Các thuốc trị mụn (uống + bôi) tốt nhất và cách sử dụng

Kháng sinh, Tretinoin, Isotreinoin, thuốc ngừa thai, antiandrogen, Salicylic acid,… là các loại thuốc điều trị mụn phổ biến hiện nay. Trên thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc bôi hoặc thuốc uống dựa theo tình trạng da, mức độ mụn, nguyên nhân gây mụn và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

thuốc trị mụn
Thuốc trị mụn nào tốt nhất hiện nay?

Các loại thuốc trị mụn tốt nhất hiện nay (thuốc bôi + thuốc uống)

Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống là phương pháp điều trị mụn phổ biến. Tùy vào loại mụn, mức độ mụn, nguyên nhân gây mụn và khả năng đáp ứng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc bôi đơn lẻ hoặc kết hợp thuốc toàn thân để tăng hiệu quả điều trị.

Dưới đây là một số loại thuốc điều trị mụn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay (bao gồm cả thuốc bôi + thuốc uống):

1. Kháng sinh đường uống – Thuốc trị mụn trứng cá nặng

Như đã biết, vi khuẩn P. acnes là một trong những nguyên nhân gây mụn trên da mặt, da vùng lưng và ngực. Sự phát triển quá mức của chủng vi khuẩn này kích thích phản ứng viêm ở nang lông khiến da nổi mụn ồ ạt, mụn có kích thước lớn, sưng đỏ và đau nhức.

Kháng sinh đường uống được sử dụng trong trường hợp mụn trứng cá có mức độ trung bình đến nặng hoặc những trường hợp không có đáp ứng đối với chế phẩm dạng bôi. P. acnes là vi khuẩn thường trú trên da nên gần như không thể tiêu diệt hoàn toàn. Vì vậy để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, kháng sinh đường uống thường được kết hợp cùng với một số loại thuốc bôi như Retinoid hoặc Benzoyl peroxide.

Thông thường, kháng sinh toàn thân chỉ được dùng trong thời gian ngắn nhất có thể (trong vòng 3 tháng). Sau thời gian này, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám để đánh giá mức độ đáp ứng và thay đổi phác đồ nhằm hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

thuốc trị mụn nào tốt nhất hiện nay
Doxycycline là loại kháng sinh được sử dụng ưu tiên trong điều trị mụn trứng cá vừa và nặng

Một số loại kháng sinh thường được dùng để điều trị mụn, bao gồm:

Doxycycline: Doxycycline là loại kháng sinh được sử dụng ưu tiên trong điều trị mụn trứng cá vừa và nặng. Thuốc có tác dụng ức chế vi khuẩn P. acnes, từ đó làm giảm hiện tượng viêm đỏ và sưng nóng ở nốt mụn. Doxycycline chỉ được dùng cho trẻ trên 12 tuổi vì có nhiều rủi ro và nguy cơ. Loại thuốc này có thể tăng nhạy cảm với ánh nắng trong thời gian sử dụng.

Minocycline: Minocycline cũng là một trong những lựa chọn ưu tiên trong điều trị mụn. Thuốc có tác dụng chống lại sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes và ức chế viêm gián tiếp. Tuy nhiên, Minocycline gây ra phản ứng phụ có mức độ nghiêm trọng hơn Doxycycline. Vì vậy nếu sử dụng kháng sinh nhóm Tetracyline, Minocycline thường không được ưu tiên bằng Doxycycline.

Tetracycline: Tetracycline có khả năng ức chế và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn P. acnes. Thuốc chỉ được sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi. Trẻ dưới 8 tuổi sử dụng thuốc có thể bị biến đổi màu răng vĩnh viễn (màu xám, nâu hoặc vàng). Ngoài ra, Tetracycline còn có thể gây quái thai, tác hại đến xương và răng của thai nhi. Chính vì vậy, thuốc không được sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Azithromycin: Azithromycin là kháng sinh nhóm macrolide và là lựa chọn thứ 2 trong điều trị mụn trứng cá. Thuốc được sử dụng cho những trường hợp chống chỉ định dùng kháng sinh Tetracycline như trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Tương tự như các loại kháng sinh khác, Azithromycin có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P. acnes và gián tiếp làm giảm hiện tượng viêm.

Erythromycin: Erythromycin là một trong những loại kháng sinh thuộc nhóm macrolide. Do có tác dụng kháng P. acnes mạnh nên loại kháng sinh này thường được dùng trong trường hợp mụn trứng cá nặng. Erythromycin có thể sử dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai khi cần thiết. Chống chỉ định thuốc cho người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, tiền sử bị điếc hoặc mắc các bệnh về gan.

Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong phác đồ điều trị mụn trứng cá có mức độ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, vi khuẩn P. acnes có thể biến đổi và kháng lại hoạt tính của thuốc. Để giảm tình trạng này, nên sử dụng thuốc đều đặn trong thời gian được chỉ định (khoảng 3 – 4 tháng hoặc hơn). Bên cạnh đó, cần phối hợp với thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Thuốc trị mụn Isotretinoin

Isotretinoin là một trong những loại thuốc điều trị mụn được sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên do có nhiều rủi ro và nguy cơ nên Isotretinoin đường uống chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, mụn kháng trị, mụn nang, mụn bọc lớn, mụn để lại sẹo nghiêm trọng và tác động đến tâm lý – xã hội.

Bệnh nhân là nữ giới trong độ tuổi sinh sản sẽ được bác sĩ tư vấn về ảnh hưởng của thuốc Isotretinoin (gây quái thai). Đồng thời bắt buộc phải sử dụng các biện pháp ngừa thai trong và sau khi ngừng điều trị ít nhất 6 tháng. Isotretinoin chỉ được sử dụng khi bệnh nhân chấp thuận và ký biên bản thỏa thuận đồng ý điều trị.

thuốc trị mụn nào tốt nhất hiện nay
Thuốc trị mụn Isotretinoin chỉ được sử dụng khi có sự chấp thuận của bệnh nhân

Isotretinoin là dẫn xuất đường uống của vitamin A được sử dụng trong điều trị bệnh trứng cá và một số vấn đề da liễu khác như vảy nến. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động tăng tiết bã nhờn, từ đó giảm hoạt động và sự phát triển của vi khuẩn P. acnes. Bên cạnh đó, Isotretinoin còn có hiệu quả kháng viêm và làm khô cồi mụn.

Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra hàng loạt các tác dụng phụ trong thời gian sử dụng như khô môi (chiếm 99%), khô da, da tróc vảy, bùng phát mụn ồ ạt, táo bón, đau cơ xương khớp, chảy máu cam nhẹ, mất ngủ, khô mắt, chóng mặt, chảy máu mô nướu, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, tăng men gan và rối loạn mỡ máu.

Đặc biệt, Isotretinoin có thể gây quái thai, cụ thể thuốc là dị dạng tai trong, dị dạng thần kinh thị giác, làm mất dái tai 2 bên, chậm phát triển tâm thần và biến dạng khuôn mặt. Chính vì vậy, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp mụn trứng cá có mức độ nặng và không đáp ứng với các biện pháp thông thường.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của Isotretinoin, cần sử dụng liều thấp nhất có đáp ứng. Liều khởi đầu 0.5mg/ kg/ ngày trong tháng đầu và tăng lên 1mg/ kg/ ngày khi bệnh nhân đã dung nạp. Tổng liều Isotretinoin có thể lên đến 120 – 150mg/ kg cân nặng. Sau khoảng 4 – 6 tuần sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được kiểm tra công thức máu, thử thai nước tiểu và chức năng gan.

3. Thuốc điều hòa nội tiết tố

Mụn trứng cá có thể xảy ra do rối loạn nội tiết tố. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp với các loại thuốc có khả năng điều hòa nội tiết như thuốc tránh thai và thuốc chống androgen.

– Thuốc ngừa thai kết hợp (Drospirenone, Norethindrone, Norgestimate, Ethinyl estradiol)

Thuốc ngừa thai kết hợp là viên uống chứa 2 loại hormone, bao gồm estrogen và progestin. Việc bổ sung 2 loại hormone này có khả năng ngăn chặn sự rụng trứng khiến trứng và tinh trùng không thể gặp gỡ.

Ngoài khả năng ngừa thai, thuốc ngừa thai kết hợp còn được sử dụng để điều trị rong kinh và mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố. Đồng thời hỗ trợ giảm hình thành bướu lành buồng trứng, giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và điều hòa kinh nguyệt.

Thuốc trị mụn
Thuốc ngừa thai kết hợp thường được dùng để điều trị mụn do rối loạn nội tiết tố

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc ngừa thai kết hợp đơn lẻ hoặc phối hợp với các loại thuốc khác trong trường hợp mụn trứng cá có mức độ trung bình đến nặng. Nhóm thuốc này được sử dụng khi tình trạng mụn không có đáp ứng với điều trị thông thường, có triệu chứng cường androgen, có dấu hiệu liên quan đến nội tiết (bùng phát trước kỳ kinh) và đi kèm với chứng rong kinh.

Tuy nhiên, thuốc tránh thai kết hợp không được dùng cho nữ giới dưới 14 tuổi và 2 năm đầu tiên kể từ thời điểm bắt đầu hành kinh.

– Thuốc chống androgen

Thuốc chống androgen (antiandrogen) là hoạt chất ức chế hoặc đối kháng androgen. Thuốc được sử dụng trong trường hợp nổi mụn trứng cá do cường androgen. Thông thường, hormone androgen được cơ thể sản xuất nhiều vào giai đoạn dậy thì nhằm kích thích mọc lông mu, nách và thúc đẩy quá trình tổng hợp estrogen.

Tuy nhiên, hormone này có thể làm tăng hoạt động sản xuất bã nhờn khiến da nổi nhiều mụn và luôn trong trạng thái bóng nhờn. Trường hợp cường androgen là tình trạng cơ thể sản xuất hormone androgen quá nhiều so với nhu cầu. Tình trạng này có thể khiến da nổi nhiều mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt và rậm lông.

thuốc trị mụn trứng cá
Thuốc chống androgen được sử dụng trong trường hợp mụn trứng cá do cường androgen

Các loại thuốc kháng androgen (Spironolactone, Cyproterone,…) được sử dụng nhằm điều hòa hormone trong cơ thể, từ đó giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá, rậm lông và giảm một số rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, vô kinh, kinh thưa,…

Trên thực tế, các loại thuốc uống điều trị mụn thường được sử dụng phối hợp tùy vào mức độ mụn. Sử dụng thuốc uống đơn lẻ thường không đem lại hiệu quả rõ rệt và có nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng trị.

4. Thuốc bôi nhóm Retinoid

Sử dụng thuốc bôi là điều trị ưu tiên đối với mụn trứng cá ở bất cứ mức độ nào. Chỉ khi điều trị tại chỗ không cho hiệu quả rõ rệt, bệnh nhân mới được yêu cầu điều trị toàn thân bằng kháng sinh, thuốc điều hòa nội tiết và Tretinoin.

Retinoid là dẫn xuất của vitamin A và được ứng dụng trong nhiều chế phẩm dạng bôi điều trị mụn trứng cá. Việc phát hiện ra Retinoid được xem phát kiến vĩ đại vì có thể giải quyết được gần như tất cả các vấn đề về da như mụn, thâm nám, tàn nhang và ngăn ngừa lão hóa. Sử dụng thuốc bôi Retinoid có tác dụng tẩy tế bào chết, giảm hoạt động của tuyến dầu, ức chế vi khuẩn, giảm viêm và cải thiện hiện tượng sưng đỏ.

thuốc trị mụn trứng cá
Adapalene là retinoid thế hệ thứ 3 được sử dụng để điều trị mụn trứng cá có mức độ nhẹ và vừa

Các dẫn xuất của Retinoid thường được dùng trong điều trị mụn, bao gồm:

Tretinoin: Tretinoin tại chỗ không liên quan đến tác dụng sinh lý của vitamin A. Thuốc có tác dụng kìm hãm quá trình tạo keratin, thúc đẩy tốc độ đổi mới tế bào, kích thích phân bào và giảm sự bít tắc của các nang lông. Với cơ chế làm tiêu tế bào bị sừng hóa ở lỗ chân lông, thuốc bôi chứa Tretinoin có tác dụng ức chế vi khuẩn P. acnes, loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn tích tụ.

Tazarotene: Tazarotene thường được dùng để điều trị mụn trứng cá có mức độ nhẹ và vừa. Ngoài ra, loại thuốc này cũng được để điều trị vảy nến thể mảng ở giai đoạn ổn định. Thuốc bôi Tazarotene được chỉ định đối với những trường hợp không thể sử dụng Tretinoin.

Adapalene: Adapalene là retinoid thế hệ thứ 3 được sử dụng để điều trị mụn trứng cá có mức độ nhẹ và vừa. Thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc sử dụng phối hợp kháng sinh dạng bôi để tăng hiệu quả trị mụn. Trên thực nghiệm lâm sàng, Adapalene cho hiệu quả kém nhất trong các dạng dẫn xuất của vitamin A ở dạng bôi. Chính vì vậy, thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp mụn nhẹ hoặc người bị mụn trứng cá có làn da quá nhạy cảm.

