Đau lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Đau lưng là hiện tượng đau ở vùng lưng rất phổ biến. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó chủ yếu là vấn đề về xương khớp. Ngoài ra, đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm. Vậy chẩn đoán và điều trị hiện tượng này thế nào? 

Đau lưng là gì?

Đau lưng là hiện tượng rất hay gặp phải ở người trưởng thành. Theo nghiên cứu khoa học, có khoảng 90% người trưởng thành có triệu chứng đau lưng và có đến 50% trong số đó bị đau kéo dài trong nhiều năm.

Đây là tình trạng đau ở vùng lưng trong thời gian ngắn hoặc có thể kéo dài. Lưng được chia làm 4 phần: phần lưng trên, phần lưng giữa, phần lưng dưới (thắt lưng) và phần xương cụt.

Trong đó, hiện tượng đau thắt lưng (đau lưng dưới) là hiện tượng thường gặp nhất bởi khu vực thắt lưng là khu vực nâng đỡ toàn bộ phần thân trên của cơ thể.

Có 90% người trưởng thành có các triệu chứng đau lưng
Có 90% người trưởng thành có các triệu chứng đau lưng

Có 3 dạng đau lưng thường gặp như sau:

  • Đau lưng mãn tính: Triệu chứng đau thường kéo dài trên 12 tuần.
  • Đau lưng bán cấp tính: Nếu các triệu chứng đau kéo dài từ 6 đến 12 tuần.
  • Đau lưng cấp tính: Nếu các triệu chứng kéo dài dưới 6 tuần.

Các cơn đau thường bắt nguồn từ các cơ, xương khớp vùng lưng, các dây thần kinh và mô mềm trong cột sống. Các dạng đau và triệu chứng đau phụ thuộc vào bệnh lý người bệnh gặp phải. Một số trường hợp đau lưng có thể lan sang tay chân gây tê bì chân tay.

Triệu chứng nhận biết đau lưng

Đau lưng có thể do hiện tượng căng cơ, các vấn đề xương khớp ở lưng hoặc là dấu hiệu của các bệnh lý. Vì thế, nên nhận biết các triệu chứng để có thể giúp các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán bệnh.

Đau âm ỉ, đau nhức nhối, cảm giác nóng rát ở lưng, đau thấu xương và lan sang các vùng khác trên cơ thể là các triệu chứng thường gặp ở người bị đau lưng.

Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau kèm theo các vết thương trên lưng: Hiện tượng này có thể gặp phải sau chấn thương như ngã, tai nạn giao thông ảnh hưởng đến các mô mềm dưới lưng hoặc nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến cột sống.
  • Đau kèm tê bì chân tay: Cảm giác đau cùng với nóng rát ở lưng hoặc có thể có cảm giác bị châm chích chân tay.
  • Sốt: Đau kèm theo sốt có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tổn thương vùng lưng.
  • Đau kéo dài: Cảm giác đau kéo dài trên 2 tuần có thể là dấu hiệu bệnh lý đau lưng.
  • Tiểu tiện, đại tiện thiếu kiểm soát: Đây cũng là triệu chứng của bệnh đau lưng có thể gặp phải khi xảy ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh ở tủy sống ảnh hưởng đến hoạt động của ruột và bàng quang.

Nguyên nhân gây đau lưng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lưng. Có nguyên nhân do tác động cơ học, có nguyên nhân do vấn đề về cơ xương khớp và cũng có các nguyên nhân do các yếu tố sức khỏe của cơ thể và tình trạng bệnh lý tác động. Hiểu được nguyên nhân gây bệnh là cách tìm ra biện pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân chính

Các nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau lưng là:

  • Do tác động cơ học

Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến đau lưng. Các tác động cơ học như chấn thương, tai nạn ảnh hưởng nhiều đến cơ, xương khớp và các mô mềm dưới lưng. Dưới các lực tác động, những bộ phần này bị ảnh hưởng gây nên hiện tượng đau nhức.

Tai nạn gây ra các vấn đề về xương khớp
Tai nạn gây ra các vấn đề về xương khớp

Nếu chấn thương phần mềm các cơn đau sẽ giảm dần và biến mất theo thời gian, nhưng nếu chấn thương phần cứng có thể cần đến các biện pháp điều trị.

  • Do các bệnh lý về thần kinh

Đau lưng do các bệnh lý về thần kinh thường xuất hiện cơn đau kèm theo hiện tượng nóng ran, ngứa và tê cứng lưng. Các bệnh lý thần kinh gây ra đau ở vùng lưng là: Hẹp động mạch chủ, thoát vị đĩa đệm… gây chèn ép rễ dây thần kinh.

  • Do các bệnh lý không liên quan đến dây thần kinh

Các bệnh lý không liên quan đến dây thần kinh có thể tác động dẫn tới hiện tượng đau lưng là: Những nhiễm trùng nghiêm trọng ở vùng lưng, các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, loãng lương, gãy xương, viêm khớp cột sống hoặc ung thư di căn và những người có bệnh lý về thận…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ

Bên cạnh các nguyên nhân chính, một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ đau lưng như sau:

  • Lười vận động, lối sống thiếu lành mạnh khiến cơ thể uể oải, đau lưng ở người trẻ.
  • Những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ đau nhiều hơn.
  • Những người hút thuốc lá, gặp áp lực và căng thẳng trong công việc, cuộc sống cũng có thể gặp phải tình trạng này.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng thường gặp phải hiện tượng đau thắt lưng.
  • Nằm ngồi sai tư thế cũng có thể là tác động cơ học dẫn đến đau lưng.
  • Ngoài ra, yếu tố về tuổi tác cũng làm tăng nguy cơ gây đau lưng.

Chẩn đoán bệnh khi bị đau lưng

Khi có dấu hiệu đau lưng cấp tính hoặc kéo dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị. Các bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp chẩn đoán để xác định tình trạng đau từ đó tìm ra nguyên nhân và các bệnh lý đang tồn tại để đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Khi có các dấu hiệu đau kéo dài cần được thăm khám và điều trị
Khi có các dấu hiệu đau kéo dài cần được thăm khám và điều trị

Các phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện là:

  • Xét nghiệm máu để xác định nguy cơ nhiễm trùng.
  • Chụp X quang để đánh giá các tổn thương bên trong cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI).
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).

Ngoài việc sử dụng các phương pháp xét nghiệm, chụp hình để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng và vị trí đau tìm ra nguyên nhân và xác định bệnh lý. Một số bệnh lý thường gặp khi có dấu hiệu như sau:

  • Đau lưng giữa có thể là biểu hiện của các bệnh: Thoái hóa cột sống, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương và các vấn đề khác liên quan đến cột sống.
  • Đau lưng bên phải có thể do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, rối loạn sacroiliac.
  • Đau lưng bên trái có thể do các bệnh lý về tim, thận, đau dây thần kinh liên sườn, giãn dây chằng cột sống.

Theo một số khảo sát, có khoảng 70% người bị đau lưng có các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa đốt sống. Đau lưng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý rất nguy hiểm chứ không đơn thuần là những đau nhức cơ học.

Vì vậy khi có dấu hiệu đau nhất là đau kéo dài, tái phát nhiều lần cần đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện lớn có uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Điều trị đau lưng thế nào?

Để giảm các cơn đau “hành hạ” người bệnh và điều trị bệnh lý dẫn đến hiện tượng đau ở lưng cần có phương pháp điều trị phù hợp. Có thể điều trị bằng thuốc, bằng phẫu thuật và sử dụng các mẹo dân gian để điều trị.

Mẹo dân gian chữa bệnh

Điều trị bằng các mẹo dân gian tại nhà giúp hỗ trợ giảm đau và giúp điều trị chứng đau ở lưng do một số tác động cơ học. Các mẹo dân gian trị đau thường được sử dụng là:

  • Chữa đau lưng bằng tỏi

Tỏi là dược liệu thiên nhiên giúp giảm đau rất hiệu quả. Có thể sử dụng tỏi trị đau lưng bằng cách nhai trực tiếp 2 nhánh tỏi khi các cơn đau khởi phát làm giảm triệu chứng. Ngoài ra có thể sử dụng dầu tỏi để xoa bóp vùng lưng bị đau giúp giảm đau hiệu quả.

  • Giảm đau bằng cách chườm lạnh hoặc chườm nóng

Khi cơn đau xuất hiện, người bệnh có thể sử dụng khăn ấm, khăn lạnh chườm vào vùng đau giúp làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả.

Giảm đau bằng cách chườm nóng hoặc lạnh
Giảm đau bằng cách chườm nóng hoặc lạnh
  • Sử dụng nghệ làm giảm đau

Hoạt chất cucurmin trong nghệ được coi là thuốc giảm đau rất hiệu quả. Vì thế sử dụng nghệ thường xuyên vừa giúp giảm đau vừa ngăn ngừa đau lưng tái phát.

Dùng nghệ chữa giảm đau như sau: Pha bột nghệ với nước ấm, có thể cho một chút mật ong để dễ uống, uống đều đặn hàng ngày trong khoảng 1 tháng.

Lưu ý: Các phương pháp điều trị bằng mẹo dân gian tại nhà chỉ giúp làm giảm các triệu chứng đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu chứ không có tác dụng điều trị các bệnh lý gây ra hiện tượng này.

Điều trị đau lưng theo Tây y

Điều trị theo Tây y là phương pháp điều trị phổ biến vừa làm giảm các triệu chứng đau, vừa điều trị căn nguyên gây bệnh. Các phương pháp điều trị theo Tây y gồm có nội khoa dùng thuốc và ngoại khoa can thiệp phẫu thuật.

Điều trị theo nội khoa dùng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng đau, việc sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng là phương pháp thường được sử dụng giúp bệnh nhân giảm đau, kháng viêm.

Dùng thuốc giảm đau và giãn cơ làm giảm các cơn đau
Dùng thuốc giảm đau và giãn cơ làm giảm các cơn đau
  • Nhóm thuốc giảm đau

Nhóm thuốc giảm đau có 3 mức độ: Nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3. Mỗi nhóm thuốc sử dụng cho các trường hợp đau và tính chất đau khác nhau.

Thuốc giảm đau nhóm 1 gồm các thuốc: Paracetamol, aspirin và thuốc kháng viêm không chứa steroid điều trị các cơn đau nhẹ đến vừa có tác dụng trong thời gian ngắn.

Thuốc giảm đau nhóm 2 gồm các thuốc có opioid yếu như tramadol, codein. Nhóm này sử dụng cho các cơn đau trung bình.

Thuốc giảm đau nhóm 3 điều trị các cơn đau nghiêm trọng mà người bệnh không đáp ứng với thuốc giảm đau nhóm 1 và 2. Thuốc giảm đau nhóm 3 phổ biến nhất là morphine làm giảm các cơn đau do ung thư gây ra. Thuốc có thể gây nghiện và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

  • Nhóm thuốc kháng viêm

Nhóm thuốc kháng viêm là nhóm NSAIDs gồm các loại thuốc như: Diclofenac, Aspirin, Ibuprofen… giúp kháng viêm và giảm đau ngoại vi, thích hợp điều trị các chứng đau do bong gân, giãn dây chằng…

  • Nhóm thuốc giãn cơ

Nhóm thuốc giãn cơ giúp chống co cứng lưng và làm cơ lưng được thư giãn. Nhóm thuốc này gồm thuốc chống co thắt và chống co cứng lưng.

Điều trị bằng phẫu thuật

Phương pháp nội khoa điều trị bằng phẫu thuật được sử dụng điều trị các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm. Sử dụng phương pháp phẫu thuật khi đã điều trị nội khoa dài ngày không khỏi, các bệnh lý làm chèn ép dây thần kinh cột sống, thoát vị đĩa đệm… gây ra hiện tượng đau dai dẳng.

Các phương pháp phẫu thuật thường dùng là: Phẫu thuật nội soi cột sống, phẫu thuật mổ (có thể mổ mở hoặc mổ qua ống banh).

Chữa đau lưng bằng Đông y

Chữa đau lưng bằng Đông y là phương pháp điều trị được nhiều người thực hiện. Theo Đông y, tình trạng này là hiện tượng xảy ra do ứ huyết, phong hàn hoặc thận hư. Điều trị bằng Đông y có thể sử dụng các bài thuốc uống và các biện pháp châm cứu, bấm huyệt.

Các bài thuốc Đông y

Các bài thuốc Đông y thường dùng các dược liệu từ tự nhiên, có tính ấm giúp giảm đau từ bên trong, có tác dụng chậm và lâu dài. Vì thế nếu sử dụng phương pháp này cần kiên trì sử dụng để đạt hiệu quả.

  • Bài thuốc chữa đau lưng do phong hàn thấp

Nguyên liệu: Ma hoàng, đại táo, khương hoạt, cam thảo, độc hoạt, cảo bản, xuyên khung, mạn kinh tử, quế chi.

Cách thực hiện: Phơi khô các nguyên liệu, sao vàng và sắc thuốc uống hàng ngày. Có thể sắc cùng với vài lát gừng để dễ uống.

  • Bài thuốc chữa đau lưng do thấp nhiệt

Nguyên liệu: Hoàng bá, khương truật.

Cách thực hiện: Tán các nguyên liệu trên thành bột mịn, pha với nước cốt gừng, sử dụng 3 lần/ngày. Mỗi lần chỉ nên sử dụng 15gr nguyên liệu.

Các bài thuốc đông y chữa những cơn đau do ứ huyết
Các bài thuốc đông y chữa những cơn đau do ứ huyết
  • Bài thuốc chữa đau lưng do thận hư

Nguyên liệu: Hoài sơn, thục địa, trạch tả, bạch thược, đơn bì, cam thảo, sơn thù, đương quy, đại táo, bạch linh.

Cách thực hiện: Sắc đều các nguyên liệu trên, sử dụng 1 thang thuốc mỗi ngày để đạt hiệu quả.

Châm cứu chữa đau lưng

Châm cứu là phương pháp đưa kim châm cứu vào mạch máu trên cơ thể giúp cơn đau giảm dần và có thể giảm hẳn.

Phương pháp này khá an toàn và hiệu quả, không gây đau đớn và hạn chế để lại biến chứng. Tuy nhiên cần châm cứu tại các cơ sở y học cổ truyền có uy tín với các bác sĩ giàu kinh nghiệm để tránh nguy cơ bị liệt, méo mồm…

Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp trong đông y giúp làm giãn cơ, giảm co cứng và co thắt cơ, bấm huyệt giúp lưu thông khí huyết giúp giảm đau hiệu quả. Thực hiện phương pháp này có thể giúp giảm đau tại chỗ nhanh chóng, tăng lưu thông, tuần hoàn máu và tốt cho khớp.

Những lưu ý khi điều trị đau lưng

Dù điều trị bằng các phương pháp nào cũng cần quan tâm đến các lưu ý sau để hỗ trợ điều trị bệnh và giảm đau hiệu quả:

  • Khi có các dấu hiệu đau lưng, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán, xác định được nguyên nhân gây đau từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
  • Cải thiện tư thế nằm, ngồi, mang vác vật nặng đúng cách tránh ảnh hưởng đến cột sống làm giảm nguy cơ gây bệnh.
  • Bổ sung vitamin D tốt cho cấu tạo và hoạt động của xương khớp.
  • Khi lựa chọn các phương pháp điều trị cần kiên trì. Nếu kết hợp sử dụng các phương pháp cần có sự tham vấn của bác sĩ để tránh tương tác thuốc.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường tập luyện cơ thể, vận động nhiều, rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với cơ địa và sức khỏe.
Tập luyện thể thao vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân
Tập luyện thể thao vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân

Ngoài ra, việc xây dựng một thực đơn bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể cũng giúp điều trị chứng bệnh hiệu quả. Người bệnh nên ăn gì, kiêng gì để giảm đau lưng hiệu quả?

Bị đau lưng nên ăn gì?

  • Ăn nhiều cá biển, hải sản giúp bổ sung omega 3 làm giảm đau, kháng viêm hiệu quả, bổ sung canxi cho xương.
  • Tăng cường ăn rau xanh và trái cây giúp xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Nên ăn các loại hạt như hạt sen, đậu đen, óc chó.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng làm giảm đau, bổ sung canxi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Thực phẩm không nên ăn khi bị đau lưng?

  • Đồ uống có cồn, các chất kích thích là nhóm đồ uống cần tránh nếu không muốn bị đau.
  • Có thể hạn chế các thức ăn nhiều đạm như các loại thịt đỏ tránh gây loãng xương và đau đớn vì bệnh gout.
  • Không nên ăn các loại thức ăn nhanh và thức ăn chứa nhiều dầu mỡ bởi đây là nguyên nhân gây béo phì, làm tăng nguy cơ đau.

Trên đây là tổng quan về tình trạng đau lưng, các dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị. Hy vọng qua bài viết, người đọc hiểu thêm về tình trạng này từ đó tìm ra cách điều trị phù hợp để có một sức khỏe tốt và cuộc sống an toàn, hạnh phúc.