Đầu ngón chân bị khô nứt: Nguyên nhân, cách khắc phục

Đầu ngón chân bị khô nứt là một tình trạng phổ biến có thể gây ngứa, căng da và thậm chí là đau đớn. Người bệnh nên dưỡng ẩm thường xuyên, tẩy tế bào chết để ngăn ngừa tình trạng hình thành vết chai và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Đầu ngón chân bị khô nứt
Đầu ngón chân bị khô nứt có thể cải thiện bằng cách tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm thường xuyên

Tại sao đầu ngón chân bị khô nứt?

Đầu ngón chân bị khô nứt nẻ xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Thông thường điều này có thể là triệu chứng da khô, kích ứng nhưng cũng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tay, chân và môi và các khu vực da đặc biệt dễ khô và bị nứt nẻ. Tuy nhiên, các nguyên nhân có thể không giống nhau. Cụ thể các nguyên nhân có thể khiến đầu ngón chân khô nứt bao gồm:

1. Nguyên nhân tác động từ môi trường

Các yếu tố tác động vào môi trường là nguyên nhân phổ biến nhất có thể khiến da khô, nứt nẻ. Cụ thể, các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ cơ thể bao gồm:

Đầu ngón chân bị tróc da
Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất có thể dẫn đến khô và nứt nẻ da chân
  • Thiếu độ ẩm: Da đầu ngón chân khô nứt nẻ hoặc bong tróc là tình trạng phổ biến, vì những vùng da này thường ít các tuyến dầu hơn các khu vực khác trên cơ thể.
  • Đi giày không phù hợp: Đứng quá lâu hoặc đi giày không vừa vặn có thể dẫn đến áp lực lên các khu vực cụ thể của bàn chân hoặc gây ma sát da. Điều này có thể khiến một số vùng da ở chân, đặc biệt là gót chân và đầu ngón chân, khô, chai sạn hoặc nứt nẻ.
  • Nhiệt độ và độ ẩm cao: Đi giày kín, chẳng hạn như giày thể thao có thể tạo ra một môi trường nóng và ẩm ướt. Nhiệt độ cao có thể hút ẩm từ làn da, dẫn đến da khô, nứt nẻ hoặc dày lên.
  • Ảnh hưởng bởi xà phòng: Một số loại xà phòng và sữa tắm chứa hóa chất mạnh có thể gây kích ứng da và làm mất độ ẩm tự nhiên trên da. Bên cạnh đó, không rửa sạch xà phòng thừa trên da cũng có thể dẫn đến các triệu chứng đầu ngón chân bị khô nứt nẻ.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc lợi tiểu, có thể dẫn đến khô da và nứt nẻ ở chân hoặc đầu các ngón chân.
  • Lão hóa: Theo thời gian, da mất đi khả năng giữ nước tự nhiên, điều này khiến da trở nên mỏng và mất độ căng. Những người lớn tuổi thường dễ bị khô da do quá trình lão hóa tự nhiên.
  • Độ ẩm quá mức: Đôi khi da chân thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm quá mức có thể dẫn đến kích ứng và khô. Điều này thường xảy ra ở những người đổ mồ hôi nhiều khi mang tất chân hoặc đi giày ẩm ướt.

2. Tác động của một số bệnh lý

Bên cạnh tác động từ môi trường, một số tình trạng đầu ngón chân bị khô nứt nẻ có thể liên quan đến một số bệnh lý trong cơ thể, chẳng hạn như:

Nứt đầu ngón chân
Nứt đầu ngón chân có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm da
  • Nấm nông ở chân: Bệnh nấm nông ở chân hoặc nấm da chân là một bệnh nhiễm trùng nấm dẫn đến phát ban giữa các ngón chân, đầu ngón chân và bên dưới lòng bàn chân.
  • Bệnh chàm: Chàm là thuật ngữ chỉ một ngón các tình trạng viêm da. Bệnh chàm có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm các đầu ngón chân. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh chàm bao gồm xuất hiện các mảng da khô, nứt nẻ, đóng vảy hoặc ngứa ngáy khó chịu.
  • Bệnh vẩy nến: Vẩy nến là một tình trạng tự miễn dịch mãn tính, có thể dẫn đến các mảng da dày, khô và đóng vảy. Vẩy nến có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả các đầu ngón chân.
  • Bệnh thần kinh đái tháo đường: Người bệnh đái tháo đường (hay tiểu đường) không kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều tiết dầu ở chân và độ ẩm ở các ngón chân, dẫn đến tình trạng da đầu ngón chân khô nứt nẻ hoặc bong tróc.
  • Suy giảm hoạt động của tuyến giáp: Những người bị suy giáp có thể có chân khô, do tuyến giáp không sản xuất các tuyến mồ hôi ở chân và bàn chân. Điều này khiến đầu ngón chân khô và có thể bị nứt nẻ.

Đầu ngón chân bị khô nứt có nguy hiểm không?

Đầu ngón chân bị khô nứt có thể tự cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.

khô nứt đầu ngón chân
Khô nứt đầu ngón chân có thể gây đau khi đứng hoặc đi bộ

Nếu không được xử lý phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Chảy máu ở đầu ngón chân
  • Tổn thương da sâu
  • Hình thành sẹo
  • Nhiễm trùng da do vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm mô tế bào
  • Đau khi đứng hoặc đi bộ

Cách khắc phục tình trạng đầu ngón chân bị khô nứt

Có nhiều biện pháp khác nhau có thể hỗ trợ điều trị tình trạng da khô nứt nẻ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các điều trị tại nhà hoặc đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

1.  Tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng có thể loại bỏ các tế bào da chết và khô trên bề mặt da. Phương pháp này tương đối phù hợp để cải thiện các triệu chứng khô da và nứt nẻ ở bàn chân, các ngón chân hoặc gót chân.

Để tẩy tế bào chết cho da, người bệnh có thể tham khảo một số bước như:

  • Ngâm chân trong nước khoảng 20 phút
  • Sử dụng xơ mướp hoặc đá bọt chà nhẹ lên vùng da khô
  • Vỗ nhẹ cho da khô và thoa kem dưỡng ẩm
  • Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần mỗi tuần để cải thiện làn da

2. Ngâm chân

Ngâm chân trong nước ấm có thể hỗ trợ làm dịu da và làm mềm các đầu ngón chân khô. Bên cạnh đó, ngâm chân cũng có thể hỗ trợ cải thiện lưu thông máu đến chân, ngăn ngừa da khô và nứt nẻ trong tương lai.

Da bàn chân bị khô và bong tróc
Ngâm chân có thể hỗ trợ làm mềm da và cải thiện các triệu chứng khô nứt đầu ngón chân

Thêm một lượng giấm nhỏ vào nước ngâm chân có thể hỗ trợ điều trị các dạng nhẹ của bệnh nấm da chân. Giấm có đặc tính kháng khuẩn mạnh, có thể hỗ trợ khử trùng bàn chân và thậm chí là khử mùi hôi chân.

Ngoài ra, người bệnh có thể thêm một số thành phân diệt khuẩn vào nước ngâm chân, chẳng hạn như:

  • Muối
  • Mật ong
  • Bột yến mạch
  • Nước chanh
  • Tinh dầu bạc hà

3. Sử dụng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm

Da khô có thể gây ra hoặc khiến các triệu chứng nứt nẻ đầu ngón chân trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, điều quan trọng là giữ nước và ngăn ngừa tình trạng khô da ở đầu ngón chân. Người bệnh có thể thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm ở chân và các đầu ngón chân để hỗ trợ cấp ẩm cho da.

Sử dụng thuốc mỡ và kem dưỡng ẩm, bởi vì các sản phẩm này thường có xu hướng hiệu quả hơn trong việc giữ ẩm cho da. Một số sản phẩm dưỡng ẩm cho da phổ biến bao gồm:

  • Kem dưỡng ẩm CeraVe
  • Kem dưỡng ẩm La Roche – Posay

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần dưỡng ẩm như:

  • Dầu jojoba
  • Dầu dừa
  • Dầu ô liu
  • Bơ hạt mỡ

Thoa kem dưỡng ẩm 2 – 3 lần mỗi ngày, kể cả sau khi tắm để tăng hiệu quả điều trị. Khi thoa tập trung vào các đầu ngón chân khô và nứt nẻ.

4. Dầu khoáng

Dầu khoáng là sản phẩm điều trị các vết nứt nẻ bằng cách làm kín da và bảo vệ da. Vaseline là sản phẩm dầu khoáng phổ biến có tác dụng dưỡng ẩm và bảo vệ da hiệu quả cao.

Da móng chân khô
Sử dụng Vaseline có thể làm ẩm và mềm da đầu ngón chân

Để sử dụng dầu khoáng với để làm ẩm da, người bệnh tham khảo các bước sau:

  • Thoa dầu khoáng lên các đầu ngón chân khô và nứt nẻ
  • Che khu vực tổn thương bằng băng, gạc y tế
  • Lặp lại các thao tác 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm để tăng cường hiệu quả điều trị

Dầu khoáng đặc biệt hiệu quả đối với làn da khô. Tuy nhiên trước khi sử dụng sản phẩm, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh tình trạng dị ứng da.

5. Kem hydrocortisone tại chỗ

Kem hydrocortisone tại chỗ có thể là một lựa chọn hiệu quả cao để điều trị tình trạng đầu ngón chân khô nứt nẻ có các mảng da ngứa hoắc đỏ. Các sản phẩm này có chứa corticoid, có tác dụng giảm kích ứng và sưng tấy.

Kem hydrocortisone có sẵn ở các mức độ khác nhau. Thông thường hydrocortisone không kê đơn thường có nồng độ thấp và được phân phối tại các nhà thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên đối với các loại kem hydrocortisone nồng độ mạnh, người bệnh có thể cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên môn.

Khi sử dụng hydrocortisone tại chỗ, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Thoa kem hydrocortisone lên vùng da cần điều trị và thoa thêm một lớp kẽm dưỡng để tăng cường hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, trước khi sử dụng kem hydrocortisone tại chỗ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Biện pháp phòng ngừa đầu ngón chân bị khô nứt

Để cải thiện và phòng ngừa tình trạng đầu ngón chân bị khô nứt nẻ, người bệnh có thể tham khảo một số mẹo như sau:

phòng ngừa đầu ngón chân bị khô nứt
Đi giày vừa vặn để tránh gây kích ứng và tổn thương da chân
  • Thực hành vệ sinh chân đúng cách, bao gồm làm sạch chân, loại bỏ các tế bào da chết, giữ ẩm da và giữ da ngậm nước bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm.
  • Tránh các sản phẩm dưỡng da, xà phòng và sữa tắm có chứa cồn, hương thơm, các loại màu hóa chất bổ sung và các chất kích ứng tiềm ẩn khác.
  • Sử dụng nước ấm, thay vì nước nóng khi tắm hoặc ngâm chân để tránh làm mất độ ẩm tự nhiên và khô da.
  • Không chà xát mạnh khi làm khô da, thay vào đó nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn sạch.
  • Đi giày vừa vặn, thoáng khí.

Đầu ngón chân bị khô nứt khi nào cần đến bệnh viện?

Hầu hết các trường hợp đầu ngón chân bị khô nứt có thể tự cải thiện tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng không được cải thiện sau 2 tuần hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện nếu xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Chảy máu
  • Xuất hiện mủ
  • Da trở nên đỏ, khó chịu hoặc đau đớn hơn
  • Ngứa dữ dội
  • Sốt

Trong nhiều trường hợp, đầu ngón chân bị khô nứt có thể bị viêm, kích ứng và dẫn đến các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số tình trạng y tế, chẳng hạn như bệnh chàm, suy giáp hoặc tiểu đường, có thể gây khô da ở đầu ngón chân và cần điều trị để tránh các rủi ro không mong muốn.

Những người có làn da ở đầu ngón chân khô nghiêm trọng nên cân nhắc đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.