Bệnh thoát vị đĩa đệm khi nào được chỉ định phẫu thuật?

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đôi khi được chỉ định để cải thiện và điều trị các triệu chứng. Tuy nhiên, việc phẫu thuật phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định, bao gồm vị trí đĩa đệm thoái vị, mức độ nghiêm trọng của các cơn đau và nguy cơ biến chứng.

Bệnh thoát vị đĩa đệm khi nào được chỉ định phẫu thuật
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể được chỉ định trong một số trường hợp

Khi nào phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?

Đĩa đệm là những chiếc đệm tròn nằm giữa các xương cột sống (đốt sống). Tác dụng của đĩa đệm là giảm sốc, ma sát và hỗ trợ vận động hoặc uốn cong cơ thể mà không gây cọ xát hoặc đau đớn.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một đĩa đệm bị vỡ hoặc rời khỏi vị trí ban đầu và có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở xung quanh. Điều này có thể gây đau đớn, tê liệt và yếu ở lưng, chân hoặc cánh tay của người bệnh.

Thông thường, thoát vị đĩa đệm được điều trị bằng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu và các phương pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không được cải thiện sau một tháng điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện các cơn đau nhanh hơn các phương pháp điều trị khác, tuy nhiên thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ khác.

Phẫu thuật được lựa chọn chỉ định điều trị khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp như:

  • Thoát vị đĩa đệm dẫn đến các cơn đau không thể kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và hoạt động bình thường của người bệnh.
  • Người bệnh bị tê liệt, yếu cơ hoặc mấy kiểm soát các chi do tình trạng thoát vị đĩa đệm gây áp lực lên các dây thần kinh.
  • Người bệnh mất khả năng kiểm soát bàng quang hoặc ruột. Các biểu hiện cụ thể thường bao gồm tiểu són, tiểu rắt hoặc đại tiện không tự chủ.
  • Gặp khó khăn trong việc đứng hoặc đi lại.

Hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Trong khoảng 9/10 người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng trong vài tuần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cần thiết.

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Khi xem xét phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật cột sống (chỉnh hình hoặc phẫu thuật thần kinh) sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện thực hiện phẫu thuật của người bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm đánh giá tình trạng bệnh trước khi phẫu thuật
  • Chụp X – quang: Để kiểm tra hình ảnh khớp, đốt sống và các tổn thương liên quan.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cung cấp hình ảnh chi tiết về ống sống và các cấu trúc liên quan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể cho bác sĩ quan sát hình ảnh 3 chiều của tủy sống, rễ thần kinh cũng như các đĩa đệm.
  • Nghiên cứu điện cơ hoặc dẫn truyền thần kinh: Những biện pháp này có thể đo xung điện dọc theo các dây thần kinh và cơ bắp của bệnh nhân.

Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ đánh giá các nguy cơ cũng như khả năng biến chứng sau phẫu thuật. Ngoài ra, xét nghiệm cũng chỉ ra vị trí cụ thể của đĩa đệm thoát vị, sức khỏe tổng thể cũng như khả năng hồi phục của từng bệnh nhân.

Các loại phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Mục đích phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là giảm áp lực lên hệ thống thần kinh, giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng liên quan khác. Một số loại phẫu thuật phổ biến thường bao gồm:

1. Loại bỏ đĩa đệm

Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ đĩa đệm bị hỏng để giảm áp lực lên các dây thần kinh để giảm đau. Phẫu thuật thường bao gồm:

  • Phẫu thuật mở đĩa đệm: Được thực hiện từ một vết cắt nhỏ ở vị trí thoát vị đĩa đệm, thường là ở cổ hoặc lưng.
  • Phẫu thuật nội soi: Được thực hiện thông qua một vết cắt rất nhỏ. Bác sĩ sẽ chèn một ống nội soi mỏng, có camera gắn ở đầu để quan sát và loại bỏ đĩa đệm đã bị hư hỏng.

Phẫu thuật nội soi thường được chỉ định thực hiện trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cổ hoặc thắt lưng, vì tính an toàn, hiệu quả cũng như ít rủi ro.

Chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm có thể cải thiện các cơn đau hiệu quả

2. Phẫu thuật thắt lưng

Đôi khi bác sĩ phẫu thuật có thể cần loại bỏ một mảnh xương nhỏ (được gọi là lamina) từ các đốt sống. Các mảnh xương lamina này tạo thành một lớp vỏ để bảo vệ đốt sống. Loại bỏ một phần hoặc tất các các mảnh xương này có thể cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm.

Ngoài ra, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể làm giảm áp lực lên các dây thần kinh, giảm các cơn đau ảnh hưởng đến lưng, chân và đau thần kinh tọa.

Phẫu thuật thắt lưng có thể loại bỏ một hoặc tất cả các xương lamina. Phẫu thuật cũng thể được thực hiện kèm với phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm hoặc được thực hiện tách biệt, điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và các yếu tố liên quan khác.

3. Phẫu thuật hợp nhất cột sống

Sau khi phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm bác sĩ có thể tiến hành hợp nhất hai đốt sống để giúp cột sống ổn định hơn. Phẫu thuật này được gọi là hợp nhất cột sống.

Sau khi hợp nhất, các đốt sống không thể di chuyển được nữa và người bệnh không cảm thấy đau. Tuy nhiên tính linh hoạt cũng như khả năng vận động ở cột sống có thể bị ảnh hưởng.

4. Phẫu thuật tạo đĩa đệm nhân tạo

Phẫu thuật tạo đĩa đệm nhân tạo có thể không phù hợp với một số đối tượng bệnh. Hầu hết các trường hợp, phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo được chỉ định cho trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, hiếm khi có tác dụng đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Bác sĩ có thể thay thế đĩa đệm bị hư hỏng bằng một đĩa đệm làm từ nhựa hoặc kim loại y tế chuyên dụng. Đĩa đệm nhân tạo có thể giúp cột sống ổn định, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn và ngăn ngừa ma sát dẫn đến các cơn đau.

Đối với phẫu thuật tạo đĩa đệm nhân tạo, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Bên cạnh đó, ở người có bệnh viêm khớp, loãng xương hoặc có nhiều đĩa đệm bị thoát vị, phẫu thuật này thường không được chỉ định.

Phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm mới
Phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo có thể không phù hợp với một số đối tượng bệnh

Rủi ro khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thường là một thủ thuật an toàn, hiếm khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên tương tự như các phẫu thuật khác, người bệnh có thể gặp một số rủi ro bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương dây thần kinh hoặc hệ thống tĩnh mạch
  • Ảnh hưởng đến các đĩa đệm xung quanh hoặc đĩa đệm nhân tạo không mang lại hiệu quả điều trị
  • Rò rỉ dịch tủy sống
  • Chảy máu
  • Tái phát sau phẫu thuật với tỷ lệ khoảng 5%

Đôi khi phẫu thuật có thể không cải thiện các triệu chứng hoặc các cơn đau có thể được cải thiện một thời gian và tái phát trong tương lai. Mặc dù phẫu thuật giúp giảm đau nhanh hơn các phương pháp điều trị khác, nhưng không phải luôn luôn là lựa chọn tốt nhất. Trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của phẫu thuật trước khi quyết định lựa chọn phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm.

Phục hồi sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Thông thường hầu hết người bệnh có thể về nhà trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật, một số người có thể về sau vài giờ nghỉ ngơi. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thường khoảng 4 tuần.

Trong thời gian hồi phục, người bệnh cần dành thời gian để nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, lưu ý tránh một số vấn đề như:

  • Ngồi trong thời gian dài
  • Nâng các vật nặng hoặc cúi người
  • Di chuyển và vận động nhẹ nhàng

Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập có thể cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện bất cứ động tác hỗ trợ nào.

Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị thực hiện điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Người bệnh cần thực hiện theo đúng liệu trình để hỗ trợ phục hồi và tăng khả năng vận động.

Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật phụ thuộc vào các yếu tố liên quan và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có lựa chọn điều trị phù hợp.