Cách phòng ngừa bệnh gout đơn giản, ai cũng nên biết

Gout là một dạng bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp, bệnh xảy ra khi cơ thể được bổ sung quá nhiều chất đạm gây mất cân bằng dinh dưỡng, khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Để phòng tránh căn bệnh này bạn cần phải hình thành cho bản thân một chế độ dinh dưỡng khoa học, xây dựng lối sống lành mạnh tích cực và kiểm soát cân nặng ở mức độ hợp lý.

Bệnh gout hình thành do các sự lắng đọng acid uric ngay tại khớp gây sưng viêm và đau nhức
Bệnh gout hình thành do các sự lắng đọng acid uric ngay tại khớp gây sưng viêm và đau nhức

Bệnh gout và những điều cần biết

Gout hay còn được gọi là bệnh Thống phong trong Đông y, nguyên nhân chính gây ra bệnh gout là sự tích tụ acid uric dư thừa tại khớp dưới dạng muối urat và kích thích phản ứng viêm. Triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này là viêm tại khớp gây sưng tấy, đau nhức và nóng đỏ. Đa số các trường hợp bị bệnh gout đều gây ảnh hưởng đến ngón chân cái đầu tiên, sau đó chúng nhanh chóng lan rộng sang các khớp xung quanh.

Acid uric là sản phẩm được tạo ra trong quá trình chuyển hóa đạm sang năng lượng, thông thường chúng sẽ được cơ thể đào thải thông qua đường nước tiểu. Thói quen sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đạm hoặc nhân purin là một trong những yếu tố làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu và gây rối loạn quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Nếu nồng độ acid uric này không được đào thải hết sẽ lắng đọng tại khớp dưới dạng tinh thể sắc nhọn, kích thích nên phản ứng viêm và gây đau nhức dữ dội.

Y học hiện đại chia bệnh gout thành 2 dạng cơ bản là cấp tính và mãn tính. Gout cấp tính là tình trạng xuất hiện phản ứng viêm gây đau nhức đột ngột tại các khớp, nếu người bệnh không tiến hành điều trị kịp thời sẽ diễn ra kéo dài và chuyển biến sang giai đoạn mãn tính.

Do bệnh gout phát triển chủ yếu ở những người dư chất nên người ta thường ví đây là căn bệnh nhà giàu. Đây là bệnh lý rất khó để điều trị dứt điểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như khả năng vận động của người bệnh. Chuyên gia cho biết, gout thường phát triển ở những nam giới có độ tuổi từ 35 – 45 và nữ giới sau khi trải qua giai đoạn mãn kinh. Thống kê y tế cho thấy, nước ta có hàng triệu người đang khổ sở đối mặt với triệu chứng của căn bệnh này.

Cách phòng ngừa bệnh gout đơn giản tại nhà

Gout gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, vì vậy bạn cần có biện pháp phòng tránh hợp lý
Gout gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, vì vậy bạn cần có biện pháp phòng tránh hợp lý

Gout là bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng vận động, chất lượng đời sống sinh hoạt và năng suất lao động hàng ngày. Y học hiện đại hiện nay vẫn chưa có các biện pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này, vì vậy bạn cần phải chú ý đến lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của bản thân để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Chuyên gia xương khớp cho biết, việc duy trì nồng độ acid uric trong máu ổn định là một trong những cách phòng ngừa bệnh gout đơn giản và hiệu quả nhất. Dưới đây là các nguyên tắc phòng bệnh gout đơn giản tại nhà bạn có thể tham khảo và áp dụng:

Phòng ngừa gout thông qua chế độ ăn uống

Chuyên gia cho biết, để phòng ngừa bệnh gout và tránh nguy cơ tái phát nhiều lần thì bạn cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho hợp lý và khoa học. Thực phẩm là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành bệnh, để phòng tránh căn bệnh này thì việc quan trọng cần làm là cân bằng lại chế độ dinh dưỡng, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu đạm và giàu nhân purin trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Việc nạp purin vào cơ thể sẽ phân hủy thành acid uric và khiến nồng độ acid này trong máu tăng cao. Một số loại thực phẩm tác động tiêu cực đến tình trạng bệnh và gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout bạn cần hạn chế là:

  • Thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, nội tạng động vật, trứng gia cầm,…
  • Thực phẩm chứa nhiều đạm như các loại đậu, cá, thịt gia cầm, thịt đỏ,…
  • Thức phẩm giàu chất béo như đồ ăn chiên xào, đồ ăn chế biến sẵn, da và mỡ động vật,…
  • Tránh sử dụng đồ uống chứa cồn, cà phê, nước chè đặc,… Các loại đồ uống này dễ gây rối loạn chuyển hóa và khiến quá trình đào thải acid uric tại thận bị ảnh hưởng
Đồ căn chiên ngập dầu dễ gây rối loạn chuyển hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout
Đồ ăn chiên ngập dầu dễ gây rối loạn chuyển hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout

Thay vào đó, bạn hãy tích cực sử dụng các loại thực phẩm có tác động làm chậm quá trình hấp thu đạm, có tác động tích cực đến quá trình điều trị bệnh và kích thích quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể như:

  • Các loại bơ sữa ít béo hoặc tách béo
  • Rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất
  • Thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua,…
  • Uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày
  • Sử dụng đồ uống có tác dụng lợi tiểu

Đối với những bệnh nhân đã từng phải đối mặt với bệnh gout cấp tính thì cần phải cẩn trọng trong việc ăn uống để ngăn ngừa bệnh tái phát nhiều lần và chuyển biến sang mãn tính. Hãy ăn uống đều đặn và đúng bữa, tuyệt đối không được nhịn đói vì điều này có thể khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao và kích thích cơn đau gout cấp tính tái phát.

Không bổ sung nhiều muối cho cơ thể

Việc nạp quá nhiều muối cho cơ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho acid uric kết tinh thành muối urat và lắng đọng tại khớp. Vì vậy, để hạn chế việc xuất hiện các cơn đau gout thì người bệnh cần chú ý điều chỉnh lại khẩu phần ăn của bản thân, hạn chế sử dụng các loại đồ ăn mặn chứa nhiều muối như:

  • Thực phẩm lên men (dưa muối, cà muối, kiệu,…)
  • Các loại thực phẩm ăn liền (ruốc, xúc xích, thịt xông khói, cá hộp,…)
  • Đồ ăn vặt và các loại mỳ ăn liền
  • Đồ ăn kho mặn, các món mắm
  • Hải sản

Chuyên gia khuyến cáo, những bệnh nhân bị bệnh gout chỉ nên nạp tối đa 5 gram muối mỗi ngày. Đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh cao huyết áp cũng nên hạn chế sử dụng gia vị này trong chế biến món ăn hàng ngày.

Không nên sử dụng quá nhiều muối trong chế biến món ăn để tránh gây tích tụ muối urat tại khớp
Không nên sử dụng quá nhiều muối trong chế biến món ăn để tránh gây tích tụ muối urat tại khớp

Điều chỉnh lối sống tích cực

Việc điều chỉnh lại lối sống sao cho lành mạnh kết hợp với việc tập luyện thể dục thể thao là một trong những cách giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và phòng ngừa gout rất tốt. Nên cân bằng giữa thời gian tập luyện và nghỉ ngơi, chú ý ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày giúp cơ thể có đủ thời gian để phục hồi lại thể lực. Luôn duy trì tinh thần thoải mái và lạc quan, tránh tình trạng căng thẳng lo âu kéo dài. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, trong đó có bệnh gout.

Tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức khỏe, độ dẻo dai và độ linh hoạt của xương khớp. Bạn chỉ nên tập luyện phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe của bản thân, nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ chậm, yoga, bơi lội,… Tuyệt đối không nên tập luyện quá sức hoặc cố gắng thực hiện các bài tập khó, điều này sẽ dễ gây tổn thương đến hệ cơ xương và khiến nồng độc acid  uric giải phóng ra nhiều hơn.

Duy trì cân nặng hợp lý phòng ngừa gout

Thừa cân và béo phì cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý khác phát triển. Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nguy cơ mắc bệnh gout sẽ tỉ lệ thuận với chỉ số cân nặng của chúng ta. Nếu bị thừa cân béo phì mà tiến hành giảm trọng lượng đúng cách thì nồng độ acid uric trong máu cũng giảm theo, điều này sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh gout ở những đối tượng này.

