Viêm phế quản cấp là gì, nguy hiểm không? Cách điều trị

Viêm phế quản cấp là bệnh lý đường hô hấp với các biểu hiện đặc trưng như ho, khó thở,… Bệnh không nguy hiểm nếu như được tiếp nhận điều trị kịp thời. Vậy điều trị viêm phế quản cấp như thế nào? Để có thông tin cụ thể hơn về bệnh, bạn đọc theo dõi qua bài viết dưới đây

1. Viêm phế quản cấp là gì?

Viêm phế quản cấp là tình trạng tổn thương bề mặt niêm mạc ống phế quản phổi, gây hiện tượng phù nề các tổ chức dưới niêm mạc, co thắt cơ trơn và xuất hiện dịch nhầy cản trở sự lưu thông của đường dẫn khí. Bệnh này còn được gọi là cảm lạnh ngực với một số dấu hiệu điển hình như ho, thở khò khè, ho có đờm,…

Viêm phế quản cấp là tình trạng tổn thương niêm mạc ống phế quản - phối
Viêm phế quản cấp là tình trạng tổn thương niêm mạc ống phế quản – phối

Viêm phế quản cấp hay còn gọi là viêm khí phế mạc cấp, thường diễn tiến trong vài tuần kèm theo tình trạng sưng đau đường hô hấp, nhiều dịch nhầy. Các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm hoặc dứt điểm sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu để tiến triển sang mãn tính sẽ rất khó chữa và nguy hiểm.

Bệnh lý này có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất ở người già, trẻ nhỏ, người nghiện thuốc lá và những người sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi. Bệnh cũng dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng viêm đường hô hấp khác, người bệnh cần lưu ý để khám và điều trị sớm.

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp thường gặp

Tình trạng viêm phế quản cấp xảy ra do tác động của các tác nhân gây viêm nhiễm lên đường niêm mạc phế quản phổi. Các nguyên nhân gây bệnh phải kể đến như:

  • Virus: Đa số các tình trạng viêm phế quản cấp gây ra bởi virus. Một số loại virus thường gặp như: Virus cúm A, cúm B; Adenovirus; coronavirus; RSV; rhinovirus;… Vì thế, những người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm rất dễ kèm theo tình trạng viêm phế quản cấp.
  • Vi khuẩn: Một số loại thường gặp như vi khuẩn ho gà; mycoplasma pneumoniae; chlamydia pneumoniae;… Nguyên nhân gây viêm phế quản này ít gặp nhưng nguy hiểm, khó điều trị hơn.
Virus, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản cấp
Virus, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản cấp
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Đây là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và dẫn đến các tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm.
  • Người nghiện hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá: Trong khói thuốc lá, thành phần nicotin ảnh hưởng nhiều đến niêm mạc ống phế quản phổi, có nguy cơ gây viêm phế quản cấp
  • Do tính chất công việc: Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, không sử dụng đồ bảo hộ an toàn (găng tay, khẩu trang, quần áo,…) cũng dễ mắc bệnh
  • Môi trường ô nhiễm: Người sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm không khí cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp
  • Thời tiết thất thường: Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể bệnh nhân không kịp thích nghi, dễ bị tác nhân gây bệnh tấn công, đặc biệt là vào mùa lạnh.
  • Một số bệnh lý liên quan khác: Người mắc một số bệnh lý về phổi, trào ngược dạ dày,… có gây một số tổn thương cho phổi, phế quản cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.

Dấu hiệu bệnh viêm phế quản cấp

Một số triệu chứng viêm phế quản cấp khá giống với các tình trạng bệnh về đường hô đáp khác, người bệnh cần lưu ý để điều trị sớm:

  • Ho: Ho khan, ho kéo dài từng cơn hoặc vài tiếng, ho có đờm; trường hợp nặng có thể ho ra máu
Ho là biểu hiện đặc trưng của viêm phế quản cấp
Ho là biểu hiện đặc trưng của viêm phế quản cấp
  • Khạc đờm: Bệnh nhân luôn muốn khạc đờm do cảm giác vướng trong cổ họng. Nếu đờm có màu trắng trong, nguyên nhân gây bệnh thường là virus. Trong một số trường hợp, đờm có màu vàng xanh, đục như mủ, có mùi hôi là dấu hiệu của vi khuẩn gây bệnh.
  • Khò khè, khó thở: Người bệnh gặp khó khăn khi thở, hơi thở nông, tiếng thở khò khè, đặc biệt khó chịu khi nằm.
  • Đau tức ngực: Luôn có cảm giác đầy căng ở ngực, tức ngực do phế quản bị viêm
  • Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Sốt hoặc ớn lạnh: Triệu chứng không điển hình, xuất hiện tùy thuộc tình trạng của từng bệnh nhân. 

