Cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc đúng cách, an toàn

Không cha mẹ nào muốn con trẻ ngay từ những ngày tháng đầu đời đã phải dùng tới thuốc. Tuy vậy, cha mẹ vẫn nên nắm được những nguyên tắc cơ bản và trang bị đầy đủ kiến thức về cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc an toàn.

Không phải cha mẹ nào cũng biết cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc an toàn
Không phải cha mẹ nào cũng biết cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc an toàn

Thông tin cần biết trước khi cho bé uống thuốc

Để sử dụng thuốc theo đơn hoặc thuốc không kê đơn một cách an toàn cho trẻ sơ sinh, hãy tham vấn bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ uống.

Khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần phải biết:

  • Tên và công dụng của thuốc
  • Liều lượng, liều dùng, thời điểm và thời gian uống thuốc
  • Dạng thuốc (viên nén, bột, cốm, dung dịch, hỗn dịch…)
  • Bất kỳ hướng dẫn đặc biệt nào, ví dụ như thuốc có uống cùng với sữa hay không
  • Cách bảo quản thuốc và thời hạn sử dụng
  • Tác dụng phụ hoặc phản ứng thường gặp
  • Tương tác với các loại thuốc khác mà trẻ đang dùng
  • Có vấn đề gì xảy ra không nếu trẻ bỏ lỡ một liều

Khi bác sĩ khám và kê đơn thuốc cho con, cha mẹ cũng nên nói rõ các thông tin cơ bản của con, bao gồm:

  • Liều lượng của nhiều loại thuốc phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhi. Bởi vậy, nên nói rõ cân nặng và số tháng tuổi của con. Bên cạnh đó, các loại thuốc khác nhau có nồng độ thành phần khác nhau, nên liều lượng cũng không giống nhau.
  • Những thuốc mà trẻ đã từng uống và các phản ứng của trẻ với các thuốc này (nếu có).
  • Trẻ có đang mắc bệnh hoặc gặp tình trạng sức khỏe nào hay không.
  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay cả khi bạn định cho con uống thuốc không kê đơn, như Acetaminophen và Ibuprofen.

Nguyên tắc cơ bản về dùng thuốc an toàn cho trẻ nhỏ (quy tắc chung)

Dưới đây là những quy tắc cơ bản khi uống thuốc không chỉ áp dụng cho trẻ, mà còn đúng với cả người lớn:

  • Tham vấn bác sĩ về việc ngoài dùng thuốc, có thể trị bệnh cho trẻ bằng cách nào khác hay không.
  • Không tự chẩn bệnh và kê đơn thuốc cho trẻ (nếu bạn không có chuyên môn).
  • Không bao giờ sử dụng thuốc còn thừa. Ví dụ, đối với các thuốc dạng lỏng, dược sĩ thường chuẩn bị cho người mua nhiều hơn mức cần thiết một chút để phòng ngừa trường hợp thuốc bị đổ hoặc đong đếm không chính xác.
  • Nếu thuốc vẫn còn thừa sau khi sử dụng, hãy vứt bỏ. Đối với các loại thuốc có thể dự trữ để dùng khi cần thiết, hãy theo dõi ngày hết hạn để đảm bảo chúng không bị quá hạn.
  • Tuyệt đối không cho bé uống thuốc đã được kê đơn cho người khác. Ngay cả khi hai trẻ có cùng một bệnh, thì chúng vẫn có thể cần các loại thuốc khác nhau với liều lượng và thời gian dùng khác nhau.
  • Không cho bé uống thuốc dành cho người lớn.
  • Thận trọng khi cho trẻ dùng 2 tên thuốc khác nhau nhưng có cùng thành phần.
  • Chỉ mua thuốc ở những nhà thuốc uy tín. Kiểm tra kỹ trạng thái thuốc khi mua (còn nguyên bao bì, không bị ẩm mốc hay quá hạn).
  • Dùng thuốc đúng chỉ dẫn về liều lượng, liều dùng và thời gian. Không tự ý giảm liều hoặc ngưng sử dụng trước thời điểm mà bác sĩ chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm.

Hướng dẫn cách cho trẻ uống thuốc an toàn

Cơ thể trẻ sơ sinh rất non nớt, chức năng các cơ quan như gan, thận còn chưa hoàn thiện. Phần lớn các loại thuốc sử dụng đều được thải qua những cơ quan này. Bởi vậy, lạm dụng thuốc hay cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc không an toàn sẽ gây ảnh hưởng xấu, suy giảm chức năng các cơ quan này. Thậm chí, uống thuốc không đúng cách có thể khiến trẻ bị ngộ độc, gia tăng tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Dưới đây là cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc an toàn mà cha mẹ nên nắm được:

Kiểm tra lại đơn thuốc (đọc kỹ hướng dẫn)

Hãy kiểm tra lại ít nhất 2 lần để đảm bảo đơn thuốc này là của con bạn và đó là loại thuốc mà bác sĩ kê đơn.

Cha mẹ cần thực sự tỉnh táo khi chuẩn bị thuốc cho con. Rất nhiều cha mẹ vô tình lấy nhầm thuốc và liều lượng thuốc cho con, dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng
Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng

Luôn luôn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Các loại thuốc thường đi kèm với một hoặc nhiều bản in nói rõ các thông tin của thuốc và hướng dẫn thêm về cách dùng thuốc. Cha mẹ hãy dành thời gian để đọc tất cả các thông tin này.

Tờ hướng dẫn có thể lưu ý người dùng nên lắc chai thuốc lỏng trước khi sử dụng để các thành phần hoạt tính được phân phối đều. Hoặc, thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh…

Có nên pha thuốc với sữa hoặc nước trái cây?

Nhiều cha mẹ thường pha thuốc vào sữa cho trẻ. Điều này là không nên. Bởi lẽ, trong sữa không chỉ có nước, mà còn chứa nhiều chất hữu cơ và vi chất. Sữa có hàm lượng lipid và độ kiềm cao, làm chậm sự hấp thu của một số thuốc, như kháng sinh Cefuroxim. Bên cạnh đó, sữa chứa nhiều canxi và đạm, có thể phản ứng với thuốc, gây đông vón, kết tủa và khiến cơ thể khó hấp thu thuốc.

Một số thuốc kháng sinh có thể mất hiệu lực khi uống chung với sữa, như Fluoroquinolon và Tetracyclin.

Cha mẹ tuyệt đối không nên pha thuốc với nước trái cây, như nước cam hay nước táo. Điều này cũng có thể làm giảm hoạt tính của thuốc.

Thông thường, thuốc cho trẻ sơ sinh thường ở dạng lỏng, như siro, thuốc giọt… Những loại này cha mẹ có thể cho bé uống trực tiếp mà không cần pha. Với các loại thuốc bột, cha mẹ chỉ nên pha thuốc với nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc sạch theo hướng dẫn của bác sĩ.

Uống thuốc lúc no hay đói?

Tất cả các loại thuốc kê đơn đều có nhãn hoặc hướng dẫn về thời điểm uống thuốc tốt nhất.

  • Thuốc nên uống vào lúc bé ăn no: Thuốc này được uống ngay sau khi bé bú hoặc uống sữa. Thường gặp ở một số thuốc kháng sinh kém bền với môi trường axit, như Ampicillin. Uống thuốc này vào lúc đói có thể là tăng khả năng phân hủy thuốc.
  • Thuốc nên uống vào lúc bé đói: Thuốc này uống trước khi ăn 1 tiếng hoặc sau khi ăn 1 – 2 tiếng. Thường gặp ở dạng bào chế bao tan ở ruột hoặc dạng phóng thích dược chất kéo dài. Điều này giúp bé hấp thu thuốc tốt hơn.
  • Uống trong bữa ăn (ít gặp): Loại này uống trong bữa ăn hoặc trước ăn 5 – 10 phút. Thường gặp nhất là các loại thực phẩm chức năng, bổ sung vitamin hoặc enzyme têu hóa.

Chọn dụng cụ uống thuốc

Trẻ sơ sinh không thể tự uống thuốc từ cốc. Ngay cả những trẻ lớn hơn, uống thuốc từ cốc là điều không hề dễ dàng. Với nhiều cha mẹ, sự xuất hiện của các dụng cụ uống thuốc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thực sự đã cứu họ “một bàn thua trông thấy”. Những dụng cụ này có thể giúp cha mẹ đong đếm liều lượng thuốc chính xác và cho trẻ uống thuốc dễ dàng hơn.

Một số dụng cụ uống thuốc hữu ích mà cha mẹ nên tìm mua bao gồm:

  • Bình sữa giả: Có kiểu dáng giống bình sữa nhưng thể tích nhỏ. Bé có thể tự ôm bình và tự mút.
  • Xi lanh: Với dụng cụ này, cha mẹ sẽ bơ thuốc trực tiếp vào miệng bé. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, bơm quá mạnh có thể khiến bé bị sặc thuốc.
  • Ống nhỏ giọt: Nguyên lý hoạt động giống xilanh, nhưng dễ điều chỉnh lượng thuốc cho mỗi lần bơm hơn. Dụng cụ này có tỉ lệ sặc thuốc thấp hơn.
  • Thìa uống thuốc: Dụng cụ này có kiểu dáng giống thìa thông thường, nhưng có ống hình trụ để cha mẹ bỏ thuốc lỏng vào trong. Cha mẹ chỉ cần dốc thìa là thuốc có thể chảy vào miệng của bé.
Nên rửa sạch và lau khô dụng cụ uống thuốc sau mỗi lần sử dụng
Nên rửa sạch và lau khô dụng cụ uống thuốc sau mỗi lần sử dụng

Không bao giờ sử dụng thìa ăn thông thường hoặc thìa đong làm bếp để đong thuốc cho trẻ. Vì những dụng cụ này không đo lường chuẩn, có thể dẫn tới quá liều hoặc ít liều.

Dù bạn sử dụng dụng cụ nào, điều quan trọng nhất là nên cho bé uống đủ liều trong mỗi lần uống. Nếu quên 1 liều, cha mẹ tuyệt đối không được gộp 2 liều vào cùng một lúc để bù cho liều đã quên.

Cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc dễ dàng

Đối với nhiều gia đình, mỗi lần cho con uống thuốc là một cuộc chiến. Bé có thể bất hợp tác, quấy khóc, phun thuốc hoặc ói hết thuốc ra.

Áp dụng những mẹo dưới đây có thể giúp trẻ sơ sinh uống thuốc dễ dàng, giảm bớt mệt mỏi cho cha mẹ:

  • Làm lạnh: Một số trẻ có thể thích thuốc đã được làm lạnh. Hãy tham vấn dược sĩ để xem việc làm lạnh thuốc có an toàn không. Vì làm lạnh có thể làm thay đổi hiệu quả của một số loại thuốc.
  • Trộn thuốc: Như đã nói ở trên, trộn thuốc với sữa hay nước trái cây có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, nếu bé bất hợp tác với những loại thuốc có mùi lạ, hãy tham vấn dược sĩ xem có nên trộn thuốc với thực phẩm khác không. Nhiều loại thuốc dành riêng cho trẻ sơ sinh được khuyến nghị là có thể trộn với sữa chua, cháo hoặc bánh pudding một cách an toàn.
  • Tư thế uống thuốc đúng cách: Nên ẵm bé nằm nghiêng 45 độ, tay bé xuôi xuống và đỡ đầu bé. Nếu bé không hợp tác, nên nhờ một người khác ôm chặt, giữ tay bé để bạn bơm thuốc vào miệng bé. Bạn cũng có thể quấn chặt bé bằng khăn hoặc chăn.
  • Bơm thuốc: Dùng dụng cụ uống thuốc phù hợp để bơm thuốc từ từ vào miệng bé. Đặc biệt, đối với thuốc có vị đắng, không nên bơm thuốc trực tiếp vào giữa miệng. Vì lưỡi tiếp xúc trực tiếp với thuốc có thể khiến trẻ cảm nhận được vị đắng quá mạnh. Khi đó, trẻ có xu hướng nhổ hoặc nôn thuốc ra. Nên bơm vào bên trong má, tránh bơm thẳng vào cổ họng. Những điều này cũng giảm nguy cơ bị sặc.
  • Động viên kịp thời: Đừng nghĩ điều này không có ý nghĩa gì với trẻ sơ sinh. Bé vẫn cảm nhận được sự hạnh phúc và vui vẻ từ những người xung quanh, đặc biệt là người mẹ. Hãy tươi cười khi cho bé uống thuốc, nựng và vỗ về bé sau khi uống.
  • Chọn thuốc dễ uống: Hiện nay, các công ty dược phẩm đều rất chú trọng tới hương vị của thuốc dành cho các đối tượng đặc biệt, như trẻ sơ sinh. Cha mẹ có thể hỏi bác sĩ xem có thể kê đơn những loại thuốc có hương vị dễ uống hay không.

Lưu ý sau khi cho bé uống thuốc

Sau khi cho bé uống thuốc, cha mẹ cần theo dõi bé kỹ lưỡng. Cha mẹ nên thực sự chú ý những điều sau:

Tác dụng phụ của thuốc

Hãy cảnh giác với các tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng sau khi uống thuốc. Bác sĩ, dược sĩ hoặc bao bì sản phẩm có thể cảnh báo bạn về các tác dụng phụ cụ thể.

Nếu bé bị phát ban, nổi mề đay, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau khi uống thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ ngay. Penicillin và các loại kháng sinh khác gây ra phản ứng dị ứng nhiều nhất.

Nếu bé bị thở khò khè, khó thở hoặc khó nuốt sau khi uống thuốc, hãy gọi cấp cứu ngay. Đây có thể là triệu chứng của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần được chăm sóc khẩn cấp.

Nếu thấy bé có những phản ứng bất thường với các loại thuốc, chẳng hạn như tăng động, buồn ngủ, tiêu chảy… hãy bình tĩnh và liên hệ với bác sĩ.

Đặc biệt, có một số loại thuốc được cho là nguy hiểm với trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Thuốc giảm ho và cảm lạnh: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thuốc giảm ho và cảm lạnh không có tác dụng với trẻ dưới 6 tuổi. Thậm chí, nó còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Thuốc Aspirin (và bất cứ sản phẩm nào chứa salicylat): Trẻ dưới 16 tuổi không nên uống Aspirin. Thuốc Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye có thể gây tử vong.

Bảo quản thuốc đúng cách

Một số loại thuốc cần được bảo quản trong tủ mát, nhưng hầu hết nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Không nên để thuốc trong phòng tắm vì nơi này có độ ẩm cao, có thể khiến thuốc bị ẩm mốc, biến chất. Tủ bếp cũng gây ảnh hưởng tương tự. Bạn nên để thuốc ở tủ hoặc hộp riêng, có khóa, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.

Cố gắng giữ thuốc trong bao bì gốc của nó, hoặc giữ lại tờ hướng dẫn đầy đủ. Điều này giúp bạn không bị nhầm lẫn nếu muốn dùng loại thuốc này trong tương lai.

Bạn cũng cần loại bỏ ngay những loại thuốc đã hết hạn hoặc có dấu hiệu bị hỏng, biến chất.

Ngoài những lưu ý trên, với những loại thuốc khác nhau, cha mẹ nên ghi nhớ những điều sau:

  • Siro, thuốc nước: Chỉ nên sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi mở nắp chai. Vặn chặt nắp ngay sau khi dùng.
  • Thuốc viên nén hoặc viên nang: Bảo quản trong hộp kín. Không nên tách riêng chúng khỏi bao bì ban đầu.
  • Thuốc bột: Tránh xa nhiệt độ thấp và ẩm.
Sắp xếp tủ thuốc tại nhà khoa học có thể giúp bạn không bị lúng túng mỗi khi cần dùng thuốc
Sắp xếp tủ thuốc tại nhà khoa học có thể giúp bạn không bị lúng túng mỗi khi cần dùng thuốc

Trên đây là những kiến thức về cách cho trẻ sơ sinh uống thuốc mà cha mẹ nào cũng cần phải nắm được. Điều này giúp điều trị bệnh hiệu quả và bảo vệ con.