Đau dây thần kinh hông là gì? Nguyên nhân và cách trị

Đau dây thần kinh hông xảy ra khi các mô xung quanh hông như gân, sụn, xương gây áp lực hoặc chèn ép lên dây các thần kinh. Tình trạng này thường có thể khắc phục tại nhà bằng cách nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh ở hông.

Đau dây thần kinh hông là gì
Đau dây thần kinh hông thường không nghiêm trọng và có thể khắc phục tại nhà

Đau dây thần kinh hông là gì?

Đau dây thần kinh ở hông là tình trạng các dây thần kinh ở hông bị chèn ép, áp lực hoặc tổn thương. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng khi người bệnh di chuyển hoặc khi đi, đứng. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau chân hoặc tê chân.

Nguyên nhân phổ biến gây chèn ép các dây thần kinh ở hông và lưng thường bao gồm:

  • Ngồi trong thời gian dài
  • Mang thai
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Viêm khớp
  • Căng cơ hoặc bong gân
  • Gai cột sống
  • Thừa cân, béo phì

Chèn ép dây thần kinh ở hông có thể gây ảnh hưởng hoặc gián đoạn đến các tín hiệu thần kinh. Điều này dẫn đến các cơn đau nhói hoặc nóng rát ở hông, đùi và háng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran, châm chích hoặc tê từ hông xuống chân.

Thông thường, tình trạng đau dây thần kinh ở hông có thể được cải thiện bằng cách biện pháp chăm sóc tại nhà và các bài tập tăng cường chức năng. Tuy nhiên đôi khi cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng và cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông

Hông là bộ phận kết nối đỉnh xương đùi và xương chậu. Các khớp nối ở hông chịu trách nhiệm mang trọng lượng cơ thể, hỗ trợ cấu trúc ở chân và cho phép cơ thể thực hiện các hoạt động như xoay chân, di chuyển chân qua lại.

Hông có cấu trúc phức tạp bào gồm xương, gân, dây chằng, cơ, sụn khớp và các dây thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa bắt nguồn từ cột sống thắt lưng, đi qua mông và phân thành hai nhánh di chuyển xuống hai chân. Nếu người bệnh bị đau hông, các cơn đau có thể liên quan đến các nguyên nhân phổ biến như:

1. Nguyên nhân khác quan

Đau dây thần kinh ở hông có thể liên quan đến một số sự cố nhỏ, chẳng hạn như tư thế ngủ không phù hợp hoặc va chạm gây chấn thương. Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến có thể tác động đến dây thần kinh lưng thường bao gồm:

đau dây thần kinh hông trái
Căng thẳng và áp lực do ngồi lâu là nguyên nhân phổ biến gây đau dây thần kinh hông
  • Căng thẳng lặp lại nhiều lần ở hông, lưng và các khớp xung quanh. Các hoạt động phổ biến thường bao gồm đi bộ, đứng hoặc ngồi trong một vị trí cụ thể kéo dài trong một thời gian.
  • Té ngã, va chạm, tai nạn giao thông hoặc các chấn thương thể thao có thể tác động lên các cơ hoặc khớp ở hông và gây đau.
  • Ngủ ở tư thế xấu gây tác động lên lưng và hông.
  • Uốn cong hông quá chặt, thường liên quan đến tình trạng luyện tập thể dục mà không khởi động làm nóng cơ thể hoặc do thực hiện sai các động tác.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Đau dây thần kinh ở hông có thể là triệu chứng của một số tình trạng y tế tiềm ẩn. Các bệnh lý phổ biến thường bao gồm:

đau dây thần kinh tọa
Các bệnh lý cột sống có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh hông dẫn đến đau đớn
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Có khoảng 90% các trường hợp đau thần kinh tọa và đau dây thần kinh ở lưng, hông liên quan đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Cơn đau do thoát vị đĩa đệm chèn ép các dây thần kinh thường xuất hiện ở một bên cơ thể. Đôi khi các cơn đau có thể xuất hiện ở cả hai bên cơ thể, tuy nhiên tình trạng này thường không phổ biến.
  • Thoái hóa: Tình trạng thoái hóa các mô, khớp hoặc các đốt sống ở hông có thể gây chèn ép các dây thần kinh và gây đau.
  • Hẹp cột sống thắt lưng: Hẹp cột sống là tình trạng phổ biến ở người trên 60 tuổi và có thể gây đau thần kinh tọa ở hông.
  • Hội chứng cơ hình lê: Tình trạng này được gây ra bởi sự co thắt các cơ hình lê (cơ Piriformis). Hội chứng này có thể kích thích các dây thần kinh tọa ở lưng và hông dẫn đến các cơn đau hoặc tê ở khu vực này. Hội chứng cơ hình lê thường phổ biến ở người bị chấn thương do sử dụng cơ quá mức, đặc biệt là vận động viên điền kinh và người luyện tập môn chạy việt dã.
  • Rối loạn chức năng khớp cùng chậu (khớp sacroiliac): Khớp cùng chậu (sacroiliac) là khớp nằm ở phần dưới cùng của cột sống. Kích thích khớp này có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh L5 ở đỉnh khớp, dẫn đến đau dây thần kinh ở lưng và hông.

Đôi khi tình trạng đau dây thần kinh ở hông có thể liên quan đến các khối u, nhiễm trùng, mô sẹo và gãy xương cột sống thắt lưng. Tình trạng này thường hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có thể cần phẫu thuật điều trị.

3. Các yếu tố rủi ro

Bên cạnh các nguyên nhân và bệnh lý, một số yếu tố rủi ro nhất định các thể làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh hông. Các yếu tố phổ biến có thể bao gồm:

viêm dây thần kinh hông tọa
Đau dây thần kinh hông thường phổ biến ở người cao tuổi
  • Giới tính nữ
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Hút thuốc
  • Có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực
  • Người cao tuổi, khoảng 50 – 60 tuổi
  • Thừa cân, béo phì
  • Thiếu vitamin B12
  • Ít vận động hoặc không luyện tập thể dục thể thao
  • Tính chất nghề nghiệp như tài xế hoặc người vận hành máy móc

Đau dây thần kinh ở hông có thể được cải thiện nếu điều trị sớm và phù hợp. Nếu không điều trị, các cơn đau có thể trở thành mãn tính và trở nên nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh hông

Khi dây thần kinh bị chèn ép có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng như:

  • Nóng rát hoặc đau nhói ở hông, lưng dưới và chân, nhưng cơn đau thường phổ biến ở đầu gối.
  • Đau đớn hoặc khó chịu ở háng và đùi trong.
  • Đau mông khi ngồi.
  • Cơn đau thường có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Cơn đau cũng có thể xảy ra khi người bệnh uốn cong cột sống về phía trước hoặc khi đứng dậy từ tư thế ngồi.
  • Yếu ở chân hoặc bàn chân, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi nâng chân khỏi sàn nhà.
  • Mất phản xạ ở mắt cá chân hoặc đầu gối.
  • Khó ngủ do các cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi nằm.

Các triệu chứng đau dây thần kinh ở lưng có thể không giống nhau ở các đối tượng bệnh và khu vực bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Biện pháp điều trị đau dây thần kinh hông

Người bệnh cần có kế hoạch điều trị tình trạng đau dây thần kinh ở hông để ngăn ngừa các cơn đau và hạn chế các rủi ro không mong muốn.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Trong một số trường hợp đau dây thần kinh ở lưng và hông có thể tự chăm sóc tại nhà mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành các biện pháp chăm sóc tại nhà.

đau dây thần kinh hông khi mang thai
Nghỉ ngơi hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các phương pháp điều trị phổ biến như:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Người bệnh cần dành thời gian thư giãn, tránh làm việc quá sức hoặc thực hiện các hoạt động gây căng cơ hông. Người bệnh có thể dành thời gian nghỉ ngơi trên giường trong 1 – 2 ngày để cải thiện các tổn thương ở dây thần kinh hông.
  • Chườm nóng và lạnh: Chườm nóng có chườm lạnh có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau, chống viêm và tăng cường lượng máu lưu thông trong cơ thể.
  • Giảm cân: Cận nặng quá mức có thể tăng áp lực lên lưng dưới và dẫn đến tình trạng chèn ép các dây thần kinh hông. Do đó, giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể ngăn ngừa các cơn đau dây thần kinh hông.
  • Thay đổi tư thế hoạt động: Luôn giữ tư thế thẳng lưng khi ngồi hoặc đứng để hạn chế áp lực lên các dây thần kinh ở hông. Không đi giày cao gót hoặc các loại giày có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cân bằng của cơ thể.

Bên cạnh đó, khi các cơn đau đã được cải thiện, người bệnh có thể tham khảo một số bài tập giảm đau và tăng tính linh hoạt ở hông. Tuy nhiên, trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập để tránh các rủi ro không mong muốn.

2. Điều trị y tế

Trong trường hợp đau dây thần kinh ở hông kéo dài hơn 4 tuần, người bệnh nên đến bệnh viện và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Thông thường, phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và các triệu chứng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc như:

đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen.
  • Steroid đường uống, phổ biến như prednison.
  • Thuốc chống co giật, chẳng hạn như gabapentin.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline.
  • Thuốc giảm đau opioid như tramadol hoặc oxycodone

Một số loại thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và các tác dụng phụ khác. Do đó, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

3. Tiêm steroid ngoài màng cứng

Nếu các loại thuốc đường uống không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid ngoài màng cứng để cải thiện tình trạng đau dây thần kinh lưng.

Các mục tiêu chính của liệu pháp này bao gồm:

  • Kiểm soát các phản ứng viêm xung quanh dây thần kinh hông và cải thiện các cơn đau cơ học liên quan đến thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống.
  • Giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch nhằm mục đích hạn chế tình trạng sản xuất các tế chống viêm trong cơ thể.
  • Tiêm steroid ngoài màng cứng có thể hỗ trợ giảm các cơn đau thần kinh ở hông. Tuy nhiên liệu pháp này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn. Trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện điều trị.

4. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể được chỉ định kết hợp với các phương pháp điều trị cơ bản để cải thiện các cơn đau và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Trao đổi với chuyên gia vật lý trị liệu hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

đau dây thần kinh tọa kiêng ăn gì
Vật lý trị liệu có thể cải thiện các cơn đau thần kinh lưng hiệu quả

Các bài tập vật lý trị liệu thường bao gồm các mục tiêu như:

  • Tăng cường sức mạnh cột sống và cơ bắp ở lưng, hông, bụng, mông.
  • Hạn chế tình trạng căng cơ và tăng tính linh hoạt ở các gân, dây chằng.
  • Kích thích quá trình trao đổi chất lỏng và các chất dinh dưỡng để hỗ trợ giảm đau dây thần kinh hông và đau thần kinh tọa.

5. Massage trị liệu

Một số hình thức massage, xoa bóp có thể tác động lên các huyệt vị và các mô sâu để hỗ trợ cải thiện các cơn đau. Một số tác dụng phổ biến của liệu pháp massage bao gồm:

  • Cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ ngăn ngừa các cơn đau và chữa lành các dây thần kinh bị tổn thương.
  • Thư giãn các cơ bắp, ngăn ngừa căng cơ và cải thiện các cơn đau.
  • Giải phóng endorphin, đây là những hormone trong cơ thể có chức năng tương tự như thuốc giảm đau tự nhiên.

6. Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị đau dây thần kinh ở lưng thường được chỉ định cho các trường hợp cơn đau kéo dài hơn 8 tuần hoặc không được cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được ưu tiên trong các biện pháp điều trị. Phẫu thuật thường được chỉ định đầu tiên trong các trường hợp:

  • Hội chứng chùm đuôi ngựa, phẫu thuật được chỉ định cho tình trạng các dây thần kinh bị nén gây hạn chế khả năng vận động và mất chức năng cảm giác ở phần dưới cơ thể.
  • Khối u gây tích tụ chất lỏng, u nang, áp xe gây chèn ép dây thần kinh hông và gây đau.
  • Đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến cả hai chân, tình trạng này có thể liên quan đến thoát vị nhiều đĩa đệm cùng lúc hoặc hẹp ống sống trung tâm.
  • Nhiễm trùng ở khu vực xương chậu mà không đáp ứng thuốc điều trị.

Các phương pháp phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ các nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông và kiểm soát các cơn đau. Tuy nhiên phẫu thuật có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng bao gồm ảnh hưởng đến tủy sống, xuất huyết, nhiễm trùng và hình thành cục máu đông. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện phẫu thuật.

Các bài tập điều trị đau dây thần kinh hông

Một số bài tập có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng dây thần kinh hông bị chèn ép gây đau. Các bài tập thường nhằm mục đích kéo căng cơ bắp để giải phóng áp lực lên các dây thần kinh. Các bài tập phổ biến thường bao gồm:

1. Bài tập căng cơ hình lê

Cơ hình lê là cơ ở vùng mông. Khi các cơ này bị ép chặt có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh và dẫn đến đau hông, mông. Tình trạng này thường liên quan đến việc ngồi quá lâu hoặc không được kéo căng đúng cách trước và sau khi luyện tập thể dục thể thao.

Đau dây thần kinh ở khu vực hông
Căng cơ hình lê có thể ngăn ngừa chèn ép và gây đau dây thần kinh lưng

Người bệnh có thể tham khảo bài tập căng cơ hình lê theo các bước sau:

  • Người bệnh nằm trên sàn nhà sau đó uốn cong một đầu gối vào ngực và giữ lại bằng hai tay.
  • Từ từ kéo đầu gối hướng về phía đầu gối hoặc sang phần hông đối diện.
  • Giữ yên tư thế trong 10 giây và đổi chân.
  • Lặp lại các động tác 3 lần cho mỗi chân.

2. Bài tập căng cơ mông

Nhóm cơ mông (cơ gluteal) có liên quan chặt chẽ đến các cơ đau ở vùng hông. Bất cứ căng thẳng hoặc áp lực lên nhóm cơ này đều có thể khiến các triệu chứng đau dây thần kinh hông trở nên nghiêm trọng.

Đau dây thần kinh ở mông
Tăng cường sức mạnh cơ mông có thể ngăn ngừa các cơn đau ở hông

Các bước căng cơ mông như sau:

  • Người bệnh ngồi trên sàn nhà với hai chân thẳng ra phía trước.
  • Cong đầu gối và bắt chéo chân phải qua đầu gối trái.
  • Di chuyển gót chân phải sát lên mông trái, giữa bàn chân phải trên sàn nhà. Vòng cánh tay phải ra sau lưng và để các ngón tay chạm sàn nhà sau lưng.
  • Đặt tay trái lên đầu gối phải từ từ, nhẹ nhàng kéo đầu gối phải về phía bên trái cho đến khi cảm thấy căng ở hông và mông.
  • Giữ yên tư thế trong 15 – 30 giây và lặp lại tư thế ở bên còn lại.

3. Tăng cường cơ bụng

Đôi khi đau dây thần kinh lưng có thể liên quan đến căng thẳng ở bụng. Do đó, tăng cường sức mạnh cơ bụng có thể cải thiện các triệu chứng hiệu quả.

Phòng bệnh đau thần kinh tọa
Tăng cường sức mạnh cơ bụng có thể ngăn ngừa đau dây thần kinh tọa ở hông

Các bước thực hiện bài tập như sau:

  • Người tập nằm sấp trên sàn nhà.
  • Đặt cẳng tay phẳng trên mặt đất, khuỷu tay và vai thẳng hàng. Trong lượng cơ thể đặt vào vai, khuỷu tay và đầu các ngón chân.
  • Giữ tư thế trong 15 – 30 giây, giữ cột sống lưng thẳng, lúc này cơ thể là một đường thẳng từ đầu đến các ngón chân.

Hầu hết tình trạng đau dây thần kinh lưng có thể được cải thiện mà không gây ra bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cách tốt nhất là người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể các phương pháp.

Phòng ngừa tình trạng đau dây thần kinh hông

Để phòng ngừa tình trạng đau dây thần hông, người bệnh cần đảm bảo sức khỏe của các cơ bắp. Điều này có thể hạn chế tình trạng căng thẳng, áp lực tác động lên các dây thần kinh.

Tuy nhiên, nếu công việc đòi hỏi nâng các vật nặng thường xuyên, người bệnh cần thực hiện các hình thức nâng phù hợp để tránh các chấn thương. Khi nâng vật nặng, cần uốn cong đầu gối và không sử dụng lực từ lưng dưới. Bên cạnh đó, không nâng các vật nặng quá sức, khi bị thương hoặc tổn thương các dây thần kinh để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, thường xuyên luyện tập thể dục được xem là có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng đau thần kinh tọa.

Đau dây thần kinh hông thường hiếm khi trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng thường được cải thiện tại nhà bằng các bài tập kéo căng và nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện chẩn đoán và điều trị phù hợp.