Mụn trứng cá là gì? Nguyên nhân và các loại thường gặp

Mụn trứng cá gây ảnh hưởng đến khoảng 80% thanh thiếu niên, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì. Hầu hết các trường hợp mụn trứng cá không nghiêm trọng và có thể chăm sóc tại nhà hoặc thuốc không kê đơn. Tuy nhiên những người bị mụn trứng cá lâu dài nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là tình trạng phổ biến ở tuổi dậy thì

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là thuật ngữ y tế mô tả tình trạng lỗ chân lông bị tắc do dầu thừa và tế bào chết. Lỗ chân lông bị tắc có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro như:

  • Sản xuất quá nhiều dầu (bã nhờn)
  • Vi khuẩn
  • Kích thích tố ngoài môi trường
  • Tế bào da chết
  • Lông mọc ngược

Thông thường mụn trứng cá thường ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Tuy nhiên, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, người thường xuyên thức đêm hoặc rối loạn nội tiết tố.

Thông thường mụn trứng cá thường không nghiêm trọng và có thể điều trị tại nhà hoặc với các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên những người bị mụn lâu ngày hoặc mụn trứng cá nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mụn trứng cá có thể gây thậm hoặc sẹo da. Do đó, tìm hiểu các loại mụn và nguyên nhân gây mụn là cách tốt nhất để hạn chế các rủi ro không mong muốn.

Các loại mụn trứng cá phổ biến

Mụn trứng cá được phân loại phụ thuộc và các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Cụ thể, mụn trứng cá được phân loại thành mụn viêm và mụn không viêm.

1. Mụn trứng cá không viêm

Mụn trứng cá không viêm bao gồm mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Các loại mụn nào thường không viêm, sưng và thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tại nhà hoặc thuốc không kê đơn.

mụn trứng cá không viêm
Mụn đầu đen và mụn đầu trắng là mụn trứng cá không viêm
  • Mụn đầu trắng: Là thuật ngữ y tế chỉ những đốm nhỏ màu trắng hoặc màu da người được hình thành khi các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Mụn đầu trắng thường giống như một vết sưng nhỏ, nhô ra khỏi bề mặt da bên dưới lỗ chân lông. Mụn đầu trắng thường khó điều trị do lỗ chân lông đóng lại. Tuy nhiên, tình trạng này thường có thể điều trị bằng axit salicylic hoặc retinoids và không để lại sẹo.
  • Mụn đầu đen: Là tình trạng xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn do sự kết hợp của bã nhờn và các tế bào da chết. Phần đỉnh của lỗ chân lông vẫn mở, mặc dù phần còn lại bị tắc. Do đó, mụn đầu đen thường dẫn đến những đốm sưng nhỏ, màu đen hoặc tối màu dưới dạng những vết sưng nhỏ. Mụn đầu đen đôi khi là tình trạng mụn đầu trắng đã mở rộng, tiếp xúc với không khí và chuyển màu.

2. Mụn trứng cá viêm

Mụn trứng cá viêm là tình trạng nghiêm trọng hơn và có nhiều khả năng biến chứng như để lại sẹo thâm hoặc sẹo rỗ. Các loại mụn trứng cá viêm phổ biến có thể bao gồm:

