Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị & giảm đau

Viêm khớp cổ tay xảy ra khi các bộ phận cấu thành khớp (sụn, xương, dây chằng, màng hoạt dịch,…) bị tổn thương, hư hại và kích thích phản ứng viêm đỏ, sưng đau. Để điều trị tình trạng này, cần xác định nguyên nhân và mức độ thương tổn ở ổ khớp.

viêm khớp cổ tay
Nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay và cách điều trị

Viêm khớp cổ tay là gì?

Cổ tay là một trong những khớp có mức độ và tần suất vận động cao. Vì vậy ổ khớp có nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa nếu lạm dụng khớp quá mức (mang vác nặng, thực hiện một số hành động lặp đi lại lại,…). Ngoài ra thương tổn ở khớp còn bắt nguồn từ một số bệnh hệ thống hoặc cũng có thể biểu hiện của các bệnh xương khớp mãn tính.

Viêm khớp cổ tay là tình trạng các bộ phận cấu thành khớp (màng bao hoạt dịch, mô sụn, đầu xương, dây chằng, dây thần kinh) bị tổn thương, từ đó kích thích phản ứng viêm của mô mềm bao xung quanh và gây ra triệu chứng đau nhức, sưng nóng, ê mỏi, tê cứng,…

Khác với khớp gối hay khớp háng, khớp cổ tay có kích thước nhỏ và không giữ chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Do đó nếu tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cơn đau, cải thiện các triệu chứng đi kèm và phòng ngừa tình trạng tái phát.

Nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay

Mức độ của cơn đau khớp cổ tay và các triệu chứng đi kèm phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể. Vì vậy trước khi can thiệp điều trị, nên xác định nguyên nhân gây ra tổn thương ổ khớp.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây viêm khớp cổ tay:

1. Chấn thương

Chấn thương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm khớp cổ tay. Tác động cơ học mạnh có thể khiến dây chằng bị kéo giãn, bong gân, nứt xương hoặc gây tổn thương mô mềm bao xung quanh khớp.

Ngoài ra chấn thương cổ tay cũng có thể xảy ra do các hoạt động lặp đi lặp lại như thường xuyên đánh bóng tennis, lái xe, đánh máy,… Các hoạt động này có mức độ nhẹ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần khiến ổ khớp ma sát quá mức và phát sinh hiện tượng viêm đau.

2. Dấu hiệu của các bệnh xương khớp

Ngoài chấn thương, sưng đau khớp cổ tay còn có thể biểu hiện của các bệnh xương khớp như:

đau khớp cổ tay
Sưng đau khớp cổ tay có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay, thoái hóa khớp, bệnh gout,…
  • Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý thường gặp ở khớp cổ tay. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép và đè nén quá mức dẫn đến các triệu chứng như sưng cổ tay, đau nhức, tê bì các đầu ngón tay,… Hội chứng ống cổ tay là hệ quả do lặp đi lặp lại một số hoạt động (may, vẽ, đánh máy), mang thai, thừa cân, mãn kinh.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp có tính chất hệ thống. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể nhằm tấn công và gây hư hại các đầu khớp khỏe mạnh. Bệnh lý này thường gây thương tổn ở vùng cổ tay và các khớp ngón. Ngoài hiện tượng sưng đau khớp, viêm khớp dạng thấp còn khiến khớp ê mỏi, tê bì và giảm khả năng vận động.
  • Thoái hóa khớp: Sưng đau khớp cổ tay cũng có thể là biểu hiện của thoái hóa khớp. Đây là một dạng viêm khớp mãn tính thường xuất hiện ở người trung niên và người cao tuổi do hệ quả của quá trình lão hóa. Ở người mắc bệnh lý này, sụn khớp có xu hướng bị tiêu hủy, bào mòn, xơ hóa và giảm chức năng đàn hồi. Thoái hóa khớp thường gây đau nhức khớp, viêm đỏ, khô khớp, khó vận động và khớp phát ra âm thanh “lục cục”.
  • Bệnh gout: Gout là tình trạng tổn thương khớp xảy ra do axit uric máu tăng cao. Lượng axit uric dư thừa có thể tích tụ trong huyết tương và gây ứ đọng các muối urat ở các khớp ngón tay, ngón chân, mắt cá chân, cổ tay và cổ chân. So với các bệnh xương khớp khác, cơn đau do gout có mức độ dữ dội, khớp sưng viêm, nóng đỏ và phù nề nghiêm trọng.
  • Viêm khớp vảy nến: Viêm khớp vảy nến là một thể của bệnh vảy nến. Thể bệnh này không chỉ gây ra triệu chứng ngoài da mà còn tấn công vào các mô sụn khỏe mạnh và gây đau nhức khớp. Viêm khớp vảy nến có thể khiến ổ khớp sưng đau, nhức mỏi, tê cứng và khó khăn khi vận động.

