Hội chứng dạ dày tá tràng bao gồm những gì? Cách phòng ngừa

Hội chứng dạ dày tá tràng là thuật ngữ y tế đề cập đến các triệu chứng bất thường xảy ra ở dạ dày và ruột non. Điều trị hội chứng này phụ thuộc vào phân loại, nguyên nhân, giai đoạn phát triển và biểu hiện lâm sàng ở từng trường hợp cụ thể.

Hội chứng dạ dày tá tràng
Hội chứng dạ dày tá tràng là gì?

Hội chứng dạ dày tá tràng là gì? Phân loại

Hội chứng dạ dày tá tràng là thuật ngữ y tế đề cập đến các triệu chứng xảy ra ở dạ dày và ruột non như buồn nôn, nôn mửa, đau thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, ăn uống kém, ợ hơi, ợ chua, chướng bụng,… Hội chứng này có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người trẻ tuổi và người trung niên.

Dựa vào nguyên nhân, hội chứng dạ dày tá tràng được chia 2 loại chính:

  • Hội chứng dạ dày tá tràng chức năng: Phân loại này được xác định khi các triệu chứng khởi phát do ruột non và dạ dày hoạt động bất thường nhưng không đi kèm với tổn thương thực thể (viêm, trợt loét, thủng, chảy máu hay có khối u).
  • Hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý: Các triệu chứng khởi phát do dạ dày và tá tràng xuất hiện tổn thương thực thể. Hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý có thể xảy ra do ung thư, polyp dạ dày, viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng.

Ngoài khác biệt về nguyên nhân, hội chứng dạ dày tá tràng chức năng và bệnh lý còn khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm và hướng điều trị.

Thông thường, hội chứng dạ dày tá tràng cơ năng chỉ gây ra các triệu chứng lâm sàng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng không đe dọa đến sức khỏe tổng thể. Ngược lại hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề hoặc thậm chí gây tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng dạ dày tá tràng

điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng bất thường ở dạ dày và ruột non như ợ hơi, đầy bụng,…

Hội chứng dạ dày tá tràng đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

  • Đau thượng vị (cơn đau khởi phát ở vùng bụng trên rốn, xuất hiện chủ yếu khi bụng đói hoặc ăn quá no)
  • Mức độ đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, thuyên giảm nhanh hoặc kéo dài dai dẳng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ợ hơi, ợ chua sau khi ăn
  • Ăn uống kém, đầy hơi và khó tiêu
  • Có cảm giác nhanh no

Các triệu chứng này kéo dài có thể gây ra tình trạng lười ăn, sụt cân, thể trạng mệt mỏi, xanh xao và suy nhược. Đối với trẻ nhỏ, trẻ thường có phản ứng quấy khóc, bỏ bú và cáu gắt khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở dạ dày và ruột non.

Nguyên nhân gây hội chứng dạ dày tá tràng

Hội chứng dạ dày tá tràng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng này:

1. Nguyên nhân gây hội chứng dạ dày tá tràng chức năng

Nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng dạ dày tá tràng chức năng vẫn chưa được xác định. Một số giả thuyết cho rằng, hoạt động bất thường của dạ dày và ruột non có thể là hệ quả do rối loạn thần kinh hoặc ảnh hưởng của các bệnh tiêu hóa khác (nhiễm khuẩn đường ruột, phẫu thuật cơ quan tiêu hóa,…).

Đối với hội chứng dạ dày tá tràng chức năng, xét nghiệm X-Quang và nội soi dạ dày đều không nhận thấy tổn thương thực thể ở niêm mạc. Trong trường hợp này, bác sĩ thường đưa ra chẩn đoán là bệnh viêm dạ dày nhẹ.

2. Nguyên nhân gây hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý

Hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý thường có nguyên nhân cụ thể. Ngoài ra, nguy cơ mắc hội chứng này cũng có thể tăng lên nếu một số yếu tố cộng hưởng.

điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là tác nhân chính gây ra hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý

Một số nguyên nhân có thể gây hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý, bao gồm:

  • Vi khuẩn Hp: Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương ở thực quản, dạ dày và tá tràng. Khi xâm nhập vào cơ quan tiêu hóa, vi khuẩn này sản sinh men urease nhằm trung hòa dịch vị, phá vỡ màng nhầy và kích thích phản ứng viêm ở niêm mạc. Vi khuẩn Hp được xem là tác nhân chính gây viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm: Hội chứng dạ dày tá tràng cũng có thể khởi phát do lạm dụng thuốc kháng viêm như corticoid và NSAID. Nhóm thuốc này ức chế prostaglandin ở dạ dày khiến màng nhầy bị phá vỡ, tạo điều kiện cho HCl trong dịch vị ăn mòn và xâm lấn các mô. Lạm dụng thuốc chống viêm có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng hoặc thậm chí là xuất huyết dạ dày.
  • Lạm dụng rượu bia: Ethanol trong rượu có thể khiến nồng độ axit trong dịch vị tăng lên, gây kích thích và ăn mòn niêm mạc. Lạm dụng rượu bia có thể gây ra ổ viêm loét ở dạ dày, ruột non và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Hội chứng này xảy ra khi cơ thể có nhiều khối u gastrin hơn bình thường. Khối u này sản sinh ra hormone gastrin và kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị. Axit dạ dày được bài tiết quá mức chính là nguyên nhân dẫn đến hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý cũng có thể khởi phát do một số yếu tố cộng hưởng như:

  • Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh (hay bỏ bữa, ăn uống quá mức, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, vận động ngay sau khi ăn, dùng thực phẩm sống,…)
  • Tác động từ một số bệnh lý khác như viêm ruột thừa, sởi, cúm, viêm phế quản, xơ gan, suy thận,…
  • Có thói quen hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích
  • Thuộc nhóm máu O và có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa
  • Cơ địa nhạy cảm và thường xuyên dị ứng với thức ăn
  • Tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng

Do xuất hiện tổn thương thực thể nên hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý có mức độ nguy hiểm hơn so với hội chứng dạ dày tá tràng chức năng. Nếu không can thiệp điều trị và loại trừ các yếu tố thuận lợi, tổn thương ở dạ dày và ruột non có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Các phương pháp điều trị hội chứng dạ dày tá tràng

Điều trị hội chứng dạ dày tá tràng phụ thuộc vào phân loại, nguyên nhân và giai đoạn phát triển. Trước khi can thiệp điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi dạ dày, chụp X-Quang và xét nghiệm vi khuẩn Hp. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp cải thiện và khắc phục sau:

1. Thay đổi lối sống

Thay đối lối sống được chỉ định cho cả hội chứng dạ dày tá tràng chức năng và bệnh lý. Lối sống lành mạnh và khoa học có thể giảm nhẹ các triệu chứng ở đường tiêu hóa, cải thiện hoạt động của dạ dày, ruột non và hạn chế tiến triển của ổ viêm loét.

điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Ăn uống khoa học giúp cải thiện các triệu chứng bất thường ở dạ dày và ruột non

Lối sống khoa học giúp kiểm soát hội chứng dạ dày tá tràng, bao gồm:

  • Nên thay đổi một số thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn uống quá mức, nhịn ăn, ăn quá nhanh, sử dụng thức ăn sống, tái, vận động hoặc nằm ngay sau khi ăn, ăn khuya,…
  • Thiết lập các thói quen lành mạnh như ăn chậm nhai kỹ, ăn chín uống sôi, chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn uống điều độ và nghỉ ngơi sau khi ăn ít nhất 30 phút.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua, rau xanh, củ, trái cây, cá, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas và các loại thực phẩm khiến dạ dày tăng tiết axit như thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều axit, thực phẩm chứa hàm lượng đạm quá cao, gia vị cay nóng, dầu mỡ, chất béo động vật và muối, đường.
  • Thay đổi thói quen hút thuốc lá, đồng thời tránh tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất và kim loại nặng.
  • Vận động thường xuyên đem lại nhiều lợi ích đối với hoạt động tiêu hóa nói chung và hoạt động của dạ dày, ruột non nói riêng. Vì vậy bạn nên dành 20 – 30 phút/ ngày để thực hiện các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu,…
  • Căng thẳng có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của hội chứng dạ dày tá tràng. Vì vậy bạn nên kiểm soát stress và giải phóng các suy nghĩ tiêu cực bằng cách cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc và ngủ đủ giấc.