Các loại mụn trứng cá viêm
Các loại mụn trứng cá viêm có thể dẫn đến sẹo thâm và sẹo lõm
  • Mụn sần: Đây là các nốt sưng dưới bề mặt da, rắn chắc, mềm mại, có màu hồng và phát triển lớn theo thời gian. Vùng da xung quanh nốt mụn sần thường hơi sưng và đỏ.
  • Mụn mủ: Mụn mủ là những nốt mụn lớn, mềm mại với vùng trung tâm tròn có thể xác định được. Không giống như mụn sẩn, mụn mủ chứa đầy mủ màu trắng hoặc vàng, sưng đau, có nền màu hồng hoặc đỏ.
  • Mụn nhọt: Đây là một dạng mụn nghiêm trọng, hình thành ở sâu bên dưới da và thường không thể điều trị tại nhà. Mụn nhọt thường trông giống như mụn sần như lớn hơn, sâu hơn và không có trung tâm có thể nhìn bằng mắt thường. Mụn nhọt đòi hỏi điều trị y tế và thuốc theo toa. Người bệnh tránh tử xử lý mụn nhọt tại nhà, điều này có thể gây tổn thương các mô, dẫn đến sẹo thâm và sẹo lõm.
  • U nang: U nang là dạng mụn trứng cá không phổ biến, hình thành khi các lỗ chân lông bị tắc do sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và các tế bào da chết. U nang là dạng nhiễm trùng nặng thường rất đau đớn và dễ để lại sẹo. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được hướng dẫn và xử lý phù hợp.

Ngoài ra trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể gặp tình trạng mụn trứng cá ác tính. Đây là dạng tổn thương viêm đỏ, có mủ, hình thành sâu dưới da và có thể dẫn đến áp xe. Bệnh nhân bị mụn trứng cá ác tính có thể kèm theo sốt, tăng bạch cầu, đau khớp, đau cơ bắp và một số dấu hiệu toàn thân khác. trong trường hợp này, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Mụn trứng cá là sự kết hợp của hormone, dầu và vi khuẩn. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ cũng như phong cách sống khác nhau, cụ thể bao gồm:

1. Nguyên nhân cơ bản

Ở tuổi dậy thì, một loại hormone gọi là androgen tăng lên đột ngột, khiến các tuyến bã nhờn sản xuất nhiều chất nhờn. Thông thường, dầu nhờn, tế bào da chết sẽ đi qua các lỗ chân lông và ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu bã nhờn, tế bào da và vi khuẩn gây tắc nghẽn nang lông sẽ dẫn đến mụn trứng cá.

Ở độ tuổi trưởng thành, những hormone này có thể giảm và ổn định, mụn sẽ tự cải thiện và biến mất. Tuy nhiên, có khoảng 40% phụ nữ mụn trứng cá có thể kéo dài đến độ tuổi 40. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:

Nguyên nhân gây mụn
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến mụn thường là do tăng tiết bã nhờn
  • Sản xuất nhiều bã nhờn: Bã nhờn được các nang lông sản xuất để dưỡng ẩm cho da, tóc và móng tay. Tuy nhiên đôi khi bã nhờn được sản xuất quá mức, điều này dẫn đến tắc nghẽn các lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến hình thành mụn.
  • Sự phát triển quá mức của vi khuẩn P.acnes: Thông thường vi khuẩn P.acnes tồn tại với một số lượng nhất định trên da. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn có thể tăng sinh, gây viêm ở các nang lông và gây mụn.
  • Tắc nghẽn lỗ chân lông: Tuyến bã nhờn và các tế bào lỗ chân lông sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể theo định kỳ. Đôi khi lỗ chân lông có thể bị tắc nghẽn khiến bụi bẩn, bã nhờn tích tụ ở lỗ chân lông, dẫn đến kích ứng và viêm.

2. Yếu tố khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn

Bên cạnh các nguyên nhân cơ bản, một số yếu tố có thể khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể các yếu tố nguy cơ bao gồm:

Các loại mụn trứng cá
Mụn thường phổ biến ở độ tuổi dậy thì
  • Hormone: Ở tuổi dậy thì việc thay đổi hormone có thể dẫn đến tăng tiết bã nhờn và gây mụn. Phụ nữ mang thai, sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất bã nhờn và gây mụn.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Các loại thuốc có chứa corticosteroid, testosterone hoặc lithium có thể tăng nguy cơ bị mụn.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Chế độ ăn uống nhiều sữa, thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, khoai tây chiên, có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nghiên cứu cho biết, chocolate cũng có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Căng thẳng: Căng thẳng, stress, rối loạn nghỉ ngơi có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Yếu tố ít ảnh hưởng đến mụn trứng cá

Đôi khi mụn trứng cá được cho là có liên quan đến chế độ ăn uống cũng như thiếu vệ sinh da. Tuy nhiên các yếu tố này thường không hoặc ít khi gây ảnh hưởng đến mụn.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Thức ăn nhiều dầu mỡ không trực tiếp dẫn đến mụn trứng cá
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Tiêu thụ thức ăn nhiều dầu mỡ không hoặc ít khi gây ảnh hưởng đến mụn trứng cá. Tuy nhiên làm việc ở một khu vực nhiều dầu mỡ, chẳng hạn như nhà bếp có thùng chiên, có thể khiến dầu mỡ dính vào da và ngăn chặn các nang lông. Điều này gây kích ứng da và thúc đẩy quá trình hình thành mụn trứng cá.
  • Vệ sinh: Mụn trứng cá không phải do da bẩn. Trên thực tế việc chà xát hoặc vệ sinh da bằng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh có thể khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Mỹ phẩm: Mỹ phẩm đôi khi không làm nặng thêm tình trạng mụn, đặc biệt là khi bạn sử dụng sản phẩm không chứa dầu và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên, một số loại mỹ phẩm có thể can thiệp vào quá trình trị mụn và có thể khiến tình trạng mụn trở nghiêm trọng hơn, đặc biệt là các loại mỹ phẩm kém chất lượng.

4. Các yếu tố rủi ro

Một số yếu tố rủi ro có thể tăng nguy cơ bị mụn trứng cá bao gồm:

  • Độ tuổi: Mụn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở tuổi dậy thì.
  • Thay đổi nội tiết tố: Những thay đổi về nội tiết tố ở thanh thiếu niên, phụ nữ, thiếu nữ và sử dụng một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ bị mụn. Một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ bị mụn bao gồm cả những loại thuốc có chứa corticosteroid, androgen hoặc lithium.
  • Lịch sử gia đình: Nếu có cha hoặc mẹ bị mụn trứng cá, nguy cơ thường cao hơn người khác.
  • Các chất nhờ hoặc dầu: Nguy cơ bị mụn cũng tăng lên đối với người thường xuyên tiếp xúc với các loại dầu, kèm hoặc mỡ trong khu vực làm việc.
  • Stress: Căng thẳng không gây ra mụn nhưng có thể khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Massage hoặc tạo áp lực lớn lên da: Điều này có thể liên quan đến các thiết bị như điện thoại, mũ bảo hiểm, cổ áo cao hoặc các loại ba lô ma sát lớn.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp người bệnh bị mụn trứng cá vô căn, không thể xác định được nguyên nhân.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường phổ biến ở mặt, trán, cằm, ngực, lưng và vai, do các khu vực này thường tập trung nhiều bã nhờn. Các triệu chứng có thể từ nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng.

Nặn mụn trứng cá
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết phụ thuộc vào loại mụn

Các dấu hiệu nhận biết phụ thuộc vào loại mụn và mức độ nghiêm trọng của mụn như:

  • Mụn đầu trắng: Da sần sùi, lỗ chân lông kín
  • Mụn đầu đen: Lỗ chân lông mở, khu vực mụn tối màu hoặc màu đen
  • Mụn sẩn: Hình thành các nốt sưng đỏ, nhỏ
  • Mụn mủ: Là những nốt mụn lớn, sưng đau và có mủ màu trắng hoặc vàng
  • U nang: Là khối u lớn, rắn chắc, đau đớn hình thành bên dưới bề mặt da
  • Tổn thương nang lông nghiêm trọng, bên trong chứa đầu mủ và hình thành nhiều nốt mụn có thể là dấu hiệu mụn trứng cá ác tính

Dấu hiệu nhận biết các dạng bệnh mụn trứng cá bao gồm:

  • Mụn trứng cá nhẹ: Hình thành ít hơn 20 nốt mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng.
  • Mụn trứng cá vừa phải: Số lượng mụn đầu đen và mụn đầu trắng lớn hơn. Có thể kèm theo mụn viêm, mụn nhọt.
  • Mụn trứng cá nghiêm trọng: Hình thành các khu vực mụn lan rộng với nhiều nốt u sần, u nang, mụn mủ xem lẫn mụn đầu đen và mụn trứng cá. Mụn trứng cá nghiêm trọng có thể gây đau đớn dữ dội và tăng nguy cơ hình thành sẹo.

Mụn trứng cá khi nào cần đến bệnh viện?

Hầu hết các trường hợp mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình có thể được khắc phục tại nhà mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên nếu mụn kéo dài hơn 4 – 8 tuần, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Cách điều trị mụn trứng cá
Đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp

Bên cạnh đó, trao đổi với bác sĩ da liễu nếu xuất hiện các triệu chứng như:

  • Mụn trở nên nghiêm trọng, số lượng nhiều, gây đau đớn dữ dội
  • Không đáp ứng các loại thuốc không kê đơn
  • Mụn lớn và đau đớn
  • Tiết nhiều mủ
  • Vỡ ra và chảy nhiều máu
  • Chiếm diện tích lớn trên khuôn mặt hoặc các vị trí khác trong cơ thể
  • Hình thành ở các khu vực nhạy cảm như mắt hoặc môi

Ngoài ra, nếu nghi ngờ mụn nang hoặc mụn trứng cá ác tính, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn phù hợp.

Biện pháp điều trị mụn trứng cá

Hầu hết các trường hợp, mụn trứng cá được điều trị tại nhà và thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu mụn không được cải thiện trong 4 – 8 tuần, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc kê đơn. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc và phương pháp điều trị mụn, hạn chế sẹo và ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

1. Thuốc bôi

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi ngoài da hoặc kem bôi trị mụn như:

Phát ban mụn trứng cá
Thông thường mụn được điều trị bằng các loại kem thoa
  • Retinoids hoặc các loại thuốc có hoạt chất tương tự như Retinoids: Các loại thuốc Retinoids có nguồn gốc từ vitamin A là loại thuốc phổ biến được chỉ định để điều trị mụn trứng cá. Thuốc được sử dụng vào buổi tối, với liều khởi đầu là 3 lần mỗi tuần, sau đó là mỗi ngày sau khi đã quen với thuốc.
  • Axit salicylic: Có tác dụng ngăn ngừa các nang lông bị tắc nghẽn và có thể ngăn ngừa hình thành mụn trứng cá.
  • Axit azelaic: Axit Azelaic là một loại axit tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn, được tìm thấy ở ngũ cốc nguyên hạt và một số động vật. Một số sản phẩm chứa 20% axit azelaic có thể được sử dụng để điều trị mụn thông thường trong 2 – 4 tuần. Tác dụng phụ thường bao gồm thay đổi màu da và kích ứng nhẹ.
  • Kháng sinh: Có thể được chỉ định để tiêu diệt vi khuẩn dư thừa gây mụn và hạn chế tình trạng viêm, sưng trên bề mặt da. Trong vài tháng đầu khi điều trị, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng kết hợp kháng sinh và retinoid để tăng cường hiệu quả điều trị. Kháng sinh thường không được chỉ định sử dụng đơn độc.
  • Dapsone: Dapsone 5% có thể được sử dụng 2 lần mỗi ngày đối với trường hợp mụn trứng cá viêm nặng, đặc biệt là ở phụ nữ đã trưởng thành.

