Cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa chi tiết

Chảy máu tiêu hóa là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng làm suy giảm sức khỏe tổng thể và gây tử vong. Bên cạnh đó bệnh còn dễ tái phát và gây ra nhiều rủi ro không mong muốn. Đặc biệt là khi bệnh nhân không được chăm sóc và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Thông tin trong bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa chi tiết.

Cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa chi tiết
Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, biện pháp phòng ngừa tái phát

Cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa chi tiết

Xuất huyết tiêu hóa thể hiện cho tình trạng ống tiêu hóa bị tổn thương, chảy máu từ thực quản đến hậu môn thông qua 2 hình thức chính gồm đi cầu ra máu và ói ra máu. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, viêm ruột non, ung thư dạ dày, u đại tràng, bệnh lý vùng hậu môn trực tràng…

Khi bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh sẽ có biểu hiện đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài có phân đen, nôn ra máu, khó thở, mệt mỏi, da tái xanh, co giật, vật vã…Ngay khi những biểu hiện này xuất hiện, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để kịp thời kiểm tra và điều trị.

Sau khi điều trị, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa cần áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp. Bởi việc chăm sóc đúng cách có thể thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương, rút ngăn thời gian phục hồi và phòng ngừa bệnh tái phát hay gây biến chứng.

Cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa gồm:

1. Đối với bệnh nhân

Những bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa cần được chăm sóc như sau:

  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh.
  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi trên giường với tư thế nằm ngửa, nằm thoải mái và không kê gối.
  • Tránh căng thẳng, lo lắng hay buồn phiền trong thời gian hồi phục bệnh.
  • Ống oxy cần được chuẩn bị sẵn để kịp thời xử lý những trường hợp bị khó thở, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng. Tránh để người bệnh hôn mê, choáng váng hay lên cơn co giật.
  • Theo dõi màu sắc của phân sau khi đi đại tiện để xác định chính xác diễn tiến của bệnh.
  • Trong trường hợp không còn nôn ra máu, người bệnh có thể thêm vào khẩu phần ăn những loại thức ăn lỏng như súp, sữa, cháo.
  • Cải thiện triệu chứng của bệnh và làm giảm mức độ đau nhức do vết mổ gây ra bằng biện pháp chườm ấm. Biện pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng túi ẩm hoặc đựng một lượng vừa đủ nước ấm vào chai thủy tinh, sau đó chườm lên vùng bụng để làm dịu cơn đau.
  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe tổng thể và rút ngắn thời gian hồi phục bệnh.
  • Người bệnh chỉ nên ăn uống với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều thực phẩm trong một lần, không ăn quá no, không để bụng quá đói.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa cần tránh vận động mạnh, hạn chế di chuyển nhiều. Người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng để thư giãn.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh
Bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa cần được nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh

2. Đối với người nhà bệnh nhân

Trong thời gian chăm sóc người bị xuất huyết tiêu hóa, người nhà cần:

  • Thường xuyên quan sát, theo dõi màu sắc của phân và tình trạng chảy máu tiêu hóa trong ống thông. Để hút hết lượng máu đông trong dạ dày, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa đặt một ống thông trong cơ thể.
  • Thực hiện đúng yêu cầu và đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người nhà cần cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng thuốc, đúng cách sử dụng và đúng liều lượng.
  • Nên thường xuyên động viên bệnh nhân để tạo không khí thoải mái, vui vẻ, khuyến khích người bệnh ăn đủ bữa, đủ chất. Tránh để bệnh nhân suy nghĩ nhiều, tránh căng thẳng mệt mỏi khiến tình trạng sức khỏe suy yếu, thời gian phục hồi bệnh kéo dài.
  • Đưa bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đến bệnh viện để tái khám theo đúng lịch hẹn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa theo dõi, kịp thời xử lý nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân gặp vấn đề.

Hướng dẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa

Ngoài việc cho bệnh nhân áp dụng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và sinh hoạt phù hợp, người nhà cũng cần thường xuyên quan sát, theo dõi chuyển tiến của bệnh xuất huyết tiêu hóa cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Điều này sẽ giúp bạn kịp thời có những phương pháp xử lý phù hợp khi bệnh xuất huyết tiêu hóa diễn biến xấu hoặc gây ra các rủi ro không mong muốn

1. Cách theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân

Để theo dõi tình trạng sức khỏe của người bị xuất huyết tiêu hóa, người nhà cần lưu ý và áp dụng những điều dưới đây:

  • Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp thở và huyết áp của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường như nhịp tim nhanh/chậm bất thường, rối loạn tri giác, huyết áp không ổn định, sốt… người nhà cần liên hệ và nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa.
  • Kiểm tra tinh thần, tình trạng đi ngoài, triệu chứng buồn nôn và nôn mửa của bệnh nhân.
  • Chú ý và kiểm tra cân nặng của người bệnh. Người nhà nên nắm được người bệnh đang tăng cân hay giảm cân.
  • Thường xuyên đo lượng nước tiểu của bệnh nhân. Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra triệu chứng vô niệu hoặc thiểu niệu.

