Các cấp độ bệnh trĩ (nội – ngoại) và dấu hiệu nhận biết

Bệnh trĩ có các cấp độ phát triển khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và thể trạng người bệnh. Nhận biết sớm căn bệnh này từ giai đoạn đầu sẽ giúp việc điều trị thuận lợi, ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt cho bệnh nhân.

Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết
Bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống người bệnh

Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết

Bệnh trĩ hình thành do đám rối tĩnh mạch nằm ở hậu môn bị giãn ra quá mức dẫn đến viêm nhiễm, sưng phòng các mô. Căn bệnh này có các dạng chính là trĩ nội, trĩ ngoại và dạng hỗn hợp của hai loại này. Trong đó:

  • Búi trĩ nội sẽ nằm bên trong hậu môn, người bệnh không quan sát được. Đến khi bệnh chuyển nặng, các búi trĩ mới lòi ra bên ngoài.
  • Búi trĩ ngoại nằm bên ngoài hậu môn nên có thể nhận thấy bằng mắt thường. Khi bệnh phát triển nặng, búi trĩ ngoại sẽ gia tăng kích thước, có thể lây lan viêm nhiễm sang các vùng xung quanh.

Để nhận biết sớm căn bệnh này, dưới đây là chi tiết các cấp độ của bệnh trĩ mời bạn đọc tham khảo:

Trĩ nội – Cấp độ và dấu hiệu nhận biết

Trĩ nội hình thành từ các búi trĩ nhỏ nằm bên trên đường lược và phát triển theo thời gian khiến kích thước to dần đến khi lòi ra ngoài (sa búi trĩ).

Có 4 cấp độ tương ứng với giai đoạn phát triển của trĩ nội là cấp độ 1, 2, 3, 4. Người bệnh sẽ nhận thấy được bệnh thông qua việc đi ngoài ra máu, xuất hiện dịch nhầy xung quanh hậu môn kèm theo đau rát.

Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết
Các cấp độ và dấu hiệu nhận biết trĩ nội

Theo mỗi giai đoạn bệnh lý mà dấu hiệu nhận biết cũng sẽ có những thay đổi nhất định. Người bệnh nên nhận biết sớm để có biện pháp điều trị phù hợp:

Trĩ nội cấp độ 1

Giai đoạn khởi phát, các búi trĩ hình thành với hình dạng như các khoang rỗng, chứa máu tươi giàu oxy bên trong. Dòng máu này sẽ giúp nuôi dưỡng búi trĩ theo từng ngày.

Khi người bệnh đi đại tiện, các búi trĩ bị tác động khiến cho máu chảy từ các khoang chứa ra theo phân. Tuy nhiên, lúc này chúng có kích thước nhỏ nên máu chảy ra sẽ không nhiều và không thường xuyên, người bệnh khó có thể phát hiện.

Đây là dấu hiệu nhận biết duy nhất ở giai đoạn khởi phát và rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác của cơ thể khiến người bệnh chủ quan.

Trĩ nội cấp độ 2

Do khó phát hiện từ giai đoạn đầu nên bệnh có cơ hội tiến triển thành cấp độ 2. Lúc này, các dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ đã tương đối rõ ràng hơn:

  • Sa búi trĩ: Sa búi trĩ hay lòi dom là hiện tượng xuất hiện cục thịt hồng lòi ra ở hậu môn khi bệnh nhân đi đại tiện. Kích thước các búi trĩ ở cấp độ 2 còn nhỏ, do đó khi lòi ra bên ngoài chúng có thể ngay lập tức chui vào bên trong theo cơ thắt hậu môn.
  • Đại tiện ra máu: Do kích thước búi trĩ phát triển hơn so với cấp độ 1 nên bệnh nhân đi đại tiện sẽ thấy nhiều máu tươi thường xuyên. Máu chảy nhỏ giọt hoặc dính vào phân, bệnh nhân có thể nhận biết bằng mắt thường hay nhìn từ giấy vệ sinh.
  • Đau hậu môn và có dịch nhầy: Khi bệnh nhân đi đại tiện sẽ cảm thấy đau rát vùng hậu môn. Bên cạnh đó, xung quanh hậu môn còn có dịch nhầy ẩm ướt.

