Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại – Cái nào nặng & nguy hiểm hơn?

Bệnh trĩ được phân thành hai loại chính bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Tìm hiểu cách phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại để có biện pháp xử lý và phòng ngừa phù hợp.

Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại
Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại để có biện pháp khắc phục phù hợp

Tổng quan về bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng sưng tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Bệnh có thể phát triển bên trong trực tràng, được gọi là trĩ nội hoặc phát triển bên ngoài trực tràng, được gọi là trĩ ngoại.

Trong một số trường hợp, bệnh trĩ có thể gây tổn thương các mạch máu dẫn đến phình các tĩnh mạch và gây đau đớn hoặc chảy máu khi người bệnh đi đại tiện.

Bệnh trĩ là một vấn đề sức khỏe phổ biến và thường xuất hiện ở người bệnh ăn ít chất xơ hoặc không luyện tập thể dục thể thao. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể dẫn đến các đợt táo bón lặp lại nhiều lần và gây áp lực, căng thẳng khi đi đại tiện.

Biện pháp phân biệt bệnh trĩ nội và trĩ ngoại

Sự khác biệt chính giữa trĩ nội và trĩ ngoại thường liên quan đến vị trí và các dấu hiệu đặc trưng. Cụ thể, để phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại, người bệnh có thể tham khảo một số đặc điểm như:

1. Vị trí

Khác biệt lớn nhất giữa trĩ nội  và trĩ ngoại là vị trí phát bệnh.

– Bệnh trĩ nội:

Trĩ nội là bệnh trĩ phát triển bên trong trực tràng. Người bệnh không thể nhìn thấy trĩ nội bằng mắt thường do búi trĩ nằm sâu bên trong trực tràng.

Trong một số trường hợp bệnh trĩ nội có thể gây sưng và chảy máu ở hậu môn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trĩ nội không nghiêm trọng và có xu hướng tự cải thiện sau một thời gian.

Hình ảnh bệnh trĩ nội độ 1
Trĩ nội là bệnh trĩ phát triển bên trong trực tràng và thường không gây đau

– Bệnh trĩ ngoại:

Trĩ ngoại là bệnh lý xuất hiện ở bên ngoài hậu môn, trực tiếp tác động lên bề mặt hậu môn. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy nhưng trĩ ngoại có thể dẫn đến hình thành những khối u, túi trĩ bên ngoài hậu môn.

Trĩ ngoại có thể gây đau đớn nghiêm trọng, đặc biệt là khi người bệnh ngồi hoặc đi tiêu. Đôi khi búi trĩ ngoại có thể sưng lên, có màu xanh và giãn các tĩnh mạch ở bề mặt da hậu môn. Điều này có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ huyết khối.

Thông thường trĩ ngoại cũng không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện nếu các dấu hiệu trĩ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

2. Dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của bệnh trĩ là gây đau hậu môn và chảy máu, đặc biệt là khi đi đại tiện. Tuy nhiên, người bệnh có thể phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại thông qua một số triệu chứng như:

– Bệnh trĩ nội:

Bệnh trĩ nội hình thành bên trong trực tràng mà người bệnh không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không cảm thấy đau hoặc khó chịu, bởi vì khu vực này có rất ít dây thần kinh.

Tuy nhiên, bệnh trĩ nội có một số dấu hiệu nhận biết đặc trưng như:

  • Có máu trên phân hoặc giấy vệ sinh hoặc máu dính trên bồn cầu.
  • Các mô hậu môn có thể bị sưng, phình ra bên ngoài. Điều này có thể làm tổn thương hậu môn và gây đau, đặc biệt là khi người bệnh đi đại tiện.
  • Sa búi trĩ xuất hiện khi bệnh phát triển ở giai đoạn sau của bệnh trĩ nội. Người bệnh có thể nhận thấy những vết sưng, ẩm ướt, có màu hồng ở bên ngoài hậu môn. Búi trĩ thường có thể tự co trở lại bên trong hậu môn ngay cả khi người bệnh không tác động.
Hậu môn bình thường và hậu môn bị trĩ
Bệnh trĩ ngoại có thể gây đau đớn khi người bệnh ngồi hoặc đi đại tiện

– Bệnh trĩ ngoại:

Trĩ ngoại xảy ra ở khu vực da xung quanh hậu môn, nơi có nhiều dây thần kinh cảm giác. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đau đớn
  • Chảy máu từ hậu môn
  • Ngứa
  • Sưng

Trong một số trường hợp, một cục máu đông có thể hình thành ở các búi trĩ ngoại. Tình trạng này được gọi là trĩ huyết khối, có thể gây đau đớn nghiêm trọng, ngứa và chảy máu. Khi cục máu đông này tan ra, người bệnh có thể cảm nhận được các vết sẹo, điều này có thể gây ngứa hoặc kích ứng hậu môn.

3. Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại qua từng giai đoạn

Bên cạnh vị trí và các triệu chứng cơ bản, người bệnh có thể phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại qua từng giai đoạn. Cụ thể sự khác nhau của hai loại bệnh trĩ như sau:

– Bệnh trĩ nội:

  • Giai đoạn một: Búi trĩ hình thành bên trong ống hậu môn
  • Giai đoạn hai: Búi trĩ có thể sa ra khỏi hậu môn và tự co lên ngay sau đó
  • Giai đoạn ba: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn và người bệnh cần dùng tay để đẩy búi trĩ vào trong
  • Giai đoạn bốn: Búi trĩ sa hẳn ra ngoài và không thể co vào trong

– Bệnh trĩ ngoại:

  • Giai đoạn một: Búi trĩ hình thành ở bên ngoài mép hậu môn hoặc ngay lỗ hậu môn
  • Giai đoạn hai: Búi trĩ phát triển lớn có thể kèm theo các đường tĩnh mạch trĩ bao quanh
  • Giai đoạn ba: Búi trĩ có thể đạt đến kích thước nhất định, gây tắc lỗ hậu môn, tắc mạch hoặc chảy máu
  • Giai đoạn bốn: Có thể gây ra bệnh trĩ huyết khối, gây đau đớn nghiêm trọng hoặc tăng nguy cơ viêm nhiễm hậu môn.

Trĩ nội và trĩ ngoại bệnh nào nặng hơn, nguy hiểm hơn?

Bệnh trĩ nội và trĩ ngoại là hai loại bệnh trĩ phát triển ở các vị trí khác nhau cũng như có đặc điểm và tính chất khác nhau. Cả hai loại bệnh trĩ này đều có nhiều nguy cơ tiềm ẩn và các biến chứng nghiêm trọng như nhau.

Rất khó để xác định bệnh trĩ nội hay bệnh trĩ ngoại nghiêm trọng hơn. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào các giai đoạn bệnh cũng như biện pháp chăm sóc, điều trị của người bệnh.

Dấu hiệu bệnh trĩ
Cả trĩ nội và trĩ ngoại đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng

Cả trĩ nội và trĩ ngoại đều có 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 và 2 được xem là không nghiêm trọng và có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, giai đoạn 3 và 4, bệnh trĩ có nhiều nguy cơ biến chứng và nhiều biến chứng khác nhau.

Các biến chứng phổ biến thường bao gồm nhiễm trùng, áp xe hậu môn, bội nhiễm, thiếu máu, tắc nghẽn hậu môn,…

Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh trĩ, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra nếu nhận thấy các triệu chứng bệnh.

Biện pháp điều trị bệnh trĩ nội và trĩ ngoại

Các triệu chứng của bệnh trĩ nội và trĩ ngoại thường có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh trĩ gây khó chịu, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị như:

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Các trường hợp đau nhẹ, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng bằng các phương pháp tại nhà như:

Cách chữa bệnh trĩ nội và trĩ ngoại
Thay đổi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ cải thiện bệnh trĩ nội và trĩ ngoại
  • Bổ sung nhiều chất xơ: Ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên chất. Điều này có thể hỗ trợ làm mềm và tăng số lượng phân. Điều này có thể hạn chế căng thẳng khi đi vệ sinh và cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ.
  • Ngâm nước ấm: Người bệnh có thể giảm đau và cải thiện tình trạng khó chịu bằng cách ngâm hậu môn hoặc tắm bằng nước ấm 15 – 20 phút mỗi ngày.
  • Chườm lạnh: Chườm một túi nước đá hoặc khăn lạnh vào hậu môn có thể giảm viêm và hỗ trợ cải thiện các cơn đau.
  • Lau hậu môn nhẹ nhàng: Sau khi đi đại tiện người bệnh nên lau hậu môn nhẹ nhàng bằng khăn giấy mềm, khăn lau cho trẻ em hoặc bông ngâm nước ấm. Tránh chà xát hậu môn bằng các chất tẩy rửa khác, điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sử dụng sản phẩm giảm đau không kê đơn: Người bệnh có thể sử dụng Acetaminophen, Ibuprofen hoặc Aspirin để cải thiện các cơn đau và khó chịu.

Thông thường các triệu chứng bệnh trĩ có thể được cải thiện trong vòng một tuần sau khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Nếu các cơn đau không được cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng, vui lòng đến gặp bác sĩ chuyên môn.

2. Điều trị y tế

Nếu bệnh trĩ gây khó chịu nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị tại chỗ như thuốc mỡ, thuốc đạn hoặc các miếng dán hậu môn. Các loại thuốc này thường có chứa hydrocortison và lidocain để giảm đau hoặc ngứa tạm thời.

Nếu tình trạng không được cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật như:

  • Thắt dây cao su: Thủ thuật này sử dụng một dây cao su thắt xung quanh gốc búi trĩ và ngăn ngừa máu lưu thông đến búi trĩ. Điều này có thể thu nhỏ và khiến búi trĩ tự biến mất sau đó.
  • Tiêm xơ búi trĩ: Đây là thủ thuật tiêm thuốc hoặc hóa chất trực tiếp vào búi trĩ hoặc khu vực xung quanh. Giải pháp này có thể ngăn ngừa lưu lượng máu đến búi trĩ và xung quanh búi trĩ, khiến búi trĩ co lại và tự biến mất.
  • Đông máu: Kỹ thuật này sử dụng tia hồng ngoại, laser hoặc lưỡng cực để đông cứng và khiến búi trĩ teo nhỏ lại và tự biến mất. Đông máu thường ít tác dụng phụ và không gây khó chịu.
  • Phẫu thuật cắt trĩ: Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ búi trĩ. Mặc dù có thể dẫn đến nhiều đau đớn nhưng phương pháp này có thể mang lại hiệu quả đối với cả trĩ nội và trĩ ngoại.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh trĩ nội và trĩ ngoại không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.