Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt, xoa bóp

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng lực từ mu bàn tay, cổ tay và ngón tay kích thích vật lý lên dây thần kinh, mạch máu, da thịt và cột sống nhằm thư giãn cơ, giảm đau nhức và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt
Có nên chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt?

Có nên chữa thoát vị đĩa đệm bằng xoa bóp bấm huyệt?

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị có nguồn gốc từ Y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng lực từ ngón tay, mu bàn tay và cổ tay tác động đến vùng đau nhức và các huyệt vị quan trọng nhằm đả thông kinh mạch, thúc đẩy lưu khí huyết và giãn cơ.

Ngoài ra, xoa bóp còn có khả năng kích thích vật lý lên dây thần kinh, da thịt, mạch máu và các cơ quan thụ cảm nhằm cải thiện mức độ đau nhức, giảm các triệu chứng do chèn ép dây thần kinh, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động và ngăn ngừa thoái hóa. Từ lâu, xoa bóp bấm huyệt đã được ứng dụng để giảm đau nhức do lao động nặng, căng cơ, mang thai hoặc do các bệnh xương khớp mãn tính – trong đó bao gồm cả thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cột sống tương đối phổ biến. Bệnh hình thành khi bao xơ của đĩa đệm có dấu hiệu thoái hóa, nứt rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài gây chèn ép các dây thần kinh, đốt sống và dây chằng bao xung quanh. Cơ chế bệnh sinh có liên hệ mật thiết với quá trình thoái hóa cộng hưởng với một số yếu tố tác động khác như chấn thương, lao động nặng, thói quen vận động và sinh hoạt không lành mạnh.

Hiện nay, không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với các bệnh xương khớp do thoái hóa nói chung và thoát vị đĩa đệm nói riêng. Các phương pháp được áp dụng chỉ giúp cải thiện triệu chứng, phục hồi cấu trúc cột sống và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa.

bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm chỉ thích hợp với trường hợp bệnh mới phát có mức độ nhẹ

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp điều trị bảo tồn. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Trường hợp mới phát bệnh hoặc phát bệnh đã lâu nhưng mức độ tổn thương đĩa đệm còn nhẹ
  • Thoát vị loại I, II và II theo phân loại của Wood và thoát vị lệch bên
  • Thể trạng khỏe và có khả năng chịu được tác động mạnh

Mục đích của phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng xoa bóp bấm huyệt là tăng tuần hoàn tại chỗ, giảm đau, chống viêm, làm giãn cơ vùng thắt lưng và vùng cổ. Ngoài ra, phương pháp này còn hỗ trợ đưa đĩa đệm thoát vị về vị trí ban đầu và hỗ trợ giải phóng mức độ chèn ép lên rễ thần kinh.

Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, cần phối hợp xoa bóp bấm huyệt với các biện pháp khác nhằm phục hồi khả năng vận động và dự phòng tái phát.

Cách xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoát vị đĩa đệm

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp giảm đau an toàn, ít tác dụng phụ và hầu như không xảy ra hiện tượng phụ thuộc như sử dụng thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị, cần thực hiện đúng cách theo trình tự sau:

1. Xoa bóp làm giãn các cơ vùng lưng và hông

Trước khi tiến hành bấm huyệt, cần xoa bóp để thư giãn các cơ ở vùng thắt lưng và vùng hông. Tác động từ biện pháp này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích cơ bắp thư giãn và hạn chế tình trạng cơ co cứng/ co thắt quá mức.

xoa bóp cho người bị thoát vị đĩa đệm
Cần xoa bóp cho người bị thoát vị đĩa đệm trước khi day ấn vào các huyệt vị

Tiến hành xoa bóp làm giãn các cơ vùng lưng và hông theo trình tự sau:

  • Day: Sử dụng mô ngón tay cái, mô ngón tay út và gốc bàn tay ấn mạnh vào da và di chuyển theo hình tròn. Thực hiện dọc 2 bên cột sống từ đốt sống lưng D7 đến vùng hông khoảng 3 lần.
  • Lăn: Lăn là động tác sử dụng các khớp ngón tay hoặc dùng mu bàn tay lăn nhẹ nhàng lên vùng da thịt bị đau nhức nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu và kích thích vật lý lên dây thần kinh. Thực hiện từ hai bên cột sống D7 đến vùng hông 3 lần.
  • Bóp: Đặt bàn tay lên vùng cột sống D7, sau bóp phần da thịt kéo lên, thả xuống và di chuyển dọc từ cột sống D7 xuống vùng hông, thực hiện khoảng 3 lần.

Khi xoa bóp, có thể sử dụng dầu khuynh diệp hoặc các loại dầu nóng để tăng tuần hoàn máu, giãn cơ và giảm đau nhức, chống viêm.

2. Day ấn huyệt vị và nắn chỉnh đĩa đệm

Sau khi xoa bóp khoảng 3 – 5 phút, nên bắt đầu day ấn huyệt để tác động trực tiếp đến vùng đĩa đệm bị thoát vị. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, để cải thiện cơn đau do thoát vị đĩa đệm nên tác động vào những huyệt vị sau:

cách bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Để chữa thoát vị đĩa đệm, cần tác động vào huyệt Thận du, Đại trường du, Giáp tích, A thị huyệt,…
  • Huyệt Thận du: Huyệt Thận du nằm ở gai đốt sống thắt lưng thứ 2 đo ngang ra khoảng 1.5 thốn, huyệt nằm ngang với huyệt Mệnh môn. Da vùng huyệt bị chi phối bởi đoạn dây thần linh L1 hoặc L2. Tác động vào huyệt Thận du giúp kiện gân cốt, điều thận khí, tráng hỏa và ích thủy.
  • Huyệt Đại trường du: Huyệt nằm ở gai đốt sống thắt lưng số 4, đo ngang khoảng 1.5 thốn nằm ngang với huyệt Yêu Dương Quan. Tác động vào huyệt Đại trường du giúp hóa trệ, lý khí và điều Trường Vị.
  • Huyệt Giáp tích: Huyệt Giáp tích là huyệt vị nằm ở mỏm gai mỗi đốt sống, đo ngang ra khoảng 0.5 thốn. Dựa vào vị trí cơn đau mà day ấn vào các huyệt tương ứng (huyệt vùng cổ hoặc thắt lưng). Day ấn huyệt vị này có tác dụng chữa đau mãn tính, lao, hen suyễn và ho lâu ngày.
  • Huyệt Cách du: Huyệt Cách du nằm ở gai đốt sống thắt lưng số 7, đo ngang ra khoảng 1.5 thốn và nằm ngang hàng với huyệt Chí dương. Bấm huyệt Cách du có tác dụng thanh huyết nhiệt, thư giãn vùng ngực, hòa Vị khí, bổ hư lao, hóa ứ và lý khí.
  • A thị huyệt: A thị huyệt là huyệt vị không cố định, có thể xác định bằng cách dùng ngón tay cái day ấn vào vùng da thịt của đốt sống bị đau nhức. Vị trí đau nhất được xác định là A thị huyệt.

Sau đó, tác động lên huyệt vị theo các bước sau:

  • Ấn – day – xoay: Sử dụng ngón tay cái ấn vào vùng da thịt và xoay theo chiều kim đồng hồ lần lượt tại các huyệt Thận du, Đại trường du và huyệt Giáp tích. Thực hiện trong thời gian từ 3 – 5 phút nhằm giải tỏa hiện tượng cơ co cứng, làm mềm và thúc đẩy tuần hoàn tại chỗ.
  • Bấm các huyệt vị: Sau đó, sử dụng đầu ngón tay cái bấm vào các huyệt vị Giáp tích, Thận du, Cách du, Đại trường du và A thị huyệt. Khi ấn, nên sử dụng lực bấm nhẹ sau đó tăng lên đến khi có cảm giác tứ nặng thì duy trì trong vòng 60 giây. Khi bấm huyệt, tránh day ấn vì có thể gây đau nhức và bầm tím mô.
  • Nắn chỉnh đĩa đệm: Trước khi nắn chỉnh đĩa đệm, phải tiến hành chụp CT hoặc MRI để xác định vị trí đĩa đệm bị tổn thương. Sau đó sử dụng ngón cái ấn nắn lên vùng đĩa đệm thoát vị theo nguyên tắc nghịch hướng và đối lực. Đối với việc nắn chỉnh đĩa đệm, cần thực hiện lực nhẹ nhàng trong 3 – 5 phút để tránh kích thích nhân nhầy thoát vị.

Trên thực tế, lực được sử dụng khi xoa bóp bấm huyệt có thể được hiệu chỉnh tùy vào thể trạng, khả năng chống chịu và mức độ tổn thương đĩa đệm của từng trường hợp. Phương pháp này được thực hiện 1 lần/ ngày trong liên tục 30 ngày là 1 liệu trình và có thể lặp lại liệu trình thường xuyên để dự phòng cơn đau tái phát.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt cần lưu ý gì?

Xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp giảm đau, giãn cơ và phục hồi chức năng an toàn và ít phát sinh tác dụng phụ. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này có thể không đem lại hiệu quả nếu chỉ định sai hoặc chăm sóc không đúng cách.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt
Nên kết hợp chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt với lối sống lành mạnh

Vì vậy khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt, cần chú ý một số thông tin quan trọng sau:

  • Để đạt được hiệu quả cao, cần thực hiện xoa bóp bấm huyệt tại các bệnh viện lớn và uy tín. Tuyệt đối không tự ý thực hiện tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ chuyên môn. Nếu cơn đau khởi phát thường xuyên, có thể đề nghị bác sĩ hướng dẫn cách xoa bóp tại nhà để giảm đau nhức, tê bì và cứng khớp
  • Hiện nay, các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm đều cho hiệu quả tương đối hạn chế. Vì vậy để việc điều trị đạt hiệu quả cao, nên phối hợp đồng thời nhiều biện pháp (xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, sử dụng thuốc,…).
  • Bên cạnh phương pháp y tế, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, thay đổi các thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, hạn chế mang vác nặng và lao động quá mức.
  • Tránh dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh,… Thành phần trong các loại thức uống, khói thuốc và chất kích thích này có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể, kích thích phản ứng viêm đau và tăng tốc độ lão hóa.
  • Đối với những trường hợp đĩa đệm bị tổn thương nặng, bao xơ nứt rách hoàn toàn và lượng nhân nhầy thoát vị lớn, cần cân nhắc can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt có thể cải thiện cơn đau, thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu tại chỗ và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên để phương pháp này đem lại hiệu quả cao, cần thực hiện đều đặn kết hợp với lối sống khoa học và các phương pháp y tế khác.