THOÁI HÓA KHỚP Bệnh thoái hóa khớp gối theo Y học cổ truyền – Đông y
7:28 - 15 December, 2020
Bệnh thoái hóa khớp gối theo Y học cổ truyền – Đông y
252 Thích | 277 Share
Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối theo Y học cổ truyền – Đông y bao gồm sử dụng thuốc, xoa bóp bấm huyệt và châm cứu. Phương pháp này có khả năng cải thiện cơn đau, tê bì, cứng khớp, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bệnh thoái hóa khớp gối theo Y học cổ truyền
Thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi mô sụn bị bào mòn, hư hại, xơ hóa và giảm khả năng đàn hồi khiến ổ khớp gia tăng áp lực khi vận động làm phát sinh đau nhức, tê bì, ê mỏi và hạn chế chức năng của khớp.
Theo y học hiện đại, thoái hóa là hệ quả do quá trình lão hóa của cơ thể cộng hưởng với một số yếu tố tác động như lao động nặng nhọc, ăn uống không điều độ, lạm dụng thuốc thuốc viêm, giảm đau, thừa cân – béo phì và thường xuyên hút thuốc lá.
Khác với Tây y, Đông y cho rằng thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng Tý (bệnh Tý) điển hình bởi triệu chứng co cứng gân cơ, đi lại khó khăn, đau sưng khớp và khớp kêu lạo xạo. Căn nguyên của bệnh thường do ngoại nhân, nội thương và một số nguyên nhân khác.
Nội thương: Nội thương (cơ địa) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp gối. Nguyên nhân này thường gặp ở người cao tuổi hoặc người mắc bệnh lâu ngày khiến tạng thận, tạng can suy hư, khí huyết giảm dẫn đến thận hư không chủ được cốt tủy, gây ra tình trạng ê mỏi, đau nhức và giảm khả năng vận động.
Ngoại nhân: Ngoại nhân (thay đổi thời tiết) thường gây đau nhức xương khớp ở người có hệ miễn dịch kém (vệ khí suy giảm). Lúc này, thấp tà, hàn và phong (ẩm thấp, lạnh và gió) xâm nhập khiến khí huyết bất thông, tắc nghẽn gây sưng đau và tê nặng các khớp. Cơn đau thường khởi phát và tăng mức độ vào giai đoạn chuyển mùa, nhiễm mưa và nhiễm lạnh.
Nguyên nhân khác: Ngoài ra, chứng Tý còn có thể xảy ra do sinh sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, thức khuya, làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất, mang vác nặng,… khiến ổ khớp bị tổn thương, suy yếu và đau nhức.
Hầu hết các trường hợp mắc chứng Tý đều không khởi phát do một nguyên nhân đơn độc và thường là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng. Trong đó, nội thương được xem là nguyên nhân phổ biến nhất và có vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh.
Cách chữa thoái hóa khớp gối bằng Y học cổ truyền – Đông y
Thoái hóa khớp là hệ quả của quá trình thoái hóa nên không có thuốc hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Mục đích chính của việc điều trị là duy trì chức năng vận động, giảm cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tương tự Tây y, Đông y phối hợp giữa sử dụng thuốc với các phương pháp khác như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, thay đổi lối sống,… để cải thiện cơn đau, làm chậm quá trình thoái hóa và nâng cao sức khỏe tổng thể.
1. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng bài thuốc
Các bài thuốc Đông y được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối không chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng mà còn hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, đưa tà khí ra ngoài, mạnh gân xương và bổ can thận. So với thuốc Tây, thuốc Đông y có hiệu quả chậm hơn, tác dụng tương đối hạn chế nhưng thường kéo dài và ít xảy ra hiện tượng phụ thuộc.
Một số bài thuốc chữa thoái hóa khớp gối từ y học cổ truyền:
Bài thuốc 1: Chuẩn bị sinh địa, độc hoạt, đảng sâm, đương quy, ngưu tất bắc, đỗ trọng bắc mỗi thứ 12g, xuyên khung, tần giao mỗi thứ 8g, tế tân, cam thảo bắc và quế chi mỗi thứ 4g, bạch thược, phòng phong và phục linh mỗi thứ 10g, tang ký sinh 16g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc 2: Dùng sinh địa, cây trinh nữ và hà thủ ô mỗi thứ 12g, quế chi 8g, thổ phục linh và cỏ xước mỗi thứ 16g, thiên niên kiện và lá lốt mỗi thứ 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc 3: Dùng kê huyết đằng, đương quy, dạ giao đằng, tang chi, ngân hoa, tang ký sinh, liên kiều, ngưu tất, tần giao và hoàng kỳ mỗi thứ 20g, cam thảo và một dược mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày dùng 1 thang, bài thuốc này thích hợp với người có đầu gối sưng đau, phù nề.
Bài thuốc 4: Chuẩn bị sinh khương và phục linh mỗi thứ 20g, nhục quế và can khương mỗi thứ 10g, xương truật, bạch thược, hậu phác, bán hạ, bạch chỉ và xuyên khung mỗi thứ 12g, ma hoàng 16g, đương quy 30g, can địa hoàng 30g. Sắc uống ngày dùng 1 thang. Khi dùng bài thuốc này nên giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc với không khí lạnh.
Bài thuốc 5: Dùng quất hồng, tam lăng, thổ bối mẫu, nga truật và bạch giới tử mỗi thứ 9 – 15g, bạch cương tàm, ô dược và hậu phác mỗi thứ từ 6 – 12g, trầm hương 1.5 – 2g, đan sâm 15 – 30g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
2. Xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa khớp gối
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp giảm đau nhức không sử dụng thuốc có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng lực từ ngón tay, bàn tay tác động đến huyệt vị nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải ứ trệ giúp khí huyết lưu thông mạch lạc, giảm đau nhức và tê cứng khớp.
Các huyệt vị có khả năng giảm đau nhức do thoái hóa khớp gối:
Huyệt Huyết hải: Huyệt Huyết hải nằm ở mặt trước trong đùi, đo lên 2 thốn từ xương bánh chè đầu gối. Huyệt vị này nằm ở khe lõm giữa cơ rộng trong và cơ may khi ấn vào có cảm giác ê tức. Đặt ngón cái ở huyệt, 4 ngón còn lại áp tại đầu gối và tiến hành day ấn trong 1 – 2 phút.
Huyệt Âm lăng tuyền: Huyệt Âm lăng tuyền nằm ở chỗ lõm được tạo thành bởi bờ sau trong đầu xương chày với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của cơ cẳng chân nằm ở mặt trong đầu gối. Bấm huyệt vị trong 1 – 2 phút.
Huyệt Ủy trung: Huyệt nằm ở giữa đường chỉ ngang nếp khoeo chân. Khi ấn huyệt vị này, nên dùng lực vừa sau đó gia tăng lực đến khi có cảm giác ê tức là được. Huyệt có tác dụng khu phong thấp, thông lạc, thư cân và thanh huyết.
Huyệt Thừa sơn: Huyệt nằm ở giữa đường nối Huyệt Ủy trung với gót chân, ngay chỗ lõm giữa khe cơ sinh đôi trong và ngoài, bên dưới huyệt Ủy trung khoảng 8 tấc. Bấm huyệt từ 1 – 2 phút để giảm đau nhức và thúc đẩy khí huyết lưu thông.
Huyệt Túc tam lý: Huyệt nằm cách bờ xương ống chân 1 tấc và đo xuống 3 tấc từ bờ ngoài xương bánh chè. Huyệt có tác dụng khu phong hóa thấp, điều hòa huyết áp, thông kinh lạc, điều trung khí và thúc đẩy khí huyết lưu thông.
Đối với trường hợp đau nhức nhiều và dai dẳng, có thể châm cứu để tác động sâu đến huyệt vị. Tuy nhiên, khi châm cứu nên lựa chọn cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để tránh rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện.
Một số lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp bằng Đông y
Điều trị thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền được khá nhiều người áp dụng vì hiệu quả kéo dài, không gây độc lên gan thận và ít xảy ra tình trạng phụ thuộc. Tuy nhiên thực tế, phương pháp này vẫn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định.
Do đó khi áp dụng cách chữa thoái hóa khớp gối bằng Đông y, cần lưu ý một số thông tin sau:
Điều trị bằng Đông y có hiệu quả chậm nên không thích hợp với những trường hợp thoái hóa khớp gối gây đau nhức nhiều, phù nề nghiêm trọng và có tiến triển nhanh. Trong trường hợp này, nên tiến hành thăm khám để được đánh giá mức độ tổn thương khớp và chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.
Mặc dù có nguồn gốc từ thiên nhiên và tương đối an toàn, tuy nhiên một số dược liệu từ Đông y có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Do đó nên thông báo với thầy thuốc tình trạng sức khỏe để được chỉ định bài thuốc và hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.
Cần lựa chọn cơ sở y tế thăm khám và điều trị uy tín để tránh rủi ro trong quá trình điều trị.
Nên kết hợp giữa việc sử dụng thuốc với xoa bóp bấm huyệt, nghỉ ngơi, giảm cân, tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ để kiểm soát cơn đau và tiến triển của bệnh.
Hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên khớp gối như đi lại quá nhiều, mang vác vật cồng kềnh, lao động nặng hoặc làm việc quá 8 giờ/ ngày.
Nếu gặp phải tình trạng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,… khi dùng thuốc Đông y, nên ngưng sử dụng và thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cơ bản về phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể về liệu trình sử dụng thuốc, bạn đọc nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp với thầy thuốc. Tránh tình trạng tự ý dùng bài thuốc khi chưa tham vấn y khoa.