Chèn ép dây thần kinh là gì? Các vị trí hay bị (vai, tay…)

Tình trạng chèn ép dây thần kinh xảy ra khi có áp lực lớn tác động lên dây thần kinh. Áp lực này có thể dẫn đến gián đoạn chức năng thần kinh gây đau, ngứa ran, tê hoặc mất sức mạnh khi thực hiện một số hoạt động.

chèn dây thần kinh
Chèn dây thần kinh có thể gây đau đớn, tê và ngứa ran ở khu vực bị ảnh hưởng

Chèn dây thần kinh là gì?

Các dây thần kinh kéo dài từ não, tủy sống và có nhiệm vụ gửi các tín hiệu từ não đến các bộ phận khác của cơ thể. Một dây thần kinh bị chèn ép xảy ra khi có lực tác động lên các dây thần kinh dẫn đến đau, tế yếu, ngứa ran hoặc gián đoạn các hoạt động thông thường của người bệnh. Áp lực này có thể liên quan đến các mô xung quanh như xương, cơ, gân hoặc sụn.

Các triệu chứng có thể bao gồm tê, nóng rát và đau lan ra từ khu vực dây thần kinh bị chèn ép. Trong một số trường hợp, dây thần kinh bị chèn ép có thể dẫn đến tình trạng mất cảm giác tạm thời ở tay hoặc chân và tăng nguy cơ dẫn đến các tình trạng khác như bệnh thần kinh ngoại biên.

Tổn thương do chèn ép dây thần kinh có thể nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến các rối loạn thần kinh lâu dài, do đó người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt. Trong nhiều trường hợp, dây thần kinh bị chèn ép không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng việc chăm sóc đúng cách có thể giảm đau, cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Các vị trí dễ bị chèn ép dây thần kinh

Một dây thần kinh có thể bị chèn ép từ các mô xung quanh ấn vào rễ thần kinh dẫn đến đau, tê và ngứa ran ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể. Hầu hết các dây thần kinh bị chèn ép thường bắt nguồn từ các bệnh lý liên quan đến cổ, lưng trên hoặc lưng dưới. Tuy nhiên, một số trường hợp, người bệnh cũng có thể bị chèn ép dây thần kinh ở tay, khuỷu tay và cổ tay (dẫn đến Hội chứng ống cổ tay).

chèn dây thần kinh gây tê tay
Chèn dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến khu vực cổ, vai gáy, hông, cánh tay và một số bộ phận khác

Các khu vực dễ bị chèn ép các dây thần kinh trên cơ thể bao gồm:

  • Chèn ép dây thần kinh cổ: Tình trạng này có thể dẫn đến cứng cổ, đau, tê, ngứa ran ở vai và cánh tay.
  • Chèn dây thần kinh bả vai: Dẫn đến đau rát hoặc đau nhói ở bả vai, cánh tay và có thể gây đau dọc theo một bên cơ thể. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của bả vai và cánh tay.
  • Chèn dây thần kinh ở tay: Tình trạng này xảy ra khi một dây thần kinh ở tay, cổ tay bị chèn ép dẫn đến đau ở lòng bàn tay, một số ngón tay, cổ tay thậm chí là cẳng tay. Tình trạng rối loạn dây thần kinh ở tay phổ biến nhất là Hội chứng ống cổ tay, có thể gây yếu, ngứa ran, tê và suy giảm khả năng hoạt động của tay.
  • Chèn dây thần kinh ở cột sống ngực: Tình trạng này dẫn đến đau xương sườn và lồng ngực. Nếu người bệnh bị đau lồng ngực dữ dội, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
  • Chèn dây thần kinh ở cột sống thắt lưng: Có thể gây đau dây thần kinh ở hông, lưng dưới, mông và khu vực chân.

Tình trạng dây thần kinh bị chèn ép có thể gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Tuy nhiên tình trạng này có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn, hầu hết các trường hợp có thể được cải thiện trong vài ngày hoặc vài tuần.

Triệu chứng chèn ép dây thần kinh

Một dây thần kinh bị chèn ép thường dẫn đến đau hoặc cảm giác như điện giật ở khu vực bị ảnh hưởng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm gây tê, yếu, đau âm ỉ hoặc châm chích. Bên cạnh đó, các triệu chứng có thể thay đổi phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể cũng như vị trí dây thần kinh bị chèn ép.

bị chèn dây thần kinh bả vai
Đau vai gáy có thể là dấu hiệu các dây thần kinh bị chèn ép

Các triệu chứng chèn ép dây thần kinh cổ và vai:

  • Tê, đau,  ngứa ran lan từ cổ đến vai, lưng trên và cánh tay.
  • Cơn đau có thể lan tỏa đến khuỷu tay, cổ tay, bàn tay và các ngón tay.
  • Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi người bệnh di chuyển tay, gõ máy tính hoặc nâng đồ đạc.
  • Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như châm chích, yếu cơ và có cảm giác như côn trùng bò trên da. Tình trạng này có thể gây đau vai gáy, cứng khớp vai, cánh tay hoặc gây mất sức mạnh ở cánh tay, bàn tay.
  • Các triệu chứng của dây thần kinh bị chèn ép ở lưng bao gồm:
  • Đau lưng thường tỏa ra ở lưng dưới và lan đến chân. Chèn ép dây thần kinh thường phổ biến ở lưng dưới, do thường xuyên chịu áp lực và lực tác động cao.
  • Có cảm giác nóng rát, ngứa ran, nóng, yếu ở đùi, lưng dưới và mông. Đôi khi cơn đau có thể lan đến ngực và cổ.
  • Cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc khi người bệnh tập thể dục, đi bộ hoặc hoạt động thể chất.

Nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh

Một dây thần kinh bị chèn ép khi có nhiều áp lực tác dụng lên dây thần kinh. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi cơ thể giữ một vị trí trong một thời gian dài dài, chẳng hạn như cong khuỷu tay khi ngủ. Ngoài ra, một số bệnh lý như thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống cũng có thể gây chèn ép rễ thần kinh.

1. Nguyên nhân cơ bản

Các bệnh lý và điều kiện sức khỏe phổ biến có thể gây áp lực lên các dây thần kinh bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm, dẫn đến rách đĩa đệm gây suy yếu hoặc tổn thương các dây thần kinh ở khu vực bị ảnh hưởng
  • Thoái hóa khớp do lão hóa và viêm tự nhiên có thể thu hẹp không gian bên trong ống sống và đè nén lên các dây thần kinh
  • Tư thế xấu trong thời gian dài như ngồi cúi đầu về phía trước
  • Béo phì, thừa cân có thể làm sưng các dây thần kinh
  • Thường xuyên thực hiện một động tác lặp lại nhiều lần gây hao mòn và kích thích các mô
  • Duy trì một tư thế lâu dài như nhân viên văn phòng hoặc tài xế lái xe
  • Chấn thương, chẳng hạn như bong gân hoặc viêm bao hoạt dịch
  • Gai cột sống có thể thu hẹp không gian của các dây thần kinh, dẫn đến chèn ép
  • Biến chứng của các bệnh lý khác như bệnh thần kinh, ung thư vú hoặc bệnh tiểu đường

2. Các yếu tố tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh

Bên cạnh các nguyên nhân cơ bản, một số yếu tố nguy cơ có thể gây chèn ép các dây thần kinh bao gồm:

chèn ép dây thần kinh cổ
Tình trạng viêm khớp có thể gây áp lực lên các dây thần kinh
  • Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ chèn ép dây thần kinh ở tay, nguyên nhân phổ biến có thể liên quan đến ống cổ tay nhỏ.
  • Bệnh xương khớp: Chấn thương hoặc một số tình trạng như viêm khớp, thoái hóa khớp, gai cột sống có thể gây thu hẹp không gian bên trong cột sống và ảnh hưởng đến khu vực hoạt động của các dây thần kinh.
  • Viêm khớp dạng thấp: Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể chèn ép các dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh xung quanh khớp.
  • Bệnh tuyến giáp: Bệnh nhân rối loạn tuyến giáp có nguy cơ mắc Hội chứng ống cổ tay cao hơn những người khác.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ chèn dây thần kinh và thường phát triển thành bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Lạm dụng: Một số tính chất công việc đòi hỏi cử động tay thường xuyên có thể tăng nguy cơ chèn ép các dây thần kinh. Các công việc như công nhân dây chuyền lắp ráp, nhân viên văn phòng thường có nguy cơ tổn thương thần kinh cao hơn người khác.
  • Mang thai: Tăng cân và tích trữ nước trong cơ thể khi mang thai có thể gây sưng, viêm ống thần kinh và chèn ép các dây thần kinh.
  • Không tập thể dục: Người dành nhiều thời gian nằm trên giường, kém hoạt động hoặc không vận động thể chất thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh.

Chẩn đoán chèn ép dây thần kinh

Người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tình trạng chèn dây thần kinh để tránh các rủi ro liên quan. Để xác định tình trạng này, bác sĩ có thể kiểm tra thực tế cổ, vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay, khu vực hông, lưng dưới và chân của người bệnh. Các kiểm tra này có thể xác nhận tình trạng yếu cơ, sự thay đổi phản xạ và các cảm giác mà người bệnh gặp phải.

Chèn dây thần kinh hông
Đến bệnh viện tiến hành chẩn đoán và điều trị phù hợp

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Chụp X – quang: Hình ảnh từ phim X – quang có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng thu hẹp hoặc thay đổi các liên kết ở tủy sống và xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể cho hình ảnh 3D và chi tiết hơn phim X – quang để xác định các tổn thương bên trong cột sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể xác định các tổn thương ở mô mềm hoặc tổn thương tủy sống gây chèn ép dây thần kinh.
  • Siêu âm độ phân giải cao: Hình ảnh từ sóng siêu âm thanh tần số cao có thể tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Xét nghiệm này có thể mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán các hội chứng chèn ép dây thần kinh, đặc biệt là Hội chứng ống cổ tay.
  • Điện cơ (EMG): Các xung điện của cơ bắp được đo bằng EMG cùng với các nghiên cứu dẫn truyền thần kinh có thể xác định tình trạng dây thần kinh có hoạt động bình thường hay không. Kết quả của xét nghiệm này có thể kiểm tra các triệu chứng liên quan đến dây thần kinh cột sống hoặc tổn thương thần kinh do các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường.

Điều trị chèn ép dây thần kinh

Trong một số trường hợp chèn ép dây thần kinh có thể không cần điều trị, tình trạng này có thể tự cải thiện trong 4 – 6 tuần. Các biện pháp chăm sóc bao gồm nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng và luyện tập phù hợp. Tuy nhiên trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các áp lực gây chèn ép dây thần kinh, chẳng hạn như gai xương.

1. Điều trị tại nhà

Thông thường tình trạng chèn ép dây thần kinh không nghiêm trọng có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Các biện pháp phổ biến bao gồm:

Chèn ép rễ thần kinh cổ
Dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng có thể cải thiện các cơn đau
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Trong một số trường hợp, dành thời gian nghỉ ngơi trong 1 – 2 ngày có thể giải tỏa áp lực lên các dây thần kinh bị chèn ép và cải thiện các cơn đau. Thông thường người bệnh có thể được yêu cầu hạn chế một số hoạt động thể chất có thể gây áp lực lên các dây thần kinh và cơn đau thường biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Áp dụng biện pháp chườm nóng và chườm lạnh lên các khu vực bị ảnh hưởng có thể hỗ trợ giảm đau tạm thời.
  • Thay đổi tư thế hoạt động: Đôi khi một số tư thế xấu có thể gây chèn ép các dây thần kinh, chẳng hạn như ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài. Do đó, người bệnh có thể điều chỉnh các tư thế phù hợp và vận động sau mỗi 2 – 3 giờ đứng hoặc ngồi liên tục.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen có thể giảm sưng, chống viêm và cải thiện tình trạng chèn ép các dây thần kinh. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ngăn ngừa các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày.
  • Massage: Các động tác như xoa bóp, massage nhẹ nhàng có thể giải tỏa áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng, giảm căng thẳng và cải thiện các cơn đau thần kinh.
  • Luyện tập phù hợp: Các bài tập kéo giãn và yoga có thể cải thiện tình trạng căng thẳng và áp lực lên các dây thần kinh. Tuy nhiên, trước khi luyện tập người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để tránh tình trạng khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

2. Điều trị y tế

Trong các trường hợp các cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị y tế để cải thiện các cơn đau do chèn ép dây thần kinh. Các biện pháp điều trị y tế không phẫu thuật bao gồm:

Hội chứng kích thích rễ thần kinh
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen có thể làm giảm sưng và cải thiện các cơn đau.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen có thể cải thiện các cơn đau hiệu quả.
  • Corticosteroid đường uống như prednison có thể chống viêm và giảm đau mạnh.
  • Tiêm steroid có thể giảm sưng và phục hồi các dây thần kinh bị viêm, tổn thương.
  • Nẹp cổ hoặc khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn có thể cải thiện các cơn đau và hạn chế chuyển động cho đến khi các dây thần kinh lành hẳn.
  • Vật lý trị liệu như các bài tập kéo dài và tập thể dục nhẹ nhàng có thể giảm áp lục lên các dây thần kinh và cải thiện các đau. Bác sĩ có thể xác định tình trạng bệnh và xây dựng chương trình vật lý trị liệu phù hợp cho mỗi đối tượng bệnh.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được sử dụng để điều trị tình trạng chèn ép dây thần kinh. Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn.

Gai cột sống chèn dây thần kinh
Phẫu thuật có thể giải phóng áp lực gây chèn ép dây thần kinh

Các loại phẫu thuật điều trị chèn ép dây thần kinh phổ biến thường bao gồm:

  • Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm, tình trạng gai cột sống hoặc bất cứ mô nào có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo có thể tăng cường tính linh hoạt ở cột sống và cải thiện tình trạng đau do chèn dây thần kinh.
  • Phẫu thuật Hội chứng ống cổ tay có thể giảm sự chèn ép các dây thần kinh ở cổ tay và ngăn ngừa các cơn đau. Sau phẫu thuật người bệnh có thể cần 10 – 12 tuần để phục hồi hoàn toàn.

Phòng ngừa tình trạng chèn ép dây thần kinh

Không thể ngăn ngừa tất cả các nguyên nhân có thể gây chèn dây thần kinh. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp làm giảm nguy cơ như:

Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh
Thay đổi chế độ ăn uống có thể ngăn ngừa tình trạng chèn dây thần kinh
  • Tiêu thụ chế độ ăn uống nhiều collagen tự nhiên có thể chữa lành các mô tổn thương và tăng cường khu vực hoạt động của các dây thần kinh.
  • Bổ sung thực phẩm chứa omega 3 như cá hồi, thịt bò được nuôi bằng cỏ, hạt chia và hạt lanh có thể kiểm soát viêm tự nhiên ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh.
  • Bổ sung các chất chống oxy hóa tự nhiên như các loại rau hữu cơ, trái cây và các loại thảo mộc như gừng, tỏi và nghệ. Các loại thực phẩm này có thể cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết để phục hồi tổn thương dây thần kinh.
  • Thực hành các tư thế tốt có thể giảm căng thẳng không mong muốn, đặc biệt là ở các khớp bị tổn thương hoặc chịu áp lực trong thời gian dài.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu thừa cân, béo phì để tránh gây áp lực lên vai gáy và lưng dưới.
  • Thực hiện các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh cơ bắp có thể hỗ trợ cải thiện sự linh hoạt ở các dây thần kinh.
  • Không ngồi, đứng trong một thời gian dài hoặc ngồi ở tư thế bắt chéo chân. Điều này có thể gây chèn ép dây thần kinh và đau thần kinh tọa.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và vận động phù hợp khi thực hiện các hoạt động lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như gõ máy vi tính. Điều này có thể ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay.

Chèn ép dây thần kinh là tình trạng phổ biến gây đau đớn, ngứa ran, tê và yếu. Nhiều trường hợp người bệnh có thể phục hồi bằng nhiều phương pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi điều trị y tế bao gồm thuốc và phẫu thuật có thể cần thiết để ngăn ngừa các rủi ro. Đến bệnh viện hoặc trao đổi với bác sĩ chuyên môn về các biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.