Đầu ngón tay bị tê, đau như kim châm là bệnh gì?

Tê tay là hiện tượng các ngón tay, bàn tay bị tê bì, đau nhức, bị châm chích khó chịu. Nếu các đầu ngón tay tê như kim châm trong một thời gian khá dài, thì cơ thể đang báo hiệu cho bạn một số vấn đề bệnh lý. Bài viết sẽ chỉ ra cho bạn những điều cần lưu ý khi bạn bị đau và tê đầu ngón tay.

Các đầu ngón tay bị tê khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu
Các đầu ngón tay bị tê khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu

Dấu hiệu nhận biết chứng tê bì đầu ngón tay?

Các dấu hiệu thường gặp của chứng tê bì đầu ngón tay đó là: 

  • Đầu ngón tay bị tê, đau râm ran như bị kim châm vào
  • Cảm giác hơi nóng ở đầu ngón tay
  • Các ngón tay bị nhức, mỏi, không có lực để cầm nắm đồ vật

Các triệu chứng đầu ngón tay bị tê như kim châm thường xảy ra khi bạn giữ nguyên một tư thế làm máu không lưu thông, các dây thần kinh bị chèn ép. Tình trạng tê chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn như một vài giờ, hoặc trong 1 ngày. 

Tuy nhiên đối với các trường hợp bị liên tục trong một vài tuần hoặc vài tháng thì nguyên nhân tê tay là do một loại bệnh lý nào đó gây ra.

Đầu ngón tay tê như kim châm do đâu?

Các đầu ngón tay bị tê là tín hiệu cho biết bên trong cơ thể của bạn đang gặp vấn đề bất thường nào đó. Hoặc bạn đang thực hiện các động tác liên quan tới tay sai cách, khiến vùng bàn tay, cánh tay bị tổn thương, gây ra triệu chứng tê tay. 

Những nguyên nhân gây ra hiện tượng các đầu ngón tay tê như kim châm bao gồm:

Nguyên nhân từ bên trong (các bệnh lý)

Đầu ngón tay bị tê như kim châm là biểu hiện của nhiều bệnh lý, chứ không phải một bệnh lý. Do đó, khi bị tê tay trong thời gian dài, bạn nên đi khám bác sĩ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Các đầu ngón tay bị tê như kim châm thường là dấu hiệu của một số bệnh lý
Các đầu ngón tay bị tê như kim châm thường là dấu hiệu của một số bệnh lý

Hội chứng ống cổ tay/ hội chứng chèn ép thần kinh giữa

Dấu hiệu nhận biết tê tay do hội chứng cổ ống tay đó là: Bị tê các đầu ngón tay trỏ và ngón giữa. Sau đó cảm giác tê lan ra cả bàn tay. Nguyên nhân là do các dây thần kinh cảm giác ở bàn tay bị tắc nghẽn/chèn ép gây ra cảm giác tê, châm chích.

Hội chứng có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, thường thì phụ nữ bị nhiều hơn đàn ông. Những đối tượng phụ nữ dễ bị tê tay như kim châm là:

  • Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh/mãn kinh
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai
  • Những người thường làm các công việc liên quan nhiều đến ngón tay, như nhân viên đánh máy tính, thợ thêu thùa, công nhân…

Những người bị tê tay do hội chứng ống cổ tay nên hạn chế cử động cổ tay. Bác sĩ có thể chỉ định nẹp cổ tay, cho sử dụng các loại thuốc đặc trị. Với các trường hợp bị nặng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.

Bị bệnh tiểu đường

Những người bị tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao. Đường trong máu cao sẽ gây ra biến chứng dây thần kinh ngoại biên. Dây thần kinh bị tổn thương gây ra triệu chứng tê tay, đau nhức như bị kim châm.

Khi bị tê tay do biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh có thêm triệu chứng bị mất thăng bằng, người mệt mỏi. Bởi vậy, nên kiểm soát đường huyết tốt và điều trị tiểu đường theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra.

Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 có tác dụng duy trì sự ổn định của các dây thần kinh. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12, các dây thần kinh sẽ bị rối loạn, làm cho các đầu ngón tay như bị kim châm.

Bệnh tê tay thường liên quan tới các dây thần kinh cảm giác ở bàn tay
Bệnh tê tay thường liên quan tới các dây thần kinh cảm giác ở bàn tay

Khi bị tê tay do nguyên nhân thiếu vitamin B12, bạn nên nhanh chóng bổ sung ngay bằng cách tăng cường ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin B12, như: Thịt bò, cá hồi, gan lợn, trứng, sữa…

Tuy vitamin B12 có rất ít trong thực vật, nhưng bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể. 

Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung bằng các viên uống thực phẩm chức năng có chứa vitamin B12. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn được sản phẩm phù hợp.

Tai biến mạch máu não

Tê tay cũng là một dấu hiệu của bệnh tai biến mạch máu não. Khi bạn cảm thấy tay bị tê, đau kèm triệu chứng chóng mặt, lực tay yếu, đau đầu bất thường… thì hãy gọi cấp cứu hoặc tới bệnh viện gần nhất. Đây là triệu chứng của tai biến mạch máu não nguy hiểm tới tính mạng.

Trên đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đầu ngón tay tê như kim châm. Một số các nguyên nhân khác cũng có thể gây nên tình trạng đầu ngón tay bị đau và tê như:

  • Viêm màng não
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Thoái đốt sống cổ
  • Hội chứng Raynaud
  • Viêm bàng quang
  • Bệnh Lyme
  • Bệnh Lupus
  • Bệnh nhân HIV giai đoạn 4

Nguyên nhân từ bên ngoài (ngoại lực tác động)

Ngoài các nguyên nhân xuất phát từ bên trong cơ thể kể trên, tê ngón tay còn có thể do nguyên nhân bên ngoài. Các ngoại lực tác động gây tê ngón tay phổ biến là:

Bị chấn thương ở tay

Khi tay bị chấn thương, các dây thần kinh ngoại biên bị tác động và tổn thương, khiến các đầu ngón tay bị tê như kim châm. Do vậy, khi bị chấn thương bạn không nên làm việc, vận động quá mạnh. 

Các đầu ngón tay làm việc nhiều

Các ngón tay phải hoạt động trong thời gian dài sẽ dễ bị tê cứng. Nguyên nhân này hay gặp ở công nhân bê vác vật nặng, nhân viên văn phòng gõ máy tính nhiều, thợ thêu thùa…

Nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng dễ bị tê tay do hoạt động các ngón tay nhiều.
Nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng dễ bị tê tay do hoạt động các ngón tay nhiều.

Đối với những người làm các công việc lao động nặng, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Hãy khởi động cổ tay và các khớp xương trước khi bắt tay vào làm việc bằng các bài tập nhẹ nhàng.

Giữ nguyên một tư thế quá lâu

Việc giữ nguyên một tư thế khá lâu sẽ khiến cho máu không lưu thông được do các mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép lại. Đó là lý do mà bạn bị tê tay khi: Chạy xe liên tục trong nhiều giờ, nằm ngủ một tư thế, kê đầu lên cánh tay, ngồi gõ máy tính liên tục mà không vận động, di chuyển…

Vì vậy, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi và xoa bóp bàn tay khi phải chạy xe. Đối với nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một tư thế quá lâu. Bạn nên đứng dậy, vươn vai và đi lại để máu được lưu thông tốt hơn. Khi ngủ, bạn không nên lấy tay kê đầu, mà hãy thả lỏng cả cơ thể để có giấc ngủ tốt hơn. 

Thời tiết

Một số người bị các bệnh về xương khớp sẽ dễ bị tê tay khi thời tiết chuyển mùa. Dân gian hay gọi là “trái gió trở trời” nên bị đau nhức.

Stress

Cơ thể bị stress, lo lắng, mệt mỏi cũng là một nguyên nhân khiến tay bị tê do các tế bào thần kinh ở bề mặt da bị kích thích, gây cảm giác ngứa, bị châm chích. Lúc này, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn để giảm stress. Đồng thời, bạn cũng nên có thể độ ăn uống lành mạnh và ngủ nghỉ điều độ để tăng sức đề kháng cho cơ thể. 