Trường hợp xuất hiện các triệu chứng trên kéo dài trên 5 ngày kèm các tình trạng cơ thể mệt mỏi, thường xuyên tức ngực, khó thở và sốt, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị sớm, đúng cách.

 Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không? Có lây không?

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không? – Bệnh không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được can thiệp kịp thời, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị sớm, bệnh diễn tiến nghiêm trọng sang mãn tính, người bệnh có thể phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phế quản mãn tính: Trường hợp bệnh không được điều trị kịp thời dễ diễn tiến sang giai đoạn mãn tính, kéo dài dai dẳng, tái phát liên tục. Tình trạng này dễ xảy ra ở đối tượng người già và trẻ nhỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Hen phế quản: Nguyên nhân do điều trị không đúng, không hiệu quả. Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, người bệnh thường phản ứng dữ dội khi cơ thể gặp các tác nhân gây hen.
Hen phế quản là một biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản cấp
Hen phế quản là một biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản cấp
  • Biến chứng liên quan đến phổi: Viêm phổi, rối loạn thông khí ở phổi,…đặc biệt ở trẻ nhỏ
  • Áp xe phổi: Là tình trạng các mô xung quanh phổi bị viêm nhiễm, xuất hiện mủ. Nếu không xử lý dứt điểm sẽ dẫn đến nhiễm trùng phổi,có thể gây tử vong do bị hoại tử.

Bệnh viêm phế quản cấp gây ra bởi virus có khả năng lây lan từ người sang người. Con đường lây nhiễm chính là:

  • Tiếp xúc trực tiếp: Giao tiếp, nói chuyện trực tiếp với người mắc bệnh mà không mang khẩu trang; Bệnh nhân khạc nhổ, hắt hơi lây lan virus, người khác lây bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, dịch nhầy của người bệnh ngoài không khí
  • Tiếp xúc gián tiếp: Tiếp xúc khi dùng chung dụng cụ cá nhân như bát đũa, bàn chải, cốc, bát đĩa chưa được rửa sạch,…

Để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh, cần mang mặc khẩu trang khi ra ngoài và dùng tay che miệng khi hắt hơi, khạc nhổ. Nếu xuất hiện biểu hiện của bệnh, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc sử dụng mà phải đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.

Uống thuốc gì để chữa viêm phế quản cấp?

Có nhiều cách chữa viêm phế quản cấp. Tùy vào từng tình trạng bệnh, mức độ viêm nhiễm và cơ địa mỗi người bác sĩ sẽ chỉ định và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. 

Mẹo chữa viêm phế quản tại nhà bằng dân gian

Chữa viêm phế quản bằng mẹo dân gian tại nhà, sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên an toàn với sức khỏe và cho hiệu quả tốt với các trường hợp tình trạng bệnh ở giai đoạn nhẹ. Một số cách thường dùng:

  • Mật ong: Trong mật ong có thành phần kháng khuẩn, làm ấm phế quản, giảm tình trạng ho hiệu quả. Cách sử dụng: uống trực tiếp mật ong với nước ấm hàng ngày; ngâm chanh – mật ong sử dụng hàng ngày (chanh thái lát mỏng, ngâm trong mật ong 2 – 3 ngày)
Dùng mật ong trị viêm phế quản cấp
Dùng mật ong trị viêm phế quản cấp
  • Gừng: Người bệnh dùng gừng tươi, thái lát, ngâm trong nước và đun sôi 5 – 10 phút, uống khi còn nóng mỗi ngày. Hoặc nghiền nhỏ gừng, hòa tan với mật ong rồi cô thành dạng đặc, mỗi lần dùng một thìa hòa với nước sôi và uống.
  • Tỏi: Người bệnh có thể sử dụng tỏi như gia vị trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế biến theo cách sau: Tỏi bóc vỏ, ngâm trong mật ong nguyên chất 2 – 3 ngày. Khi sử dụng, chắt lấy nước cốt hòa với nước ấm và uống.
  • Cam thảo: Bệnh nhân có thể sử dụng cam thảo pha trà uống hàng ngày giúp giảm ho, chống viêm tốt
  • Rau diếp cá: Rau diếp cá vị chua, tính bình, có khả năng giảm ho, thanh nhiệt tốt, kháng khuẩn tốt. Bệnh nhân có thể sử dụng như sau: rau diếp cá rửa sạch, thêm một ít muối xay lấy nước uống liên tục 5 – 7 ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp với mật ong, cam thảo để tăng cường tác dụng điều trị
  • Dứa: Trong quả dứa có chứa enzym bromelain hiệu quả tốt trong giảm viêm, loại bỏ dịch nhầy. Bệnh nhân có thể sử dụng trực tiếp hoặc ép lấy nước uống hàng ngày, vừa có tác dụng chữa bệnh vừa cung cấp vitamin cho cơ thể.