Ngoài ra sưng đau khớp cổ tay còn có thể xảy ra do u nang hạch, viêm gân,…

3. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bị sưng đau cổ tay gồm có:

đau khớp cổ tay
Đánh máy thường xuyên có thể khiến ổ khớp bị kích thích, sưng viêm và đau nhức
  • Tính chất công việc: Người làm công việc phải viết, đánh máy, vẽ hoặc may thường xuyên có nguy cơ bị đau nhức cổ tay và ngón tay cao hơn bình thường.
  • Chơi thể thao: Thống kê cho thấy, đau khớp cổ tay thường gặp ở người chơi một số môn thể thao phải sử dụng tay nhiều như tennis, đánh cầu lông, thể dục dụng cụ,… Các bộ môn này khiến cổ tay phải lặp lại một hoặc vài hoạt động dẫn đến tình trạng tổn thương sụn, mô mềm và sưng đau.
  • Tình trạng sức khỏe: Đau khớp cổ tay thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, người thừa cân béo phì và người mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân được xác định là do các tình trạng này có thể gây tổn thương dây thần kinh và tăng mức độ chèn ép lên ống cổ tay.

Trên thực tế, sưng đau khớp cổ tay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy ở một số ít trường hợp, triệu chứng này có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân không được đề cập trong nội dung bài viết.

Triệu chứng nhận biết viêm khớp cổ tay

Triệu chứng của viêm khớp cổ tay phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ thương tổn. Cơn đau có thể xuất hiện mờ nhạt, âm ỉ, tiến triển dai dẳng hoặc có thể khởi phát đột ngột. Ngoài triệu chứng đau nhức, tổn thương ở khớp cổ tay còn đi kèm với một số biểu hiện khác.

viêm khớp cổ tay
Viêm khớp cổ tay thường gây đau nhức, sưng viêm, tê cứng và ê mỏi ổ khớp

Dấu hiệu nhận biết viêm khớp cổ tay:

  • Khớp có hiện tê cứng và khó cầm nắm
  • Cổ tay sưng đỏ, viêm nóng và đau nhức
  • Xuất hiện cảm giác ngứa ran và tê bì
  • Vùng da bao quanh khớp có dấu hiệu sưng đỏ và ấm hơn các vị trí xung quanh
  • Khớp phát ra âm thanh khi cử động

Lưu ý: Trong trường hợp khớp cổ tay đau nhức đi kèm với tình trạng sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của viêm khớp nhiễm trùng (xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào ổ khớp) – một dạng viêm khớp nặng, tiến triển nhanh và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Sưng đau khớp cổ tay có nguy hiểm không?

Sưng đau khớp cổ tay thường xảy ra do tác động cơ học mạnh hoặc do lặp đi lặp lại một vài hành động cố định. Nếu dành thời gian nghỉ ngơi, ổ khớp có thể phục hồi và giảm đau nhức trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên trong trường hợp khởi phát do các bệnh xương khớp, cần phải thăm khám và điều trị y tế trong thời gian sớm nhất. Mặc dù hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng các bệnh lý này có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực, gây chèn ép dây thần kinh, tê yếu cơ hoặc thậm chí là liệt chi trên.

