Cách bấm huyệt chữa bệnh trĩ – Hướng dẫn chi tiết

Bấm huyệt chữa bệnh trĩ là phương pháp tận dụng tác động cơ học từ bàn tay để thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng độ bền mạch máu ở trực tràng – hậu môn và hỗ trợ làm co búi trĩ. Phương pháp này có độ an toàn cao, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả khá rõ rệt nếu áp dụng thường xuyên.

bấm huyệt chữa trĩ
Bấm huyệt chữa bệnh trĩ là mẹo đơn giản, an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà

Có nên bấm huyệt chữa bệnh trĩ không?

Bệnh trĩ (lòi dom) là bệnh lý lành tính, xảy ra khi tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị phình giãn, ứ máu và tạo thành cấu trúc dạng búi. Bệnh được chia thành 3 loại là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng búi trĩ có xu hướng lớn dần theo thời gian và gây ra các triệu chứng phiền toái như đi ngoài ra máu, đau rát hậu môn, ngứa ngáy, khó chịu,…

Hiện nay, điều trị bệnh trĩ theo Tây y có nhiều phương pháp như sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống, can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật cắt trĩ trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra để tăng hiệu quả của quá trình điều trị, một số bệnh nhân kết hợp cả điều trị theo Tây y và Đông y. Trong đó, bấm huyệt chữa bệnh trĩ là phương pháp được áp dụng tương đối phổ biến.

Bấm huyệt sử dụng ngón tay để tạo ra tác động cơ học lên các huyệt vị có mối liên hệ với tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Theo quan niệm Đông y, lòi dom là do hành khí ở giang môn (hậu môn) bất thông dài ngày, dẫn đến cơ nhục suy yếu và sinh ra hiện tượng ứ huyết. Tác động từ phương pháp bấm huyệt có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng huyết ứ trệ ở giang môn và hỗ trợ thu nhỏ kích thước búi trĩ.

bấm huyệt chữa trĩ ngoại
Bấm huyệt có tác dụng tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ co búi trĩ và điều hòa hoạt động tiêu hóa

Vì vậy bên cạnh các phương pháp thông thường, bệnh nhân có thể kết hợp với liệu pháp bấm huyệt để hỗ trợ quá trình điều trị. Ngoài tác dụng làm co búi trĩ, liệu pháp này còn giúp điều hòa chức năng tiêu hóa, phòng ngừa táo bón và giảm nhẹ các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng,… Do đó, bấm huyệt chữa trĩ còn làm giảm áp lực khi đại tiện và hạn chế tối đa tình trạng đi ngoài ra máu.

Bấm huyệt là liệu pháp sử dụng tay để tạo ra tác động cơ học nên không thể tác động sâu đến tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Vì vậy, bệnh nhân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào liệu pháp này. Thay vào đó, cần phối hợp với lối sống khoa học và một số biện pháp y tế khác để điều trị bệnh dứt điểm.

Hướng dẫn chi tiết cách bấm huyệt chữa bệnh trĩ tại nhà

Bấm huyệt chữa bệnh trĩ là phương pháp tương đối đơn giản và có thể áp dụng ngay tại nhà. Phương pháp này mang lại hiệu quả với cả trường hợp trĩ nội và trĩ ngoại. Nếu bị trĩ hỗn hợp, nên kết hợp cả 2 liệu trình để mang lại hiệu quả tối ưu.

1. Cách bấm huyệt chữa bệnh trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ hình thành ở ống hậu môn và có thể sờ, cảm nhận được bằng tay. Vì búi trĩ nằm hoàn toàn ngoài ống hậu môn nên trĩ ngoại khởi phát triệu chứng ngay từ giai đoạn sớm.

Để giảm bệnh trĩ ngoại, bệnh nhân cần bấm các huyệt vị sau:

Huyệt Bách hội:

Huyệt Bách hội nằm ở chính giữa ngay đỉnh đầu. Để xác định huyệt, lấy điểm nằm giữa nối liền hai đầu lông mày, kéo thẳng đến đỉnh đầu chính là huyệt. Huyệt vị này có tác dụng hồi dương cố thoát, tiềm can dương và cử dương khí bị hạ hãm. Huyệt Bách hội có tác dụng chữa chứng trực tràng sa (lòi dom) và một số bệnh lý liên quan đến thần kinh.

bấm huyệt chữa trĩ ngoại
Bấm huyệt Bách hội có tác dụng chữa bệnh trĩ ngoại

Thực hiện: Dùng tay ấn vào huyệt trong 15 – 30 giây, nên dùng lực vừa phải để tránh tác động vào sọ. Thực hiện khoảng 3 lần sau đó chuyển sang huyệt vị khác.

Huyệt Tiểu trường du:

Huyệt Tiểu trường du nằm ở dưới đốt xương thiêng số 1 đo ngang ra 1.5 thốn (tương đương với 2 huyệt). Huyệt nằm ngay ở chỗ lõm giữa xương cùng và gai chậu sau. Huyệt vị này có tác dụng trị chứng đau nhức xương cùng, đau thắt lưng, bạch đới và bệnh trĩ.

Thực hiện: Ấn vào huyệt Tiểu trường du từ 1 – 2 phút, dùng lực từ nhẹ đến mạnh. Bấm huyệt vị này thường không gây đau tức như huyệt Bách hội. Nếu xảy ra hiện tượng đau có thể do đang hành kinh hoặc mang thai.

– Huyệt Trường cường:

Huyệt Trường cường nằm ngay chỗ lõm trên hậu môn, trước đầu xương cụt khoảng 0.3 thốn. Để xác định huyệt, bệnh nhân cần quỳ và cúi gập người sẽ thấy chỗ lõm hiện rõ giữa xương cụt và hậu môn. Huyệt có tác dụng điều trường phủ, thông mạch, chủ trị chứng khó tiểu, đau cột sống, sa trực tràng, tiêu ra máu và bệnh trĩ.

Thực hiện: Dùng ngón cái ấn vuông góc vào huyệt vị trong 30 – 60 giây. Khi ấn, nên điều chỉnh lực từ nhẹ đến mạnh cho đến khi có cảm giác ê tức thì duy trì đến khi đủ 30 – 60 giây là được. Lặp lại thêm 2 – 3 lần để giải phóng khí huyết ứ trệ ở giang môn.

– Huyệt Thừa sơn:

Huyệt Thừa sơn nằm ở mặt sau của bắp đùi, ngay chỗ lõm được tạo thành bởi 2 khe sinh đôi trong và ngoài. Huyệt nằm ngay giữa đường nối giữa gót chân và huyệt Ủy trung. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng điều khí, lương huyết và thư cân lạc. Bấm huyệt Thừa sơn chủ trị chứng đau gót chân, trĩ, trực tràng sa, chi dưới yếu liệt và đau dây thần kinh tọa.

bấm huyệt chữa trĩ ngoại
Huyệt Thừa sơn có tác dụng điều khí, lương huyết và thư cân lạc

Thực hiện: Đặt ngón cái lên huyệt, 4 ngón tay còn lại nắm chắc lấy bắp chân và dùng lực mạnh day ấn huyệt vị từ 30 – 60 giây.

– Huyệt Hợp cốc:

Huyệt Hợp cốc nằm trên xương ngón tay thứ 2, nằm giữa huyệt Dương khê và Tam gian. Huyệt vị này có nhiều tác dụng và được dùng để chữa nhiều chứng bệnh – trong đó có bệnh trĩ. Tuy nhiên, cần tránh bấm huyệt và châm cứu huyệt vị này nếu đang mang thai.

Thực hiện: Bấm trực tiếp vào huyệt Hợp cốc cho đến khi có cảm giác ê tức thì duy trì từ 30 – 60 giây. Thực hiện liên tục từ 4 – 5 lần và nên thực hiện hằng ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.

– Huyệt Tam âm giao:

Huyệt Tam âm giao nằm ở mặt trong của xương chày. Xác định huyệt bằng cách tìm đỉnh cao nhất của mắt cá chân bên trong, đo lên đúng 3 thốn. Huyệt chi phối dây thần kinh L4 có tác dụng điều huyết, kiện tỳ, thông khí trệ và hóa thấp. Tác động vào huyệt giúp tăng lưu thông máu, giảm tình trạng ứ máu ở hậu môn và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ.

Thực hiện: Có thể dùng tay bấm vuông góc với huyệt hoặc bấm hơi hướng lên trên đều được. Bấm huyệt với lực vừa phải, sau đó có thể tăng lực bấm để tạo ra tác động sâu. Tuy nhiên khi có cảm giác ê tức, nên duy trì lực thêm khoảng 20 – 30 giây và lặp lại 2 – 3 lần.

– Huyệt Thứ liêu:

Huyệt Thứ liêu nằm dưới lỗ xương thiêng thứ 2 ngay dưới cạnh của gai chậu sau. Huyệt có tác dụng trị bệnh trĩ, đau nhức vùng thắt lưng, sưng tinh hoàn, viêm tử cung và một số bệnh phụ khoa thường gặp khác. Day ấn huyệt vị này thấy đau nhức có thể cảnh báo một số vấn đề như đang mang thai, hành kinh hoặc bị viêm tuyến tiền liệt.

Thực hiện: Dùng ngón cái ấn trực tiếp lên huyệt vị từ 1 – 2 phút. Khi mới bắt đầu, nên dùng lực nhẹ sau đó tăng dần lực.

2. Bấm huyệt trị bệnh trĩ nội (kèm sa búi trĩ)

Trĩ nội là tình trạng búi trĩ xuất hiện trên đường lược và nằm gọn trong ống hậu môn. Ngoài các triệu chứng như trĩ ngoại, bệnh nhân bị trĩ nội còn gặp phải tình trạng sa trĩ khi ngồi xổm hoặc đại tiện. Nếu bị trĩ nội, bệnh nhân có thể bấm thêm các huyệt vị sau:

– Huyệt Thượng cự hư:

Huyệt Thượng cự hư nằm bên dưới đầu gối khoáng 6 thốn, dưới huyệt Túc tam lý 3 thốn. Huyệt vị này có tác dụng tiêu trệ, điều khí, hòa vị, lý trường và thanh thấp nhiệt. Bấm huyệt Thượng cự hư có thể trị chứng lòi dom, đau bụng, viêm ruột thừa và tiêu chảy.

cách bấm huyệt chữa trĩ nội
Huyệt Thượng cự hư có tác dụng tiêu trệ, điều khí, hòa vị, lý trường và thanh thấp nhiệt

Thực hiện: Bấm huyệt Thượng cự hư trong 1 – 3 phút. Nên sử dụng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn trực tiếp xuống huyệt. Lặp lại từ 2 – 3 lần để tăng hiệu quả.

– Huyệt Quan nguyên:

Huyệt Quan nguyên nằm ở dưới rốn 3 thốn. Huyệt có tác dụng trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa, phục khoa và nam khoa. Tác động vào huyệt Quan nguyên giúp tăng tuần hoàn máu và giảm hiện tượng ứ huyết ở tĩnh mạch trực tràng – hậu môn.

Thực hiện: Bấm huyệt tương tự như các huyệt vị khác.

– Huyệt Khí hải:

Huyệt Khí hải nằm ở dưới đốt sống thắt lưng thứ 3 đo ngang 1.5 thốn. Huyệt vị này có tác dụng chữa đau nhức lưng và các chứng bệnh xuất huyết. Bấm huyệt Khí hải giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng ứ huyết ở tĩnh mạch trực tràng – hậu môn và cầm máu búi trĩ sau khi đại tiện.

Thực hiện: Ấn vuông góc vào huyệt với lực vừa phải. Tránh bấm huyệt Khí hải quá mạnh – đặc biệt là trong trường hợp đang mang thai và bí tiểu do búi trĩ chèn ép đường tiểu.

Các lưu ý khi chữa bệnh trĩ bằng bấm huyệt

Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp bấm huyệt có cách thực hiện khá đơn giản và an toàn. Kết hợp phương pháp này cùng với sử dụng thuốc và can thiệp một số thủ thuật ngoại khoa có thể làm co búi trĩ nhanh chóng.

cách bấm huyệt chữa trĩ nội
Bên cạnh bấm huyệt chữa bệnh trĩ, bệnh nhân nên kết hợp với một số phương pháp y tế khác

Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Bấm huyệt chữa bệnh trĩ có thể giảm nhẹ một số triệu chứng và hỗ trợ làm co búi trĩ. Tuy nhiên để điều trị bệnh dứt điểm, bạn nên kết hợp với lối sống khoa học và các phương pháp y tế khác.
  • Trước khi bấm huyệt, cần cắt ngắn móng để tránh tình trạng xây xước và bầm tím da.
  • Phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, người bị cao huyết áp và mắc các bệnh nội khoa khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp bấm huyệt chữa bệnh trĩ.
  • Không bấm huyệt khi quá đói hoặc quá no. Ngoài ra, nên tránh bấm huyệt khi thân nhiệt cao hoặc tâm lý bất ổn, kích động.
  • Tránh tác động vào huyệt vị bị viêm nhiễm, lở loét, mụn nhọt hoặc đang bị các bệnh da liễu như mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, tổ đỉa,…
  • Bài viết chỉ hướng dẫn cách bấm huyệt chữa bệnh trĩ cơ bản. Để tăng hiệu quả, bệnh nhân nên đến các phòng khám Đông y uy tín để được thầy thuốc trực tiếp xây dựng phác đồ tùy theo chứng bệnh.
  • Thực tế, các phương pháp bảo tồn như bấm huyệt, dùng thuốc,… chỉ mang lại hiệu quả với bệnh trĩ ở giai đoạn 1 – giai đoạn 3. Với trường hợp trĩ độ 4 và đã xuất hiện biến chứng, nên cân nhắc phẫu thuật cắt trĩ trong thời gian sớm nhất.

Bài viết đã hướng dẫn chi tiết cách bấm huyệt chữa bệnh trĩ đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Để đạt được hiệu quả cao, bệnh nhân nên áp dụng đều đặn, đồng thời nên kết hợp với lối sống khoa học cùng và các phương pháp điều trị khác.