy hơi bên trong hệ thống tiêu hóa. Điều này có thể khiến dạ dày cảm thấy căng, khó chịu hoặc gây ra một cơn đau nhói sau khi ăn.

Các loại thực phẩm có thể gây đầy hơi bao gồm:

  • Hành
  • Các loại đậu
  • Bắp cải
  • Bông cải xanh

Bên cạnh đó, nhai kẹo cao su hoặc uống nước bằng ống hút cũng có thể gây nuốt nhiều không khí vào dạ dày. Điều này cũng có thể gây đầy hơi và khó chịu dạ dày.

4. Thực phẩm cay

Ớt là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến để tạo hương vị cay cho các món ăn. Trong ớt có chứa Capsaicin, là một hóa chất dẫn đến cảm giác cay nóng. Capsaicin có thể gây kích ứng các bộ phận nhạy cảm trong cơ thể, bao gồm dạ dày. Tình trạng này có thể gây khó chịu ở ở dạ dày sau khi ăn và tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

Hạn chế tiêu thụ các món cay hoặc thức ăn chứa ớt có thể ngăn ngừa tình trạng đau dạ dày sau khi ăn.

Đau dạ dày an gì
Thực phẩm cay gây kích ứng dạ dày và dẫn đến đau rát sau khi ăn

5. Ăn quá nhiều

Ăn thường xuyên và không để dạ dày trống là điều cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày hoặc khó chịu sau khi ăn.

Ngoài ra, tiêu thụ nhiều chất béo, caffeine, rượu và các loại đồ uống kích thích khác có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân y tế gây đau dạ dày sau khi ăn

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, một số trường hợp đau dạ dày khi ăn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn như:

1. Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể nhầm lẫn một loại thực phẩm thành các tác nhân gây hại bên ngoài. Lúc này hệ thống miễn dịch có thể giải phóng các kháng thể để chống lại tác nhân gây hại và dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến dạ dày.

Nguyên nhân đau dạ dày sau khi ăn
Nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng và kích ứng dạ dày sau khi ăn

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng thường bao gồm:

  • Sữa
  • Đậu nành
  • Cá và các loại động vật có vỏ khác
  • Đậu phộng và một số loại hạt
  • Trứng
  • Lúa mì

2. Viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm. Điều này dẫn đến các cơn đau dạ dày, mệt mỏi, nôn mửa và khó tiêu. Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh vừa ăn xong.

Bệnh viêm dạ dày nhẹ thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Cắt giảm các loại thực phẩm chứa nhiều axit và sử dụng các bữa ăn nhỏ trong suốt ngày có thể cải thiện các triệu chứng.

Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc hình thành các vết loét ở dạ dày, người bệnh có thể bị đau bụng dữ dội kèm tiêu chảy hoặc phân có máu. Các trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

3. Trào ngược dạ dày thực quản

Chứng ợ nóng hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit và thức ăn ở dạ dày trào ngược lên ống thực quản.

Tình trạng này dẫn đến một cảm giác nóng rát ở ngực, cổ họng và cũng có thể gây đau dạ dày. Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn sau khi người bệnh tiêu thụ một số loại thức ăn.

Thay đổi chế độ ăn uống, ngừng tiêu thụ rượu, thức ăn cay và giảm cân có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Triệu chứng đau dạ dày cấp
Triệu chứng đau dạ dày hoặc nóng rát cổ họng sau khi ăn có thể liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày

4. Bệnh viêm đường ruột

Trong một số trường hợp, tình trạng đau dạ dày sau khi ăn có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường ruột. Bệnh viêm ruột hay viêm đường ruột là thuật ngữ chỉ các rối loạn mãn tính ở hệ thống tiêu hóa. Bệnh thường bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.

Tình trạng này có thể dẫn đến viêm ở đường tiêu hóa, dẫn đến đau dữ dội, tiêu chảy và đi ngoài ra máu. Đôi khi bệnh viêm ruột có thể diễn tiến nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

5. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng rối loạn ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày sau khi ăn và co thắt dạ dày. Các triệu chứng bệnh có thể kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng mà không gây ra bất cứ triệu chứng nào.

Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có thể gây co thắt dạ dày sau khi ăn

Hiện tại không có biến pháp điều trị Hội chứng ruột kích thích, nhưng thay đổi lối sống có thể cải thiện các triệu chứng. Một số lưu ý bao gồm:

  • Ăn chậm
  • Tránh sử dụng các chất béo và thực phẩm chế biến
  • Luyện tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế tiêu thụ rượu và đồ uống có đường
  • Ăn các bữa ăn thường xuyên và không bỏ bữa

6. Bệnh Celiac

Bệnh Celiac là một dạng rối loạn ở hệ thống tiêu hóa, liên quan đến tình trạng dị ứng với gluten (được tìm thấy trong lúa mạch đen, lúa mạch và lúa mì). Các triệu chứng phổ biến bao gồm táo bón và đau dạ dày, đặc biệt là sau khi ăn.

