Táo bón kéo dài lâu ngày có ảnh hưởng gì? Cách trị

Chứng táo bón nếu không nghiêm túc điều trị có thể kéo dài lâu ngày. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho hoạt động tiêu hóa. Hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Tốt nhất nên kết hợp các giải pháp điều trị với dự phòng để sớm khắc phục triệt để.

táo bón kéo dài
Táo bón là tình trạng không nguy hiểm nhưng có thể kéo dài dai dẳng nếu không chú ý điều trị

Táo bón kéo dài lâu ngày – Nguyên nhân do đâu?

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều sẽ phải trải qua các triệu chứng táo bón vào 1 thời điểm nhất định trong đời.

Đặc trưng của tình trạng táo bón là việc gặp khó khăn khi đi đại tiện. Cụ thể như đại tiện ra phân cứng, khô hay nhỏ, đi đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần. Ngoài ra, nhiều người còn gặp tình trạng không thể đi đại tiện thường xuyên hay đi đại tiện khó khăn kéo dài.

Táo bón không nguy hiểm và có thể khắc phục nhanh chóng nếu sớm can thiệp bằng các giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày. Lúc này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Táo bón kéo dài nhiều ngày được xác định là do một số nguyên nhân sau đây:

1. Nguyên nhân ngoài hệ tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng táo bón kéo dài dai dẳng và khó khắc phục. Nó có thể là các yếu tố không bắt nguồn từ cơ quan tiêu hóa. Bao gồm:

– Tuyến giáp hoạt động kém:

Tuyến giáp hoạt động kém sẽ không thể đảm bảo sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Điều này có thể gây ra sự trì hoàn trao đổi chất. Từ đó làm chậm toàn bộ quá trình tiêu hóa và dẫn đến táo bón.

– Bệnh tiểu đường:

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể có thể ngừng hay sản xuất ít hormone insulin. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phân hủy đường trong máu. Lượng đường huyết cao gây ra tổn thương hệ thống thần kinh kiểm soát hoạt động tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến táo bón diễn ra dài ngày.

– Căng thẳng, stress:

Tình trạng căng thẳng, stress ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Đặc biệt nó có thể khiến não bộ phát tín hiệu tới hệ thống tiêu hóa và gây ra những rối loạn. Trong đó táo bón là triệu chứng phổ biến.

vì sao chứng táo bón kéo dài
Căng thẳng, stress có thể khiến chứng táo bón nghiêm trọng thêm

– Chế độ ăn uống và sinh hoạt:

Ăn uống không lành mạnh, thiếu cân bằng dưỡng chất, quá nhiều hay quá ít chất xơ đều có thể khiến táo bón kéo dài. Ngoài ra, việc uống không đủ nước hay tiêu thụ các thực phẩm dễ gây táo bón cũng được cho là nguyên nhân.

– Rối loạn các chất điện giải:

Theo các chuyên gia, chất điện giải đóng vai trò đặc biệt quan trọng với việc điều hòa các hoạt động của cơ thể. Rối loạn chất điện giải cũng chính là nguyên nhân khiến táo bón lâu ngày không hết.

– Một số nguyên nhân khác:

Tình trạng sốt cao hay nằm bất động kéo dài cũng có thể là yếu tố liên quan. Một số thói quen như ngồi nhiều, nhịn đại tiện cũng có thể làm thay đổi thói quen đại tiện của cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng táo bón kéo dài. Ngoài ra, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, đặc biệt là chì cũng được cho là nguyên nhân.

2. Các nguyên nhân từ hệ tiêu hóa

Tình trạng táo bón kéo dài lâu ngày có thể xuất phát từ chính các vấn đề trong hệ tiêu hóa. Thực tế cho thấy, các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa thường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa thức ăn. Và một trong những triệu chứng dễ phát sinh là tiêu hóa. Khi các vấn đề bệnh lý được điều trị triệt để thì chứng tiêu hóa cũng mới được cải thiện.

nguyên nhân khiến táo bón kéo dài
Tình trạng táo bón diễn ra lâu ngày có thể là hệ quả của các vấn đề ở đại tràng

Trong đó các bệnh lý ở đại tràng được cho là có liên quan trực tiếp. Bao gồm:

  • To đại tràng bẩm sinh
  • Đại tràng dài
  • To đại tràng không rõ nguyên nhân
  • Rối loạn trương lực đại tràng
  • Bệnh viêm đại tràng mãn tính
  • Sa niêm mạc đại tràng
  • Polyp đại tràng

Triệu chứng táo bón kéo dài lâu ngày

Trường hợp bạn không thể đi đại tiện thường xuyên hay gặp khó khăn khi đi đại tiện kéo dài vài tuần thì lúc này chứng táo bón có thể đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Táo bón kéo dài lâu ngày thường đi kèm với một số biểu hiện như sau:

  • Tình trạng táo bón kéo dài trên 12 tuần mỗi năm mặc dù có thể không diễn ra liên tục.
  • Biểu hiện rõ ràng nhất là tần suất đi ngoài dưới 3 lần/ tuần và giảm dần tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của táo bón.
  • Mỗi lần đi đại tiện thường rất khó khăn, phải mót rặn nhiều. Đặc biệt còn phải vận động cả cơ bụng và cơ hoành nhiều mới có thể đẩy phân ra ngoài.
  • Phân khô cứng, có thể là từng cục tương tự như phân dê.
  • Nhiều trường hợp, đi đại tiện phải cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.
  • Nhiều người còn gặp phải tình trạng ra máu tươi trước hay sau khi ra phân. Thường là do rặn quá mức khiến niêm mạc hậu môn bị xây xát.
  • Ngoài ra máu thì phân cũng có thể lẫn thêm cả chất nhầy.
  • Bạn có thể bị đau bụng với nhiều mức độ khác nhau. Có trường hợp còn bị đau dữ dội, kèm theo đó là tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
  • Nhiều người cảm thấy có tác động từ bên ngoài sẽ giúp đại tiện dễ dàng hơn. Vì vậy thường có thói quen xoa hay ấn nhẹ vào bụng khi đi đại tiện.
táo bón kéo dài nguy hiểm không
Trong nhiều trường hợp, táo bón kéo dài có thể dẫn tới đi ngoài ra máu

Để có thể phát hiện ra các biểu hiện của tình trạng táo bón kéo dài thì bạn cần quan sát. Chú ý đến cả tần suất đại tiện, đặc điểm của phân cùng những triệu chứng bất thường đi kèm khác.

Táo bón kéo dài lâu ngày có ảnh hưởng gì?

Các chuyên gia nhận định, táo bón không phải là tình trạng nguy hiểm. Hơn nữa triệu chứng tiêu hóa này có thể sớm được kiểm soát và khắc phục nếu can thiệp bằng các giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà chứng táo bón có thể kéo dài lâu ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Đồng thời chính là nguyên nhân gây ra nhiều tình trạng nghiêm trọng khác.

Thực tế cho thấy, táo bón kéo dài có thể làm rối loạn chức năng của vị tràng. Từ đó làm cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã. Việc độc tố tồn tại lâu ngày trong hệ tiêu hóa rất dễ gây viêm đại tràng. Nghiêm trọng hơn, các chất gây ung thư tích tụ bên trong đại trực tràng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Táo bón kéo dài lâu ngày còn được cho là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh trĩ. Phân tồn tại lâu trong trực tràng có thể gây cản trở quá trình tuần hoàn. Từ đó sinh ra bệnh trĩ nội, trĩ ngoại. Càng để lâu thì bệnh trĩ càng tiến triển nhanh và nặng. Không chỉ gây khó chịu cho sinh hoạt và cuộc sống mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vấn đề táo bón kéo dài sẽ trở nên đáng quan ngại hơn khi trẻ em là đối tượng mắc phải. Lúc này trẻ có thể gặp phải những hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tâm lý. Bao gồm:

  • Biếng ăn: Táo bón lâu ngày khiến cho phân tích tụ không thể thoát ra ngoài. Từ đó gây đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu. Điều này khiến cho trẻ chán ăn, ăn không ngon miệng. Đây chính là nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn và kém hấp thu dinh dưỡng. Nhiều trẻ còn có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
  • Giảm sức đề kháng: Việc kém hấp thu dưỡng chất khiến cho cơ thể không được bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu. Từ đó không chỉ gây chậm lớn mà còn làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
  • Bệnh trĩ: Ở trẻ em, phân bị ứ đọng lâu trong trực tràng rất dễ gây cản trở quá trình tuần hoàn máu. Tình trạng này kéo dài thì mắc bệnh trĩ là điều khó tránh khỏi.

Các giải pháp điều trị chứng táo bón kéo dài lâu ngày

Táo bón là tình trạng không quá khó để khắc phục. Tuy nhiên nếu nó kéo dài nhiều ngày thì việc điều trị có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Tốt nhất bạn nên chủ động tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc đúng cách.

Dưới đây là một số cách điều trị chứng táo bón kéo dài lâu ngày:

1. Sử dụng các loại thuốc nhuận tràng

Dùng thuốc nhuận tràng chính là giải pháp điều trị rất hữu hiệu và phổ biến cho tình trạng táo bón kéo dài. Cách này thường được bác sĩ chỉ định khi việc điều trị tại nhà thất bại.

trị táo bón kéo dài
Dùng thuốc nhuận tràng là giải pháp có thể đáp ứng trong trường hợp táo bón kéo dài

Trong đó, thuốc nhuận tràng cơ học là được dùng phổ biến hơn cả. Và đây cũng được cho là lựa chọn ưu tiên khi điều trị bệnh táo bón lâu ngày. Nhóm thuốc này được đánh giá là rất an toàn bởi chỉ tác động tại chỗ. Một số loại thường dùng bao gồm:

  • Cellulose
  • Gomme sterculia
  • Hemicellulose
  • Agar-agar

Đặc điểm của thuốc nhuận tràng cơ học là có thể hòa tan trong nước và không hấp thu trong ruột. Chúng sẽ giúp hấp thụ nước vào trong khối phân. Từ đó giúp làm mềm và tăng khối lượng phân. Thuốc thường phát huy tác dụng sau khi uống khoảng 1 – 3 ngày. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây cản trở hấp thu một số chất. Ngoài ra cũng có thể gây chướng bụng, đầy hơi ở một số người.

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc nhuận tràng nhóm khác. Bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Là loại thuốc có chứa các chất không hấp thu. Chúng giúp giữ nước trong ruột, đồng thời gây kích thích đi đại tiện. Thời gian để thuốc phát huy tác dụng còn phụ thuộc vào dạng và hoạt chất.
  • Thuốc nhuận tràng làm trơn: Nhóm thuốc này có chứa thành phần dầu khoáng. Tác dụng chính là thúc đẩy quá trình vận chuyển trong ruột. Đồng thời làm giảm áp lực khi đi đại tiện.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng nhu động ruột. Đồng thời kích thích co cơ để giúp đẩy chất thải ra ngoài dễ dàng hơn. Thuốc nhuận tràng kích thích có tác dụng tương đối nhanh, chỉ sau 6 – 12 giờ uống thuốc.

2. Điều trị theo nguyên nhân

Tình trạng bệnh táo bón kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với mỗi nguyên nhân sẽ có cách khắc phục phù hợp. Đặc biệt là các trường hợp liên quan đến các vấn đề bệnh lý. Khi các bệnh nguyên nhân được điều trị triệt để thì tình trạng táo bón mới được cải thiện hoàn toàn.

Tùy vào biểu hiện triệu chứng cùng với mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần chú ý tuân thủ phác đồ mà bác sĩ chỉ định. Đồng thời chú ý tái khám đúng hẹn để có quá trình kiểm soát bệnh lý nguyên nhân tốt nhất.

điều trị táo bón kéo dài
Nên chủ động thăm khám để điều trị triệt để các bệnh lý nguyên nhân

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc trị táo bón kết hợp. Bạn cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và tần suất để nhận được kết quả tốt nhất. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay dùng thuốc bừa bãi.

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Bên cạnh việc dùng thuốc và điều trị theo nguyên nhân thì bạn cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống. Đây là yếu tố quyết định rất nhiều đến việc điều trị bệnh táo bón. Đặc biệt là táo bón kéo dài lâu ngày.

Chế độ ăn uống cho người bị táo bón lâu ngày cần chú ý đến một số vấn đề như sau:

  • Mỗi bữa ăn cần đảm bảo sự cân bằng các thành phần dưỡng chất. Điều này giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sức khỏe mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa lượng chất đạm quá lớn, đặc biệt là thịt đỏ. Bổ sung chất đạm và chất xơ thiếu cân bằng sẽ khiến cho tình trạng táo bón nghiêm trọng thêm.
  • Tốt nhất nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống. Nhất là các thực phẩm có tính chất nhuận tràng. Ví dụ như cải bó xôi, mồng tơi, kiwi, chuối, quả mọng, bơ, khoai lang, cà rốt, ngũ cốc nguyên cám…
  • Để tránh gây áp lực cho hoạt động thì việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày là rất cần thiết. Người bị táo bón nên giảm lượng thức ăn trong bữa chính xuống và ăn thêm các bữa phụ.
  • Bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần, thường là từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Trong các trường hợp sử dụng viên uống bổ sung vi chất thì bạn có thể uống nhiều nước hơn.
  • Không nên tiêu thụ các thức ăn dễ gây táo bón. Ví dụ như bánh mì trắng, thực phẩm từ ngô, thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, cay nóng…
  • Tránh một số thức uống và chất kích thích. Các đồ uống lợi tiểu như trà, coca, cà phê, chất cồn rất dễ gây ra tình trạng khử nước của cơ thể. Từ đó khiến cho chứng táo bón thêm nặng và kéo dài.
  • Khi bị táo bón, bạn có thể ăn nhiều sữa chua. Lợi khuẩn, nhất là probiotic trong sữa chua rất tốt cho hoạt động tiêu hóa. Nó giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh chóng và thúc đẩy quá trình vận chuyển của ruột kết.