Đối với các bệnh xương khớp có tính chất hệ thống như gout, viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp, tổn thương không chỉ xuất hiện ở khớp mà còn xảy ra ở da và các cơ quan nội tạng. Nếu không kiểm soát kịp thời, các bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và đe dọa trực tiếp sức khỏe.

Chẩn đoán sưng khớp cổ tay bằng cách nào?

Trong trường hợp sưng khớp cổ tay kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Trước tiên, bác sĩ sẽ thu thập triệu chứng lâm sàng, thăm khám cổ tay, khai thác tiền sử bệnh lý và lịch sử dùng thuốc.

sưng cổ tay
Để chẩn đoán nguyên nhân gây sưng cổ tay, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chụp X-Quang,…

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như MRI, X-Quang, CT,… được thực hiện nhằm quan sát cấu trúc khớp, mô sụn, dây chằng và các cơ quan cấu thành khớp cổ tay. Qua hình ảnh từ các xét nghiệm này, bác sĩ dễ dàng khoanh vùng một số khả năng có thể gây viêm đau khớp cổ tay.
  • Chọc hút dịch khớp: Chọc hút dịch khớp có thể xác định được một số nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay như nhiễm trùng (có sự hiện diện của vi khuẩn), viêm khớp dạng thấp/ viêm khớp vảy nến (xuất hiện kháng thể trong dịch khớp), bệnh gout (phát hiện tinh thể muối urat),…
  • Đo xung điện thần kinh: Đo xung điện thần kinh được thực hiện nhằm xác định mức độ chèn ép dây thần kinh và khả năng vận động của khớp, ngón tay.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán khác như nội soi khớp, xét nghiệm máu,… trong trường hợp cần thiết.

Các phương pháp điều trị và giảm đau khớp cổ tay

Điều trị viêm khớp cổ tay phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của ổ khớp. Hầu hết trong các trường hợp, lựa chọn ưu tiên là sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống.

Tuy nhiên nếu thương tổn có mức độ nghiêm trọng và không còn khả năng hồi phục, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để chỉnh hình cấu trúc ổ khớp và cải thiện khả năng vận động.

1. Sử dụng thuốc giảm sưng đau cổ tay

Thuốc được dùng để điều trị viêm khớp cổ tay nhằm làm giảm cơn đau, tê bì, cứng khớp và một số triệu chứng đi kèm. Đối với các bệnh xương khớp có tính chất hệ thống, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc đặc hiệu khác.

đau khớp cổ tay
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị đau khớp cổ tay bao gồm Paracetamol, NSAID, Colchine,…

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đau khớp cổ tay:

  • Thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, NSAID (Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac,…) được sử dụng để giảm đau và chống viêm.
  • Thuốc Colchine, Probenecid, Allopurinol, Febuxostat,… có khả năng giảm đau và điều chỉnh nồng độ axit uric trong máu. Các loại thuốc này được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh gout.
  • Các loại thuốc thấp khớp như Methotrexate được chỉ định trong điều trị đau khớp cổ tay do viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vảy nến.
  • Đối với trường hợp khớp đau nhức nặng, có thể tiêm corticoid nội khớp theo hướng dẫn của bác sĩ. Mặc dù có khả năng giảm viêm mạnh, nhưng loại thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nghiêm trọng nên chỉ được thực hiện khi cần thiết.
  • Thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh,… có thể được dùng để điều trị triệu chứng do hội chứng ống cổ tay và thoái hóa khớp.
  • Nếu xảy ra do thoái hóa khớp, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc có tác dụng phục hồi mô sụn và làm chậm quá trình thoái hóa như Glucosamine, Chondroitin,…

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên đối với các vấn đề xương khớp. Tuy nhiên lạm dụng thuốc quá mức hoặc dùng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng, đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định về loại thuốc và liều dùng.

