Chữa viêm họng bằng mật ong – Đúng cách hết cực nhanh

Chữa viêm họng bằng mật ong đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh công dụng. Đáng chú ý, mật ong có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để điều trị viêm họng hiệu quả hơn.

Thành phần, công dụng của mật ong

Mật ong là một trong những chất làm ngọt có lịch sử lâu đời và tự nhiên nhất trên Trái đất. Từ thời cổ đại, mật ong đã được sử dụng để làm thực phẩm và thuốc.

Mật ong được tạo thành từ chất ngọt do con ong thu thập được trong các bông hoa
Mật ong được tạo thành từ chất ngọt do con ong thu thập được trong các bông hoa

Trong suốt một thời gian dài, nguyên liệu này đã là trọng tâm của rất nhiều nghiên cứu y tế. Năm 2018, một báo cáo được đăng tải trên Tạp chí Molecules danh tiếng đã đánh giá một loạt lợi ích của hợp chất phenolic trong mật ong.

Bao gồm:

  • Tính chất chống oxy hóa
  • Đặc tính chống viêm
  • Khả năng kháng khuẩn
  • Hoạt động chống ung thư
  • Đặc tính chống virus
  • Đặc tính chống nấm
  • Đặc tính trị đái tháo đường

Đối với viêm họng, mật ong đã thể hiện được nhiều tác dụng khả quan.

Bệnh viêm họng xuất hiện khi cơ thể bị các tác nhân gây bệnh tại niêm mạc hầu họng tấn công, thường là do virus (85 – 90%), vi khuẩn, chất gây dị ứng, thời tiết và một số bệnh lý liên quan khác.

Năm 2017, các nhà khoa học Ấn Độ đã chứng minh mật ong có thể kiểm soát nhiễm trùng và viêm ở những bệnh nhân bị viêm họng.

Theo đó, ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc và uống 1 thìa canh (15ml) mật ong 2 lần/ngày, các triệu chứng viêm họng đã thuyên giảm nhanh chóng so với nhóm bệnh nhân chỉ dùng thuốc.

Các nhà khoa học kết luận rằng mật ong giúp người bệnh viêm họng phục hồi nhanh chóng nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Trong một nhiên cứu khác, các nhà khoa học từ Khoa Nhi, Đại học Y khoa Shahid Sadoughi (Yazd, Iran), đã so sánh tác dụng của mật ong với một số loại thuốc ho thường dùng trên trẻ từ 2 – 5 tuổi.

Kết quả của nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ uống 2,5ml mật ong trước khi ngủ có thể giúp giảm tần suất ho đêm do nhiễm trùng đường hô hấp trên (bao gồm cả viêm họng, cảm lạnh, viêm thanh quản). Mật ong có tác dụng cao hơn so với thuốc trị ho phổ biến, như Dextromethorphan và Diphenhydramine.

Đặc biệt, năm 2010, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch Amsterdam (Hà Lan) đã phát hiện ra defensin-1, một loại protein có trong mật ong, có khả năng chống một loạt vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.

Theo nhận định của các chuyên gia sức khỏe, bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi, rất dễ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc trị viêm họng. Bởi vậy, mật ong có tiềm năng rất lớn giúp điều trị viêm họng, giúp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

8 cách chữa viêm họng bằng mật ong hiệu quả

Cách sử dụng mật ong chữa ho hay viêm họng đơn giản nhất chính là ăn mật ong trực tiếp, hoặc pha 1 – 2 thìa cà phê mật ong vào cốc nước nóng và uống khi nước còn ấm. Bên cạnh đó, kết hợp mật ong với nhiều nguyên liệu khác có thể làm tăng giá trị điều trị của mật ong.

Có thể chữa viêm họng bằng mật ong một mình, hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác
Có thể chữa viêm họng bằng mật ong một mình, hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác

Tìm hiểu mật ong nên uống với gì và kết hợp trong công thức nào để chữa viêm họng không cần thuốc ngay dưới đây:

1. Trà thảo dược và mật ong

Trà thảo dược có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh. Chúng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, chống viêm, giảm đau, giảm sưng và đẩy nhanh tốc độ chữa bệnh.

Uống trà thảo dược ấm có thể giữ cho cơ họng ẩm và giảm nguy cơ mất nước. Điều này có thể giúp giảm kích ứng và đau cổ họng, từ đó thúc đẩy chưa viêm họng hiệu quả.

Những loại trà thảo dược tốt nhất khi bị viêm họng có thể kể tới như: Trà cam thảo, trà hoa cúc, trà nghệ, trà xanh, trà bạc hà, trà gừng, trà quế…

Mật ong có thể kết hợp tốt với các loại trà trên, tạo thêm hương vị ngọt ngào và hấp dẫn hơn cho tách trà.

Nguyên liệu:

  • 1 túi trà thảo dược dạng túi lọc hoặc thảo dược sấy khô (vừa đủ)
  • 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất
  • 1 cốc nước nóng

Cách làm:

  • Ngâm túi trà vào cốc nước nóng, hãm trong 3 – 5 phút.
  • Vớt túi trà bỏ đi.
  • Chờ nước trà nguội bớt, cho mật ong vào, khuấy đều.

Cách dùng: Uống 1 cốc mỗi ngày. Có thể uống trong thời gian dài.

Lưu ý:

  • Một số loại thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang sử dụng. Vì vậy, hãy tham vấn bác sĩ trước khi uống trà thảo dược và mật ong nếu bạn đang dùng thuốc trị bệnh nào đó.
  • Lựa chọn các nguồn thảo dược tin cậy, uy tín.
  • Không uống quá nhiều trà thảo dược trong ngày, đặc biệt là trà cam thảo.

2. Chanh và mật ong

Chanh được sử dụng phổ biến trong đồ uống vì hàm lượng vitamin C cao. Theo nhiều nghiên cứu, bổ sung thêm vitamin C có thể hỗ trợ giúp giảm thời gian cảm lạnh và viêm họng.

Nước chanh và mật ong không chỉ có lợi cho người viêm họng, mà còn giúp thải độc cơ thể, hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh.

Nguyên liệu:

  • 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất
  • Nước cốt ½ – 1 quả chanh ta, hoặc nước cốt của ½ quả chanh vàng
  • 1 cốc nước ấm
  • Vài nhánh bạc hà tươi (nếu thích)

Cách làm:

  • Cho nước cốt chanh vào cốc nước ấm, khuấy đều.
  • Cho tiếp mật ong vào cốc nước chanh, khuấy đều.
  • Có thể cho thêm vài nhánh bạc hà để tăng hương vị tươi mới.

Cách dùng: Uống 1 cốc mỗi ngày. Nên uống vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy.

Lưu ý: Nếu bạn bị các vấn đề về dạ dày, nên hạn chế dùng đồ uống có chanh.

3. Nghệ và mật ong

Với nghệ là thành phần chính, sữa vàng rất giàu curcumin và cung cấp hơn 150 chất chống oxy hóa có khả năng tăng cường miễn dịch, chống ung thư hiệu quả.

Nghệ và mật ong là 2 nguyên liệu chính trong công thức sữa vàng (golden milk) nổi tiếng của y học Ấn Độ.
Nghệ và mật ong là 2 nguyên liệu chính trong công thức sữa vàng (golden milk) nổi tiếng của y học Ấn Độ.

Nguyên liệu:

  • 1 thìa canh mật ong nguyên chất (15ml)
  • 1 thìa cà phê bột nghệ
  • 1 cốc sữa hạt (sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa đậu nành…)
  • 1 thìa cà phê dầu dừa nguyên chất (không cần nếu đã dùng sữa dừa)
  • 1 thìa cà phê bột quế
  • ½ thìa cà phê bột gừng
  • 1 nhúm bột hạt tiêu đen

Cách làm:

  • Cho tất cả nguyên liệu trên vào trong máy xay.
  • Xay khoảng 10 – 15 giây.
  • Cho hỗn hợp đã xay vào nồi và đun nóng (không đun sôi).

Cách dùng: Thưởng thức ngay khi sữa còn ấm.

Lưu ý:

  • Nên uống vào buổi sáng, ngay khi vừa ngủ dậy.
  • Có thể bảo quản sữa còn dư trong tủ lạnh, tối đa 5 ngày.

4. Tỏi và mật ong

Tỏi là một trong những nguyên liệu có khả năng kháng sinh tự nhiên mạnh mẽ. Theo Đông y, tỏi có thể giúp làm ấm cơ thể, thải độc, kháng viêm và diệt khuẩn.

Nguyên liệu:

  • 15 – 30ml mật ong
  • 2 – 3 tép tỏi

Cách làm:

  • Bóc vỏ và đập dập tỏi.
  • Cho tỏi vào bát nhỏ rồi rót mật ong lên.
  • Hấp cách thủy trong vòng 20 phút.

Cách dùng: Uống nước và ăn cả bã. Áp dụng 3 lần mỗi ngày, thực hiện trong 10 – 15 ngày.

Lưu ý:

Nên ăn trước bữa ăn 15 phút.

5. Gừng và mật ong

Các hoạt chất quý trong gừng, như zinggiberene, phellandrene, citral… có thể ngăn ngừa virus cúm lây nhiễm vào tế bào người.

Bạn có thể ngâm gừng, mật ong và chanh vàng để sử dụng lâu dài
Bạn có thể ngâm gừng, mật ong và chanh vàng để sử dụng lâu dài

Bạn có thể ngâm gừng, mật ong và chanh vàng để sử dụng trong thời gian dài.

Nguyên liệu:

  • ½ – 1 lít mật ong nguyên chất
  • 300 – 350gr gừng tươi
  • 1kg chanh vàng
  • 1 bát muối nhỏ
  • 1/2 bát giấm nhỏ

Cách làm:

  • Cạo sạch vỏ gừng, rửa sạch, để ráo nước, thái thành lát mỏng.
  • Dùng muối chà sát lên vỏ chanh để giảm bớt lượng tinh dầu trên vỏ, sau đó rửa lại chanh với nước và giấm.
  • Thái chanh thành từng lát dày khoảng 3 – 5mm, loại bỏ hạt.
  • Xếp lần lượt từng lớp chanh, gừng vào hũ thủy tinh.
  • Rót mật ong vào đến khi gần đầy hũ.
  • Đậy nắp và dốc ngược ngũ để các nguyên liệu trộn đều với nhau. Bảo quản ở nơi thoáng mát.
  • Hỗn hợp có thể sử dụng sau 3 ngày ngâm.

Cách dùng: Lấy 2 thìa hỗn hợp, pha với nước sôi và uống khi còn ấm.

Lưu ý:

  • Những người bị tăng huyết áp nên thận trọng khi dùng gừng.
  • Phụ nữ mang thai cũng nên thận trọng khi sử dụng gừng.
  • Chỉ nên uống trà gừng vào buổi sáng, hạn chế dùng vào buổi tối.

6. Quất xanh và mật ong

Quất xanh hấp mật ong và cánh hoa hồng bạch là bài thuốc trị ho, đau họng được dân gian truyền miệng từ lâu đời.

Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc, có thể nhuận phế tốt. Trong khi đó, quả quất (trái tắc) có tác dụng thông phổi, kiện tỳ, trị ho có đờm. Hoa hồng bạch có tính ấm, vị ngọt, giúp hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu sưng, hạ huyết áp, điều kinh thường được sử dụng để chữa ho, chữa nhiệt miệng, táo bón…

Kết hợp 3 nguyên liệu này với nhau có thể giúp trị ho, viêm họng cực kỳ hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • ½ bát mật ong nguyên chất
  • Cánh của 1 bông hoa hồng bạch
  • 2 quả quất xanh

Cách làm:

  • Rửa sạch quất xanh và cánh hoa hồng. Để cho ráo nước.
  • Bổ đôi quả quất.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào bát thủy tinh. Hấp cách thủy khoảng 5 – 10 phút.

Cách dùng: Ăn hỗn hợp này nhiều lần trong ngày.

Lưu ý:

  • Không sử dụng bài thuốc này cho trẻ dưới 1 tuổi.
  • Bài thuốc có vị hơi đắng.

7. Chữa viêm họng cho trẻ bằng mật ong manuka

Mật ong manuka được tạo thành từ cây manuka, có nguồn gốc từ New Zealand và Australia. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng mật ong manuka vượt trội hơn các loại mật ong khác về đặc tính kháng khuẩn.

Các bà mẹ phương Tây thường làm kẹo dẻo từ mật ong manuka để trị ho cho con
Các bà mẹ phương Tây thường làm kẹo dẻo từ mật ong manuka để trị ho cho con

Với vị ngọt thanh, công thức kẹo dẻo mật ong manuka dưới đây rất thích hợp cho trẻ nhỏ trong điều trị viêm họng.

Nguyên liệu:

  • ½ cốc nước nóng
  • 1 túi trà gừng (dạng túi lọc)
  • 30ml mật ong manuka
  • 2 thìa canh bột gelatin

Cách làm:

  • Ngâm túi trà vào trong cốc nước nóng trong ít nhất 5 phút.
  • Sau khi ngâm, vớt túi trà bỏ đi và để nước trà nguội. Rót nước trà vào nồi nhỏ.
  • Khi trà nguội hoàn toàn, rây bột gelatin trên bề mặt nước trà. Không được khuấy. Để yên trong 10 phút.
  • Đun nước trà trên lửa nhỏ, khuấy đều và đun cho tới khi hỗn hợp hòa quyện tốt, tạo thành hỗn hợp mịn. Bước này mất khoảng 3 phút.
  • Rót hỗn hợp kẹo dẻo vào trong khuôn, làm lạnh trong ít nhất 1 giờ.

Cách dùng: Sau khi kẹo dẻo đã tạo hình, bạn có thể ăn luôn hoặc bảo quản chúng trong lọ kín tối đa 1 tuần. Nên bảo quản trong ngăn cánh tủ lạnh.

Lưu ý: Kẹo dẻo chỉ thích hợp với trẻ nhỏ trên 3 tuổi, khi trẻ đã nhai và nuốt tốt.

8. Giấm táo và mật ong

Giấm táo chứa axit axetic giúp kháng khuẩn hiệu quả. Hippocrates – “Ông Tổ” của ngành y hiện đại đã kê đơn giấm táo và mật ong (gọi là oxymel) để điều trị các triệu chứng cúm, như ho và viêm họng.

Nguyên liệu:

  • 15ml mật ong nguyên chất
  • 15ml giấm táo nguyên chất
  • 1 cốc nước ấm

Cách làm:

  • Cho giấm táo vào trong cốc nước, khuấy đều.
  • Cho tiếp mật ong vào cốc nước, khuấy đều.

Cách dùng: Uống 1 lần mỗi ngày.

Lưu ý:

  • Giấm táo có thể làm mòn men răng. Vì vậy, nên uống giấm táo bằng ống hút để tránh tiếp xúc với răng.
  • Thận trọng nếu bạn bị các vấn đề về dạ dày, như trào ngược axit dạ dày, viêm loét dạ dày, tiêu chảy mãn tính…

Các lưu ý khi dùng mật ong trị viêm họng

Để chữa viêm họng bằng mật ong an toàn và hiệu quả, độc giả nên lưu ý những điều sau:

Chọn mật ong nào là tốt nhất?

Hầu hết các loại mật ong bán tại siêu thị hay cửa hàng đều đã được tiệt trùng. Nhiệt độ cao trong quá trình tiệt trùng có thể giúp:

  • Cải thiện màu sắc và kết cấu của mật ong
  • Tiêu diệt các nấm men không cần thiết
  • Loại bỏ kết tinh
  • Kéo dài thời hạn sử dụng
Mật ong có rất nhiều loại, bởi vậy, không dễ chọn đúng loại cho bệnh đau họng
Mật ong có rất nhiều loại, bởi vậy, không dễ chọn đúng loại cho bệnh đau họng

Tuy vậy, quá trình tiệt trùng cũng có thể phá hủy nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Vì lý do này, bạn nên lựa chọn mật ong nguyên chất để nhận được nhiều lợi ích nhất.

Mật ong có gây dị ứng không?

Mặc dù mật ong có một số lợi ích sức khỏe tự nhiên, nhưng một số người cũng có thể bị dị ứng mật ong. Khi mật ong được sản xuất, nó có thể bị nhiễm phấn hoa ong hoặc phấn hoa từ các loại thực vật.

Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, bạn cũng có thể bị dị ứng với một số loại mật ong. Trong nhiều trường hợp, điều này cho thấy phấn hoa trở thành chất gây dị ứng, chứ không phải là do mật ong.

Triệu chứng dị ứng mật ong có thể giống với các triệu chứng dị ứng phấn hoa thông thường, như:

  • Sổ mũi
  • Hắt hơi
  • Sưng, chảy nước mắt
  • Ngứa họng
  • Phát ban

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau đầu
  • Thở khò khè
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Ngất xỉu
  • Nhịp tim không đều
  • Sốc phản vệ

Đối tượng nào không nên dùng mật ong?

Nếu đã bị dị ứng phấn hoa, bạn nên thận trọng khi dùng mật ong. Ngoài ra, những người dưới đây cũng nên tránh sử dụng nguyên liệu này:

  • Không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Mật ong có thể mang vi khuẩn, chẳng hạn như Clostridium botulinum đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Trẻ có thể gặp phải các vấn đề hô hấp, yếu cơ, giảm vận động, biếng ăn, khó nuốt…
  • Bệnh nhân mắc đái tháo đường, những người bị tụt huyết áp, xơ gan… cũng nên tránh dùng mật ong.

Mật ong không nên kết hợp với gì?

Mật ong có thể kết hợp tốt với nhiều nguyên liệu. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các phản ứng tiêu cực khi được sử dụng sai cách.

Dưới đây là một số điều cấm kỵ khi sử dụng mật ong:

  • Không ăn mật ong với cơm
  • Không kết hợp mật ong và cây thì là
  • Không pha mật ong với nước sôi, nên pha với nước ấm (35°C) hoặc nước nguội
  • Không kết hợp mật ong với hành tây
  • Không kết hợp mật ong với đậu phụ
  • Không kết hợp mật ong với cá chép
  • Không ăn mật ong với lá hẹ
Chữa viêm họng bằng mật ong mang lại nhiều kết quả khả quan
Chữa viêm họng bằng mật ong mang lại nhiều kết quả khả quan

Nếu mật ong hoặc các biện pháp khắc phục tại nhà khác không mang lại sự giúp đỡ mà bạn cần, hoặc nếu bạn gặp các triệu chứng khác như sốt kèm theo đau họng kéo dài nhiều ngày, hãy đi khám ngay.