Viêm họng dị ứng là gì? Những thông tin cần biết về bệnh lý

Viêm họng dị ứng là một bệnh lý đường hô hấp thường bị nhầm với các tình trạng viêm nhiễm ở họng khác, khiến dễ mắc sai lầm trong điều trị. Bệnh nhân cần được thăm khám và tiếp nhận điều trị theo phác đồ phù hợp để tránh bệnh diễn tiến nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu những thông tin cần biết về viêm họng dị ứng trong bài viết sau đây.

1. Bệnh viêm họng dị ứng là gì?

Viêm họng dị ứng (hay còn gọi là viêm họng kích thích, viêm họng kích ứng) là tình trạng vùng niêm mạc họng sinh ra phản ứng khi gặp tác nhân gây kích ứng như phấn hoa, khói bụi, lông động vật, thức ăn, đồ uống. Bệnh lý này nếu không được trị dứt điểm, lâu ngày sẽ tiến triển thành tình trạng mãn tính khó điều trị hơn. 

Viêm họng dị ứng là bệnh lý hô hấp khi cơ thể tiếp xúc tác nhân gây dị ứng
Viêm họng dị ứng là bệnh lý hô hấp khi cơ thể tiếp xúc tác nhân gây dị ứng

Bệnh viêm họng thông thường chỉ gây đau vướng cổ họng, gặp khó khăn khi nuốt nhưng với viêm họng do dị ứng, bệnh nhân thường có biểu hiện hắt xì liên tục, sổ mũi do tăng sinh dịch cổ họng. Bệnh lý này thường gặp ở những người có sức đề kháng kém, có tiền sử dị ứng với tác nhân gây bệnh.  

2. Nguyên nhân gây viêm họng dị ứng

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do hội chứng chảy dịch mũi sau, khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Khi gặp tác nhân kích ứng, các tuyến trong mũi và cổ họng tiết ra chất nhầy, di chuyển theo đường mũi sau, tụ lại thành đám ở cổ họng gây vướng và viêm loét. Tình trạng này không được xử lý sẽ dẫn đến viêm họng dị ứng, lâu ngày tiến triển thành thể mãn tính, khó chữa hơn.

Một số nguyên nhân khác gây bệnh lý này phải kể đến như:

  • Dị ứng theo mùa: Tình trạng này thường xuất hiện vào mùa xuân. Vì đây là thời điểm nhiều cây ra hoa, tạo phấn dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh có thể tái phát quanh năm và hạn chế vào mùa đông.
Viêm họng dị ứng có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi
Viêm họng dị ứng có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi
  • Thời tiết thay đổi: Thời tiết đột ngột thay đổi, không khí khô làm cơ thể không kịp thích ứng dẫn đến mắc bệnh.
  • Nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh: Đặc biệt thời điểm giao mùa, cơ thể chưa kịp thích ứng tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập. 
  • Thức ăn, đồ uống lạ: Viêm họng cũng có thể xảy ra khi ăn phải thức ăn lạ như đồ ăn quá cay, nhiều gia vị,… gây kích ứng đường thở.
  • Nguyên nhân khác: Khói thuốc lá, khói bụi từ không khí, lông vật nuôi,…

3. Biểu hiện bệnh viêm họng dị ứng

Các biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng hoặc sau vài giờ, vài ngày. Một số biểu hiện đặc trưng của tình trạng bệnh lý này như sau:

  • Chảy nước mũi, chất nhầy và dịch trong mũi tiết nhiều, tụ lại trong khoang mũi, chảy ngược ra đường mũi sau xuống họng gây ngứa rát họng
  • Ho khan, ngứa rát cổ họng, muốn ho
  • Thở khò khè, đặc biệt là khi nằm
  • Hắt hơi, có khi liên tục không thể dừng, nghẹt mũi, khó thở
Hắt hơi liên tục khi bị viêm họng dị ứng
Hắt hơi liên tục khi bị viêm họng dị ứng
  • Cổ họng lúc nào cũng khô và muốn uống nước
  • Nếu bệnh nhân bị ho kèm theo viêm họng, đau họng, sốt thì không phải là viêm họng dị ứng mà là viêm họng do virus, vi khuẩn,… Cần chú ý để phân biệt
  • Khi có cảm giác bỏng rát cổ họng (tình trạng phù Quincke), nuốt nước bọt nhiều lần, nói chuyện khó khăn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể shock phản vệ do dị ứng thức ăn, nếu để lâu gây bít tắc đường thở, hôn mê.

Tóm lại, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ho khan, ngứa họng,… rất có thể là dấu hiệu của viêm họng dị ứng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiếp nhận điều trị, tránh để lâu ngày tiến triển thành dạng mãn tính khó chữa hơn.

