Đau họng sổ mũi nhức đầu là do đâu, làm sao khỏi?

Bộ ba triệu chứng đau họng sổ mũi nhức đầu thường xuất hiện cùng nhau, cảnh báo cơ thể đang gặp một hay nhiều vấn đề sức khỏe nào đó. Vậy đau họng sổ mũi nhức đầu là dấu hiệu bệnh gì, cách khắc phục như thế nào? Đọc ngay ở bài viết dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây đau họng sổ mũi nhức đầu
Có nhiều nguyên nhân gây đau họng sổ mũi nhức đầu

Đau họng sổ mũi nhức đầu là triệu chứng bệnh gì?

Đau họng sổ mũi nhức đầu không phải là bệnh. Thực tế, chúng là những dấu hiệu, triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó. Tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây:

Cảm lạnh và cúm

Sổ mũi là triệu chứng phổ biến của cả cảm lạnh và cúm. Virus là “thủ phạm” phổ biến gây ra 2 bệnh này. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó có thể gây kích ứng mũi và cổ họng. Điều này khiến chất lỏng tích tụ trong xoang và đường thở, khiến niêm mạc bị viêm, sưng.

Áp lực và sưng trong xoang có thể dẫn đến đau đầu. Bên cạnh đó, các triệu chứng cúm khác, chẳng hạn như sốt, cũng có thể gây đau đầu.

Các triệu chứng cảm lạnh và cúm có nhiều nét tương đồng, ngoài đau họng sổ mũi nhức đầu, bệnh nhân còn có thể gặp các triệu chứng khác:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau mắt
  • Ăn không ngon miệng

Cảm lạnh có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày mà không cần điều trị bằng thuốc. Người mắc cảm lạnh vẫn có thể sinh hoạt, làm việc bình thường và không quá ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống.

Trong khi đó, cảm cúm có mức độ nguy hiểm cao hơn. Bệnh nhân cảm cúm phải nghỉ ngơi nhiều hơn do kiệt sức, mệt mỏi. Khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thể, phụ nữ đang cho con bú hoặc những người đang mắc bệnh mãn tính…

Bệnh nhân có thể tái nhiễm cúm nhiều lần trong năm. Tiêm vắc xin mỗi năm là cách hiệu quả nhất giúp phòng tránh cúm.

Viêm xoang

Viêm xoang là kết quả của tình trạng viêm hoặc sưng niêm mạc hô hấp lót trong các xoang. Niêm mạc xoang bị sưng khiến các chất lỏng trong xoang bị kẹt lại bên trong, tạo áp lực lên các xoang. Đó là lý do vì sao người bệnh viêm xoang thường bị đau nhức đầu.

Khi bị viêm xoang, dịch viêm từ xoang sẽ chảy xuống mũi, gây sổ mũi. Chúng cũng có thể chảy theo đường mũi sau xuống họng, kích thích niêm mạc hầu họng và gây đau họng.

Các triệu chứng khác của viêm xoang là:

  • Khó thở bằng mũi
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Nước mũi đặc, có màu vàng hoặc màu xanh lá cây
  • Đau, sưng quanh mắt, má và mũi
  • Áp lực hoặc đau ở trán tăng lên khi cúi xuống
  • Đau tai
  • Ho

Nếu viêm xoang do virus, bệnh sẽ sớm thuyên giảm trong 2 – 3 tuần. Nhưng nếu dịch lỏng tích tụ kéo dài, xoang cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Lúc này, việc điều trị viêm xoang cũng trở nên phức tạp hơn.

Viêm xoang là căn bệnh rất dễ gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi mà không trừ bất cứ ai
Viêm xoang là căn bệnh rất dễ gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi mà không trừ bất cứ ai

Mức độ nguy hiểm của viêm xoang còn tùy thuộc vào từng đối tượng, thể trạng người bệnh cũng như vị trí xoang bị viêm nhiễm.

Viêm xoang ở trẻ nhỏ dễ dẫn tới viêm tai giữa và các bệnh đường hô hấp, viêm họng mãn tính và viêm phế quản. Xoang sàng, xoang hàm và xoang trán có thể gây ra biến chứng ở mắt, tăng nguy cơ giảm thị lực hoặc mù lòa. Viêm xoang tại sọ não có thể gây viêm màng não, áp xe não, viêm não… Ngoài ra, viêm xoang nặng còn có thể gây biến chứng ở xương và viêm tắc tĩnh mạch hang.

Dị ứng

Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của con người phản ứng thái quá với các chất gây dị ứng. Phấn hoa, bụi bẩn, mạt bụi và lông vật nuôi là những chất gây dị ứng phổ biến nhất.

Nếu bạn bị dị ứng, phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể gây chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng, ho…

Dị ứng cũng có thể gây đau đầu. Điều này là hệ quả của nghẹt mũi hoặc xoang. Dịch lỏng tắc nghẽn gây áp lực trong xoang, gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu xoang.

Phần lớn các triệu chứng dị ứng có thể giảm dần và biến mất nếu bạn ngừng tiếp xúc với chất gây phản ứng hoặc dùng thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, cần cảnh giác với sốc phản vệ. Đây là một loại phản ứng dị ứng cực kỳ nguy hiểm, có thể cướp đi mạng sống của người bệnh một cách nhanh chóng nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời.

Hầu hết các trường hợp bị sốc phản vệ là do dị ứng với một loại thực phẩm (như động vật có vỏ) hoặc thuốc nào đó (như thuốc kháng sinh).

Virus hợp bào hô hấp (RSV)

RSV gây nhiễm trùng trong mũi, cổ họng và phổi. Bất cứ ai cũng có thể gặp rắc rối với virus này.

Ở hầu hết trẻ em và người lớn khỏe mạnh, RSV gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh nhẹ. Điều này bao gồm nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và đau đầu nhẹ.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ho
  • Đau họng
  • Thở khò khè
  • Khó thở
  • Ngáy to
  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng

Hen phế quản nghề nghiệp

Đây là tình trạng hen suyễn do hít phải các chất kích thích trong khi làm việc. Các chất kích thích này thường là bụi, khí, khói, hóa chất, mùi hương…

Các chất trong không khí gây kích thích hoặc làm viêm niêm mạc mũi, cổ họng và phổi của bạn, từ đó gây sổ mũi và đau họng. Chất lỏng tích tụ trong xoang, tạo ra áp lực và gây đau đầu.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Tức ngực
  • Thở khò khè
  • Khó thở
  • Ho

Nhìn chung, các triệu chứng của hen phế quản nghề nghiệp tương tự như các loại hen suyễn khác, tuy nhiên, chúng có thể được cải thiện hoặc biến mất sau khi bạn rời khỏi môi trường làm việc. Mặt khác, nếu bạn tiếp tục tiếp xúc với các chất kích thích, các triệu chứng khó chịu có thể quay lại và dần trở nên nặng hơn.

Polyp mũi

Polyp mũi có thể không gây ra triệu chứng nào cả. Các polyp mũi lớn hoặc nhiều có thể gây tắc nghẽn trong mũi và xoang, dẫn đến sưng và tích tụ dịch nhầy. Điều này dẫn tới sổ mũi và đau đầu. Tình trạng chảy nước mũi sau cũng có thể gây viêm họng và đau họng.

Dị ứng, nhiễm trùng hoặc hen phế quản có thể gây kích ứng polyp mũi
Dị ứng, nhiễm trùng hoặc hen phế quản có thể gây kích ứng polyp mũi

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Khó thở bằng mũi
  • Áp lực quanh mắt
  • Khó thở
  • Viêm xoang thường xuyên
  • Giảm khứu giác

Phần lớn, polyp mũi không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng cũng nó vẫn có thể gây ra một số biến chứng như: Viêm xoang cấp hoặc mãn tính, gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị hoặc 2 mắt xa nhau bất thường.

Viêm amidan

Amidan là khối tròn nằm ngay phía sau lưỡi. Viêm nhiễm bộ phận này gây ra tình trạng viêm amidan. Đau đầu và đau họng là 2 triệu chứng chính của bệnh này.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng:

  • Sốt
  • Hơi thở hôi
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
  • Có hạc ở cổ
  • Khó nuốt

Viêm amidan không quá nguy hiểm, có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng hoặc dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm amidan.

Áp xe amidan

Đây là một biến chứng nguy hiểm của viêm amidan. Xung quanh amidan có một khoang. Mủ tích tụ trong khoang này và nhiễm trùng amidan lan rộng sẽ gây ra áp xe.

Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Cổ họng rất đau
  • Đau đầu
  • Khó nuốt
  • Sưng hạch bạch huyết

Đây là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, cần can thiệp y tế ngay.

Hội chứng Lemierre

Hội chứng Lemierre rất hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Đó là một biến chứng của viêm họng do vi khuẩn.

Các triệu chứng thường bắt đầu với:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết

Sau khi nhiễm trùng lan rộng, các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau cơ thể
  • Đau xương hàm
  • Buồn nôn, nôn

Bệnh nhân cũng có thể bị sổ mũi và ho.

Khi mắc hội chứng Lemierre, nhiễm trùng lan đến các mô sâu hơn của cổ họng, hình thành cục máu đông bị viêm trong tĩnh mạch cổ. Nếu cục máu đông này lưu thông trong đường máu, nhiễm trùng máu có thể xảy ra.

Bệnh nhân mắc hội chứng Lemierre có tỷ lệ sống cao nếu được chăm sóc y tế kịp thời.

Cách điều trị đau họng sổ mũi nhức đầu hiện nay

Nếu bạn bị đau họng sổ mũi nhức đầu không hết trong vòng 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Ví dụ:

  • Lấy dịch mũi hoặc họng để loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Test lẩy da để đánh giá dị ứng ở da.
  • Xét nghiệm máu, quét hình ảnh đầu và mặt để kiểm tra các bệnh khác.
  • Nội soi tai mũi họng để phát hiện polyp mũi.

Đối với mỗi nguyên nhân gây ra đau họng sổ mũi nhức đầu, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân hướng điều trị khác nhau.

Sử dụng thuốc

Thuốc kháng sinh không thể chữa khỏi các vấn đề sức khỏe do virus gây ra. Đối với các trường hợp đau họng sổ mũi nhức đầu do virus, một chế độ chăm sóc tốt có thể giúp bệnh thuyên giảm và khỏi hẳn mà không cần bất kỳ loại thuốc theo toa nào.

Thuốc kháng sinh không có tác dụng nếu bạn bị đau họng sổ mũi nhức đầu do virus
Thuốc kháng sinh không có tác dụng nếu bạn bị đau họng sổ mũi nhức đầu do virus

Nếu bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa một loại kháng sinh, như:

  • Amoxicillin
  • Penicillin

Chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định. Lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng không đúng cách có thể dẫn tới kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ phổ biến, như tiêu chảy, khó thở, nổi mề đay…

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc không kê đơn giúp giảm triệu chứng đau họng sổ mũi nhức đầu như sau:

  • Thuốc thông mũi, xịt mũi
  • Thuốc kháng histamine (khi bị dị ứng)
  • Thuốc giảm đau và hạ sốt, như Acetaminophen hoặc Ibuprofen.
  • Thuốc kháng viêm NSAID
  • Thuốc Corticosteroid
  • Thuốc long đờm
  • Thuốc ức chế ho

Đặc biệt, nếu trẻ bị đau họng sổ mũi nhức đầu, tuyệt đối không cho trẻ dùng Aspirin. Trẻ dưới 16 tuổi dùng thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye. Đây là một hội chứng hiếm gặp gây phù não và suy gan.

Nếu được phép sử dụng thuốc kê đơn, hãy lựa chọn những loại thuốc được thiết kế dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.

Ngoài ra, bạn nên tránh cho trẻ dưới 4 tuổi dùng viên ngậm trị đau họng, vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây hóc, nghẹt thở.

Hãy đi khám ngay nếu đau họng sổ mũi nhức đầu kèm theo:

  • Sốt cao, trên 39°C
  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Ho dai dẳng
  • Đau họng nghiêm trọng
  • Đau xoang nặng
  • Đau tai dữ dội
  • Tức ngực
  • Đau quanh mắt
  • Triệu chứng cảm lạnh kéo dài hơn 1 – 2 tuần
  • Mới bị ngã, chấn thương ở vùng đầu hoặc cổ

Tự chăm sóc

Chăm sóc tại nhà đúng cách cũng rất quan trọng để làm dịu cơn đau nhức đầu, đau họng và sổ mũi.

Bạn có thể thực hiện một số mẹo đơn giản sau:

  • Nghỉ ngơi nhiều. Ngủ đủ từ 6 – 9 tiếng mỗi đêm.
  • Uống nhiều nước (nước lọc, nước canh, soup…)
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí quá khô.
  • Chườm ấm lên trên vùng mũi và mắt giúp thông xoang. Chườm mát lên trán để giảm đau đầu.
  • Súc miệng và nhỏ mũi bằng nước muối.
  • Tránh xa môi trường có khói thuốc hoặc các chất ô nhiễm và chất gây dị ứng.
  • Giảm stress bằng thể dục thể thao, yoga, ngồi thiền…
  • Bổ sung thêm các chất, như magie, vitamin B12 và coenzyme Q10.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Xông hơi.
Xông hơi có thể giúp giảm đau đầu, nghẹt mũi và đau họng hiệu quả
Xông hơi có thể giúp giảm đau đầu, nghẹt mũi và đau họng hiệu quả

Đông y cũng có những phương pháp giúp chữa đau họng sổ mũi nhức đầu hiệu quả, được đánh giá là an toàn hơn Tây y.

Điển hình như các phương pháp:

  • Châm cứu hoặc bấm huyệt vào các vị trí: Thái dương để trị nhức đầu, Nghinh hương để trị ngạt mũi và Thiếu thương để trị đau họng.
  • Dùng các vị thuốc: Cam thảo trị đau họng, ké đầu ngựa giúp giảm nghẹt mũi và giảm đau đầu bằng ngải cứu…

Phòng ngừa đau họng sổ mũi nhức đầu

Có một số cách vô cùng đơn giản mà bạn nên thực hiện để ngăn ngừa đau họng sổ mũi nhức đầu. Bao gồm:

  • Thực hành rửa tay đúng cách. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi chạm vào mặt, mũi hoặc miệng.
  • Không ăn uống chung hoặc dùng đồ dùng cá nhân (bát đĩa, cốc uống nước, bàn chải đánh răng, khăn mặt) với người khác.
  • Che miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh lây nhiễm.
  • Nếu bạn bị dị ứng, hãy cố gắng tránh các chất gây dị ứng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu, bia và dùng các chất kích thích.
  • Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 lần/ngày.
  • Sử dụng khẩu trang mỗi khi ra ngoài trời.
  • Quản lý stress tốt.
  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Đau họng sổ mũi nhức đầu có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là cảm lạnh, cúm và dị ứng. Nếu các biện pháp tự chăm sóc tại nhà không có tác dụng, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác.