BỆNH TRĨ Khám trĩ như thế nào? Gồm những gì? Tới khoa nào?
3:13 - 15 December, 2020
Khám trĩ như thế nào? Gồm những gì? Tới khoa nào?
9 Thích | 279 Share
Khám trĩ có thể gặp một số khó khăn và xấu hổ, do đó nhiều người bệnh thường cố gắng tự chẩn đoán và điều trị thay vì trao đổi với bác sĩ chuyên môn. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần có biện pháp điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Bệnh trĩ là gì? Khám trĩ ở khoa nào?
Bệnh trĩ là tình trạng gây sứng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới, tương tự như chứng giãn tĩnh mạch. Bệnh trĩ cũng có thể phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc bệnh dưới da hậu môn (trĩ ngoại).
Về cơ bản, bệnh trĩ được chia thành hai loại chính, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào mức độ và loại bệnh trĩ.
Bệnh trĩ nội:
Trĩ nội nằm bên trong trực tràng, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và không thể cảm nhận được sự hiện diện của búi trĩ. Bên cạnh đó, trĩ nội thường hiếm khi gây khó chịu. Tuy nhiên căng thẳng hoặc kích thích khi đi đại tiện có thể dẫn đến một số dấu hiệu, chẳng hạn như:
Chảy máu khi đi đại tiện nhưng không gây đau đớn. Người bệnh có thể nhận thấy một lượng máu nhỏ trên giấy vệ sinh hoặc ở bồn cầu sau khi đi đại tiện.
Khi búi trĩ sa ra khỏi hậu môn có thể gây đau đớn, rát khi đi đại tiện.
Bệnh trĩ ngoại:
Bệnh trĩ ngoại nằm dưới da xung quanh hậu môn. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
Ngứa hoặc kích ứng ở vùng hậu môn
Đau hoặc khó chịu
Sưng xung quanh hậu môn
Chảy máu hoặc rò rỉ máu khi búi trĩ bị kích thích
Bệnh trĩ là bệnh lý dẫn đến các dấu hiệu ở hậu môn – trực tràng. Do đó, nếu cần khám trĩ, người bệnh nên đến Khoa Tiêu hóa hoặc Khoa Hậu môn – Trực tràng để thăm khám và điều trị phù hợp. Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế, bệnh trĩ sẽ được thăm khám tại Khoa Ngoại tiêu hóa hoặc Khoa Ngoại tổng hợp.
Bệnh trĩ không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng việc khám trĩ cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín để tránh các rủi ro không mong muốn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tìm hiểu một số thông tin cơ bản về việc khám trĩ để có sự chuẩn bị phù hợp.
Khi nào cần khám trĩ?
Tình trạng này rất phổ biến, gần như 3 trong 4 người trưởng thành sẽ có các triệu chứng bệnh trĩ trong một thời gian nhất định. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, tuy nhiên thông thường nguyên nhân cơ bản không được xác định rõ ràng.
Bệnh trĩ rất phổ biến nhưng có thể điều trị dễ dàng bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm phương pháp cải thiện tại nhà, thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Người bệnh nên đến bệnh viện và thực hiện các xét nghiệm khám trĩ nếu các triệu chứng bệnh trĩ không được cải thiện sau một tuần chăm sóc tại nhà.
Ngoài ra, các triệu chứng bệnh trĩ, chẳng hạn như chảy máu trực tràng hoặc hậu môn, có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là khi người bệnh thay đổi thói quen đại tiện hoặc nếu phân có sự thay đổi về màu sắc, tính chất. Đôi khi chảy máu trực tràng có thể là dấu hiệu của ung thư trực tràng, ung thư hậu môn và một số bệnh lý đường tiêu hóa.
Ngoài ra, gọi cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu người bệnh bị chảy máu trực tràng với số lượng lớn, gây choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Khám trĩ như thế nào? Gồm những gì?
Việc khám trĩ có thể gặp nhiều khó khăn và trở ngại về tâm lý. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chuyên môn và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh trĩ có thể có các triệu chứng tương tự như các tình trạng khác, nghiêm trọng hơn và có thể gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần khám trĩ để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hoặc có biện pháp điều trị phù hợp.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh trĩ có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng, tiền sử bệnh lý và khám sức khỏe thông thường. Cụ thể, việc khám trĩ được thực hiện như sau:
1. Kiểm tra các triệu chứng
Có hai loại bệnh trĩ phổ biến là bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại.
Trĩ nội phát triển bên trong trực tràng, không thể nhìn thấy bằng mắt thường trừ khi búi trĩ sa ra khỏi trực tràng (tụt ra khỏi hậu môn). Các búi trĩ ngoại nằm ở bên ngoài hậu môn, có thể sờ hoặc nhìn thấy được.
Để kiểm tra các dấu hiệu bệnh trĩ, bác sĩ có thể quan sát khu vực hậu môn, xác định tiền sử bệnh lý và các dấu hiệu liên quan. Bác sĩ có thể mang găng tay hoặc sử dụng dụng cụ chuyên dụng và được bôi trơn đưa vào bên trong hậu môn để kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ.