Trĩ nội cấp độ 3

Đây là giai đoạn bệnh trĩ bắt đầu phát triển nhanh khó kiểm soát. Người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống. Dấu hiệu nhận biết bệnh tương tự như cấp độ 2 nhưng mức độ nghiêm trọng tăng lên, cụ thể:

Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết
Búi trĩ cấp độ 3 không tự co lại vào bên trong mà phải có tác động của người bệnh
  • Đại tiện ra máu: Lúc này, búi trĩ đã lớn kéo theo lượng máu mất đi mỗi lần đi đại tiện khá nhiều. Máu có thể nhỏ giọt ranh, có thể chảy thành dòng nhỏ từ hậu môn. Tình trạng này khiến cho người bệnh thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt,…
  • Sa búi trĩ: Ngoài chảy nhiều máu hơn thì tình trạng sa búi trĩ cũng nặng hơn. Các búi trĩ bị lòi ra ngoài không còn khả năng co lại vào bên trong như cấp độ 2 nữa. Người bệnh phải tác động bằng tay vào búi trĩ mới có thể nhét vào hậu môn, tuy nhiên biện pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, dịch nhầy ở hậu môn sẽ tiết ra nhiều hơn, kèm theo đó là cảm giác đau rát dữ dội khi người bệnh đi đại tiện.

Tình trạng sa búi trĩ ở cấp độ 3 sẽ xảy ra thường xuyên và có thể diễn ra ngay cả khi người bệnh ngồi làm việc, vận động mạnh. Điều này gây ra những bất tiện trong cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc của bệnh nhân. 

Trĩ nội cấp độ 4

Cấp độ 4 là mức cuối cùng của bệnh trĩ nội, là giai đoạn chuyển biến nặng nhất bắt buộc bệnh nhân phải có biện pháp can thiệp chuyên sâu để điều trị. Dấu hiệu nhận biết sẽ thể hiện rõ ràng và nghiêm trọng hơn:

  • Đại tiện ra máu: Khi người bệnh đi đại tiện, máu sẽ chảy nhiều hơn có khi thành dòng hoặc phun thành tia. Tình trạng này gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
  • Sa búi trĩ cấp độ 4: Các búi trĩ giai đoạn này đã phát triển quá lớn, lòi hẳn ra ngoài hậu môn và không thể co lại bên trong ngay cả khi người bệnh cố ý dùng tay tác động. Không những đại tiện khó khăn, khi bệnh nhân di chuyển, đứng hoặc ngồi cũng khiến búi trĩ cọ xát vào quần gây đau nhức liên tục.

Ngoài ra, dịch nhầy ở vùng hậu môn lúc này tiết ra nhiều, gây ẩm ướt cả búi trĩ, đây là môi trường thích hợp để các vi khuẩn hoạt động dẫn đến viêm nhiễm búi trĩ. Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết
Trĩ nội biến chứng khiến bít tắc hậu môn, nhiễm trùng búi trĩ,…

Chính vì thế, bạn đọc nên có biện pháp phòng tránh và nhận biết sớm căn bệnh này, tránh để bệnh tiến triển nặng khó điều trị dứt điểm. Một số biến chứng nguy hại khi bệnh trĩ nội phát triển đến cấp độ cuối cùng:

  • Tắc mạch: Các khoang máu phát triển lớn gây tác lòng mạch khiến bệnh nhân đau rát dữ dội.
  • Nhiễm khuẩn búi trĩ: Viêm nhiễm búi trĩ nội kéo theo viêm ống hậu môn, sưng loét hay phù nề bên trong.
  • Sa nghẹt hậu môn: Búi trĩ có kích thước càng lớn sẽ khiến nghẹt một phần, có khi toàn bộ hậu môn của người bệnh gây khó khăn khi đi đại tiện. Trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến lở loét, hoại tử hậu môn.

Trĩ ngoại – Cấp độ và dấu hiệu nhận biết

Không giống như trĩ nội, trĩ ngoại là hiện tượng các khoang tĩnh mạch hậu môn bị phình to ra hình thành búi trĩ nằm bên ngoài, được bao bọc bởi da, có thể nhận biết bằng mắt thường. 

Theo góc độ chuyên môn, trĩ ngoại không được chia theo cấp độ như trĩ nội. Thay vào đó, người ta sẽ chia căn bệnh này theo các mức độ mà nó tác động đến cơ thể người bệnh. Dưới đây sẽ tạm chia bệnh trĩ ngoại theo các thời kỳ phát triển tương ứng như sau:

Thời kỳ thứ nhất

Lúc này búi trĩ thò ra bên ngoài hậu môn có kích thước nhỏ, chỉ bằng hạt đậu. Người bệnh cảm nhận được có vật gì cồm cộm dưới hậu môn kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ngoại thời kỳ khởi phát:

  • Hậu mộ bị sưng đỏ, ướt, ngứa và đau rát.
  • Búi trĩ có màu hồng hoặc hơi đỏ, kích thước nhỏ, có thể nhìn hoặc sờ được.
  • Ngồi cảm thấy cộm ở hậu môn.
  • Một số trường hợp trĩ ngoại thời kỳ này gây xuất huyết nhưng lượng máu rất ít, thấy được thông qua giấy vệ sinh hoặc dính một ít theo phân.