5. Thuốc bôi trị mụn trứng cá, mụn ẩn chứa Salicylic acid

Salicylic acid (BHA) là một loại axit gốc dầu. Khi thoa lên da, hoạt chất này nhanh chóng hòa tan với dầu thừa và len lỏi vào các lỗ chân lông, phá vỡ tế bào chết, đẩy bã nhờn và các chất tích tụ bên trong nang lông ra bên ngoài. Với cơ chế này, thuốc bôi chứa Salicylic acid có khả năng ngăn ngừa mụn, điều trị mụn và đẩy nhân mụn ở lớp trung bì (mụn ẩn).

Tuy nhiên, Salicylic acid không có tác dụng kháng khuẩn mà chủ yếu giảm viêm và làm thông thoáng lỗ chân lông. Chính vì vậy trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng kèm với thuốc kháng sinh dạng bôi. Đối với những trường hợp mụn nhẹ, có thể sử dụng thuốc bôi chứa Salicylic acid đơn độc. Chỉ sau vài ngày sử dụng, nốt mụn có xu hướng giảm sưng, cồi mụn khô và được đẩy lên bề mặt da.

Đơn thuốc tây trị mụn
Salicylic acid (BHA) có tác dụng tẩy tế bào chết, giảm viêm và giúp nang lông thông thoáng

Hiện nay, Salicylic acid không chỉ có trong các chế phẩm thuốc bôi trị mụn mà còn được bổ sung vào công thức của sữa rửa mặt, kem dưỡng, nước hoa hồng,… để tăng hiệu quả làm sạch da và ngăn ngừa mụn tái phát. Thuốc bôi điều trị mụn Salicylic acid có thể sử dụng mà không cần kê toa. Hơn nữa, loại thuốc này hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên trong thời gian đầu mới sử dụng, da có thể khô ráp và bong tróc nhẹ.

6. Benzoyl peroxide – Thuốc bôi trị mụn bọc, mụn nang

Benzoyl peroxide là loại thuốc bôi trị mụn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Khi thoa lên nốt mụn, hoạt chất này nhanh chóng thẩm thẩu vào bên trong nhân mụn và phân tách thành oxy. Như đã biết, vi khuẩn P. acnes chỉ phát triển trong môi trường không có O2 (môi trường yếm khí). Việc đưa oxy vào ổ mụn giúp tiêu diệt vi khuẩn, làm khô cồi mụn và đẩy nhân mụn lên bề mặt da.

Thuốc uống trị mụn
Benzoyl peroxide có khả năng phân tán thành oxy giúp ức chế vi khuẩn và làm khô cồi mụn

Ngoài ra, Benzoyl peroxide còn có tác dụng làm bong tế bào dày sừng ở nốt mụn, từ đó giúp lỗ chân lông thông thoáng và hạn chế nguy cơ mụn tái phát. Hiện nay, chế phẩm dạng bôi chứa Benzoyl peroxide thường có hàm lượng từ 2.5 – 5%.

Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây thâm nốt mụn do phản ứng oxy hóa. Ngoài ra, sử dụng thuốc dài ngày có thể khiến da tăng tốc độ lão hóa (trong trường hợp dùng trên diện rộng). Khi dùng Benzoyl peroxide, nên tránh để thuốc dính vào quần áo vì thuốc có thể làm mất màu của vải vóc.

7. Thuốc bôi trị mụn chứa Azelaic acid

Trong những năm gần đây, thuốc bôi trị mụn Azelaic acid được ưa chuộng và sử dụng phổ biến vì có khả năng giảm mụn, kiểm soát bã nhờn và giảm tăng sắc tố hiệu quả. Hơn nữa, hoạt chất này được đánh giá an toàn, lành tính và có mức độ kích ứng thấp hơn rất nhiều so với Tretinoin.

Thuốc uống trị mụn
Thuốc bôi trị mụn chứa Azelaic acid vừa có tác dụng giảm mụn vừa giúp cải thiện vết thâm

Azelaic acid thực chất là một dicarboxylic acid có nguồn gốc từ lúa mạch, lúa mì và một số loại ngũ cốc khác. Khi thoa lên da, hoạt chất này có khả năng thẩm thấu sâu vào các lỗ chân lông, tiêu diệt vi khuẩn, giảm sưng đỏ, cải thiện hiện tượng viêm và giữ cho nang lông ở trạng thái thông thoáng. Sử dụng thuốc bôi chứa Azelaic acid đều đặn có thể giảm số lượng mụn trứng cá và ngăn ngừa mụn tái phát.

Ngoài ra, Azelaic acid còn có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tế bào melanin ở thượng bì. Từ đó giúp giảm vết thâm sau mụn, nám da và tàn nhang. Các sản phẩm chứa Azelaic acid có thể sử dụng trong thời gian dài để duy trì làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa mụn, làm trắng da và loại bỏ vết thâm.