Hiện tại không có thuốc hoặc biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này. Cách duy nhất để cải thiện các triệu chứng là cắt gluten ra khỏi chế độ ăn uống.

7. Sỏi mật

Sỏi mật là tình trạng hình thành sỏi hoặc các tinh thể cứng phát triển bên trong túi mật hoặc ống mật. Hầu hết các trường hợp, sỏi mật không dẫn đến các triệu chứng đặc hiệu nào cả. Tuy nhiên, đôi khi sỏi mật có thể gây viêm túi mật.

Cách chữa bệnh đau dạ dày sau khi ăn
Sỏi mật gây đau ở vùng thượng vị và khó chịu dạ dày sau khi ăn

Các triệu chứng liên quan khác có thể bao gồm:

  • Đau vùng thượng vị, ở bên phải cơ thể, ngay phía dưới xương sườn
  • Đau lưng ở khu vực xương bả vai
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đau hoặc khó chịu ở dạ dày sau khi ăn, đặc biệt là khi ăn các loại thực phẩm chứa axit

Sỏi mật có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Các nguyên nhân khác

Ngoài ra lý do liên quan đến thực phẩm và bệnh lý, một số lý do liên quan đến lối sống có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày sau khi ăn.

Bị đau dạ dày sau khi ăn là bệnh gì
Béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm kích ứng dạ dày

Cụ thể, các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Căng thẳng: Tình trạng này có thể khiến các cơ bắp ở dạ dày trở nên căng thẳng, dẫn đến đau dạ dày khi ăn. Ăn chậm và hít thở nhẹ nhàng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
  • Thừa cân: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng hoặc viêm loét dạ dày tá tràng và gây khó chịu sau khi ăn.
  • Táo bón: Không có nhu động ruột hoặc tích tụ phân ở ruột và có thể đau dạ dày khi ăn. Do đó, người bệnh cần bổ sung chất xơ và uống nhiều nước để cải thiện các triệu chứng.
  • Thuốc điều trị huyết áp: Có tác dụng phụ phổ biến là gây táo bón và đôi khi có thể gây đau dạ dày sau khi ăn. Nếu một người gặp tác dụng phụ này, hãy trao đổi với bác sĩ về các biện pháp cải thiện hoặc các loại thuốc thay thế.

Cách điều trị tình trạng đau dạ dày sau khi ăn

Việc điều trị tình trạng đau dạ dày sau khi ăn phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cụ thể, các biện pháp xử lý và điều trị phổ biến bao gồm:

1. Biện pháp cải thiện tại nhà

Đau dạ dày sau khi ăn là tình trạng rất phổ biến và thường có thể cải thiện bằng các phương pháp tại nhà. Người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp phổ biến như:

Triệu chứng của bệnh đau dạ dày là gì
Sử dụng trà hoa cúc và các loại trà thảo mộc khác có thể hỗ trợ làm dịu dạ dày
  • Massage bụng: Thực hiện các động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng sau khi ăn có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng một cách hiệu quả.
  • Chườm nóng: Đặt một chai nước ấm hoặc khăn ấm lên bụng có thể cải thiện các triệu chứng đau dạ dày sau khi ăn. Hơi nóng có thể cải thiện các cơn đau và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Sử dụng gừng: Trà gừng có thể cải thiện cảm giác buồn nôn và giảm đau dạ dày hiệu quả sau khi ăn.
  • Sử dụng trà hoa cúc: Một tách trà hoa cúc có thể hỗ trợ chống viêm và cải thiện các triệu chứng đau dạ dày. Các đặc tính chống viêm của hoa cúc có thể hỗ trợ thư giãn dạ dày, cải thiện các cơn đau và giảm co thắt.

2. Sử dụng thuốc

Một số tình trạng đau dạ dày sau khi ăn có thể cần kiểm soát bằng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ kê đơn trước khi sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.

Điều trị đau dạ dày khi ăn
Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh có thể sử dụng thuốc để cải thiện các triệu chứng

Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Thuốc kháng axit hỗ trợ trung hòa axit và cải thiện tình trạng nóng rát.
  • Thuốc chống đầy hơi và cải thiện tình trạng nén khí ở dạ dày.
  • Dung dịch bao phủ niêm mạc dạ dày hỗ trợ cải thiện tình trạng nóng rát, chống buồn nôn và tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Thuốc nhuận tràng và thuốc làm mềm phân hỗ trợ điều trị táo bón và các triệu chứng liên quan.
  • Chất bổ sung chất xơ hỗ trợ tạo nhu động ruột bình thường, ngăn ngừa táo bón và cải thiện tình trạng đầy hơi chướng bụng, đau dạ dày sau khi ăn.
  • Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc không được cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau có thể gây đau dạ dày sau khi ăn. Do đó, nếu nghi ngờ các bệnh lý hoặc cảm thấy lo lắng, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.