10+ cách giảm axit uric trong máu – Ngừa Gout hiệu quả

Uống nhiều nước, sử dụng các thực phẩm chứa ít purin, bổ sung vitamin C là những cách giảm axit uric trong máu đơn giản, an toàn. Nếu bạn đang bị dư thừa axit uric, hãy bỏ túi ngay những mẹo sau để ngăn ngừa bệnh gout hiệu quả.

Cách giảm axit uric trong máu

Axit uric là sản phẩm được sinh ra trong quá trình chuyển hóa nguồn purin ngoại sinh được dung nạp vào từ thực phẩm. Bình thường, thận có nhiệm vụ đào thải khoảng 80% axit uric dư thừa qua đường tiết niệu và 20% còn lại sẽ được đào thải thông qua đường tiêu hóa và hoạt động bài tiết mồ hôi. Điều này sẽ giúp giữ cho nồng độ axit uric luôn được duy trì ở mức ổn định là 420 micromol/lít ( ở nam giới) và 360 micromol/lít ( ở nữ giới).

Ở một số người, axit uric không được đào thải hết khiến hàm lượng chất này trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Điều này dẫn đến tình trạng tăng axit uric trong máu.

Nồng độ axit uric máu tăng cao kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Chính vì vậy, bạn nên sớm tìm cách để loại bỏ lượng axit dư thừa ra khỏi cơ thể để bảo vệ sức khỏe của mình.

Ngoài thuốc, bạn có thể áp dụng một số giải pháp tự nhiên dưới đây để làm giảm axit uric trong máu:

1. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là một cách đơn giản để làm giảm axit uric trong máu. Người bệnh được khuyên nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để kích thích hoạt động tiểu tiện, giúp thận có khả năng đào thảo axit uric tốt hơn.

cách giảm axit uric trong máu
Uống nhiều nước là cách giảm axit uric trong máu đơn giản

Hãy nhắc nhở bản thân uống nước đều đặn nhiều lần trong ngày ngay cả khi không thấy khát. Đặc biệt, những lúc lao động ngoài trời, cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc sau khi chơi thể thao thì cần uống nhiều nước hơn để ngừa mất nước, đồng thời ngăn không cho axit uric có cơ hội kết tủa thành tinh thể muối urat gây nên bệnh gout.

Các loại nước tốt nhất cho người bị tăng axit uric máu bao gồm:

  • Nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội
  • Nước dừa
  • Sữa không đường hoặc sữa tách béo
  • Các loại nước ép trái cây: Nước dứa, nước ép anh đào, dưa chuột, dâu tây
  • Nước khoáng kiềm

2. Thận trọng khi dùng thuốc tân dược

Tránh sử dụng một số loại thuốc tây nhất định có thể giúp làm giảm axit uric trong máu, giúp bệnh nhân bị gout có thể kiểm soát tốt bệnh.

Nếu bạn đang được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu (Lasix, hydrochlorothiazide ) hay thuốc ức chế miễn dịch, tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi loại thuốc khác nếu có thể. Sử dụng các thuốc trên kéo dài có thể khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao.

Bên cạnh đó, khi sử dụng bất cứ loại thuốc tân dược nào, bạn cũng cần được sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng. Tránh tùy tiện mua thuốc về uống không chỉ gây rối loạn chuyển hóa mà còn dẫn đến nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe.

3. Giảm cân nếu cần thiết

Đối với những người đang bị béo phì, giảm cân có thể góp phần đưa mức axit uric trong máu trở về ngưỡng cho phép.

Nghiên cứu cho thấy, thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa dẫn đến sự tăng nồng độ axit uric trong máu, đồng thời dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường và cả bệnh gout.

cách giảm axit uric trong máu bằng giảm cân
Giảm cân có thể giúp loại bỏ bớt lượng axit uric dư thừa trong máu

Đặc biệt, nếu đang bị bệnh gout, cân nặng dư thừa sẽ khiến khớp chịu nhiều sức ép gây đau nhức dữ dội hơn và làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng.

Do vậy, việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là vô cùng cần thiết đối với người đang bị dư thừa axit uric. Để giảm cân, người bệnh nên lựa chọn các biện pháp an toàn, cho hiệu quả lâu dài như tập thể dục, xây dựng chế độ ăn uống khoa học… Tuyệt đối không được uống thuốc giảm cân hoặc nhịn ăn vì những giải pháp phản khoa học này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

4. Cách làm giảm axit uric bằng giấm táo

Nghiên cứu cho thấy, thường xuyên sử dụng giấm táo có thể giúp làm giảm đáng kể lượng axit uric trong máu. Nguyên liệu này chứa axit malic có thể giúp phá vỡ tinh thể muối urat và tăng cường khả năng đào thải chất độc cũng như axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.

Bên cạnh đó, sử dụng giấm táo đúng cách còn giúp hỗ trợ giảm cân, chống lại tình trạng sưng viêm ở khớp cho các trường hợp mắc bệnh gout.

Cách giảm axit uric trong máu bằng giấm táo như sau:

  • Cách 1: Lấy 3 thìa giấm táo pha với 250 ml nước ấm. Uống hỗn hợp này sau bữa ăn khoảng 1 tiếng. Tránh uống nước giấm táo khi đang đói bụng sẽ khiến cho dạ dày khó chịu.
  • Cách 2: Lấy 2 thìa giấm táo pha với 2 thìa mật ong và 250ml nước ấm. Uống mỗi ngày 1 lần. Mật ong có tính kiềm sẽ giúp trung hòa axit uric, đồng thời tạo ra vị ngọt tự nhiên giúp cho nước giấm táo dễ uống hơn.

5. Mẹo giảm axit uric trong máu bằng hạt cần tây

Hạt cần tây được sử dụng như một loại vũ khí tự nhiên để chống lại tình trạng tăng axit uric máu, đồng thời ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gout..

Một nghiên cứu được thực hiện trên 85 bệnh nhân bị cho thấy, hạt cần tây phát huy được tác dụng giảm axit dư thừa chỉ sau 3 – 6 tuần sử dụng mà không gây ra tác dụng phụ như thuốc tây. Loại hạt này cung cấp nhiều hoạt chất quý có khả năng cứ chế hoạt động của enzym xanthin oxidase – một chấ đóng vai trò quan trọng đến quá trình sản xuất axit uric tại gan.

cách giảm axit uric trong máu bằng hạt cần tây
Hạt cần tây có tác dụng làm giảm axit uric trong máu mà không gây bất cứ tác dụng phụ nào

Ngoài ra, hạt cần tây còn chứa nhiều hoạt chất có lợi như:

  • Luteolin: Chất này có tác dụng giảm đau, ngăn chặn sự hình thành của phản ứng viêm tại khớp, giảm sưng đau khớp cho người mắc bệnh gout
  • Vitamin C và Kali: Đây là hai chất có tác dụng kiềm hóa axit uric dư thừa trong máu.
  • Phenolic, omega 6, tannin, saponin và các loại acid: Giúp chống viêm, giảm đau, bảo vệ cho khớp.

Để làm giảm axit uric trong máu và tận dụng được tối đa những lợi ích mà hạt cần tây mang lại cho sức khỏe, mỗi ngày bạn hãy dùng 1/2 muỗng hạt cần tây khô. Chú ý bỏ vào miệng nhai kỹ và uống với thật nhiều nước để tránh làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày.

6. Duy trì một chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống hàng ngày có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng của nồng độ axit uric trong máu. Theo đó thì việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều nhân purin trong bữa ăn sẽ làm tăng lượng axit uric được sản xuất.

Việc cắt giảm những thực phẩm này chính là giải pháp hữu hiệu giúp bạn nhanh chóng loại bỏ bớt được lượng axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa bệnh gout phát triển.

Các thực phẩm có hàm lượng purin cao người bị tăng axit uric nên hạn chế sử dụng bao gồm:

  • Các loại thịt có màu đỏ: Thịt bò, thịt bê, thịt trâu, thịt dê, thịt cừu…
  • Cá biển
  • Gà tây
  • Nấm
  • Rau mầm
  • Động vật có vỏ
  • Nội tạng động vật

Thay vì sử dụng các thực phẩm trên, bạn hãy lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp hoặc có khả năng đào thải axit uric một cách tự nhiên. Điều này có thể giúp giảm dần nồng độ axit uric trong máu.

Các thực phẩm được được khuyến khích sử dụng cho người bị tăng axit uric máu bao gồm:

  • Sữa ít béo hoặc các sản phẩm từ sữa
  • Các loại hạt
  • Khoai tây
  • Bánh mì
  • Súp lơ
  • Bí đỏ
  • Cải bẹ xanh
  • Cần tây

Duy trì một chế độ ăn ít purin sẽ giúp ổn định nồng độ axit uric trong máu và ngăn ngừa bệnh gout phát triển. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng, không phải ai bị gout cũng có chế độ ăn nhiều purin. Căn bệnh này còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nên cần tìm hiểu kỹ để có hướng khắc phục bệnh cho phù hợp.

7. Bổ sung vitamin C cũng giúp làm giảm axit uric trong máu

Một nghiên cứu được thực hiện tại Trường đại học British Columbia, Canada đã chỉ ra, những người đàn ông được bổ sung 500mg vitamin C mỗi ngày đã giảm được 15% nguy cơ bị bệnh gout.

cách giảm axit uric trong máu bằng vitamin C
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp tăng cường đào thải axit uric trong máu

Vitamin C cũng hoạt động tích cực trong việc làm giảm axit uric trong máu. Khi được đưa vào cơ thể, loại vitamin này hoạt động bằng cách thúc đẩy thận dễ dàng tái hấp thu axit uric và đào thải ra ngoài qua hoạt động tiểu tiện.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc bổ sung vitamin C. Ngoài ra, một số thực phẩm có thể giúp cung cấp hàm lượng vitamin C dồi dào cho cơ thể như:

  • Cam
  • Quýt
  • Dâu tây
  • Thanh long
  • Bưởi
  • Kiwi
  • Các loại rau có lá màu xanh đậm…

8. Uống cà phê

Nếu bạn đang tìm cách làm giảm axit uric trong máu, hãy nghĩ đến cà phê. Sử dụng thức uống này với mức độ hợp lý có thể giúp ổn định nồng độ axit uric, ngăn chặn sự phát triển của bệnh gout.

Nghiên cứu cho thấy nữ giới uống từ 1 – 3 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm được đến 22% nguy cơ bị bệnh gout so với nhóm đối tượng không có thói quen uống cà phê. Tác dụng này có được là nhờ vào khả năng tăng cường đào thải axit uric của các chất có trong cà phê.

9. Hạn chế lượng bia rượu tiêu thụ

Thường xuyên uống nhiều bia rượu có thể làm tăng lượng axit uric được sản xuất. Loại thức uống có cồn này cũng khiến chức năng hoạt động của thận bị suy yếu nên không thể đào thải hết được lượng axit uric dư thừa trong máu. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các tinh thể urat sắc nhọn bám bên ngoài khớp gây kích hoạt cơn đau và làm triệu chứng bệnh gout bùng phát.

cách làm giảm axit uric trong máu
Cắt giảm lượng bia rượu tiêu thụ giúp kiểm soát tốt axit uric trong máu

Ngoài ra, lạm dụng các thức uống có cồn còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau dạ dày, xơ gan, ung thư… Để nhanh chóng làm giảm được lượng axit uric trong máu và bảo vệ sức khỏe của mình, tốt nhất bạn nên cắt giảm tối đa lượng bia rượu tiêu thụ.

10. Cách làm giảm axit uric bằng lá tía tô

Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình Việt. Thế nhưng ít ai biết được rằng thực phẩm này có khả năng làm giảm axit uric trong máu, hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Phân tích thành phần của thân và lá cây tía tô cho thấy những bộ phận này đều chứa nhiều vitamin A, C và photpho… Những chất này có tác dụng ức chế quá trình sản xuất axit uric. Đồng thời chúng cũng hoạt động như một phương thuốc giảm đau, kháng viêm tự nhiên, giúp giảm sưng đau khớp cho các trường hợp đang bị bệnh gout tấn công.

Để ổn định nồng độ axit uric trong máu, bạn nên thêm lá tía tô vào trong bữa ăn hàng ngày. Ăn sống hoặc nấu chín đều được. Ngoài ra, có thể dùng thân và lá tía tô đem nấu nước uống thay trà hàng ngày trong vài tuần liên tục.

11. Dùng thuốc giảm axit uric do bác sĩ kê đơn

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để nhanh chóng loại bỏ được lượng axit uric dư thừa trong máu ra khỏi cơ thể như: Zyloprim, Uloric, Sulfinpyrazone, Anturane, Krystexxa, Rasburicase…

cách làm giảm axit uric trong máu bằng thuốc
Một số loại thuốc tây có thể giúp làm giảm axit uric dư thừa trong máu nhanh chóng

Chúng đều là thuốc kê đơn và chỉ được phép sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp. Việc tự ý lạm dụng thuốc giảm axit uric có thể gây nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe như:

  • Nóng sốt
  • Nước tiểu có lẫn máu
  • Đau đầu
  • Da nổi mẩn ngứa, phát ban
  • Tiêu lỏng
  • Đau nhức cơ
  • Buồn ngủ…

Trên đây là những cách làm giảm axit uric trong máu đơn giản đang được áp dụng phổ biến. Việc kiểm soát tốt nồng độ axit uric sẽ giúp bạn tránh được sự tấn công của bệnh gout, bảo vệ sức khỏe xương khớp.