Viêm da tiếp xúc dị ứng là gì? Cách điều trị

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một dạng viêm da do phản ứng với các tác nhân gây dị ứng trong môi trường. Đôi khi tình trạng này có thể được kích hoạt bởi một thứ gì đó xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm, hương liệu, thuốc hoặc các thủ thuật y tế.

viêm da tiếp xúc dị ứng
Viêm da tiếp xúc dị ứng là một dạng bệnh viêm da do tiếp xúc với các chất gây dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng là gì?

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra do phản ứng dị ứng với một loại vật liệu, được gọi là chất gây dị ứng, tiếp xúc với da. Các chất gây dị ứng thường vô hại đối với hầu hết mọi người những có thể gây khó chịu, kích ứng ở người dị ứng.

Khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ thúc đẩy thay đổi các chất hóa học trong cơ thể để tránh các nguy cơ bệnh lý.

Hàng ngày cơ thể tiếp xúc với hàng ngàn chất. Hầu hết các trường hợp hệ thống miễn dịch không phản ứng với các chất ngoài môi trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể tiếp xúc với các chất dị ứng, gây kích hoạt hệ thống miễn dịch. Những chất này được gọi là chất gây dị ứng. Khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng sẽ dẫn đến các phản ứng dị ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một tình trạng phổ biến trong một nhóm đối tượng. Cụ thể, tình trạng này thường ảnh hưởng đến:

  • Nữ giới, chủ yếu do dị ứng niken và dị ứng acrylate liên quan đến mỹ phẩm làm móng.
  • Trẻ em cũng có thể bị dị ứng với niken.
  • Dị ứng tiếp xúc với thuốc kháng sinh tại chỗ, thường phổ biến ở bệnh nhân trên 70 tuổi.
  • Thường ảnh hưởng đến công nhân kim loại, thợ làm tóc, thợ trang điểm, nhân viên chăm sóc sức khỏe, người làm công việc quét dọn, họa sĩ và người bán hoa.

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da xuất hiện phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất lạ. Điều này khiến cơ thể tiết ra các hóa chất gây viêm có thể khiến da bị ngứa và kích ứng. Các triệu chứng thường được gọi là phản ứng chậm, do các phản ứng dị ứng thường không xuất hiện ngay lập tức và phát triển sau 24 – 48 giờ kể từ lúc tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Hình ảnh viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc dị ứng thường phổ biến ở phụ nữ và liên quan đến một số loại mỹ phẩm

Một số tác nhân phổ biến có thể dẫn đến các triệu chứng viêm da tiếp xúc bao gồm:

  • Niken, thường được tìm thấy ở đồ trang sức, khóa thắt lưng và các nút kim loại ở quần jean
  • Nước hoa trong các loại mỹ phẩm
  • Thuốc nhuộm quần áo
  • Thuốc nhuộm tóc
  • Mủ cao su, chẳng hạn như latex
  • Kem chống nắng, mực xăm
  • Chất kết dính
  • Xà phòng hoặc các sản phẩm tẩy rửa
  • Chất bảo quản, chẳng hạn như formaldehyde và sulfite
  • Nhựa cây thường xuân hoặc một số loại thực vật khác
  • Kem, thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ được áp dụng trên da

Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc phản ứng với các yếu tố độc tố, chẳng hạn như chất tẩy rửa, hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa. Bên cạnh đó, các triệu chứng cũng có thể xảy ra sau nhiều lần tiếp xúc với các chất không độc hại.

Ngoài ra, đôi khi các triệu chứng có thể liên quan đến một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da như bệnh loét chân, viêm da xung quanh hậu môn hoặc viêm da tiếp xúc kích ứng mãn tính.

Đặc điểm và dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc dị ứng

Các triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng có thể phát sinh sau vài giờ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các triệu chứng cũng có xu hướng được cải thiện sau khi da không tiếp xúc với chất gây dị ứng. Thông thường các triệu chứng chỉ xuất hiện ở vị trí tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể mở rộng ra bên ngoài khu vực tiếp xúc hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

triệu chứng viêm da tiếp xúc
Viêm da dị ứng tiếp xúc có thể gây phồng rộp và tiết dịch ngoài da

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết phổ biến có thể bao gồm:

  • Xuất hiện các khu vực phồng rộp, có thể chứa chất dịch hoặc chảy nước
  • Xuất hiện vùng da khô, có vảy
  • Nổi mề đay mẩn ngứa
  • Ngứa da
  • Da đỏ, hoặc xuất hiện tình trạng da đỏ, ngứa theo từng mảng
  • Da có cảm giác như bị bỏng nhưng không xuất hiện các vết loét ngoài da
  • Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần kể từ lúc tiếp xúc với chất gây dị ứng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng hô hấp, như khó thở, được gọi là phản ứng phản vệ.

Biện pháp chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng

Bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng bằng cách trao đổi về các dấu hiệu và triệu chứng liên quan để xác định các nguyên nhân tác động. Cụ thể các xét nghiệm bao gồm:

cách trị viêm da tiếp xúc dị ứng
Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng viêm da thông qua các kiểm tra chuyên môn

Kiểm tra miếng dán dị ứng:

Bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra miếng dán để xác định các tác nhân gây dị ứng. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ để da tiếp xúc với một lượng nhỏ các chất gây dị ứng và người bệnh sẽ mang miếng dán này trong 48 giờ, giữ cho miếng dán càng khô càng tốt.

Sau một ngày, người bệnh đến văn phòng bác sĩ để xác định các triệu chứng và nguyên nhân gây dị ứng. Đôi khi bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh quay lại sau một tuần để kiểm tra da. Nếu phát ban xuất hiện sau một vài giờ hoặc một tuần, người bệnh có thể đã bị dị ứng.

Sinh thiết da:

Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết da hoặc các xét nghiệm chẩn đoán khác để xác định nguyên nhân gây dị ứng tiếp xúc. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ tại vùng da bị ảnh hưởng, sau đó kiểm tra ở phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, viêm da tiếp xúc dị ứng cần được chẩn đoán phân biệt với các vấn đề như:

  • Viêm da tiếp xúc kích thích, là tình trạng kích ứng da hoặc tổn thương lặp lại nhiều lần dẫn đến khó chịu, đau đớn. Các chất kích thích phổ biến thường bao gồm nước, xà phòng, chất tẩy rửa, dung dịch axit, dung môi, chất kiềm hoặc ma sát da. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường phổ biến ở tay.
  • Các dạng viêm da khác, có cả triệu chứng tương tự như viêm da tiếp xúc dị ứng.
  • Chàm dị ứng, là tình trạng phát ban xuất hiện trong một vài phút kể từ lúc tiếp xúc với chất dị ứng và tự cải thiện trong vài phút hoặc vài giờ. Phản ứng với cao su và các sản phẩm cao su là một trong những tình trạng chàm dị ứng phổ biến nhất.
  • Nhiễm nấm.

Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng

Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng dựa trên nguyên nhân gây ra phản ứng của bạn và mức độ nghiêm trọng của nó. Cụ thể các biện pháp điều trị bao gồm:

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Trong các trường hợp các triệu chứng không nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số cách khắc phục như:

chữa bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
Vệ sinh sa ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng để tránh kích ứng da
  • Chườm lạnh: Đắp một miếng vải ẩm và mát lên vùng da bị ảnh hưởng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Điều này có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng viêm da, ngứa. Bên cạnh đó, ngâm vải trong nước muối mát có thể hỗ trợ giảm đau, nếu người bệnh bị đau.
  • Vệ sinh khu vực bị ảnh hưởng: Sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng, hãy rửa sạch da càng sớm càng tốt để tránh các triệu chứng. Nếu không chắc chắn các nguyên nhân gây phát ban và vị trí tiếp xúc, người bệnh có thể tắm để giảm các nguy cơ phát ban.
  • Sử dụng thuốc mỡ không kê đơn: Các loại kem chống ngứa các chứa lô hội hoặc thành phần cúc La Mã có thể chống viêm, làm giảm các triệu chứng ngứa và kiểm soát tình trạng viêm.
  • Sử dụng thuốc kháng histamine: Các loại thuốc uống kháng histamine không kê đơn có thể chống dị ứng và cải thiện các triệu chứng viêm da do dị ứng. Nếu thường xuyên bị viêm da nhẹ hoặc dị ứng tiếp xúc, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống dị ứng theo toa để ngăn ngừa các triệu chứng.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm với bột yến mạch hoặc các dung dịch thuốc có thể chống viêm da và cải thiện các triệu chứng dị ứng.
  • Tránh gãi hoặc gây tổn thương: Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể gây ngứa ngáy hoặc khó chịu, nhưng đôi khi việc gãi có thể khiến các triệu chứng da trở nên nghiêm trọng. Che khu vực bị tổn thương bằng quần áo hoặc băng gạc để tránh tình trạng gãi và tổn thương da.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm da: Người bệnh có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không gây dị ứng, không có mùi thơm, có tác dụng làm dịu da và ngăn ngừa các triệu chứng viêm da tiếp xúc. Một số loại kem dưỡng có thể giảm ngứa, tăng cường hàng rào bảo vệ của da và giúp ngăn ngừa các phản ứng của da với các tác nhân ngoài môi trường.
  • Bảo vệ da tay: Rửa sạch tay, lau khô nhẹ nhàng và sử dụng kem dưỡng ẩm suốt cả ngày để tránh các kích ứng. Ngoài ra, mang găng tay để bảo vệ tay nếu cần tiếp xúc với các chất gây dị ứng.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả hoặc nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc theo toa. Cụ thể các loại thuốc bao gồm:

thuốc trị viêm da dị ứng tiếp xúc
Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
  • Kem hoặc thuốc mỡ steroid: Các loại kem hoặc thuốc mỡ bôi tại chỗ có thể làm dịu da và cải thiện tình trạng phát ban do viêm da dị ứng tiếp xúc. Thuốc steroid tại chỗ có thể được áp dụng tại chỗ 1 – 2 lần mỗi ngày trong 2 – 4 tuần để cải thiện các triệu chứng.
  • Thuốc đường uống: Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống corticosteroid để giảm viêm, thuốc kháng histamine để giảm ngứa hoặc thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng do vi khuẩn.

Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc dị ứng

Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng có thể giúp ngăn ngừa viêm da tiếp xúc. Cụ thể các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Tránh các chất gây dị ứng và kích thích.
  • Rửa sạch da để loại bỏ hầu hết các chất gây phát ban, kích ứng da. Sử dụng xà phòng nhẹ, không có mùi thơm và nước ấm để vệ sinh da. Đồng thời giặt quần áo hoặc các vật dụng khác có thể đã tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
  • Mặc quần áo hoặc găng tay bảo hộ, mang khẩu trang, kính bảo hộ và các vật dụng khác khi cần tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng.
  • Thoa kem hoặc gel bảo vệ da để ngăn ngừa các phản ứng của da với các chất gây dị ứng.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên để phục hồi hàng rào bảo vệ ngoài da và giúp da luôn mềm mại.
  • Thường xuyên tắm, vệ sinh vật nuôi xung quanh để tránh các rủi ro gây dị ứng.

Viêm da dị ứng tiếp xúc khi nào cần đến bệnh viện?

Nếu các triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng không biến mất hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như nóng da khi chạm vào, tiết các chất lỏng trong suốt trên da.
  • Phát ban gây mất tập trung vào các hoạt động hàng ngày.
  • Phát ban ngày càng lan rộng.
  • Xuất hiện các triệu chứng ở mặt hoặc bộ phận sinh dục.
  • Các triệu chứng không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp điều trị.

Đôi khi các triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng có thể liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn và cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một tình trạng phổ biến, nhưng thường không nghiêm trọng. Tránh các chất gây dị ứng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn, hướng dẫn phù hợp.