Chẩn đoán đầu ngón tay như bị kim châm

Ngoài xem xét các dấu hiệu đầu ngón tay bị tê bì, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán khác. Việc này nhằm để biết được tình trạng hiện tại của tay và nguồn gốc bệnh gây nên hiện tượng tê tay này.

Các phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)/chụp X-quang để xác định nguyên nhân có phải đến từ xương khớp hay không.
  • Xét nghiệm máu để biết nguyên nhân gây bệnh do cơ thể thiếu vitamin B12 hay không.
  • Điện cơ (EMG) đo tình trạng của cơ bắp và các tế bào thần kinh để biết nguyên nhân gây tê các đầu ngón tay có phải do các dây thần kinh, phần cơ bắp hay không. 

Khi bị tê tay hoặc tê bì chân tay liên tục trong thời gian dài, bạn nên đi tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị đúng cách, kịp thời cho từng bệnh nhân.

Biện pháp xử lý, phòng ngừa tình trạng tê bì đầu ngón tay

Đối với các trường hợp tê tay thông thường do hoạt động liên tục, giữ nguyên một tư thế trong thời gian lâu, thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi. Có thể thực hiện các động tác massage, hoặc ngâm tay trong nước ấm để giảm triệu chứng tê.

Đối với các trường hợp bị tê tay do bệnh lý, người bệnh nên đi khám. Bởi vì tê tay là dấu hiệu của nhiều loại bệnh. Mỗi bệnh lý có nguyên nhân và đặc điểm riêng. Do vậy, cần bác sĩ chẩn đoán để xác định chính xác loại bệnh, để có cách điều trị thích hợp.

Ví dụ:

  • Đối với bệnh lý hội chứng ống cổ tay, bạn có thể cần dùng các loại thuốc kháng viêm như NSAIDs hoặc corticoid. Đồng thời kết hợp bổ sung dưỡng chất có lợi cho các dây thần kinh, như vitamin B. Đối với những bệnh nhân nặng, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt dây chằng để giảm áp lực cho cổ tay. 
Các dây chằng ở cổ tay là nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay với dấu hiệu đặc trưng là tê các đầu ngón tay
Các dây chằng ở cổ tay là nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay với dấu hiệu đặc trưng là tê các đầu ngón tay
  • Đối với bệnh lý tiểu đường, người bệnh thường được điều trị bằng các loại thuốc kiểm soát lượng đường trong máu. Mục đích là để hạn chế tăng đường huyết, gây ức chế các dây thần kinh.

Để hạn chế tình trạng các đầu ngón tay bị tê, bạn cũng nên thực hiện một số cách phòng ngừa như sau:

  • Đối với những người làm các công việc sử dụng nhiều tới ngón tay, như nhân viên văn phòng, thợ thêu, người lao động chân tay… trước khi làm việc, nên thực hiện các động tác khởi động ngón tay. Trong quá trình làm việc, bạn nên dành thời gian cho đôi tay được nghỉ ngơi. Hãy xoa bóp các bàn tay và các đầu ngón tay cho máu lưu thông tốt hơn. 
  • Đối với những người bị tê tay do cơ thể thiếu hụt vitamin B12, nên bổ sung bằng vitamin tổng hợp. Bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh cân đối giữa protein động vật và thực vật, bổ sung nhiều rau xanh, củ quả. Chế độ ăn này giúp cho sức đề kháng của bạn tốt hơn và góp phần hạn chế các bệnh lý gây tê tay. 
  • Bạn nên tránh thực hiện các tư thế gây tê tay như gối đầu lên tay để ngủ, nằm nguyên một tư thế, chạy xe liên tục trong nhiều giờ liền…

Trên đây là một vài thông tin giải thích cho hiện tượng các đầu ngón tay tê như kim châm mà bạn nên biết để có cách điều trị và phòng bệnh đúng cách, bảo vệ sức khỏe bản thân mình.