Điều trị viêm phế quản cấp bằng thuốc Tây y

Dùng thuốc điều trị viêm phế quản có thể mang lại hiệu quả giảm triệu chứng nhanh chóng. Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn và đưa ra phác đồ dùng thuốc phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Chủ yếu là các nhóm thuốc kháng sinh điều trị nguyên nhân và thuốc tác dụng giảm triệu chứng như: ho, long đờm, giảm viêm,…

Dùng thuốc Tây y điều trị viêm phế quản cấp dứt điểm
Dùng thuốc Tây y điều trị viêm phế quản cấp dứt điểm

Một vài nhóm thuốc Tây y thường được kê trong đơn thuốc của bệnh nhân viêm phế quản cấp như sau:

  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn. Một số loại kháng sinh thường được kê như: Augmentin, Penicillin; Ceftriaxone;…
  • Thuốc hạ sốt: Được kê khi bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm theo; chỉ hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Một số loại thuốc hạ sốt thường kê là Paracetamol và Ibuprofen. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin hạ sốt cho trẻ nhỏ, người bị loét dạ dày – tá tràng, người bị hen
  • Thuốc giảm ho: Sử dụng khi bệnh nhân ho nhiều, ho liên tục kèm theo biểu hiện nôn mửa, buồn nôn. Một số nhóm thuốc cắt cơn ho thường được kê như Dextromethorphan; Terpin codein,…
  • Thuốc long đờm: Kê khi bệnh nhân ho ra đờm, đờm đặc và có mùi hôi khó chịu. Các thuốc thường được kê như Acemuc, Exomuc, Suresh,…Nhóm thuốc này có tác dụng làm loãng dịch tiết để dễ ho khạc và đẩy dịch ra ngoài. Tuy nhiên, cần thận trọng với bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng và kê cùng thuốc giảm ho để tăng hiệu quả điều trị
  • Thuốc chống viêm corticoid: Làm giảm tình trạng viêm nhiễm, tiêu diệt ổ vi khuẩn. Thường sử dụng dưới dạng xịt, uống, khí dung,…
  • Thuốc giãn phế quản: Sử dụng trong trường hợp tắc nghẽn đường dẫn khí gây khó thở. Các loại thuốc trong nhóm này như: Salbutamol, Fenoterol (tác dụng ngắn); Salmeterol, Formoterol (tác dụng dài). Thận trọng khi kê thuốc này cho phụ nữ có thai

Thuốc có thể cho hiệu quả giảm triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, người bệnh cần cảnh giác với một số tác dụng phụ có thể gây một số tác dụng không mong muốn. Để cho hiệu quả dùng thuốc tốt người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chữa viêm phế quản bằng Đông y

Trong Đông y, viêm phế quản chủ yếu là do phong nhiệt, phong hàn. Những tác nhân này xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương phế, khiến khí phế ngưng trệ,..Vì thế, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều, ho có đờm, khó thở,…Để điều trị viêm phế quản cấp trong đông y, các bài thuốc tập trung vào bổ tỳ, bổ phế, bổ can thận. Điều này giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. 

Điều trị viêm phế quản cấp bằng phương pháp Đông y
Điều trị viêm phế quản cấp bằng phương pháp Đông y

Cụ thể hơn, bệnh nhân có thể sử dụng các bài thuốc sau:

  • Bài thuốc chữa viêm phế quản do phong hàn: Phục linh 16g; Hạnh nhân, tiền hồ 12g; Tô diệp, cát cánh 10g; Trần bì, bán hạ chế, chỉ xác 8g; Cam thảo 4g; Sinh khương 3 lát. Bài thuốc được chia thành từng thang, mỗi ngày sắc một thang, uống hai lần sáng chiều.
  • Bài thuốc chữa viêm phế quản do phong nhiệt: Liên kiều 16g; Cúc hoa, tang diệp, tiền hồ, hạnh nhân, ngưu bàng tử 12g; Lô căn 8g; bạc hà 6g. Mỗi ngày sắc 1 thang lấy nước uống đều đặn ngày 2 lần chia sáng tối. 