8. Thuốc bôi chứa lưu huỳnh (Sulfur)

Sulfur (lưu huỳnh) là một loại phi kim khá phổ biến, không vị và không có mùi. Thuốc bôi chứa Sulfur thường được dùng để điều trị mụn trứng cá có mức độ nhẹ và có thể sử dụng mà không cần kê toa. Hoạt chất này có khả năng hấp thụ bã nhờn, tẩy tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông. Sulfur có cơ chế tương tự Salicylic acid nhưng được đánh giá có hoạt tính nhẹ hơn và phù hợp với mọi loại da.

Thuốc uống trị mụn
Thuốc bôi chứa lưu huỳnh (Sulfur) được sử dụng để điều trị mụn có mức độ nhẹ

Để tăng hiệu quả điều trị, các chế phẩm trị mụn chứa Sulfur thường được bổ sung thêm Resorcinol (hợp chất hữu cơ có trong vỏ cây), chiết xuất cam thảo và một số thành phần trị mụn khác. Thuốc bôi trị mụn chứa Sulfur hầu như không gây ra tác dụng phụ nặng nề. Ở một số trường hợp, thuốc có thể gây kích ứng nhẹ, khô ráp và bong tróc da.

9. Kháng sinh dạng bôi

Bên cạnh các loại thuốc bôi có tác dụng tiêu cồi mụn và ức chế viêm, bác sĩ có thể yêu cầu dùng một số loại thuốc bôi chứa kháng sinh (Erythromycin, Clindamycin phosphate và Dapsone). Tương tự như kháng sinh đường uống, kháng sinh tại chỗ có khả năng ức chế vi khuẩn và gián tiếp ức chế phản ứng viêm.

Các hoạt chất kháng sinh có khả năng thẩm thấu kém. Chính vì vậy, nhóm thuốc này thường được sử dụng đồng thời với Retinoid hoặc BHA nhằm tăng hiệu quả trị mụn và giảm viêm. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh đơn độc còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

10. Thuốc bôi trị mụn dạng kết hợp

Để tránh tình trạng phải sử dụng nhiều loại bôi lên cùng 1 vùng da, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc trị mụn dạng phối hợp như:

  • Kháng sinh + Benzoyl peroxide
  • Benzoyl peroxide + Retinoid
  • Retinoid + Kháng sinh
  • Benzoyl peroxide + Kháng sinh + Retinoid

Các loại thuốc bôi dạng phối hợp có hiệu quả tiêu viêm, đẩy cồi mụn và ức chế vi khuẩn mạnh. Hơn nữa, sử dụng chế phẩm dạng kết hợp còn giúp hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh và giảm thiểu tình trạng mụn kháng trị.

Cách sử dụng thuốc trị mụn (thuốc uống + thuốc bôi)

Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng thuốc trị mụn, cần dùng thuốc đúng cách.

Thuốc uống trị mụn
Cần sử dụng thuốc trị mụn đúng cách để đạt hiệu quả cao và phòng ngừa kháng thuốc

Cách dùng thuốc trị mụn dạng bôi:

  • Rửa sạch da mặt và lau khô hoàn toàn trước khi thoa thuốc
  • Lấy một lượng thuốc vừa đủ, thoa trực tiếp lên da
  • Sử dụng 1 – 2 lần/ ngày hoặc hơn tùy vào từng loại thuốc
  • Không thoa lên vùng da xung quanh mắt, vùng da bị xây xước và có vết thương hở
  • Rửa sạch tay sau khi sử dụng để hạn chế thuốc dính vào môi, mũi và mắt
  • Nên sử dụng kem chống nắng và che chắn da để tránh tình trạng da bắt nắng và đen sạm

Cách sử dụng thuốc trị mụn dạng uống:

  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều lượng và thời gian sử dụng
  • Nên uống thuốc tại cùng một thời điểm cụ thể trong ngày để đảm bảo hiệu quả kháng vi khuẩn và hạn chế nguy cơ kháng thuốc
  • Không tự ý phối hợp với bất cứ chế phẩm dạng uống nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ
  • Hạn chế tối đa tình trạng quên thuốc
  • Thực hiện các biện pháp ngừa thai nếu sử dụng Isotretinoin

Sau khi sử dụng thuốc một thời gian, cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá mức độ đáp ứng. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng da để chỉ định hướng điều trị tiếp theo nhằm hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh.

Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc điều trị mụn dạng bôi và dạng uống tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên để lựa chọn được loại thuốc phù hợp, nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa tình trạng tự ý sử dụng thuốc – đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc và xuất xứ.