Vì vậy, việc duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý cũng là một trong những cách giúp bạn phòng ngừa bệnh gout rất hiệu quả. Nếu đang trong trạng thái thừa cân béo phì thì bạn hãy hình thành cho bản thân chế độ tập luyện và ăn uống để giảm cân. Tuyệt đối không được giảm cân bằng cách nhịn đói, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thậm chí và gây phản tác dụng.

Tiến hành tập luyện khoa học giúp giảm cân và duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý
Tiến hành tập luyện khoa học giúp giảm cân và duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý

Kiểm soát các bệnh lý có liên quan

Gout là bệnh lý có liên quan mật thiết đến một số căn bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, bệnh về thận, đái tháo đường, bệnh về tim mạch và nhiều căn bệnh rối loạn chuyển hóa khác. Vì vậy, khi đang mắc các bệnh lý này bạn cần tiến hành thăm khám và điều trị tích cực theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Việc kiểm soát tốt các bệnh lý ở trên cũng là một trong những cách giúp phòng tránh và hạn chế nguy cơ bị bệnh gout.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh trong Tây y cũng có thể gây ra tác dụng phụ là làm nồng độ acid uric máu tăng cao như thuốc aspirin, thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid,… Ở những trường hợp đã từng bị gout cấp tính, khi được kê đơn điều trị bệnh lý cần nói rõ với bác sĩ chuyên khoa. Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ thay đổi thuốc điều trị phù hợp để hạn chế nguy cơ tái phát gout mà vẫn không gây ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh.

Dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ

Nếu các cơn đau gout cấp tính không phát triển, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Việc sử dụng thuốc này nhằm mục đích là hỗ trợ điều trị gout và ngăn ngừa các cơn đau gout cấp tính xuất hiện trở lại. Tùy thuộc vào mức độ bệnh trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng cách loại thuốc điều trị phù hợp, vì vậy trong suốt quá trình sử dụng bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Biện pháp ngừa gout cấp tính tiến triển sang mãn tính

Gout là căn bệnh rất khó để điều trị dứt điểm và dễ tái phát, vì vậy người bệnh cần phải có các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp phòng ngừa các cơn đau gout cấp tính xuất hiện trở lại và ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Dưới đây là một số điều người đã từng bị gout cấp tính cần phải lưu ý để phòng tránh bệnh tái phát nhiều lần và chuyển biến sang mãn tính:

Thăm khám định kỳ để theo dõi mức độ tiến triển của bệnh gout và nồng độ acid uric trong máu
Thăm khám định kỳ để theo dõi mức độ tiến triển của bệnh gout và nồng độ acid uric trong máu
  • Chủ động trong việc phòng ngừa bệnh bằng cách tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về căn bệnh mình đang mắc phải. Điều này sẽ giúp bạn nắm rõ được các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, từ đó có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa hợp lý.
  • Sử dụng thuốc làm hạ nồng độ acid uric trong máu theo đúng phác đồ điều trị. Tiến hành thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh, sớm phát hiện nguy cơ phát sinh biến chứng để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Bổ sung các loại đồ uống tính kiềm giúp kiềm hóa nước tiểu như nước dừa, nước khoáng kiềm,…  Hình thành cho bản thân chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, thực hiện duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp tăng cường đào thải độc tố và acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc bạn cũng có thể sử dụng nước ép trái cây tươi, sữa chua,… đây đều là những thức uống tốt cho sức khỏe.
  • Không làm việc quá sức hoặc bưng bê vật nặng, có các biện pháp giữ ấm cơ thể mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, duy trì tinh thần ổn định và thoải mái bằng cách ngồi thiền hoặc yoga, tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng và vừa sức,…

Trên đây là các cách phòng ngừa bệnh gout đơn giản và hiệu quả bạn có thể tham khảo áp dụng tại nhà. Đây là căn bệnh cần phải tiến hành điều trị trong thời gian dài, rất tốn kém chi phí và không thể mang lại hiệu quả dứt điểm. Người xưa thường nói phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh và điều này hoàn toàn đúng với bệnh gout. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu và nắm rõ các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh để có thể chủ động trong việc phòng tránh bệnh.