2. Những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân hồi phục tốt

Người nhà có thể thông qua những dấu hiệu được liệt kê dưới đây để nhận biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có đang phục hồi tốt hay không:

  • Những chỉ số của cơ thể đều ở mức bình thường và ổn định
  • Tinh thần thoải mái, vui vẻ, cảm giác đau đớn, khó chịu và nhiều triệu chứng khác do bệnh xuất huyết tiêu hóa gây ra nhanh chóng thuyên giảm.
  • Không xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau thượng vị dữ dội, đau bụng, đi ngoài ra máu, phân nôn hoặc nôn sau quá trình điều trị.
  • Bệnh nhân ăn uống bình thường, có thể đi lại thoải mái.
Những chỉ số của cơ thể đều ở mức bình thường và ổn định
Những chỉ số của cơ thể đều ở mức bình thường và ổn định là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân hồi phục tốt

Chế độ dinh dưỡng cho người bị xuất huyết tiêu hóa sau điều trị

Để rút ngắn thời gian hồi phục bệnh sau quá trình điều trị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần xây dựng và áp dụng một chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Cụ thể:

1. Thực phẩm người bị xuất huyết tiêu hóa nên ăn

Những bệnh nhân bị xuất huyết hệ thống tiêu hóa cần ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, không ăn khuya, không để bụng đói, không ăn quá no và ăn nhiều thực phẩm trong một lần. Ngoài ra người bệnh cần bổ sung vào thực đơn ăn uống những loại thực phẩm phù hợp để thúc đẩy quá trình làm lành vết thương tại khu vực có niêm mạc bị xuất huyết. Đồng thời làm giảm lượng acid dịch vị trong dạ dày.

Thực phẩm người bị xuất huyết tiêu hóa nên ăn gồm:

  • Thực phẩm kiểm soát quá trình tiết dịch vị: Dịch vị dư thừa có thể làm ảnh hưởng đến ống tiêu hóa, niêm mạc dạ dày và làm nặng thêm tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa. Vì thế bệnh nhân cần thêm các loại thực phẩm giúp kiểm soát quá trình tiết dịch vị như mật ong, sữa, rau xanh, yến mạch, thịt gà, dầu ô liu…  vào thực đơn ăn uống mỗi ngày.
  • Thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày: Người bị chảy máu đường tiêu hóa nên thêm vào thực đơn ăn uống một số loại thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày như khoai sắn, các loại gạo nếp, cơm, bánh mì, khoai lang, khoai tây… để giúp các tổn thương và vị trí xuất huyết mau chóng lành, cải thiện sức khỏe của hệ thống tiêu hóa.
  • Thực phẩm giúp trung hòa acid dịch vị: Trứng, sữa là những loại thực phẩm có khả năng trung hòa acid. Do đó người bệnh có thể thường xuyên bổ sung trứng luộc, sữa ấm vào chế độ dinh dưỡng.
  • Thức ăn mềm: Những ngày đầu tiên sau phẫu thuật hoặc áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu khác, người bệnh chỉ nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, thức ăn mềm, lỏng như súp, canh, sữa chua, sữa, cháo… Ngoài ra người bệnh nên ăn các loại rau của quả ít xơ, non mềm để làm giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa và dạ dày.

2. Thực phẩm không nên ăn khi bị xuất huyết tiêu hóa

Người bệnh cần tránh bổ sung những loại thực phẩm được liệt kê dưới đây để phòng ngừa niêm mạc dạ dày bị kích thích và tránh làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục bệnh.

  • Thực phẩm dai, khó tiêu hóa: Thực phẩm nhiều xơ già, dai, thô cứng, khó tiêu hóa như rau củ quả già, gân, sụn… có thể tạo áp lực cho hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra người bệnh cũng cần tránh ăn những loại thực phẩm khó tiêu nh thực phẩm nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, xúc xích, lạp xưởng, dăm bông, thức ăn nhanh…
  • Thực phẩm kích thích niêm mạc: Những thực phẩm có vị chua như củ kiệu, dưa muối, cải chua, trái cây và các thức uống có vị chua khi được đưa vào sử dụng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích, gây đau và làm nặng thêm tình trạng viêm loét, xuất huyết.
  • Gia vị cay nóng: Người bị xuất huyết tiêu hóa cần hạn chế dùng tiêu, ớt giấm, hành, tỏi và nhiều gia vị cay nóng khác.
  • Đồ uống chứa chất kích thích: Thức uống có gas, cà phê, các loại bia rượu là những thức uống có khả năng thúc đẩy bệnh xuất huyết tiêu hóa xảy ra và tiến triển theo chiều hướng xấu, kéo dài thời gian điều trị bệnh. Ngoài ra người bệnh cần tránh hút thuốc lá hoặc nghỉ ngơi tại những khu vực có nhiều khói thuốc lá sau quá trình điều trị.
  • Thực phẩm bẩn: Việc sử dụng các loại hoa quả, rau củ chưa được vệ sinh sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và làm nặng hơn bệnh xuất huyết đường tiêu hóa.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị xuất huyết tiêu hóa sau điều trị
Chế độ dinh dưỡng cho người bị xuất huyết tiêu hóa sau điều trị

Biện pháp phòng ngừa bệnh xuất huyết tiêu hóa tái phát

Để rút ngắn thời gian phục hồi và phòng ngừa bệnh xuất huyết đường tiêu hóa tái phát, sức khỏe suy giảm, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:

  • Ngủ đủ giấc tránh thức khuya. Tốt nhất người bệnh nên ngủ trước 23 giờ và ngủ 8 tiếng mỗi ngày để hệ tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi, tránh tạo áp lực.
  • Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc.  Hạn chế căng thẳng, lo âu, buồn phiền, cơ thể mệt mỏi.
  • Sử dụng thuốc đúng liều, đúng cách theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe, tốc độ hồi phục và có những biện pháp xử lý phù hợp khi cần thiết.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để kiểm soát căng thẳng, nâng cao sức khỏe tổng thể và hệ thống tiêu hóa. Người bị xuất huyết tiêu hóa sau điều trị có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, tập yoga, chơi cầu lông…

Bài viết là những thông tin xoay quanh các cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bệnh nhân có chế độ sinh hoạt phù hợp, chế độ ăn uống khoa học. Đồng thời biết cách theo dõi tình trạng sức khỏe khi xuất huyết tiêu hóa. Từ đó rút ngắn thời gian phục hồi bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát và tránh gây ra những rủi ro không mong muốn.