4. Viêm họng dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm họng dị ứng có nguy hiểm không? – Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể trị dứt điểm, không tái phát. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn tiến thành mãn tính, tái phát nhiều lần sẽ rất khó điều trị và gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.

Một trong những tình trạng nguy hiểm nhất của viêm họng dị ứng là phù Quincke. Hội chứng phù Quincke gây dị ứng xảy ra do cơ thể phản ứng với thức ăn lạ, đặc biệt là hải sản biển, sữa,…Hội chứng xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi gặp tác nhân gây dị ứng (thức ăn lạ). Bệnh nhân cần chú ý nhận biết một số dấu hiệu sau để kịp thời xử trí:

  • Đau bụng dữ dội theo cơn, đi kèm tiêu chảy, táo bón (Phù Quincke ở đường tiêu hóa)
  • Bỏng rát cổ họng, khó thở, ho khan
  • Mặt tím tái, xanh xao, nôn mửa dữ dội

Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận cấp cứu kịp thời, tránh bít tắc đường thở, gây hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. 

5. Cách điều trị viêm họng dị ứng

Viêm họng dị ứng có thể điều trị dứt điểm, an toàn nếu bệnh nhân được thăm khám kịp thời và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Phác đồ điều trị bệnh này khác biệt khá nhiều so với bệnh viêm họng thông thường, vì thế bệnh nhân cần đi khám để được hướng dẫn điều trị an toàn, hiệu quả.

Điều trị tại nhà bằng mẹo

Một số trường hợp nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà bằng một số mẹo chữa dân gian như:

  • Lá cây húng chanh: Hái lá, rửa sạch, nấu với nước sôi, uống hàng ngày thay nước. Bài thuốc này giúp thông thoáng đường thở, giảm dịch nhầy, bệnh nhân dễ thở hơn
  • Mật ong: Đây là bài thuốc quen thuộc với các tình trạng viêm họng nói chung. Bệnh nhân có thể sử dụng trực tiếp mật ong với nước ấm, ngậm trong cổ họng một lúc sẽ làm dịu cảm giác ngứa rát, muốn ho.
Điều trị viêm họng dị ứng tại nhà với mật ong
Điều trị viêm họng dị ứng tại nhà với mật ong
  • Củ cải trắng: Luộc lấy nước uống hàng ngày. Bài thuốc này giúp bệnh nhân giảm tình trạng ho khan, ngứa rát cổ họng
  • Lá tía tô: Bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc này để đẩy lùi tình trạng ngứa rát, giảm ho. Một nắm lá tía tô rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn rồi uống. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng kết hợp tía tô với cháo, vừa giúp giảm ho vừa cung cấp chất dinh dưỡng

Đây chỉ là các biện pháp hỗ trợ và điều trị trong những trường hợp dị ứng thể nhẹ. Để đạt hiệu quả cao nhất, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về tình trạng của mình.

Dùng thuốc điều trị họng

Biện pháp sử dụng thuốc Tây y trong điều trị viêm họng dị ứng được nhiều người lựa chọn do hiệu quả đem lại rõ rệt. Bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám và tiếp nhận điều trị. Để điều trị dứt điểm tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân gồm những thuốc chủ yếu như sau:

  • Thuốc kháng H1 (hay còn gọi là thuốc dị ứng): Thuốc được kê tùy thuộc vào cơ địa và nguyên nhân gây dị ứng. Ví dụ như: Cetirizin Stada; Telfast BD;…
  • Thuốc làm lỏng chất nhầy từ mũi, họng: Bromhexin; Acetylcystein;…
  • Thuốc chống viêm
  • Bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc bổ, vitamin giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
  • Rửa mũi súc miệng với nước muối NaCl 0,9%: Cho bệnh nhân rửa mũi và súc miệng thường xuyên để  làm loãng dịch nhầy trong cổ họng và trong các ngách mũi.
Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị viêm họng dị ứng
Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị viêm họng dị ứng

Với những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể phải chỉ định tiến hành một số xét nghiệm liên quan để xác định mức độ bệnh. Sau đó kê đơn và đưa ra phác đồ điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất.

Người bệnh cũng cần lưu ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh, kháng viêm về uống. Bản chất viêm họng dị ứng không giống viêm họng thông thường nên dùng kháng sinh không thể điều trị, thậm chí còn gây tác dụng phụ không mong muốn. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần đi khám và  tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa viêm họng dị ứng bằng Đông y

Với phương pháp đông y, bệnh nhân cần kiên nhẫn trong quá trình điều trị, sử dụng thuốc đủ liều lượng hàng ngày để đem lại hiệu quả. Tùy cơ địa và sự thích ứng của mỗi người mà bài thuốc có thể đem lại hiệu quả nhanh hay chậm. 

