Viêm da cơ địa ở tay – Triệu chứng, cách chăm sóc, điều trị hiệu quả

Viêm da cơ địa ở tay thường khởi phát do xà phòng, hóa chất, côn trùng và các yếu tố kích thích khác. So với những vùng da khác, tổn thương ở vùng da tay có đặc tính dai dẳng và tái phát nhiều lần do tần suất tiếp xúc cao. Vì vậy để kiểm soát bệnh lý này, cần kết hợp đồng thời giữa các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách.

Viêm da cơ địa ở tay
Bị viêm da cơ địa ở tay có lây không? Điều trị bằng cách nào?

Viêm da cơ địa ở tay là bệnh gì?

Viêm da cơ địa ở tay là tình trạng da tay bị tổn thương mãn tính, viêm đỏ, khô ráp và ngứa ngáy dai dẳng. So với những vùng da khác, da tay có tần suất tiếp xúc thường xuyên nên tổn thương có xu hướng phát triển dai dẳng, dễ tái phát và có nguy cơ bội nhiễm cao.

Bệnh khởi phát chủ yếu ở những người làm nội trợ, dọn dẹp phòng ốc, phục vụ nhà hàng, làm tóc, thợ nail,… và những công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với hóa chất, xà phòng trong thời gian dài.”

Viêm da cơ địa hầu như chỉ gây thương tổn ngoài da kèm theo triệu chứng ngứa ngáy và đau rát nhẹ. Tuy nhiên do đặc tính dai dẳng và cố thủ nên bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc, ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Vì vậy để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, cần kết hợp giữa biện pháp y tế với chế độ chăm sóc khoa học.

Triệu chứng của viêm da cơ địa ở tay

Viêm da cơ địa ở tay phát triển qua 2 giai đoạn chính: Cấp tính và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn, biểu hiện lâm sàng của bệnh có sự khác nhau rõ rệt.

Triệu chứng nhận biết viêm da cơ địa ở tay trong giai đoạn cấp tính, bao gồm:

  • Da ngứa ngáy và châm chích nhẹ
  • Sau đó xuất hiện các đám tổn thương có màu đỏ nhạt, hình dáng đa dạng và bằng phẳng so với những vùng da xung quanh
  • Trên bề mặt da xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, mọc khu trú
  • Mụn nước có xu hướng vỡ, rỉ dịch khiến da sưng nề, đau rát và ẩm ướt
  • Sau đó, da khô lại và đóng vảy

Dấu hiệu của viêm da cơ địa ở tay trong giai đoạn mãn tính, bao gồm:

viêm da cơ địa ở tay bôi thuốc gì
Ở giai đoạn mãn tính, da tay có xu hướng bong tróc, khô ráp và dày sừng
  • Tổn thương da có xu hướng dày sừng, sần sùi và bong tróc
  • Bề mặt tổn thương xuất hiện nhiều vết nứt, đau rát và ngứa ngáy
  • Tổn thương lâm sàng và các triệu chứng cơ năng ở giai đoạn mãn tính có xu hướng nặng nề hơn khi thời tiết chuyển lạnh hoặc tiếp xúc với dị nguyên

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở tay

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm da cơ địa ở tay vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học nhận thấy cơ chế bệnh sinh có mối liên hệ với cơ địa nhạy cảm và tiền sử gia đình. Tuy nhiên, bệnh chỉ khởi phát khi có các yếu tố kích thích như:

hình ảnh viêm da cơ địa ở tay
Tiếp xúc với xà phòng thường xuyên là nguyên nhân phổ biến gây viêm da cơ địa ở tay
  • Tiếp xúc với xà phòng: Xà phòng được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh da liễu ở tay. Tiếp xúc với xà phòng thường xuyên có thể khiến da khô ráp, suy giảm lớp lipid trên bề mặt và dễ bị tổn thương khi có các yếu tố kích thích.
  • Thời tiết khô lạnh:Thống kê cho thấy, người sinh sống trong điều kiện thời tiết khô và lạnh thường có nguy cơ bị viêm da cơ địa ở tay cao hơn người sinh sống trong thời tiết ấm áp. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh khiến da mất nước, khô ráp và dễ phát sinh tổn thương khi tiếp xúc với dị nguyên.
  • Dị nguyên: Các yếu tố gây dị ứng như kim loại, sơn móng tay, kem dưỡng da, nước hoa,… có thể kích thích vùng da tay và gây bùng phát viêm da cơ địa.
  • Căng thẳng thần kinh: Căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố kích thích viêm da cơ địa ở tay khởi phát và tiến triển nặng nề.
  • Nhiễm trùng: Da tay bị nhiễm trùng (đặc biệt do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus) có thể kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng nguyên (IgE), sau đó phóng thích các chất tiền viêm vào niêm mạc và gây tổn thương ở vùng da tay.
  • Yếu tố khác: Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể khởi phát do các yếu tố như bị côn trùng cắn, ma sát quá mức, rối loạn nội tiết tố, dị ứng thức ăn,…

Viêm da cơ địa ở tay có lây không? Nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa thực chất là một dạng tổn thương lâm sàng của bệnh chàm – eczema, liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền.