Phương pháp đông y sử dụng hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, rất lành tính lại an toàn khi sử dụng trong thời gian dài. Vì thế, phương pháp này cũng được ưa chuộng để điều trị viêm phế quản cấp. Bệnh nhân cần kiên trì sử dụng theo chỉ định và hiệu quả của bài thuốc còn phụ thuộc vào cơ địa từng người cũng như sự tương thích của phương thuốc. Nếu sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn thì cần đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lưu ý trong quá trình chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản cấp

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản cấp, người nhà cần lưu ý một vài điểm sau:

  • Để người bệnh nằm ở tư thế cao đầu giúp bệnh nhân dễ thở 
  • Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm làm loãng đờm
  • Thực hiện hút đờm nếu tình trạng bệnh trở nặng
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân, cung cấp thêm nước ép hoa quả, sữa, rau xanh,…mỗi ngày
  • Hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh tai, mũi, họng hàng ngày phòng ngừa biến chứng của bệnh
  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ, không được vận động quá sức

 Người bị viêm phế quản cấp nên ăn gì? Kiêng gì?

Để hỗ trợ điều trị viêm phế quản cấp hiệu quả, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, tăng cường thực phẩm có lợi và hạn chế những thực phẩm gây kích ứng. Cụ thể, cần bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thực phẩm sau:

  • Trái cây, rau xanh: Trong thành phần trái cây, rau xanh chứa nhiều vitamin, chất xơ có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể. 
  • Thực phẩm giàu năng lượng và protein: Cung cấp năng lượng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế bệnh tái phát và lây lan
  • Sữa và thực phẩm từ sữa: Chứa nhiều dinh dưỡng, đạm, canxi tốt cho cơ thể mà dễ hấp thu. Ưu tiên sử dụng sữa chua, không nên dùng sữa có hàm lượng chất béo cao
  • Uống nhiều nước, không để cổ họng bị khô
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm phế quản cấp
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm phế quản cấp

Ngoài ra, trong thực đơn của bệnh nhân viêm phế quản cấp cần hạn chế các thực phẩm sau đây:

  • Đồ xào, đồ chiên rán: Hàm lượng dầu mỡ trong những món ăn này tương đối lớn, không tốt cho cổ họng và những bệnh nhân viêm phế quản
  • Thức ăn quá mặn: Tăng lượng chất nhầy, tác động tiêu cực đến quá trình điều trị viêm phế quản 
  • Đồ ăn cay nóng, chua chát: Kích ứng cổ họng gây ho nhiều hơn, có thể dẫn đến viêm loét nặng hơn. Đặc biệt với bệnh nhân có hội chứng trào ngược dạ dày
  • Đường tinh luyện: Có trong thực phẩm như socola; nước ngọt; bánh kẹo;…
  • Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia

Việc điều trị viêm phế quản muốn hiệu quả cần sự phối hợp giữa phác đồ của bác sĩ và chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc quá sức trong thời gian mắc bệnh thì mới có thể điều trị dứt điểm.

 Phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp như thế nào?

Viêm phế quản cấp là bệnh hô hấp phổ biến, không nguy hiểm nếu được điều trị ngay từ những giai đoạn đầu. Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh, có thể áp dụng một số biện pháp phòng tránh như sau:

  • Giữ ấm cho cơ thể khi thay đổi thời tiết
  • Hạn chế lui tới khu vực ô nhiễm, môi trường có nhiều hóa chất độc hại
  • Tiêm vacxin phòng cúm A, cúm B
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, đúng cách
  • Mang khẩu trang khi ra đường để bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác
  • Với người bệnh: Lấy tay che miệng, không hắt hơi, ho bừa bãi,…để hạn chế lây lan ra người xung quanh

Viêm phế quản cấp là tình trạng bệnh lý hô hấp có thể gặp ở mọi đối tượng, không quá nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Bệnh nhân cần phối hợp các phương pháp điều trị và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý để hỗ trợ quá trình điều trị dứt điểm, hiệu quả.

Bài đọc thêm:

  • Viêm phế quản mãn tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Bệnh viêm phế quản dạng hen là gì, có nguy hiểm không?
  • Viêm phế quản bội nhiễm là gì? Thông tin cần biết