Chữa viêm họng dị ứng bằng phương pháp Đông y
Chữa viêm họng dị ứng bằng phương pháp Đông y

Bệnh nhân cần đến cơ sở đông y có uy tín, thăm khám để bác sĩ có chuyên môn tiến hành bốc thuốc, gia giảm phù hợp liều lượng thành phần trong đơn thuốc. Một số bài thuốc bệnh nhân có thể tham khảo như sau:

  • Bài thuốc chữa viêm họng Thanh hầu bổ phế thang:  Kha tử, phật tử, cương tàm, tân chỉ, bạch nghệ, sơn trà, quất hồng bì,…Thuốc được chia thành từng thang, đun lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang chia hai lần sáng – tối.
  • Bài thuốc chữa dị ứng: Kinh giới 8g, trúc diệp 8g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, cam thảo 10g, đậu xị 10g, bạc hà 12g, cát cánh 12g, ngưu bàng tử 12g. Bài thuốc chắt lấy nước uống ngày hai lần, sáng – tối.

6. Viêm họng dị ứng nên ăn gì? Kiêng gì?

Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn trong thời kỳ điều trị bệnh để nhanh chóng đạt hiệu quả. Một số thực phẩm nên được bổ sung vào thực đơn của bệnh nhân như sau:

  • Hoa quả có chứa vitamin C: Ví dụ như các loại quả chanh, bưởi,…nhằm tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại mầm bệnh, phục hồi sức khỏe
  • Thực phẩm mềm, dễ nuốt: Viêm họng dị ứng khiến bệnh nhân bị khó chịu trong cổ họng, gặp khó khăn khi nuốt. Vì thế, nên cho bệnh nhân sử dụng đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa mà vẫn đủ chất dinh dưỡng như cháo, canh, súp,…
  • Thực phẩm luộc, hấp, ít dầu mỡ: Sử dụng thực phẩm được chế biến đơn giản, không nhiều gia vị tránh gây kích ứng cổ họng, gây ho
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tránh xa những đồ ăn sau:

  • Trước hết, nếu viêm họng dị ứng do thức ăn lạ, người bệnh cần tránh xa những món ăn liên quan đến thực phẩm gây dị ứng
  • Gia vị cay nồng như ớt hay hạt tiêu…có thể gây kích thích cổ họng, khiến tình trạng bệnh nặng hơn
  • Đồ ăn khô cứng: Bệnh nhân có biểu hiện khó nuốt do dịch nhầy ứ đọng ở cổ họng. Nếu sử dụng thực phẩm khô cứng, chúng có thể bị vướng mắc lại cổ họng gây khó chịu.
  • Tránh sử dụng các chất gây kích thích như rượu bia, khói thuốc lá
  • Uống nước đá lạnh 

Chế độ ăn trên cần được tiến hành song song với phương pháp điều trị của bác sĩ để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.

7. Biện pháp phòng tránh viêm họng dị ứng

Bệnh viêm họng dị ứng hoàn toàn có thể tái phát nếu tiếp xúc trở lại với tác nhân dị ứng hoặc không được điều trị dứt điểm. Vì thế, các biện pháp phòng tránh là cần thiết để bệnh không tái diễn. Cụ thể như sau:

  • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao 
Tăng cường sức đề kháng phòng tránh viêm họng dị ứng
Tăng cường sức đề kháng phòng tránh viêm họng dị ứng
  • Bổ sung các thực phẩm như rau củ tươi, hoa quả vào thực đơn, tăng cường vitamin, chất khoáng cho cơ thể
  • Lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết, đặc biệt cần giữ ấm cổ họng khi thay đổi thời tiết
  • Uống nhiều nước, hạn chế uống nước lạnh, nước đá
  • Tránh xa tác nhân gây dị ứng đã biết
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ bản thân khỏi tác động của tác nhân gây dị ứng
  • Đến thăm khám tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu viêm họng dị ứng

Viêm họng dị ứng thực chất khác với viêm họng thông thường, vì thế cách điều trị cũng có nhiều khác biệt. Để việc điều trị nhanh chóng đạt hiệu quả và không để lại biến chứng, bệnh nhân cần được thăm khám kịp thời. Đồng thời, điều chỉnh chế độ ăn và thực hiện các biện pháp phòng tránh để điều trị dứt điểm bệnh.

Bài đọc thêm:

  • Viêm họng trào ngược dạ dày: Biểu hiện và cách phòng ngừa
  • Viêm họng kèm sốt cao: Những thông tin người bệnh cần rõ