4. Duy trì lối sống lành mạnh

Cùng với vấn đề ăn uống thì lối sống của bạn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó có thể hỗ trợ tốt cho việc điều trị chứng táo bón lâu ngày.

táo bón kéo dài phải làm sao
Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn

Dưới đây là các vấn đề nên thực hiện tốt:

  • Không nên thức khuya, tốt nhất hãy ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày 7 – 8 tiếng. Ngủ sớm giúp hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi và vận hành trơn tru hơn vào ngày hôm sau.
  • Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng, stress cả trong công việc và cuộc sống. Tránh làm việc quá nhiều, nên dành thời gian cho việc nghỉ ngơi. Có thể tìm đến một số giải pháp như ngồi thiền, massage, tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc… để thư giãn.
  • Chú ý đến vấn đề vận động cơ thể. Dành thời gian cho hoạt động thể chất, luyện tập tích cực thường xuyên sẽ giúp khắc phục và ngăn ngừa chứng táo bón rất tốt. Hãy lựa chọn các bộ môn thể thao phù hợp với sở thích, thể trạng. Tuyệt đối không ngồi lâu 1 chỗ, nên đứng dậy vận động cho cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.

5. Rèn luyện thói quen đại tiện

Đây cũng là vấn đề mà những người bị táo bón nên chú ý. Rèn luyện thói quen đại tiện tốt sẽ giúp hỗ trợ khắc phục chứng táo bón kéo dài. Hơn nữa còn hữu ích với việc ngăn ngừa tình trạng này tái phát sau khi đã điều trị khỏi.

Hãy lưu ý đến một số vấn đề như sau:

  • Đừng ngại hay nhịn đi đại tiện. Hãy đi đại tiện ngay khi mà bạn cảm thấy muốn. Cố gắng đi vệ sinh vào buổi sáng hay vào khoảng sau 30 phút sau bữa ăn. Thực tế cho thấy, đây là thời điểm mà bạn dễ dàng đi vệ sinh nhất.
  • Khi đi vệ sinh có thể dùng vòi hoa sen hay vặn nước ấm áp lực nhỏ để xả vào hậu môn. Đây là cách giúp làm mềm phân hữu hiệu. Đồng thời giảm đau ở hậu môn khi đại tiện trong trường hợp bạn đang bị táo bón.
  • Khi đi vệ sinh cần giữ cho tinh thần được thoải mái. Tránh tình trạng căng thẳng hay ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh.
  • Đừng cố rặn nếu cảm thấy rằng khối phân quá rắn chắc và không thể đẩy ra ngoài. Nếu bạn vẫn cố rặn sẽ khiến cho niêm mạc hậu môn bị tổn thương. Từ đó rất dễ gây ra tình trạng đi ngoài ra máu hay đau hậu môn trực tràng.
  • Chú ý đến tư thế ngồi khi đi đại tiện. Có 2 cách để bạn đi vệ sinh là ngồi bệt hoặc ngồi xổm. Trong đó, tư thế ngồi xổm được cho là tốt nhất. Bởi với tư thế này thì đường ống hậu môn sẽ thẳng, nhờ đó mà phân được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn. Trường hợp ngồi bệt thì bạn nên kê 1 chiếc ghế cao tầm 20cm dưới chân. Điều này có thể nâng cao chân, gấp đùi vào bụng khiến việc đi đại tiện dễ hơn.

Tình trạng táo bón thường không nguy hiểm nhưng có thể kéo dài lâu ngày nếu không can thiệp điều trị đúng cách. Ngoài việc dùng thuốc thì cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Trường hợp có các bệnh lý nguyên nhân thì nên nghiêm túc điều trị triệt để.