2. Kiểm tra chuyên môn
Trong nhiều trường hợp, khám trĩ được thực hiện thông qua việc kiểm tra sức khỏe, chẳng hạn như khám bên ngoài hậu môn hoặc khám trực tràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bác sĩ có thể cần quan sát bên trong ống hậu môn để chẩn đoán bệnh trĩ nội.
Khám trực tràng:
Kiểm tra trực tràng là cách khám bệnh trĩ phổ biến, mặc dù điều này có thể gây xấu hổ hoặc khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ.
Trong quá trình này, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cởi bỏ quần áo, thay áo choàng bệnh viện hoặc dùng khăn để che đi bộ phận nhạy cảm trong suốt quá trình kiểm tra. Bác sĩ sẽ đeo găng tay và tiến hành kiểm tra hậu môn, khu vực xung quanh hậu môn để xác định các dấu hiệu bệnh trĩ.
Bác sĩ cũng có thể cần phải đưa ngón tay vào bên trong hậu môn để kiểm tra trực tràng. Điều này được thực hiện để cảm nhận các cấu trúc bên trong và xác định các búi trĩ nội. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng, đưa vào hậu môn để việc chẩn đoán chính xác hơn.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra tình trạng chảy máu, chất nhầy dính trên găng tay để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.
Khám trực tràng được thực hiện nhanh chóng và không gây ra bất kỳ đau đớn nào.
Nội soi đại tràng:
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị nội soi để khám trĩ. Thủ thuật này sử dụng một thiết bị chuyên dụng để quan sát bên trong trực tràng. Ống nội soi là một ống hẹp, ngắn có gắn đèn và camera, được đưa vào trực tràng để quan sát các các cấu trúc bên trong và xác định các dấu hiệu bệnh trĩ. Ngoài khám trĩ, nội soi cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán một số đường tiêu hóa hoặc bệnh hậu môn – trực tràng khác.
Nội soi có thể gây khó chịu trong thời gian ngắn, nhưng không gây đau và sẽ kết thúc sau một hoặc hai phút.
Chụp X – quang với thuốc Bari:
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ thụt một lượng Bari sulfate vào đại tràng sau đó tiến hành chụp X – quang. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ quan sát toàn bộ bên trong ruột kết và đường tiêu hóa dưới.
3. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tương tự
Các dấu hiệu bệnh trĩ, chẳng hạn như đau và chảy máu ở trực tràng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác. Do đó, trong quá trình khám trĩ, bác sĩ có thể kiểm tra các tình trạng tương tự và đề nghị biện pháp xử lý phù hợp.
Các bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt thường bao gồm:
Bệnh viêm ruột (IBD): Bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và viêm đại tràng cũng có thể gây chảy máu ở đường tiêu hóa. Các dấu hiệu này đôi khi tương tự như bệnh trĩ. Nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu, tiêu chảy, đau bụng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán chuyên môn khác để xác định nguyên nhân.
Nứt hậu môn: Đây là tình trạng rách hoặc tổn thương lớp niêm mạc ở ống hậu môn. Điều này có thể gây đau đớn, đặc biệt là khi người bệnh đi đại tiện và bị chảy máu. Hầu hết các trường hợp nứt hậu môn có thể tự khỏi hoặc cải thiện với các biện pháp tại nhà.
Lỗ rò hậu môn: Rò hậu môn là tình trạng xuất hiện một đường kết nối bất thường ở ruột và da xung quanh hậu môn. Điều này có thể gây đau đớn và thường bắt đầu như áp xe hoặc gây hình thành túi mủ bên dưới da. Trong quá trình khám trĩ, bác sĩ có thể kiểm tra trực tràng và dấu hiệu của các lỗ rò hậu môn.
Polyp: Polyp thường phổ biến ở đại tràng và ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi. Hầu hết các trường hợp, polyp không dẫn đến các triệu chứng, không gây đau đớn, khó chịu và thường được phát hiện khi nội soi. Tuy nhiên đôi khi polyp cũng có thể gây chảy máu.
Một số lưu ý khi khám trĩ?
Khám trĩ là thủ thuật đơn giản, không gây đau đớn, được thực hiện nhanh chóng và người bệnh có thể ra về trong ngày mà không cần nằm viện. Do đó, những người có dấu hiệu bệnh trĩ nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, để quá trình khám trĩ diễn ra thuận lợi, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
Đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trĩ không được cải thiện sau 1 – 2 tuần chăm sóc tại nhà. Người bệnh trĩ nghiêm trọng không nên tự khám trĩ và điều trị tại nhà để tránh các rủi ro không mong muốn.
Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Thông báo với bác sĩ về các dấu hiệu, triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng và các yếu tố liên quan khác. Điều này có thể giúp quá trình chẩn đoán chính xác hơn.
Khám trĩ là điều cần thiết để chẩn đoán bệnh, xác định mức độ nghiêm trọng và điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, khi khám trĩ, người bệnh cần chọn cơ sở y tế uy tín để tránh các rủi ro không mong muốn.