Trẻ bị đau bụng buồn nôn là bị gì? Cách xử lý nhanh

Trẻ bị đau bụng buồn nôn thường là do nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa. Thông thường tình trạng này không nguy hiểm và có thể cải thiện sau vài giờ. Tuy nhiên, đôi khi trẻ cần được đến bệnh viện để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

trẻ bị đau bụng buồn nôn
Trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và bệnh lý trong cơ thể

Nguyên nhân cấp tính khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn

Đau bụng và buồn nôn là những tình trạng sức khỏe phổ biến có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng, lo lắng quá mức hoặc rối loạn tiêu hóa. Cơn đau có thể là cấp tính, dẫn đến các triệu chứng ngắn ngủi và đột ngột. Các nguyên nhân cấp tính có thể bao gồm:

1. Viêm dạ dày cấp tính

Viêm dạ dày hay viêm niêm mạc dạ dày là tình trạng viêm lớp lót bảo vệ dạ dày. Trong một số trường hợp trẻ có thể bị viêm dạ dày ăn mòn. Đây là một dạng hiếm gặp những có thể gây chảy máu và viêm loét dạ dày.

Be bị đau bụng từng cơn
Viêm dạ dày cấp tính có thể khiến bé bị đau bụng và buồn nôn thường xuyên

Viêm dạ dày có thể không dẫn đến các triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng. Tuy nhiên, trẻ có thể gặp một số dấu hiệu như:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng
  • Có cảm giác đầy ở phần trên của bụng, đặc biệt là sau khi ăn
  • Khó tiêu

Nếu trẻ bị viêm dạ dày ăn mòn, các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Phân có màu đen, hắc ín
  • Nôn ra máu hoặc các chất dịch như bã cà phê trong phân

Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm niêm mạc dạ dày ở trẻ em. Nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa, phổ biến nhất là vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori). Đây là loại vi khuẩn lây vào niêm mạc dạ dày thông qua thức ăn, nguồn nước nhiễm bẩn hoặc lâu từ người bệnh khác.

Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid, rối loạn tự miễn dịch, rối loạn tiêu hóa (như bệnh Crohn) hoặc nhiễm một số loại virus cũng có thể bị viêm dạ dày dẫn đến đau bụng buồn nôn.

2. Ngộ độc thực phẩm

Trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi trẻ tiêu chảy thường xuyên. Ngộ độc thường xảy ra khi trẻ sử dụng nguồn thực phẩm và nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc một số loại độc tố khác.

Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên trẻ em dưới 5 tuổi thường có nguy cơ cao hơn, do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đủ để chống lại vi trùng. Bên cạnh đó, trẻ em cũng không có nhiều axit dạ dày, vì vậy trẻ thường gặp khó khăn khi tiêu thụ một số loại thức ăn và không thể tiêu diệt vi trùng.

Tương tự như ở người trưởng thành, trẻ bị ngộ độc thực phẩm có thể bị đau bụng buồn nôn và tiêu chảy. Thông thường các triệu chứng xuất hiện trong 30 phút hoặc 2 ngày kể từ lúc sử dụng thức ăn nhiễm độc. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Đau dạ dày
  • Chuột rút và đau quặn bụng
  • Mệt mỏi, mất sức mạnh
  • Đau đầu

Trong hầu hết các trường hợp, ngộ độc thực phẩm ở trẻ em có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc khi trẻ có dấu hiệu bị mất nước.

3. Viêm dạ dày ruột cấp tính

Viêm dạ dày ruột cấp tính là nguyên nhân phổ biến nhất có thể khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn. Bệnh được gây ra bởi một số loại virus, thường là norovirus và rotavirus, tuy nhiên rotavirus thường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trẻ đau bụng quanh rốn và nôn
Viêm dạ dày ruột là tình trạng gây đau và nôn thường phổ biến ở trẻ em

Viêm dạ dày ruột cũng có thể liên quan đến các loại thực phẩm và nguồn nước nhiễm bẩn. Điều này có thể khiến trẻ nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng có hại cho dạ dày. Các triệu chứng bao gồm đau bụng tiêu chảy và nôn mửa, một số người có thể bị sốt, đặc biệt là ở trẻ em.

Tình trạng này thường kéo dài dưới một tuần và có thể được cải thiện mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu nôn mửa và tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi. Do đó, nếu trẻ bị đau bụng buồn nôn và tiêu chảy nghiêm trọng, người chăm sóc nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc phù hợp.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em bị viêm dạ dày ruột, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Sốt trên 38.9 độ C
  • Tiêu chảy ra máu
  • Có dấu hiệu mất nước
  • Nôn kéo dài vài giờ
  • Không đi tiểu trong vòng 6 giờ
  • Phân chứa máu hoặc tiêu chảy nghiêm trọng
  • Khô miệng hoặc khóc mà không có nước mắt
  • Buồn ngủ bất thường
  • Có vẻ khó chịu, nổi giận vô cớ

Nguyên nhân mãn tính khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn

Tình trạng trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân mãn tính có thể liên quan đến một số bệnh lý và điều kiện y tế như:

1. Viêm dạ dày mãn tính

Viêm dạ dày mãn tính là tình trạng viêm hoặc kích thích của niêm mạc dạ dày dẫn đến các triệu chứng kéo dài. Nguyên nhân phổ biến nhất thường là do nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày gây ra. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác có thể bao gồm tổn thương niêm mạc dạ dày, nuốt phải các vật độc hại (như pin), chấn thương dạ dày, sử dụng steroid hoặc NSAID, rối loạn tự miễn.

Đau bụng buồn nôn là dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của viêm dạ dày mãn tính. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Đau dạ dày, nóng rát hoặc đau khi ấn vào
  • Đầy bụng hoặc căng cứng bụng
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Ăn mất ngon
  • Hôi miệng
  • Mệt mỏi hoặc kém năng động hơn bình thường

2. Tắc ruột

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn ở một vị trí nào đó trong đường tiêu hóa. Trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể là dấu hiệu phổ biến của tình trạng tắc ruột. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm đau dạ dày, nôn mửa, đầy hơi và táo bón.

Trẻ bị đau bụng sau khi ăn
Tắc ruột khiến trẻ bị đau dạ dày, chướng bụng, đầy hơi và nôn

Các nguyên nhân phổ biến có thể gây tắc ruột bao gồm:

  • Dính mô ruột hoặc các dải mô, thường là biến chứng hình thành sau phẫu thuật
  • Bệnh viêm ruột
  • Viêm túi thừa
  • Một số loại ung thư

Nếu không được điều trị phù hợp, các bộ phận mô ruột có thể bị hoại tử, chết đi hoặc dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, nếu được điều trị phù hợp, hầu hết các tình trạng tắc nghẽn ruột không nghiêm trọng và có thể xử lý thành công.

Bởi vì tắc ruột ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, do đó nếu trẻ bị đau bụng buồn nôn hoặc có các dấu hiệu tắc ruột khác, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

3. Rối loạn chức năng đường tiêu hóa

Rối loạn chức năng đường tiêu hóa là thuật ngữ để chỉ một nhóm các rối loạn bên trong đường tiêu hóa khiến hệ thống tiêu hóa không thể hoạt động bình thường. Trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể là dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Các rối loạn tiêu hóa phổ biến thường bao gồm Hội chứng ruột kích thích và chứng khó tiêu chức năng.

Rối loạn chức năng đường tiêu hóa khiến trẻ bị đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Bên cạnh đó, đôi khi người bệnh có thể bị buồn nôn và nôn.

Rối loạn chức năng đường tiêu hóa là một tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến 26% dân số thế giới, thường là trẻ em và thiếu niên dưới 16 tuổi. Các nguyên nhân có thể liên quan đến chế độ ăn uống, di truyền, rối loạn chức năng thần kinh cơ và rối loạn hệ thống miễn dịch.

4. Các nguyên nhân mãn tính khác

Các nguyên nhân mãn tính khác có thể khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn bao gồm:

  • Có vấn đề về hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm tình trạng đau nửa đầu, có áp lực nội sọ, co giật, đột quỵ
  • Các vấn đề nhiễm trùng mãn tính trong cơ thể
  • Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm

Cách xử lý nhanh khi trẻ bị đau bụng buồn nôn

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng đau bụng, buồn nôn ở trẻ. Do đó, đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân cơ thể.

Trẻ bị đau bụng phải làm sao
Cho bé nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để cải thiện các triệu chứng

Ngoài ra, để xử lý tình trạng tình trạng trẻ bị đau bụng buồn nôn, người chăm sóc có thể tham khảo một số lời khuyên bao gồm:

  • Cho trẻ nằm xuống và nghỉ ngơi.
  • Không nên cho trẻ uống nước trong khoảng 2 giờ sau lần nôn cuối cùng. Sau 2 giờ nên cho trẻ bổ sung các chất lỏng trong suốt như nước và bắt đầu bằng các ngụm nhỏ.
  • Nếu trẻ nôn nhiều hơn một lần, người chăm sóc cần theo dõi các dấu hiệu mất nước chẳng hạn như hạn chế số lần đi tiểu, môi khô, khóc mà không có nước mắt. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
  • Nếu trẻ có dấu hiệu cần đi vệ sinh, hãy đưa trẻ đến nhà vệ sinh. Đôi khi đi đại tiện có thể hạn chế các triệu chứng và giảm đau.
  • Cho trẻ ngồi trong nước ấm để hỗ trợ quá trình đại tiện, đặc biệt là ở trẻ có dấu hiệu táo bón.
  • Không nên cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen, điều này có thể dẫn đến kích ứng dạ dày, gây chảy máu và viêm loét. Ngoài ra không sử dụng thuốc nhuận tràng khi không có sự hướng dẫn, chỉ định của người có chuyên môn.

Thông thường đau dạ dày và buồn nôn có thể khỏi mà không cần điều trị. Việc nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Nếu trẻ bị tiêu chảy thường xuyên, nôn mửa hoặc gặp cả hai triệu chứng, người chăm sóc có thể cho trẻ bổ sung các chất điện giải để tránh mất nước. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Thông thường tình trạng trẻ bị đau bụng buồn nôn có thể tự khỏi, tuy nhiên đưa trẻ đến bệnh viện nếu các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc trở nên nghiêm trọng.

Cách chữa đau bụng buồn nôn ở trẻ em
Đến bệnh viện nếu các triệu chứng kéo dài hoặc khi bé có dấu hiệu mất nước

Bên cạnh đó, đến bệnh viện nếu trẻ có các dấu hiệu như:

  • Đau bụng thường xuyên hơn hoặc khi cơn đau trở nên nghiêm trọng
  • Cơn đau di chuyển từ rốn xuống phía dưới bên phải của bụng
  • Cơn đau nghiêm trọng khiến trẻ không thể đi lại
  • Không muốn ăn hoặc từ chối ăn uống trong một ngày hoặc lâu hơn
  • Nôn chất nôn có màu xanh lá cây, màu vàng, có chứa máu hoặc chất nôn như bã cà phê
  • Có dấu hiệu mất nước như nước tiểu sẫm màu hoặc đi tiểu không thường xuyên
  • Phân đen hoặc có chứa máu
  • Rối loạn nhu động ruột, tiêu chảy và táo bón xen lẫn
  • Có một vệt phát ban như vết bầm tím ở chân và mông
  • Nhức đầu, đau họng, đau dạ dày
  • Đau khi đi tiểu

Ngoài ra, gọi cho cấp cứu nếu trẻ không di chuyển hoặc quá yếu để đứng dậy và cử động tứ chi.

Biện pháp phòng ngừa

Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn thường là do nhiễm virus và ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm. Thực hiện các biện pháp vệ sinh tốt là cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng, cải thiện các triệu chứng đau dạ dày và buồn nôn.

Để phòng ngừa các triệu chứng, người chăm sóc có thể tham khảo một số biện pháp như:

  • Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi đại tiện và trước khi ăn
  • Sử dụng nguồn thực phẩm sạch và chế biến đúng cách để tránh nhiễm khuẩn
  • Nấu chín thức ăn và hâm nóng kỹ trước khi sử dụng
  • Cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ như trái cây, rau củ quả, các loại ngũ cốc và các loại đậu
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hóa như soda, đồ uống có gas, thực phẩm chế biến sẵn
  • Nếu trẻ bị tiêu chảy, không cho trẻ sử dụng các loại kẹo cứng, kẹo cao su, một số loại thạch, chất béo, thực phẩm chiên, phô mai, xúc xích và một số món tráng miệng ngọt

Đau bụng, buồn nôn là một triệu chứng phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm nhiễm trùng, ngộ độc và một số bệnh lý về đường tiêu hóa. Thông thường tình trạng này có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.