2. Vật lý trị liệu

Dùng thuốc chỉ giúp làm giảm cơn đau tạm thời. Do đó ngoài sử dụng thuốc, cần thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu để kiểm soát cơn đau, phục hồi chức năng khớp cổ tay và ngăn ngừa quá trình thoái hóa mô sụn.

viêm khớp cổ tay
Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu giúp giảm đau nhức và cải thiện chức năng của ổ khớp

Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị viêm khớp cổ tay, bao gồm:

  • Mang nẹp: Sử dụng nẹp có thể cố định ổ khớp, giảm tác động cơ học và áp lực lên vùng cổ tay. Biện pháp này giúp giảm đau nhức, sưng viêm, tê cứng và hỗ trợ phục hồi tổn thương ở ổ khớp.
  • Chườm nóng: Chườm nóng lên khớp cổ tay từ 10 – 20 phút giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và giảm mức độ chèn ép lên ổ khớp. Thực hiện biện pháp này thường xuyên có thể cải thiện cơn đau, hiện tượng viêm sưng và tê cứng khớp.
  • Chườm lạnh: Trong trường hợp cổ tay bị sưng nóng và phù nề do chấn thương, nên chườm túi đá lên khớp trong 10 – 15 phút. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm giúp làm co mạch máu, giảm viêm và đau nhức ở ổ khớp rõ rệt.
  • Thực hiện bài tập: Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các bài tập dành riêng cho vùng cổ tay và ngón tay nhằm làm giảm chèn ép lên dây thần kinh, cải thiện khả năng vận động của khớp và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra, các bài tập này còn giúp làm chậm tiến triển của các bệnh xương khớp mãn tính.

3. Phẫu thuật

Trong trường hợp viêm khớp cổ tay có mức độ nặng và không có đáp ứng đối với điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Tùy vào nguyên nhân gây tổn thương khớp cổ tay, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật ngoại khoa như:

  • Bó bột khớp cổ tay trong trường hợp chấn thương mạnh gây đứt dây chằng hoặc nứt xương
  • Cắt bỏ gai xương nếu thoái hóa khớp tiến triển nặng
  • Phẫu thuật giải áp hội chứng ống cổ tay
  • Phẫu thuật loại bỏ hạt tophi đối với bệnh gout
  • Trong trường hợp khớp bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể phẫu thuật để thay thế cơ quan tổn thương bằng các vật liệu nhân tạo

Phẫu thuật đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với điều trị bảo tồn. Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa luôn tiềm ẩn các rủi ro và biến chứng. Vì vậy chỉ nên thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Lối sống khoa học giúp kiểm soát và phòng ngừa đau cổ tay

Viêm khớp cổ tay có thể tiến triển nặng hoặc tái phát nhiều lần nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu. Vì vậy song song với các biện pháp điều trị, bạn nên xây dựng lối sống khoa học nhằm duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa.

viêm khớp cổ tay
Để phòng ngừa viêm khớp cổ tay tái phát, cần hạn chế bia rượu, thuốc lá và tập thể dục thường xuyên

Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát và phòng ngừa sưng đau khớp cổ tay:

  • Nghỉ từ 5 – 10 phút sau 1 giờ đánh máy, may hoặc vẽ.
  • Hạn chế các bộ môn thể thao tác động trực tiếp đến cổ tay như đánh cầu lông, tennis,… Thay vào đó nên tập các bộ môn thể thao có cường đọ nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga để tránh gây kích thích và tổn thương ổ khớp.
  • Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và cần điều chỉnh hàm lượng đạm trong mỗi bữa ăn. Đồng thời nên tăng cường uống nước, bổ sung rau xanh, trái cây,… nhằm ổn định nồng độ axit uric trong máu và duy trì hệ xương khỏe mạnh.
  • Hạn chế mang vác vật nặng. Để tránh gây tổn thương khớp cổ tay, nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi di chuyển các vật cồng kềnh và có trọng lượng cao.
  • Thận trọng khi tham gia giao thông, sinh hoạt, chơi thể thao và làm việc nhằm giảm nguy cơ chấn thương khớp cổ tay.

Viêm khớp cổ tay là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng thương tổn ở ổ khớp có thể gây đau nhức, sưng viêm, tê bì và ê mỏi hoặc thậm chí gây tê liệt dây thần kinh. Vì vậy nếu tình trạng đau khớp cổ tay kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm.