Bệnh viêm da cơ địa có lây không, làm sao phòng ngừa?

Viêm da cơ địa không có khả năng lây nhiễm nhưng có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Bệnh có tính chất cố thủ, dai dẳng và không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát tổn thương da và phòng ngừa tái phát bằng cách tuân thủ điều trị và chủ động cách ly với các yếu tố kích thích.

Bệnh viêm da cơ địa có lây không
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?

Bệnh viêm da cơ địa có lây không?

Viêm da cơ địa là một trong thể bệnh phổ biến của chàm – eczema. Thể bệnh này đặc trưng bởi tổn thương da mãn tính, dai dẳng và tái phát nhiều lần. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều khởi phát trong những năm đầu đời (từ 0 – 5 tuổi) và chỉ có khoảng 10% khởi phát từ 6 tuổi trở lên.

Hiện nay, không có biện pháp điều trị hoàn toàn bệnh viêm da cơ địa. Mục đích chính của việc điều trị là làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa tái phát.

Chính vì chưa thể điều trị dứt điểm nên khá nhiều bệnh nhân thắc mắc “Bệnh viêm da cơ địa có lây không?”. Theo các chuyên gia Da liễu, viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính có liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền. Do đó bệnh hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm, kể cả khi tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị bệnh.

Tuy nhiên, bệnh lý này có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Thống kê cho thấy, khoảng 60% trường hợp có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý cơ địa như viêm mũi dị ứng, chàm – eczema, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn và sốt cỏ khô.

Các biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa chỉ gây thương tổn ngoài da và hiếm khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển dai dẳng, tái phát thường xuyên và gây ra một số biến chứng như viêm da thần kinh, viêm da bội nhiễm, thâm sẹo,…

Bệnh lý này có liên quan đến yếu tố thể địa và di truyền nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh với các biện pháp phòng ngừa sau:

1. Tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Mặc dù không thể chữa trị hoàn toàn nhưng can thiệp điều trị có thể giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế nguy cơ viêm da cơ địa tái phát. Ngoài ra, tích cực điều trị còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và tâm lý. Do đó khi viêm da cơ địa khởi phát, bạn nên thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn các biện pháp điều trị phù hợp.

Bệnh viêm da cơ địa có lây không
Điều trị không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn hỗ trợ giảm nguy cơ bệnh tái phát

Các biện pháp thường được áp dụng trong điều trị viêm da cơ địa, bao gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc bôi như dung dịch sát trùng, kem dưỡng ẩm, thuốc bôi chứa corticoid, thuốc ức chế calcineurin, thuốc chứa axit salicylic,…
  • Hoặc có thể kết hợp với một số loại thuốc uống như thuốc kháng histamine H1, thuốc ức chế IgE, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, corticoid đường uống,…
  • Ngoài ra, viêm da cơ địa cũng có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Phương pháp này sử dụng tia UV nhân tạo để ức chế các cơ quan tiền viêm như tế bào mast, tế bào lympho T, bạch cầu hạt,… Với cơ chế này, liệu pháp ánh sáng có thể giảm nhẹ triệu chứng trên da và ngăn chặn hình thành các đám tổn thương mới.

Can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách giúp kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn và giảm nguy cơ bệnh tái phát. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tối ưu, nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Cách ly với yếu tố kích thích

Yếu tố kích thích (dị nguyên) có vai trò quan trọng trong cơ chế khởi phát bệnh viêm da cơ địa. Các yếu tố này có thể khiến bệnh tái phát hoặc làm nghiêm trọng tổn thương da.

Bệnh viêm da cơ địa có lây không
Căng thẳng thần kinh có thể kích thích viêm da cơ địa và các dạng viêm da mãn tính tái phát

Do đó để phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát, cần chủ động cách ly với các yếu tố sau:

  • Tránh tiếp xúc với quần áo có chất liệu len dạ, hóa chất, côn trùng, mủ thực vật, bụi bẩn, nấm mốc, lông chó mèo,…
  • Căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố kích thích viêm da cơ địa và các bệnh viêm da mãn tính bùng phát. Do đó bạn nên sinh hoạt – làm việc khoa học, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe và kiểm soát căng thẳng.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có khả năng dị ứng cao như rượu bia, hải sản, đậu phộng, đậu tương, lúa mì,…
  • Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp mà còn kích thích hệ miễn dịch và gây bùng phát bệnh viêm da cơ địa. Do đó, bạn nên từ bỏ thói quen này để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa tổn thương da tái phát.
  • Vệ sinh không gian sống thường xuyên, trồng nhiều cây xanh và sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi mịn, chất gây dị ứng,…
  • Giữ ấm cơ thể và tăng cường dưỡng ẩm da khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
  • Không nên tắm với nước quá lạnh hoặc quá nóng, đồng thời chỉ tắm trong khoảng 10 – 15 phút. Tắm quá lâu có thể khiến da khô, bong tróc và dễ tái phát tổn thương do viêm da cơ địa.

Trên đây là những thông tin giải đáp vấn đề “Bệnh viêm da cơ địa có lây không? Phòng ngừa như thế nào?”. Để được tư vấn rõ hơn về các biện pháp điều trị và dự phòng tái phát, bạn nên chủ động thăm khám và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.