Nếu phát hiện được từ giai đoạn này, bệnh nhân có thể điều trị bệnh dễ dàng thông qua chế độ sinh hoạt và ăn uống giúp co búi trĩ một cách tự nhiên, an toàn.

Thời kỳ thứ hai

Búi trĩ phát triển hơn, hình thành các đám rối ngoằn ngoèo bên ngoài hậu môn. Khi bệnh nhân đi đại tiện sẽ thấy đau và khó chịu. Nếu hậu môn không được vệ sinh sạch sẽ có nguy cơ cao gây viêm nhiễm. Bệnh nhân có thể nhận biết thông qua:

  • Chảy máu ra từ hậu môn khi đi đại tiện kèm theo đó là tình trạng ngứa rát khó chịu, hậu môn có hiện tượng sưng tấy.
  • Búi trĩ ngoại to hơn gây cảm giác vướng víu cho người bệnh.
Các cấp độ của bệnh trĩ và dấu hiệu nhận biết
Trĩ ngoại phát triển lớn dễ bị tổn thương, gây nhiễm trùng hậu môn

Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn còn nhẹ và có thể khắc phục nếu bệnh nhân phát hiện ra những bất thường. Không nên chủ quan, bởi vì chỉ cần bệnh phát triển sang thời kỳ tiếp theo sẽ khó khăn hơn trong điều trị.

Thời kỳ thứ ba

Lúc này, búi trĩ đã phát triển lớn hơn, có thể khiến hậu môn bị bít tắc. Khi người bệnh rặn trong quá trình đại tiện vô tình cọ xát vào các búi trĩ khiến chúng chảy máu, gây đau đớn và dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Thời kỳ thứ tư

Đây là thời kỳ cuối của trĩ ngoại, giai đoạn này các búi trĩ đã lớn hơn bình thường gây nhiều khó khăn cho người bệnh. Không những thế, tình trạng đại tiện khó khăn khiến người bệnh mất nhiều máu hơn, tăng nguy cơ viêm hậu môn, áp xe hậu môn hay rò hậu môn,…

Bệnh nhân có thể bị xuất huyết ngay cả khi chỉ ngồi xổm hay khiêng vác nặng. Máu chảy thành dòng có khi bắn thành tia khiến cơ thể mất nhiều máu. Trường hợp búi trĩ ngoại bị viêm nhiễm còn dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Chính vì thế, bạn đọc cần nhanh chóng xử lý khắc phục ngay từ khi nhận thấy những dấu hiệu khởi phát của bệnh trĩ ngoại. Đừng ủ bệnh khiến cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng, khó điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh trĩ

Cách tốt nhất để không rơi vào những trường hợp kể trên, bạn đọc nên chủ động trong phòng tránh bệnh trĩ. Một số vấn đề cần lưu ý như:

Cách phòng ngừa bệnh trĩ
Cách phòng ngừa bệnh trĩ
  • Lựa chọn thực phẩm sạch, chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh, ngũ cốc,…bổ sung cho cơ thể, làm tăng khối lượng phân nhưng vấn đảm bảo phân mềm, dễ đi đại tiện.
  • Uống nhiều nước giúp cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn.
  • Khi đi vệ sinh không nên rặn quá mạnh hoặc sử dụng giấy vệ sinh chà xát lên hậu môn gây vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 
  • Chỉ nên đi đại tiện khi có cảm giác buồn đi cầu. Nhiều người có thói quen nhịn đi vệ sinh, điều này làm cho niêm mạc trực tràng hấp thụ ngược lại nước trong phân khiến phân trở nên khô cứng, dễ gây tổn thương hậu môn.
  • Tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng táo bón, giảm tải áp lực cho tĩnh mạch trực tràng.
  • Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu để ngăn chặn bệnh trĩ hình thành.

Trên đây là các cấp độ bệnh trĩ (nội – ngoại) hy vọng đã cung cấp được các thông tin cần thiết cho bạn đọc. Việc chủ động nhận biết sớm và điều trị sẽ tăng khả năng phục hồi cho người bệnh. Khi thấy có những biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở uy tín để được tư vấn khắc phục.