2. Thuốc uống

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống kết hợp để điều trị mụn trứng cá. Các loại thuốc phổ biến thường phổ biến:

Kháng sinh:

  • Đối với mụn trứng cá từ nhẹ, trung bình đến nặng, bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng sinh đường uống để giảm vi khuẩn và chống viêm. Thông thường, loại kháng sinh thường được sử dụng là tetracycline. Kháng sinh cần được sử dụng trong một thời gian nhất định để tránh tình trạng kháng kháng sinh.
  • Bên cạnh đo, kháng sinh thường được chỉ định kết hợp với retinoids tại chỗ để tăng hiệu quả điều trị và tránh tình trạng kháng kháng sinh.
  • Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau dạ dày, chóng mặt, tăng độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
thuốc uống mụn trứng cá
Đôi khi bác sĩ có thể kê thuốc uống kết hợp để điều trị mụn

Thuốc tránh thai:

  • Một số loại thuốc tránh thai có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ. Các loại thuốc này thường không có tác dụng trong vài tháng, do đó người bệnh có thể cân nhắc sử dụng thuốc trị mụn khác trong vài tuần đầu để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Thuốc chống androgen:

  • Các loại thuốc này thường được cân nhắc chỉ định ở phụ nữ và thiếu nữ vị thành niên nếu kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa nội tiết tố androgen trong tuyến bã nhờn và tránh hình thành mụn.
  • Tác dụng phụ bao gồm đau ngực và đau bụng kinh dữ dội.

Isotretinoin:

  • Isotretinoin là thuốc trị mụn đường uống tác dụng mạnh được sử dụng cho người bệnh mụn nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
  • Isotretinoin là thuốc uống trị mụn trứng cá hiệu quả cao. Tuy nhiên, thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm loét đại tràng, tăng nguy cơ trầm cảm, dẫn đến suy nghĩ tự tử hoặc dị tật bẩm sinh khi sinh con.

Trên thực tế, tác dụng phụ của Isotretinoin có thể nghiêm trọng đến mức những người cần dùng Isotretinoin nên được theo dõi bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.

3. Liệu pháp thay thế

Bên cạnh thuốc bôi và thuốc uống, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp thay thế để hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Cụ thể, các liệu pháp phổ biến bao gồm:

Liệu pháp ánh sáng trị mụn
Liệu pháp ánh sáng được sử dụng để điều trị các bệnh về da, bao gồm mụn
  • Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp này sử dụng ánh sáng quang học để điều trị các tình trạng ngoài da như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, viêm da cơ địa, chàm hoặc viêm da tiết bã. Để điều trị mụn trứng cá, bác sĩ sẽ sử dụng ánh sáng lam – đỏ hoặc ánh sáng xanh để cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa sẹo và kích thích tăng sinh các tế bào da mới.
  • Peel da hóa học: Đây là phương pháp áp dụng lặp lại một số chất hóa học, như axit salicylic, axit glycolic hoặc axit retinoic để cải thiện mụn trứng cá. Điều này có thể hỗ trợ thay da mới, điều trị mụn, vết thâm mụn và sẹo.
  • Tiêm Steroid: Các dạng mụn nghiêm trọng như u nang hoặc tổn thương hạch có thể được điều trị bằng cách tiêm steroid trực tiếp vào khu vực mụn. Liệu pháp này có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng và hỗ trợ giảm đau. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể bao gồm gây mỏng da và nhạy cảm với ánh sáng.

4. Khắc phục tại nhà

Người bị mụn trứng cá có thể kiểm soát mụn tại nhà với các bước chăm sóc da cơ bản như:

Kem trị mụn trứng cá
Giữ vệ sinh da phù hợp để hỗ trợ điều trị mụn 
  • Vệ sinh khu vực mụn nhẹ nhàng: Rửa mặt hoặc vệ sinh khu vực nổi mụn mỗi ngày hai lần bằng xà phòng nhẹ và nước ấm. Nếu bạn có xu hướng phát triển mụn trứng cá xung quanh chân tóc, hãy gội đầu mỗi ngày cho đến khi mụn được cải thiện. Tránh các sản phẩm có thể gây kích ứng da và làm se da. Các sản phẩm này có thể kích ứng da và khiến mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng.
  • Sử dụng sản phẩm trị mụn không kê đơn: Một số sản phẩm có thể làm khô dầu thừa và thúc đẩy điều trị mụn như benzoyl peroxide. Các sản phẩm khác có chứa axit salicylic, axit glycolic hoặc axit alpha hydroxy, có thể giúp trị mụn trứng cá nhẹ và vừa. Có thể mất khoảng vài tuần để các sản phẩm mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, tác dụng phụ có thể bao gồm gây ban đỏ, khô da, đóng vảy, đặc biệt là trong tuần sử dụng đầu tiên.
  • Tránh các chất gây kích ứng: Hạn chế sử dụng mỹ phẩm chứa dầu, kem chống nắng, sản phẩm làm tóc hoặc các loại kem che khuyết điểm. Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc nước để tránh gây kích ứng da và mụn.
  • Tránh ma sát lên da: Hạn chế chà sát và bảo vệ da khỏi tiếp xúc với các vật dụng như điện thoại di động, mũ bảo hiểm, vòng cổ, dây đeo hoặc balo để hạn chế kích ứng và mụn.
  • Tránh chạm lên khu vực bệnh: Điều này có thể hạn chế kích ứng da và hạn chế nguy cơ để lại sẹo sau mụn.
  • Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Trong một số trường hợp, ánh nắng mặt trời có thể khiến mụn trứng các trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng. Do đó, người bệnh cần che chắn cẩn thận và tránh ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt.

Tắm sau các hoạt động đổ mồ hôi: Dầu thừa và mồ hôi trên da có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn. Do đó, tắm sau các hoạt động đổ nhiều mồ hôi để ngăn ngừa mụn.

5. Các biện pháp thiên nhiên

Nhiều biện pháp điều trị mụn trứng cá từ các thảo dược thiên nhiên có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro. Cụ thể các biện pháp bao gồm:

điều trị mụn trứng cá tại nhà
Sử dụng tinh dầu tràm trà có thể hỗ trợ điều trị các loại mụn
  • Tinh dầu tràm trà: Dầu cây trà có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên và có thể tiêu diệt P. acnes, vi khuẩn gây mụn trứng cá. Người dùng có thể sử dụng kem, gel hoặc chiết xuất tinh dầu tràm trà để cải thiện các triệu chứng. Nếu sử dụng tinh dầu nguyên chất, luôn luôn pha loãng tinh dầu với các loại dầu vận chuyển như dầu ô liu, dầu dừa để tránh gây kích ứng da.
  • Dầu jojoba: Các chất sáp có trong dầu jojoba có thể cải thiện làn da bị tổn thương, tăng tốc độ chữa lành các vết thương, bao gồm mụn trứng cá. Người dùng có thể cho thêm dầu jojoba vào mặt nạ đất sét và thoa lên nốt mụn để cải thiện các triệu chứng.
  • Nha đam: Nha đam có tính kháng khuẩn, chống viêm và làm giảm sự xuất hiện của mụn trứng cá. Người dùng có thể thoa một lớp mỏng gel nha đam hoặc sản phẩm có chứa ít nhất 10% chiết xuất nha đam để cải thiện tình trạng mụn.
  • Trà xanh: Trà xanh chứa nồng độ cao các chất chống oxy hóa, có tác dụng phá vỡ các hóa chất và chất thải để đảm bảo sức khỏe của da. Người dùng có thể uống trà thường xuyên hoặc thoa chiết xuất trà xanh lên khu vực mụn để cải thiện các triệu chứng.

Mụn trứng cá là tình trạng phổ biến ở thanh thiếu niên có thể kéo dài vài tuần hoặc đến khi trưởng thành. Mặc dù hiếm khi gây nguy hiểm nhưng người bị mụn nên có biện pháp xử lý phù hợp để tránh gây sẹo và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.