MỤN Cách chăm sóc da mụn tuổi dậy thì – Hết mụn, đẹp da
6:48 - 14 December, 2020
Cách chăm sóc da mụn tuổi dậy thì – Hết mụn, đẹp da
17 Thích | 340 Share
Mụn nang, mụn mủ, mụn đỏ, mụn đầu đen,… là các vấn đề da liễu thường gặp ở giai đoạn dậy thì do hormone androgen tăng mạnh. Nếu không xử lý sớm, mụn có thể nổi ồ ạt trên diện rộng, để lại sẹo thâm, sẹo lõm và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Để kiểm soát mụn, giảm thâm, ngừa sẹo và cải thiện sức khỏe da, cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì.
Hướng dẫn cách chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì
Mụn là tình trạng da liễu thường gặp ở người từ 10 – 30 tuổi, trong đó ảnh hưởng chủ yếu đến người trong độ tuổi dậy thì (12 – 17 tuổi). Ở giai đoạn này, hormone androgen tăng lên đột ngột nhằm thúc đẩy sự phát triển của tuyến lông, tóc và cơ quan sinh dục. Ngoài ra, androgen còn kích thích tuyến bã nhờn hoạt động để dưỡng ẩm và bảo vệ làn da.
Tuy nhiên, hormone androgen tăng lên quá mức có thể khiến hoạt động bài tiết bã nhờn diễn ra mạnh hơn bình thường. Bã nhờn được sản xuất quá mức khiến nang lông bị bít tắc, tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn P. acnes phát triển và gây ra mụn trứng cá. Ngoài ra, mụn ở độ tuổi dậy thì còn có thể là hệ quả do chưa biết cách chăm sóc da, chế độ ăn uống không phù hợp, stress, căng thẳng kéo dài,…
Thực tế, mụn là vấn đề da liễu rất khó khắc phục. Nếu xử lý không đúng cách, mụn có thể nổi ồ ạt trên diện rộng, để lại sẹo thâm, sẹo lõm và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bạn cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc da mụn tuổi dậy thì để kiểm soát mụn, duy trì làn da khỏe mạnh, mịn màng và hạn chế tối đa tình trạng thâm sẹo.
Hướng dẫn các bước chăm sóc da mặt tuổi dậy thì đúng cách:
1. Luôn chú trọng bước làm sạch da
Vệ sinh da mặt kém là điều kiện thuận lợi để tế bào chết, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ khiến lỗ chân lông bị sừng hóa. Hiện tượng sừng hóa khiến nang lông bị bít tắc, từ đó tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn P. acnes sinh sôi và phát triển mạnh. Khi vi khuẩn hoạt động quá mức, nang lông có xu hướng ứ mủ và viêm đỏ nặng nề do phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Làm sạch da được xem là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong quá trình điều trị và phòng ngừa mụn tái phát. Ngoài ra, vệ sinh da mặt đúng cách còn giúp da giảm bóng nhờn, thu nhỏ lỗ chân lông, giảm số lượng sợi bã nhờn và mụn đầu đen ở vùng mũi.
Cách làm sạch da cho người trong độ tuổi dậy thì:
Sử dụng sữa rửa mặt có độ pH trung tính (5 – 6) để tránh tình trạng da mất cân bằng độ pH, khô ráp, nhạy cảm và sần sùi.
Khi rửa mặt, cần tạo bọt kỹ và massage nhẹ nhàng lên toàn bộ da mặt. Tập trung massage ở những vùng da có nhiều dầu như vùng da xung quanh chân tóc, má, mũi và cằm.
Có thể sử dụng một số loại sữa rửa mặt chứa thành phần tiêu viêm, kháng khuẩn và trị mụn đã được kiểm định an toàn như tinh dầu tràm trà, trà xanh, cam thảo, BHA (Salicylic acid), PHA và một số dẫn xuất của AHA.
Chỉ sử dụng sữa rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối). Những thời điểm khác trong ngày có thể làm sạch da bằng nước hoặc giấy thấm dầu.
Ngoài ra, nên tẩy tế bào chết cho da 2 lần/ tuần để loại bỏ tế bào chết, làm sạch da sâu và ngăn ngừa tình trạng sừng hóa lỗ chân lông. Nếu có thể, bạn nên kết hợp tẩy tế bào chết với xông da mặt 2 lần/ tuần để làm sạch nang lông, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa mụn.