Thay đổi lối sống giúp kiểm soát hoàn toàn hội chứng dạ dày tá tràng chức năng. Tuy nhiên đối với hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý, lối sống lành mạnh chỉ góp phần cải thiện triệu chứng, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và ngăn chặn tổn thương ở dạ dày, ruột non tiến triển nặng. Vì vậy nếu khởi phát do thương tổn thực thể, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với sử dụng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là biện pháp y tế chính trong điều trị hội chứng dạ dày tá tràng. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ thương tổn ở niêm mạc, xác định nguyên nhân gây bệnh và cân nhắc về các biểu hiện lâm sàng để chỉ định loại thuốc phù hợp.

điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Nếu có tổn thương thực thể, nên sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng và phục hồi ổ viêm loét

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý, bao gồm:

  • Thuốc kháng axit (Aluminum hydroxide, Magnesium hydroxide)
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc (Sucralfate, Misoprostol, Bismuth)
  • Thuốc ức chế bơm proton (Esomeprazole, Rabeprazole, Omeprazole, Pantorazole)
  • Thuốc kháng histamine H2 (Famotidin, Ranitidin, Cimetidine)
  • Thuốc kháng thụ thể choline (Pirenzepine, Banthine và Probanthine)
  • Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp (Metronidazole/ Tidinazole, Amoxicillin, Clarithromycin, Tetracyclin)
  • Thuốc chống co thắt (Nospra, Spasmaverin)
  • Vitamin hỗ trợ (vitamin C, A, U, B1 và B6)

Đối với viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, sử dụng thuốc đem lại hiệu quả và cải thiện lâm sàng rõ rệt. Nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ, phương pháp này có thể tiệt trừ hoàn toàn vi khuẩn Hp, cải thiện triệu chứng và phục hồi ổ viêm loét ở niêm mạc dạ dày, ruột non chỉ sau 4 – 8 tuần.

3. Can thiệp ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được chỉ định khi hội chứng dạ dày tá tràng xảy ra do hội chứng Zollinger-Ellison, ung thư/ polyp dạ dày hoặc viêm loét dạ dày tá tràng đã phát sinh biến chứng.

Các kỹ thuật ngoại khoa được chỉ định để điều trị hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ u gastrin
  • Phẫu thuật loại bỏ polyp hoặc khối u ác tính (có thể cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày để hạn chế di căn)
  • Khâu vết thủng dạ dày
  • Nội soi cầm máu trong trường hợp xuất hiện biến chứng xuất huyết dạ dày

Phòng ngừa hội chứng dạ dày tá tràng

Hội chứng dạ dày tá tràng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên phòng ngừa hội chứng này với biện pháp sau:

điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Kiêng rượu bia giúp phòng ngừa và ngăn chặn tiến triển của các bệnh lý ở đường tiêu hóa
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, lạm dụng cà phê, trà đặc, thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều axit,…
  • Tránh sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá và tiếp xúc với hóa chất.
  • Hạn chế tiếp xúc thân mật và ăn uống chung với người nhiễm vi khuẩn Hp. Đồng thời nên xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đất, nguồn nước nhiễm bẩn, trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn uống.
  • Chủ động thông báo tiền sử bệnh lý để tránh sử dụng thuốc chống viêm corticoid và NSAID. Trong trường hợp phải sử dụng các loại thuốc này, bác sĩ thường chỉ định kết hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc nhằm hạn chế nguy cơ viêm loét và xuất huyết dạ dày.
  • Kiểm soát căng thẳng, tránh lo âu và lao động quá mức.
  • Chủ động thăm khám và điều trị các bệnh lý có thể gây ra hội chứng dạ dày tá tràng như trầm cảm, rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn đường ruột,…
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn (polyp, ung thư, nhiễm vi khuẩn Hp).

Hội chứng dạ dày tá tràng là tình trạng tương đối phổ biến. Nếu không kịp thời điều trị, hội chứng này có thể gây ảnh hưởng đến thể trạng, sức khỏe tổng thể và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở dạ dày và ruột non, bạn nên thăm khám sớm, tích cực điều trị và chủ động phòng ngừa tái phát.