Chính vì vậy, bệnh lý này không có khả năng lây lan khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vùng da bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Thống kê cho thấy, có đến 60% trường hợp viêm da cơ địa có tiền sử gia đình bị bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô và hen suyễn.

cách chữa viêm da cơ địa ở tay
Viêm da cơ địa ở tay có lây không?

Viêm da cơ địa ở tay có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị nhưng hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe toàn thân. Bệnh chỉ gây tổn thương ngoài da kèm một số triệu chứng cơ năng như đau rát, sưng nóng và ngứa ngáy.

Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị và chăm sóc sai cách, tổn thương da có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và gây ra các biến chứng như:

  • Viêm da cơ địa bội nhiễm: Biến chứng này xảy ra khi da tay bị ma sát, chà xát và gãi cào quá mức, dẫn đến hình thành các vết thương hở và tạo điều kiện để nấm, virus và vi khuẩn xâm nhập. Viêm da cơ địa bội nhiễm thường khởi phát ở giai đoạn cấp tính và thuyên giảm sau 7 – 10 ngày nếu điều trị đúng cách.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Đối với những trường hợp không điều trị và chăm sóc kịp thời, tổn thương da có thể tái phát nhiều lần và gây ngứa ngáy dữ dội. Các triệu chứng này tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, hiệu suất học tập – làm việc, ngoại hình và giấc ngủ.
  • Biến dạng móng: Ở một số trường hợp, tổn thương da có thể lan tỏa đến vùng da dưới móng và gây biến dạng móng. Mặc dù biến chứng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tác động tiêu cực đến yếu tố thẩm mỹ và tâm lý.

Điều trị viêm da cơ địa ở tay nên dùng thuốc gì?

Tương tự các dạng viêm da cơ địa khác, điều trị viêm da cơ địa ở tay chủ yếu là sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Bác sĩ sẽ xem xét tổn thương da, giai đoạn phát triển và khả năng đáp ứng để chỉ định các loại thuốc tương ứng.

Tuy nhiên cần ý thức rằng, hầu hết các loại thuốc hiện nay chỉ có tác dụng làm giảm thương tổn da, cải thiện ngứa ngáy và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng. Đặc biệt, với thuốc tân dược, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết và hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng.

1. Thuốc bôi trị viêm da cơ địa ở tay

Thuốc bôi được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa ở tay vì tính tiện dụng, khắc phục triệu chứng nhanh và phạm vi chỉ định rộng. Các loại thuốc bôi thường được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa ở tay, bao gồm:

cách chữa viêm da cơ địa ở tay
Bị viêm da cơ địa ở tay bôi thuốc gì?
  • Hồ nước: Hồ nước là dung dịch làm dịu da và sát trùng được sử dụng trong giai đoạn cấp. Ngoài tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm sưng nóng, hồ nước còn giúp vùng da tổn thương khô ráo và nhanh đóng mài.
  • Thuốc bôi chứa kẽm: Thuốc bôi chứa kẽm có tác dụng làm dịu da, sát khuẩn và giảm sưng nóng. Thuốc được sử dụng với tần suất 2 – 3 lần/ ngày trong giai đoạn cấp và bán cấp.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc phổ biến nhất trong điều trị các bệnh viêm da mãn tính nói chung và viêm da cơ địa ở tay nói riêng. Thuốc có tác dụng giảm viêm, kháng dị ứng và chống ngứa. Tuy nhiên, do có nhiều rủi ro và tác dụng phụ nên thuốc chỉ được dùng tối đa trong 14 ngày.
  • Thuốc bôi chứa axit salicylic: Axit salicylic có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với corticoid. Hoạt chất này có tác dụng làm mềm da, bạt sừng và sát trùng nhẹ. Thuốc chứa axit salicylic được sử dụng nhằm giảm khô ráp, bong tróc, dày sừng và tăng mức độ hấp thu các loại thuốc khác.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Loại thuốc này được sử dụng thay thế hoặc xen kẽ với thuốc bôi corticoid. Thuốc ức chế calcineurin có tác dụng chống viêm, giảm ngứa ngáy và sưng đau ở vùng da thương tổn. Tuy nhiên, lạm dụng loại thuốc này trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ ung thư da.