Làm sạch da là bước quan trọng nhất trong chu trình dưỡng da. Da không được làm sạch thường có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém, dễ lão hóa và hình thành mụn.
2. Không quên dưỡng ẩm cho da hằng ngày
Phần lớn người trong độ tuổi dậy thì đều có làn da dầu và bóng nhờn. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm trong giai đoạn này là không cần thiết. Tuy nhiên đây chính là quan niệm sai lầm khiến tình trạng mụn trứng cá, mụn nang, mụn bọc trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo các bác sĩ da liễu, chức năng chính của hoạt động bài tiết bã nhờn là hạ nhiệt độ trên da, dưỡng ẩm và bảo vệ tế bào da khỏi các tác nhân có hại như ánh nắng, bụi bẩn, không khí ô nhiễm,… Khi da thiếu nước, lỗ chân lông có xu hướng bài tiết nhiều dầu thừa hơn. Do đó việc dưỡng ẩm cho da ở tuổi dậy thì là vấn đề cần thiết. Da được cung cấp đủ độ ẩm có xu hướng mềm mại, mịn màng và đàn hồi. Đồng thời giúp điều tiết hoạt động sản xuất bã nhờn, từ đó làm giảm tình trạng da bóng dầu và nhờn dính.
Như đã đề cập, hoạt động tiết bã nhờn quá mức chính là điều kiện thuận lợi gây bít tắc nang lông và sinh mụn. Vì vậy, dưỡng ẩm cho da đầy đủ có thể kiểm soát lượng dầu thừa, hỗ trợ giảm mụn và ngăn ngừa mụn tái phát. Ngoài ra, da được cung cấp đủ độ ẩm thường có sức đề kháng tốt, ít bị kích ứng và giảm mức độ nhạy cảm hơn trước.
Tuy nhiên để tránh tình trạng da bí bách và khó chịu khi sử dụng kem dưỡng ẩm, nên lưu ý một số vấn đề sau:
Lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với từng loại da. Với da nhờn, bóng dầu, nên ưu tiên các sản phẩm dạng gel và có khả năng thẩm thấu nhanh.
Sử dụng kem dưỡng 2 lần/ ngày sau bước làm sạch da và massage để kem dưỡng thẩm thấu hoàn toàn trước khi dùng các sản phẩm tiếp theo.
Có thể lựa chọn một số loại kem dưỡng có khả năng điều trị mụn và kiểm soát nhờn. Các sản phẩm này thường chứa BHA, PHA, AHA, Acid azelaic,…
3. Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài
Tia UV trong ánh nắng không chỉ khiến da đen sạm mà còn gây tổn thương tế bào da và khiến da chậm phục hồi hơn so với bình thường. Hơn nữa, nhiệt độ cao từ ánh nắng mặt trời còn kích thích lỗ chân lông bài tiết nhiều bã nhờn, từ đó làm tăng nguy cơ sừng hóa nang lông và sinh mụn.
Do đó, bạn nên tập thói quen sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài trời. Các sản phẩm chống nắng có khả năng bảo vệ da trước tác hại của tia UV, tạo rào chắn ngăn cản da tiếp xúc với các tác nhân gây hại như bụi bẩn, chất dị ứng và kích ứng có trong không khí.
Cách sử dụng kem chống nắng cho người ở tuổi dậy thì:
Lựa chọn kem chống nắng có kết cấu lỏng và dễ thấm để giữ da thông thoáng, đồng thời hạn chế tình trạng nốt mụn bí bách và sưng đỏ hơn bình thường.
Thoa kem chống nắng lên toàn bộ da mặt – trừ vùng da xung quanh mắt trước khi ra ngoài ít nhất 15 – 20 phút. Nếu phải hoạt động ngoài trời trong thời gian dài, nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ.
Các thành phần trong kem chống nắng không thể làm sạch hoàn toàn chỉ với sữa rửa mặt. Vì vậy trước khi rửa mặt, cần sử dụng nước tẩy trang chuyên dụng để loại bỏ kem chống nắng trên da.
4. Đắp mặt nạ 3 – 4 lần/ tuần
Bên cạnh đó, bạn nên cung cấp dưỡng chất cho làn da bằng cách đắp mặt nạ từ 3 – 4 lần/ tuần. Đắp mặt nạ thường xuyên cung cấp độ ẩm và thành phần thiết yếu giúp da mịn màng, khỏe mạnh, căng bóng và tăng cường khả năng miễn dịch. Hơn nữa, biện pháp này còn giúp làm dịu nốt mụn sưng đỏ, cải thiện làn da xỉn màu, làm mờ vết thâm, tàn nhang và nám da rõ rệt.
Để tránh tình trạng dị ứng, bạn có thể tự làm mặt nạ trị mụn từ thiên nhiên ngay tại nhà để cung cấp dưỡng chất cho làn da, hỗ trợ giảm mụn và ngừa thâm. Các công thức mặt nạ từ nguyên liệu tự nhiên có độ an toàn cao, lành tính, chi phí thấp và phù hợp với nhiều loại da – kể cả làn da nhạy cảm.
5. Lựa chọn sản phẩm phòng ngừa – điều trị mụn phù hợp
Ngoài các bước dưỡng da thông thường, bạn cần lựa chọn sản phẩm phòng ngừa và điều trị mụn phù hợp với tình trạng da. Đa phần tình trạng mụn trứng cá ở tuổi dậy thì đều bắt nguồn từ hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn do hormone androgen tăng mạnh. Vì vậy sau khi hormone ổn định, mụn trứng cá sẽ thuyên giảm dần.
Nếu mụn không quá nặng, bạn có thể sử dụng kem trị mụn chứa Benzoyl peroxide, Salicylic acid, Glycolic acid, Retinoid, Sulfur, Azelaic acid,… để cải thiện. Các sản phẩm có tác dụng gom cồi mụn, tiêu viêm, giảm sưng và ức chế sự hoạt động quá mức của vi khuẩn.
Trước khi dùng kem trị mụn, nên vệ sinh sạch và thoa trực tiếp kem lên các nốt mụn hoặc thoa toàn bộ da mặt (tùy theo từng sản phẩm). Các sản phẩm trị mụn thường được khuyến cáo sử dụng 2 lần/ ngày (sáng và tối trước khi đi ngủ). Khi sử dụng, nên dùng kem chống nắng và đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh tình trạng da bắt nắng, kích ứng và đen sạm.
Một số lưu ý khi chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì
Ngoài các bước chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Hạn chế trang điểm khi không cần thiết
Làn da ở độ tuổi dậy thì khá nhạy cảm, dễ kích ứng và dị ứng do chưa phát triển hoàn chỉnh. Việc trang điểm thường xuyên ở giai đoạn này có thể khiến da bị bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn ồ ạt và suy yếu. Chính vì vậy trong thời gian điều trị mụn, nên hạn chế trang điểm khi không thực sự cần thiết.
Các sản phẩm trang điểm giúp da đều màu, che phủ các khuyết điểm và đem lại vẻ ngoài ưa nhìn, rạng rỡ. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều chứa chì, hương liệu và chất bảo quản có hại. Ngoài ra, trang điểm thường xuyên khiến da bị bí bách, bài tiết nhiều dầu và dễ gây bít tắc nang lông.
Vì vậy để kiểm soát mụn và ngăn ngừa mụn tái phát, nên tránh trang điểm khi không cần thiết. Trong trường hợp phải trang điểm, nên lựa chọn các sản phẩm an toàn từ các thương hiệu uy tín. Đồng thời nên ưu tiên sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ và thoáng để hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông và gây mụn ẩn, mụn trứng cá.
2. Không tự ý nặn mụn tại nhà
Khi nốt mụn khô, nhân mụn sẽ được đẩy lên bề mặt da và rất dễ loại bỏ. Tuy nhiên nếu nặn mụn không đúng cách hoặc nặn mụn khi nhân mụn chưa khô hoàn toàn, da có thể bị sưng tấy, viêm đỏ và dễ để lại sẹo lõm (sẹo rỗ). Ngoài ra, tự ý nặn mụn tại nhà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và khiến nốt mụn chậm lành hơn.
Nếu số lượng mụn nhiều, nhân mụn ẩn sâu bên dưới da, nên chủ động đến các phòng khám hoặc bệnh viện da liễu uy tín để được lấy nhân mụn y khoa. Lấy nhân mụn có thể loại bỏ ổ viêm, thúc đẩy da phục hồi, tái tạo và giảm nguy cơ hình thành sẹo rỗ.
3. Lựa chọn thực phẩm tốt cho da
Thói quen ăn uống bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Chế độ ăn nhiều chất béo, đường và gia vị cay nóng kích thích phản ứng viêm trên da, tăng tiết tuyến bã nhờn và khiến mụn nổi ồ ạt. Do đó ngoài các biện pháp chăm sóc thông thường, nên cung cấp dưỡng chất cần thiết cho làn da từ sâu bên trong.
Ngoài ra, thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp da khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và giảm mức độ nhạy cảm với các tác nhân có hại. Đồng thời thúc đẩy tốc độ hồi phục của các nốt mụn, giảm sẹo thâm và ngăn ngừa sẹo rỗ.
Các thực phẩm tốt cho làn da mụn:
Nên bổ sung rau xanh, trái cây và uống đủ 2 lít nước/ ngày. Cung cấp đủ chất lỏng, khoáng chất và vitamin giúp da nhanh hồi phục, giảm tình trạng kích ứng và viêm đỏ đáng kể.
Ăn 1 hũ sữa chua/ ngày không chỉ tốt cho sức khỏe đường ruột mà còn đem lại nhiều lợi ích đối với làn da. Probiotic (lợi khuẩn) cùng với các vitamin và khoáng chất trong sữa chua có khả năng cân bằng hệ vi sinh trên da, điều tiết hoạt động sản xuất bã nhờn và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes.
Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm như hàu, tôm, gan lợn, hạt bí, hạnh nhân,… Kẽm có tác dụng chống viêm, làm dịu da, ngăn ngừa mụn và ức chế hại khuẩn. Một số nghiên cứu cũng đã nhận thấy, bổ sung thực phẩm giàu kẽm vào chế độ dinh dưỡng của người trong độ tuổi dậy thì có thể kiểm soát tình trạng mụn đáng kể.
Tránh sử dụng các loại thức uống và thực phẩm kích thích mụn bùng phát mạnh như nước ngọt có gas, rượu bia, cà phê, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp và chứa gia vị cay nóng, bánh kẹo, socola,…
4. Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt là một trong những yếu tố tác động đến sức khỏe làn da. Da có xu hướng nổi nhiều mụn, sạm đen và thiếu sức sống nếu thường xuyên thức khuya, căng thẳng thần kinh và mệt mỏi kéo dài. Thống kê cho thấy, có đến hơn 70% người trong độ tuổi dậy thì gặp phải tình trạng stress do áp lực từ việc học tập. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gián tiếp làm suy giảm sức đề kháng của da.
Vì vậy bên cạnh các bước chăm sóc da mụn thông thường, bạn nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt khoa học để phục hồi sức khỏe của da và kiểm soát mụn:
Thức khuya là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mụn ở tuổi dậy thì. Thói quen này khiến quá trình thải độc và trao đổi chất của da bị gián đoạn, da trở nên sạm màu, tiết nhiều bã nhờn và có nguy cơ bị mụn nang, mụn đỏ, mụn bọc,…
Nên ngủ trước 23 giờ và cần ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Ngủ đúng giờ và đủ giấc giúp da có thời gian tái tạo, phục hồi, hỗ trợ điều hòa hoạt động bài tiết bã nhờn và hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Không sử dụng thuốc lá và chất kích thích. Các thói quen này cũng có thể là nguyên nhân gây suy yếu tế bào da và khiến các nốt mụn chậm lành, ngứa ngáy nhiều và dễ để lại sẹo thâm đậm màu.
Xây dựng thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý nhằm hạn chế căng thẳng và lo âu quá mức.
5. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Mụn trứng cá ở giai đoạn tuổi dậy thì có thể thuyên giảm sau một thời gian nhất định khi nồng độ hormone androgen trở về mức cân bằng. Tuy nhiên trên thực tế, một số người phải đối mặt với tình trạng mụn dai dẳng, mụn nặng và để lại sẹo thâm, sẹo rỗ nghiêm trọng. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám và điều trị.
Mặc dù mụn trứng cá chỉ gây thương tổn da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng tình trạng này tác động không nhỏ đến tâm lý, ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Những trường hợp bị mụn dai dẳng, mụn tái phát nhiều và để lại sẹo lõm sâu thường có tâm lý e ngại, thiếu tự tin trong giao tiếp và các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát mụn và giảm thiểu mức độ tổn thương da.
Hy vọng qua thông tin trong bài viết, bạn có thể xây dựng chế độ chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì đúng cách. Bên cạnh chế độ chăm sóc, nên kết hợp với thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát mụn, cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa mụn tái phát.