2. Thuốc uống chữa viêm da cơ địa ở tay

Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoàn toàn sau khi sử dụng thuốc bôi, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với một số loại thuốc uống sau:

viêm da cơ địa ở tay dùng thuốc gì
Thuốc uống trị viêm da cơ địa ở tay gồm có kháng sinh, thuốc kháng histamine H1, corticoid,…
  • Thuốc kháng histamine: Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm mức độ ngứa ngáy và hạn chế tổn thương da lan tỏa rộng. Thuốc kháng histamine (Clorpheniramin, Loratadin,…) tương đối an toàn nhưng có thể gây khô miệng, buồn ngủ, giảm mức độ tập trung,… trong thời gian sử dụng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp xuất hiện biến chứng bội nhiễm. Loại thuốc này được dùng trong khoảng 7 – 10 ngày hoặc hơn tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng da.
  • Thuốc uống corticoid: Thuốc uống corticoid hiếm khi được chỉ định trong điều trị viêm da cơ địa ở tay vì có nguy cơ và rủi ro cao. Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định corticoid đường uống ở liều thấp trong thời gian ngắn.

4. Chăm sóc và cải thiện viêm da cơ địa ở tay tại nhà

Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa ở tay đều có mức độ nhẹ và hiếm khi lây lan trên phạm vi rộng. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng các biện pháp cải thiện và chăm sóc tại nhà để hỗ trợ làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc.

viêm da cơ địa ở tay kiêng ăn gì
Nên dưỡng ẩm vùng da tay thường xuyên để giảm tình trạng khô ráp, bong tróc và dày sừng

Các biện pháp chăm sóc và cải thiện viêm da cơ địa ở tay ngay tại nhà:

  • Để tổn thương da thuyên giảm và tránh lây lan rộng, cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích như xà phòng, hóa chất, kim loại, thú nuôi, phấn hoa, mạt bụi,…
  • Khi tổn thương da khô và chuyển sang giai đoạn mãn tính, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm đều đặn 3 – 4 lần/ ngày. Ưu tiên dùng các sản phẩm có kết cấu mềm, thấm nhanh và chứa thành phần dưỡng ẩm sâu như Niacinamide, Glycerin, Acid hyaluronic, Vitamin E,…
  • Có thể dùng gel nha đam hoặc một số tinh dầu tự nhiên (dầu dừa, dầu ô liu, dầu gấc,…) để làm ẩm da, giảm viêm sưng, nóng rát và ngứa ngáy.
  • Vào thời tiết khô lạnh, nên dưỡng ẩm đều đặn và sử dụng bao tay thường xuyên để hạn chế tình trạng da mất nước, khô ráp và bong tróc.
  • Nên uống nhiều nước và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh để hỗ trợ làm giảm tổn thương da và cải thiện ngứa ngáy.
  • Ngâm bàn tay với nước ấm và bột yến mạch giúp giảm ngứa ngáy, làm mềm da và hỗ trợ cải thiện tình trạng dày sừng. Tuy nhiên sau khi áp dụng biện pháp này, bạn nên thoa kem dưỡng để hạn chế tình trạng da mất nước và bong tróc mạnh.

Phòng ngừa viêm da cơ địa ở tay tái phát

Như đã đề cập, da tay là vị trí có tần suất tiếp xúc thường xuyên nên rất dễ tái phát các vấn đề da liễu. Vì vậy sau khi kiểm soát tổn thương da, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:

bệnh viêm da cơ địa ở tay
Nên đeo bao tay khi tiếp xúc với các chất kích thích như xà phòng, nước, hóa chất,…
  • Đeo bao tay khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng và các yếu tố kích thích.
  • Tránh rửa tay với xà phòng có độ pH cao. Thay vào đó, nên lựa chọn các sản phẩm làm sạch có độ pH cân bằng, thành phần an toàn và tự nhiên.
  • Dưỡng ẩm cho vùng da tay từ 2 – 4 lần/ ngày tùy vào loại da và điều kiện thời tiết.
  • Cân nhắc thay đổi công việc nếu viêm da cơ địa ở tay tái phát nhiều lần.
  • Kiểm soát các yếu tố nội giới ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh như căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết và hệ miễn dịch suy giảm.

Viêm da cơ địa ở tay có thể gây ngứa ngáy, viêm đỏ, bong tróc kéo dài và tái phát nhiều lần. Vì vậy bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn nên thực hiện chế độ chăm sóc khoa học để kiểm soát tổn thương da và phòng ngừa tình trạng tái phát.